Cô giáo đồng tính trải lòng về chuyển giới

Cô giáo đồng tính trải lòng về chuyển giới

Thứ 3, 12/03/2013 | 10:25
0
Cách đây 4 năm, một người đàn ông mang tâm hồn phụ nữ sau nhiều năm sống trong đau khổ đã tìm lại được hạnh phúc của chính mình khi sang Thái Lan chuyển đổi giới tính.

Gian nan hành trình tìm lại chính mình

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp mặt Trâm lần đầu, Trâm là cô gái có chất giọng nhẹ nhàng, tính tình vui vẻ, tự tin và khá thân thiện. Gặp chị trước giờ đứng lớp luyện thi tại quận 4, ở Trâm toát lên sự năng động, trí thức, duyên dáng của một người phụ nữ hiện đại. Nhưng để có được như ngày hôm nay, chị đã phải đi một quãng đường dài với không ít nước mắt và chịu đựng sự đau đớn về thể xác và tinh thần.

Phạm Lê Quỳnh Trâm trước khi sang Thái Lan là một người mang hình hài đàn ông, với tên khai sinh là Phạm Văn Hiệp. Sinh ra ở TP.HCM, nhưng cuộc sống khốn khó đã đẩy gia đình chị lên tận vùng đất Bình Phước. Từ nhỏ, Quỳnh Trâm đã ý thức được sự khác lạ về giới tính của mình. Bên trong hình hài một người đàn ông đó là tính cách nữ nhi. Nhưng sống ở vùng quê nghèo vào những năm 90 của thế kỷ trước, người như chị chỉ biết giấu kín thân phận của mình. Chị phải để tâm hồn mình giằng co trong cái hình dáng của một người đàn ông bình thường.

Xã hội - Cô giáo đồng tính trải lòng về chuyển giới

Lớp luyện thi đại học của cô Quỳnh Trâm.

Buồn bã nhưng chị vẫn không nguôi khao khát trở thành một người phụ nữ. Trâm mong muốn mình được yếu đuối, dịu dàng và được chở che, bao bọc. Bước vào tuổi dậy thì, cơ thể chị cũng có những thay đổi như những người phụ nữ bình thường khác. Trâm chỉ biết lo sợ mà không dám nói với bất kỳ ai. Rồi cô nghĩ ra "sáng kiến" che giấu cơ thể bằng cách ăn thật nhiều để mập lên. Kết quả là sau một thời gian ngắn, chị tăng từ 40kg lên 84kg, trong khi chỉ cao 1,57m.

Dường như ông trời không bao giờ lấy hết của ai thứ gì khi ban cho Trâm một trí tuệ thông minh hiếm có. Tốt nghiệp lớp 12, chị thi đậu đại học và học song song hai trường đại học Kinh tế TP.HCM và học viện Ngân hàng. Khi đó, lòng chị vẫn không thôi khao khát được là chính mình, với hình hài của một phụ nữ. Năm 2006, một bác sĩ tại TP.HCM khuyên chị nên sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới. Sau đó, Trâm quyết định nghỉ học, tập trung toàn thời gian vào việc dạy thêm kiếm tiền để thực hiện ước mơ của đời mình.

Nói chuyện với chúng tôi, Trâm tâm sự: "Tôi sinh ra là một người không may mắn. Nhưng thay vì ngồi đó than thân trách phận hay chờ người khác giúp đỡ, tôi nghĩ phải tự cứu lấy mình đã". Sau những tháng ngày đạp xe khắp thành phố dạy thêm và 2 năm trải qua những cuộc phẫu thuật đau đớn cắt từng thớ thịt, chị đã tái sinh biến thành một người phụ nữ.

Trở về Việt Nam, lại là một hành trình gian nan khi chị phải đối diện với sự kì thị của xã hội. Đầu tiên là những rắc rối khi xin thay đổi giấy tờ tùy thân. Những ngày ở quê, chị đã từng có thời gian bị kỳ thị ghê gớm. Nửa đêm, đang ngủ, Trâm bị ném đá, giật cửa ầm ầm. Thậm chí, ly nước chị uống rồi không ai dám uống lại. Sau đó cả năm trời Trâm ngược xuôi từ tỉnh về huyện, từ huyện lên tỉnh để xin được thay đổi giấy tờ tùy thân từ Phạm Văn Hiệp, giới tính nam sang Phạm Lê Quỳnh Trâm, giới tính nữ. Cuối năm 2009, sau khi làm một số xét nghiệm y tế tại bệnh viện đa khoa Bình Phước, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã chấp nhận yêu cầu về trường hợp của chị. Ngày cầm tờ giấy quyết định trong tay, chị đã khóc trong niềm hạnh phúc. Vì từ đây, Trâm đã có thể sống cuộc đời thật của mình và được pháp luật thừa nhận.

Từ đó cho tới nay, Trâm vẫn ngày ngày bận rộn với các lớp luyện thi đại học 3 môn Toán - Lý - Hóa. Từ chỗ lớp học vắng hoe vì phụ huynh không dám cho con mình theo học cô giáo chuyển giới thì giờ đây lớp của cô giáo Quỳnh Trâm rất đông học trò. Chị trả lời sự kì thị của xã hội với mình bằng kết quả luyện thi. Tất cả các em tiến bộ nhanh chóng và nhiều học sinh của Trâm đã thi đỗ đại học.

Giờ đây, khi kinh tế ổn định, với các em học trò có hoàn cảnh khó khăn, chị đều dạy học miễn phí. Trâm bảo đó là một cách để trả ơn cuộc đời. Bởi cuộc đời đã cho chị cơ hội để được là chính mình. Một cô gái chuyển giới có thể đứng vững trên đôi chân của mình, được nhiều người tin yêu và cũng có một tình yêu hạnh phúc như những người con gái khác.

Nhưng cuộc đời vẫn chưa thôi thử thách chị. Gần đây, chị nhận được tin sở Tư pháp Bình Phước đề nghị thu hồi các quyết định ban hành ngày 5/11/2009 của UBND huyện Chơn Thành và giấy xác nhận lại giới tính của mình.

Xã hội - Cô giáo đồng tính trải lòng về chuyển giới (Hình 2).

Cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm.

Chỉ mong được sống bình yên

Quỳnh Trâm chia sẻ, chị chưa nhận được văn bản chính thức từ sở Tư pháp Bình Phước. Tuy nhiên, khi nghe thông tin trên báo chí, chị rất buồn và sốc. Đêm đó, Trâm không ngủ được. 4 năm qua, chị không làm điều gì xấu dưới cái tên Phạm Lê Quỳnh Trâm của mình. Chị luôn sống tốt và cố gắng sống có ích cho xã hội. Trâm lo lắng vì hình hài chị bây giờ là một phụ nữ, nếu thay đổi giấy tờ lại thành Phạm Văn Hiệp thì không biết phải làm sao với giấy tờ nhà cửa, xe cộ, thẻ hộ chiếu, chứng minh nhân dân...

Rồi Trâm băn khoăn tại sao 4 năm qua không cơ quan chính quyền nào có động tĩnh nào phản đối thì nay lại muốn thu hồi lại quyết định chuyển giới của mình. Trâm cho biết, nếu nhận được quyết định thu hồi, chị sẽ khiếu nại đòi lại sự công bằng và quyền lợi cho mình.

Những ngày này, cuộc sống của chị diễn ra trong sự lo lắng. Trâm hoang mang về những khó khăn mà chị sẽ phải trải qua nếu chính thức nhận văn bản thu hồi quyết định chuyển giới từ sở Tư pháp Bình Phước. Và chị bỗng nhiên trở nên nổi tiếng bất đắc dĩ. Giờ đây, sự việc của chị được mọi người quan tâm theo dõi và trở thành đề tài bàn tán sôi nổi. Đa phần người dân bày tỏ quan điểm ủng hộ chị. Điều nay khiến Trâm hạnh phúc và an tâm hơn. Chị biết sẽ có rất nhiều người luôn sát cánh bên mình. Tuy nhiên, việc mọi người quan tâm, sát cánh bên chị với việc cơ quan chức năng thu hồi giấy chuyển đổi giới tính là hai chuyện hoàn toàn khác nhau và Trâm lo sợ điều đó.

Trâm ngậm ngùi tâm sự: "Tôi mong rằng những ngày này mau chóng qua đi để có thể trở lại với công việc của một cô giáo. Để tôi không phải lo lắng phân tâm nữa. Tôi sẽ được sống bình yên với thân phận của một người phụ nữ, với thiên tính mà số phận và ông trời đã ban tặng. Tôi tự hào vì bây giờ mình là một người phụ nữ. Tuy nhiên, khao khát đó với tôi sao vẫn còn quá đỗi gian nan?".         

Các quyết định công nhận chuyển giới là trái luật

Ngày 21/1, UBND tỉnh Bình Phước cho biết, đã có công văn đề nghị sở Tư pháp tỉnh tham mưu thu hồi và hủy bỏ 2 quyết định xác định lại giới tính cho anh Phạm Văn Hiệp (39 tuổi, ngụ thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) từ nam sang nữ và thay đổi tên cho anh Phạm Văn Hiệp thành "chị" Phạm Lê Quỳnh Trâm do UBND huyện Chơn Thành bàn hành trước đó. Theo UBND tỉnh Bình Phước, các quyết định của UBND huyện Chơn Thành công nhận anh Phạm Văn Hiệp là công dân đầu tiên của Việt Nam chuyển giới từ anh thành "chị" là trái luật. Công văn cũng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định những cán bộ, công chức đã trực tiếp tham mưu và giải quyết vụ việc trên.   

Hương Lam

Vụ chuyển giới: Lẽ nào gọi chị là 'anh'

Thứ 3, 29/01/2013 | 14:31
Nhiều người cho rằng, chắc chắn khi Bộ Tư pháp đã vào cuộc, chỉ đạo thì cơ sở pháp lý của thủ tục xác định lại giới tính của anh Hiệp không cần phải bàn cãi nhiều.

'Chuyển giới gặp khó, gọi tôi'

Thứ 2, 28/01/2013 | 13:45
TS Trần Thất, vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp - Bộ Tư pháp, cho biết sẵn sàng giúp đỡ những người chuyển đổi giới tính thay đổi hộ tịch để họ được sống là chính mình.

'Cô giáo chuyển giới', pháp lý hay tình cảm?

Thứ 5, 24/01/2013 | 20:43
Chỉ vài ngày sau khi công văn của UBND tỉnh Bình Phước (ngày 21/1/2013) đề nghị Sở Tư pháp tham mưu thu hồi và hủy bỏ 2 quyết định xác định lại giới tính, thay đổi hộ tịch của anh Phạm Văn Hiệp từ nam sang nữ, cái tên “cô gái chuyển giới” Phạm Lê Quỳnh Trâm một lần nữa lại dậy sóng dự luận.

Chuyện phòng the của người chuyển giới

Thứ 3, 22/01/2013 | 10:51
Chuyện phòng the của những người chuyển đổi giới tính vẫn diễn ra bình thường. Thậm chí, nếu gặp đối tác tốt, họ còn được viên mãn hơn so với nhiều cặp bình thường khác.