Trắng đêm với “phu” gà ở chợ đầu mối

Trắng đêm với “phu” gà ở chợ đầu mối

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Nằm sát cạnh chân cầu Thăng Long, chợ đầu mối Hải Bối (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) từ lâu được xem như một trong những chợ đầu mối lớn, cung cấp gia cầm cho thành phố Hà Nội.

"Khi mọi người ngủ ngon thì chúng tôi đi làm"

Chợ đầu mối Hải Bối được chia làm hai khu vực riêng biệt, phân cách rõ ràng bằng bức tường ngăn. Một bên chuyên bán thịt gia súc, còn bên kia chuyên bán gia cầm. Chợ rục rịch từ 12h đêm, nhưng rầm rộ khoảng 2h sáng. Các tiểu thương chở hàng từ khắp nơi, ùn ùn xe lớn, xe nhỏ đổ về chợ với mặt hàng chủ yếu là gà, vịt, ngan.

Thông thường, gia cầm được chở đến bằng ô tô, sau đó, các tiểu thương sẽ lấy hàng và phân phối đi khắp nơi trong nội đô bằng xe máy. Chợ bán gia cầm rất rộng, nhìn đâu cũng thấy gà, vịt nằm kín trên mặt đất, kêu inh ỏi cả chợ. Người mua, bán trao đổi, vận chuyển tấp nập, các xe nối đuôi nhau trên con đường dẫn lên cầu Thăng Long vào trung tâm thành phố.

Trong vai một người cần nguồn hàng, PV ghé vào một hàng gà ở cuối chợ, lúc này, có khá nhiều người đang vây quanh những sọt hàng để mặc cả. Theo quan sát của PV, giá cả ở đây tùy vào chất lượng gia cầm. Tuy người chủ luôn miệng quảng cáo hàng chất lượng cao và đồng giá nhưng mức giá bán cũng không cố định cụ thể. Càng về cuối buổi, giá càng được hạ xuống, chất lượng hàng vì thế cũng giảm theo. Thậm chí, chủ hàng sẵn sàng bán gà với giá rẻ một cách bất ngờ: 15 nghìn đồng/kg hơi.

Nhịp sống - Trắng đêm với “phu” gà ở chợ đầu mối

Một góc của chợ bán gia cầm Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội)

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, gia cầm chủ yếu được nhập về từ các trang trại xung quanh Hà Nội hoặc từ Trung Quốc chuyển sang. Các chủ hàng nhập hàng qua những mối lớn và chuyển đến đây để bán. Chợ chỉ đổ buôn chứ không bán lẻ. Bởi vậy, những mối đổ hàng đều là khách quen, đã nhập lâu năm.

Một tiểu thương cho biết: "Chúng tôi chủ yếu mua gia cầm sống, sau đó, mang đến phân phối ở các chợ nhỏ, lẻ. Quá trình giết mổ do chính chúng tôi thực hiện. Nếu ai cần hàng với số lượng lớn mà không có thời gian giết mổ thì thuê trực tiếp đội giết mổ thuê ở chợ". Tuy nhiên, cũng theo tiểu thương này, hầu hết những lái buôn nhỏ không thuê giết mổ để tiết kiệm chi phí. Những lò giết mổ trong chợ hầu hết là của các chủ hàng lớn, có mối đổ tin cậy và liên tục.

Lang thang quanh chợ, chúng tôi thấy, trước mỗi cửa hàng là một đống chai, lọ vứt ngổn ngang trên mặt đất. Qua tìm hiểu, được biết, đây là dụng cụ các tiểu thương dùng để "nhồi" gà, vịt nặng hơn. Thông thường, do không đủ thời gian, nên những chủ hàng lớn sẽ ít "nhồi" hơn so với các tiểu thương. Trong khi đó, những lái buôn nhỏ lại rất chăm chỉ với công việc của mình. Dưới ánh sáng mờ của đèn chợ, họ ngồi sát vào nhau để "nhồi" cho gia cầm bằng đủ thứ.

Ngoài những nguyên liệu truyền thống là bánh đúc, người bán hàng còn dùng cám tăng trọng, trộn với nước và bơm trực tiếp vào diều của gà, vịt thông qua một ống nhựa mềm, to bằng ngón tay. "Làm như vậy vừa nhanh, vừa tiện, mà vẫn đảm bảo gà tăng được một lượng nhất định. Cám mềm trộn với nước có thể tránh làm cho gà, vịt bị chết vì bội thực" - một tiểu thương chia sẻ.

Nhưng điều lạ là, hầu hết người mua đều không quan tâm đến việc gia cầm bị "nhồi". Gần như đây là một quy định ngầm được mọi người chấp nhận. Thậm chí, người mua còn có lợi khi gia cầm bị "nhồi". "Làm vậy mình đỡ mất công "nhồi" lại mà không tốn nguyên liệu và cũng không mất thời gian. Nếu như người bán cảm thấy gà, vịt của mình bị hao đi thì có thể "nhồi" thêm cũng chưa muộn" - một người mua hàng tiết lộ. Do đó, mỗi một cân gia cầm, người bán "ăn ra" 1 - 1,5 lạng hơi. Với những tiểu thương buôn nhỏ, số lượng dôi ra không nhiều, nhưng với chủ buôn lớn, khối lượng dư ra lại rất lớn và có lãi nhiều.

Lênh đênh kiếp "phu" gà

Bên cạnh khu bán gia cầm rộng lớn đang hoạt động rất sôi nổi, là khu giết mổ có vẻ trầm lặng hơn. Hai khu này có khung giờ hoạt động khác nhau. Chợ gia cầm hoạt động sôi nổi từ khoảng 2h đến 4h sáng. Khi chợ vãn, các lò giết mổ bắt đầu hoạt động với số lượng người làm việc rất đông. Các lò mổ trong chợ hoạt động chủ yếu từ khoảng 4h đến 6h sáng.

Theo quan sát của PV Người đưa tin, khu giết mổ ở chợ Hải Bối khá sạch sẽ và rộng rãi. Hai dãy nhà nằm đối diện nhau được phân chia thành từng phòng nhỏ. Mỗi phòng đặt một nồi nước nóng ở đằng sau. Người đàn ông sẽ phụ trách việc giết gà, vịt và nhúng chúng vào nước sôi. Việc vặt lông sẽ do phụ nữ làm. Mỗi một phòng có khoảng từ 5 đến 10 người làm việc liên tục. Người ta gọi những người phụ nữ này là "phu" gà.

Nhịp sống - Trắng đêm với “phu” gà ở chợ đầu mối (Hình 2).

Các "phu" gà đang miệt mài làm việc

Chị M. - một "phu" gà đã làm việc ở đây gần 4 năm - cho biết, nhà chị có 6 người, gồm hai vợ chồng và bốn đứa con. Các con chị đều đang tuổi đi học. Trước đây, gia đình làm nông nghiệp, quanh năm trông vào mấy sào ruộng. Chồng chị làm nghề thợ xây. Nhưng khi xã hội đô thị hóa, chị không còn đất sản xuất nên hai vợ chồng tứ tán khắp nơi tìm kế sinh nhai.

Chị từng đi buôn hoa quả nhưng không có lãi mấy nên bỏ. Sau này, chị theo mấy chị em trong làng ra đây làm nghề giết mổ gia cầm. Hàng ngày, cứ khoảng 2h sáng, chị cùng một số chị em trong làng đạp xe mấy cây số đến đây để làm việc. "Tuy phải thức đêm, thức hôm nhưng thu nhập cũng khá ổn định. Mỗi hôm, tôi kiếm được khoảng 150.000 đồng, xong việc vẫn có thể về nhà lo liệu công việc gia đình. Vì thế, tuy công việc vất vả nhưng tôi không muốn bỏ". Nhiều khi đi làm, chị còn mang theo một túi nilon to để đựng lông vịt, đem về bán cho hàng đồng nát kiếm thêm đồng mắm, đồng muối.

Ngoài ra, công việc của chị còn phải làm việc với cánh đàn ông, chủ yếu là các chủ hàng. Những câu chuyện ra vào cho đỡ buồn ngủ cũng đem lại những tình huống dở khóc, dở cười. Có nhiều người bị tán tỉnh, trêu đùa, bị sàm sỡ, nhưng thân phận làm thuê, lấy công việc làm vui, những chuyện như vậy, các chị đành phải chấp nhận. Đôi khi, đó cũng như là trò vui cho đỡ buồn ngủ. Thế nhưng, nhiều người còn dính những trận đòn ghen vô cớ của vợ các chủ lái buôn. Hậu quả là có người phải bỏ việc hoặc xin sang làm cho chủ khác.

Một "phu" gà khác tâm sự: "Đã là thân phận đi làm thuê, chúng tôi phải quen những chuyện như vậy. Nghề này tuy vất vả nhưng có thể “sống được”. Làm những nghề khác cũng vất vả, nhưng chắc gì thu nhập được như thế này. Thôi thì vì miếng cơm mà đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" vậy".

Những người "phu" gà kết thúc công việc vào khoảng 6h sáng. Khi những tốp xe nối đuôi nhau chở gia cầm túa vào nội thành, cánh lái buôn dọn dẹp đồ để trở về nhà nghỉ ngơi, những "phu" gà mới lục tục kéo nhau ra về. Những đoàn xe đạp nối đuối nhau thành hàng, rồi tản đi khắp vùng, không còn để lại dấu vết gì của một buổi làm việc cực nhọc.

Theo tâm sự của chị M., nghề làm "phu" gà không chỉ làm đêm, hay vất vả chân tay mà còn có những nguy hiểm rình rập, nhiều khi tai nạn bất thường. Nhóm bạn cùng làng của chị có khoảng năm người và thường xuyên đi làm cùng nhau để đề phòng bất trắc. Chị cho biết, quãng đường về nhà chị rất vắng vẻ. Bọn nghiện thường xuyên lảng vảng để tìm cơ hội trấn lột tiền người đi đường. Có lần, chị bị mấy tên nghiện "hỏi thăm":. "Có bao nhiêu tiền trong người phải đem ra đưa cho chúng hết. Cũng may, nó lấy tiền xong rồi đi..." - chị M. kể.

Phạm Thiệu