Tranh cãi nảy lửa về thân thế vua Càn Long

Tranh cãi nảy lửa về thân thế vua Càn Long

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Cho tới nay, sự thật về thân thế của vua Càn Long, ông vua nổi tiếng và cũng lắm tai tiếng trong lịch sử Thanh triều, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc vẫn còn gây ra những tranh cãi không ngừng.

Các truyền thuyết dân gian, các bộ dã sử, tiểu thuyết “chúng khẩu đồng từ” khẳng định, Càn Long không phải là con của Ung Chính, cũng không phải dòng dõi Mãn Thanh mà là người Hán. Còn việc Càn Long ngồi được lên ngai vàng là nhờ một âm mưu tráo đổi diễn ra từ 25 năm trước đó.

Trong khi đó, các nhà sử học thì lại tuyên bố rằng, những câu chuyện về thân thế của Càn Long thực tế chỉ là một cách tự thỏa mãn của người Hán, những người vốn bị họ coi là “man di” nay lại đang thống trị họ…

Hình vẽ vua Càn Long

Những truyền thuyết ly kỳ

Một trong những truyền thuyết phổ biến nhất về thân thế của Càn Long lưu truyền trong các câu chuyện dân gian, các bộ tiểu thuyết, dã sử chính là giả thuyết Càn Long là con cháu dòng họ Trần ở Hải Ninh, Chiết Giang. Chuyện kể rằng, vào ngày 13 tháng 8 năm Khang Hy thứ 50, tức năm 1711, phủ của Ung Thân Vương, người sau này trở thành Hoàng đế Ung Chính, trở nên nhộn nhịp vui vẻ lạ thường. Hôm đó, Hoàng tử Ung Chính có thêm một đứa con.

Cùng trong ngày hôm đó, nhà họ Trần ở Hải Ninh cũng có thêm một đứa trẻ. Nhà họ Trần ở đây chính là chỉ Trần Thế Quán, hay còn gọi là Trần Các Lão, một người từng làm quan dưới thời Khang Hy và có quan hệ cực kỳ mật thiết với hoàng tử thứ 4, Ung thân vương Ung Chính.

Lúc bấy giờ, Vương phi của hoàng tử Ung Chính và vợ của Trần Các Lão đều mang thai. Không lâu sau đó, cả hai người cùng sinh vào một ngày, Vương phi của Ung Chính sinh ra một công chúa còn vợ của Trần thì sinh ra một đứa con trai. Ung Chính nghe nói con trai của Trần Các Lão sinh cùng ngày với công chúa của mình mới lệnh cho Trần mang con con vào vương phủ của mình để xem mặt. Lệnh của vương gia không thể không nghe, Trần Các Lão không còn cách nào khác đành phải mang con của mình đưa vào vương phủ.

Tuy nhiên, khi đứa bé được trả về cho nhà họ Trần thì ban đầu là con trai giờ lại hóa thành con gái. Làm quan đã nhiều năm, hiểu được rằng nếu nói ra chuyện này thì cả họ có thể bị giết sạch, Trần Các Lão đành phải im lặng, “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Ít lâu sau đó, Trần Các Lão chán nản, cáo lão về quê. Đứa con trai nhà họ Trần bị đánh tráo vào phủ Ung Chính sau này chính là Hoàng đế Càn Long.

Chuyện vua Càn Long là con trai của Trần Các Lão chứ không phải là con của Hoàng đế Ung Chính ngày càng được nhiều bộ dã sử và tiểu thuyết sử dụng như một tư liệu “chính thống”. Năm 1925, bộ sách “Thanh cung thập tam triều diễn nghĩa” của Hứa Tiếu Thiên khi viết về thân thế của vua Càn Long có chép: Càn Long vốn là con trai của Trần Các Lão ở Hải Ninh, Chiết Giang.

Sau bị Ung Chính dùng kế đánh tráo về làm con trai của mình. Càn Long lớn lên, biết được sự thực này từ miệng người vú nuôi của mình. Vì vậy, sau đó Càn Long mới mượn cớ vi hành phía Nam để đi Hải Ninh thăm cha mẹ đẻ của mình. Do vợ chồng Trần Các Lão đã qua đời từ lâu nên Càn Long chỉ còn cách đến trước mộ của hai người, dùng màn vàng che lại rồi làm lễ bái lạy tổ tiên.

Cho tới những năm gần đây, Kim Dung lại một lần nữa đưa truyền thuyết này vào bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Thư kiếm ân cừu lục” của mình. Toàn bộ câu chuyện xảy ra trong bộ tiểu thuyết này đều xoay quanh thân thế thực sự của vua Càn Long. Không chỉ có vậy, trong tác phẩm Kim Dung còn sáng tạo nên nhân vật công tử thứ 3 của Trần Các Lão, cũng tức là người em ruột của Càn Long trong dân gian – Trần Gia Lạc. Theo những gì Kim Dung viết trong tác phẩm của mình thì đứa em trai của Càn Long sau này đã trở thành Tổng đàn chủ của Hồng Hoa Hội, tổ chức lấy mục tiêu chống lại nhà Thanh phục hồi nhà Hán.

Để củng cố cho giả thuyết Càn Long không phải là con của Ung Chính mà cũng không thuộc dòng dõi người Mãn, các truyền thuyết dân gian, các bộ dã sử, tiểu thuyết còn đưa ra những bằng chứng được cho là “cực kỳ thuyết phục”. Đầu tiên là việc Càn Long 6 lần tuần du Giang Nam thì có tới 4 lần tới Hải Ninh, Chiết Giang và cả 4 lần đó đều ở trong khu vườn riêng của gia đình Trần Các Lão gọi là Ngung Viên. Càn Long còn đổi tên Ngung Viên của khu vườn này thành An Lan Viên (nghĩa là khu vườn yên bình).

Người ta cho rằng nếu như không phải có một mối liên hệ đặc biệt với nhà họ Trần thì việc Càn Long liên tục tìm đến nơi đây rất khó giải thích.

Thứ hai là trong phủ của họ Trần ở Hải Ninh có hai tấm hoành phi do các vua nhà Thanh chính tay ban tặng. Trên hai tấm hoành phi này lần lượt viết 5 chữ: “Ái nhật” và “Xuân Huy Đường”. Cả năm chữ này đều có nguồn gốc từ điển tích trong bài thơ “Du tử ngâm” của một nhà thơ đời Đường thể hiện tình yêu thương dành cho mẹ. Trong văn chương, hai từ “xuân huy” cũng nhằm để chỉ cha mẹ. Vì vậy, nếu như Càn Long không phải là con của Trần gia, vì sao lại tặng cho nhà họ Trần bức hoành phi với ba chữ “Xuân Huy Đường”.

Một chứng cứ khác là việc Ung Chính khi còn làm hoàng tử không có nhiều con. Khi đó, ngôi vị thái tử đã bị Khang Hy hai lần phế bỏ và vẫn chưa quyết định chọn ai. Để tranh thủ ngôi vị thái tử, Ung Chính đã không từ thủ đoạn nào để đem đứa con gái của mình đổi thành một hoàng tử. Việc Ung Chính sau này lên được ngôi thái tử, trở thành Hoàng đế nhà Thanh chính là nhờ việc Khang Hy nhìn thấy Càn Long mặt mũi sáng sủa, cho rằng có thể trở thành người kế thừa xuất sắc ngai báu của mình mới truyền ngôi lại cho cha của Càn Long là Ung Chính.

Bằng chứng thứ 4 là việc cô công chúa bị Ung Chính đưa trả về cho Trần Các Lão sau này lớn lên đã được gả cho gia đình một trọng thần trong triều đình, Tưởng Phổ, con trai của đại học sỹ Tưởng Đình Tích. Tưởng Phổ nhờ vậy cũng rất được hoàng đế sủng ái, phong tới chức Đại học sỹ. Sau này, những người dân địa phương còn đặt tên cho tòa lầu nơi vợ chồng Tưởng Phổ chung sống là “Lầu Công Chúa”.

Một bằng chứng nữa là việc dòng họ Trần trong suốt triều đại nhà Thanh tồn tại là dòng họ nổi tiếng về khoa bảng và được các Hoàng đế triều Thanh sủng ái vô cùng. Từ thời Trần Các Lão đã làm quan to cực phẩm. Nhiều người nói rằng là vì Ung Chính muốn “bù đắp” cho ông ta. Rồi đến thời con cháu của Trần Các Lão là Trần Sùng Lễ đỗ tiến sỹ được vua Quang Tự cho gọi vào cung gặp mặt. Biết rằng Trần Sùng Lễ là con cháu họ Trần, Quang Tự cười mỉm nói: “Người đã làm vững thêm danh tiếng của nhà họ Trần”. Và chẳng bao lâu sau đó, Trần Sùng Lễ đã được phong tới chức Diêm Vận Sứ, chức quan chuyên lo việc buôn bán muối trong cả nước dù tuổi còn rất trẻ. Nếu như không có mối quan hệ đặc biệt giữa Ung Chính, Càn Long và Trần gia thì làm sao Trần Sùng Lễ lại nhận được nhiều đặc ân như vậy?

Trong rất nhiều giả sử và truyền thuyết còn nói, Càn Long tự biết rằng mình là người Hán chứ không phải là người Mãn vì vậy khi ở hậu cung thường thích mặc quần áo theo phong tục của người Hán. Càn Long còn rất thích hỏi những người hầu cận xung quanh mình xem mình có giống như một người Hán hay không? Có lần khi Càn Long hỏi như vậy, một cận thần của Càn Long vội vàng quỳ xuống nói: “Đối với người Hán, Hoàng thượng giống như người Hán còn đối với người Mãn thì lại không giống”. Càn Long nghe câu nói ấy của vị đại thần trầm ngâm rất lâu sau đó vẫn không nói gì. Từ đó về sau Càn Long không bao giờ đề cập đến việc này nữa.

Trương Thiết Lâm trong vai vua Càn Long

Lý lẽ của các nhà sử học

Mặc dù từ các truyền thuyết lưu hành trong dân gian cho tới các tiểu thuyết dã sử đều đưa ra rất nhiều bằng chứng khẳng định rằng Càn Long không phải là con ruột của Ung Chính và cũng không phải là dòng dõi người Mãn, tuy nhiên, các sử gia lại khẳng định rằng đó là chuyện rất khó có thể xảy ra.

Đầu tiên là về lai lịch gia tộc họ Trần ở Hải Ninh, Chiết Giang. Dòng họ Trần ở Hải Ninh vốn có nguồn gốc từ họ Cao ở Bột Hải thuộc miền bắc về sau mới di cư tới vùng Giang Nam. Họ Trần bắt đầu thịnh lên vào những năm Vạn Lịch (1573-1620) dưới thời nhà Minh.

Trong đó, chi của Trần Nguyên Thành có mối quan hệ mật thiết với dòng họ Trần ở Hải Ninh mà người ta vẫn thường nhắc tới. Cháu của Trần Nguyên Thành là Trần Sằn làm quan tới chức Hình bộ Thượng thư. Con trai của Trần Sằn chính là Trần Thế Quán từng nhậm chức tuần phủ dưới triều Ung Chính rồi đến thời Càn Long năm thứ 6 thì được thăng chức thành Công bộ Thượng thư, rồi Văn Uyên các Đại học sỹ. Trần Thế Quán chính là Trần Các Lão người được các câu chuyện truyền thuyết và dã sử cho rằng chính là cha đẻ của Càn Long.

Việc cháu của Trần Thế Quán là Trần Dụng Phu làm quan tới chức Tuần phủ nhưng đó là việc xảy ra ở cuối thời kỳ Càn Long trị vì. Như vậy thì việc dòng họ Trần ở Hải Ninh liên tục được phong các chức vụ quan trọng trong triều đình bắt đầu từ cuối thời nhà Minh cho tới thời Khang Hy và Ung Chính thì đạt đến đỉnh cao. Cho tới trước khi Càn Long lên ngôi, rất nhiều người làm quan to của dòng họ Trần đã qua đời, Trần Các Lão còn sống, song không hề nhận được sự quan tâm đặc biệt của Càn Long.

Vào năm Càn Long thứ 6, tức năm 1741, Trần Các Lão được thăng chức làm Nội các Đại học sỹ. Tuy nhiên không lâu sau đó do việc soạn thảo chỉ dụ bị sai nên bị cách chức. Không chỉ có vậy, ngay trước mặt họ Trần lẫn các quần thần, Càn Long đã trách mắng ông ta rằng: “Không có năng lực, kém phẩm chất, không xứng đáng với chức vụ của mình”.

Trước mặt một quan đại thần mà trách mắng đến như vậy thì có thể thấy Càn Long chẳng coi trọng Trần Các Lão bao nhiêu, vì rằng đến một vị đại thần bình thường của triều vua trước cũng không tới mức bị đối xử thậm tệ như vậy. Vì vậy, không thể có chuyện Trần Các Lão là cha đẻ của Càn Long như lời người ta đồn đoán.

Về việc dòng họ Trần được trọng dụng có lẽ là do chính sách trọng dụng nhân tài người Hán của nhà Thanh kể từ thời Khang Hy trở đi. Khi nhà Thanh dẫn quân vào Trung Nguyên, họ đã tiến hành một cuộc thảm sát đẫm máu đối với những người Hán ở Giang Nam có thái độ chống đối quyết liệt đối với sự xâm lược của nhà Thanh. Vì vậy, tinh thần phản Thanh ở khu vực Giang Nam quyết liệt hơn hẳn những khu vực khác.

Cho tới thời Khang Hy, triều đình nhà Thanh bắt đầu tìm mọi cách để lôi kéo sự ủng hộ của các sỹ phu trí thức ở khu vực Giang Nam. Vì vậy, rất nhiều người dòng dõi họ Trần ở Hải Ninh được trọng dụng dù là sự thực nhưng nguyên nhân chính có lẽ là do chính sách trọng dụng nhân tài người Hán, đặc biệt là những sỹ phu trí thức xuất thân từ khu vực Giang Nam để giảm bớt tinh thần chống đối nhà Thanh của nhân dân ở khu vực này chứ không phải là do mối quan hệ mật thiết với Càn Long như người ta tưởng tượng.

Điều này càng rõ ràng khi đến thời Càn Long trị vì thì dòng họ Trần đã không còn thịnh vượng như trước nữa. Vì vậy không thể có chuyện Càn Long đã trọng dụng những người thuộc họ Trần vì phát hiện ra mối quan hệ đặc biệt giữa họ Trần và bản thân mình.

Về hai bức hoành phi “Ái Nhật” và “Xuân Huy Đường” đặt tại phủ của họ Trần ở Hải Ninh mặc dù là có thật, tuy nhiên không phải là do Càn Long tự tay viết. Người viết hai bức hoành phi ấy, theo khảo chứng của các nhà sử học chính là ông của Càn Long tức Hoàng đế Khang Hy. Vì vậy, có thể nói rằng, hai bức hoành phi này chẳng có liên quan gì tới Càn Long cả. Do vậy, nó không thể là chứng cứ cho việc Càn Long là con trai của Trần gia.

Ngoài ra, việc Ung Chính tìm cách để tráo đổi con gái của mình lấy con trai của Trần Các Lão cũng là chuyện không hợp tình hợp lý. Điều này, theo các nhà sử học có thể thấy rất rõ nếu như ta xem xét kỹ lưỡng thời gian sinh của Càn Long cũng như bối cảnh lúc bấy giờ.

Theo ghi chép của cuốn “Ngọc điệp”, cuốn gia phả của hoàng thất triều Thanh thì Càn Long sinh vào tháng 8 năm Khang Hy thứ 50. Lúc bấy giờ Ung Thân Vương Dận Chân, tức Hoàng đế Ung Chính sau này đã 34 tuổi. Vào thời điểm đó, hoàng tử Dận Chân đã có bốn người con trai là Hoằng Huy, Hoằng Phán, Hoằng Vân, Hoằng Thời, tuy nhiên ba người con trai đầu đều sớm qua đời.

Năm Càn Long sinh ra thì Hoằng Thời đã 8 tuổi, hơn nữa trước khi Càn Long ra đời chỉ 3 tháng, Dận Chân đã có thêm một đứa con trai khác là Hoằng Trú. Sau khi Càn Long ra đời, Dận Chân tiếp tục sinh thêm 4 người con trai khác. Với rất nhiều con như vậy mà một hoàng tử người Mãn lại phải vụng trộm tráo con gái của mình lấy con trai của một người Hán là chuyện rất khó xảy ra. Mặt khác, lúc đó, ngôi vị thái tử đã hai lần bị phế và từ đó về sau ngôi vị này liên tục bị bỏ trống. Điều này đã gây ra một cuộc chiến ngấm ngầm giữa các những người con vốn rất đông đúc của Khang Hy.

Là một người vô cùng cẩn trọng và mưu mô, người sau này đã dùng chính mưu mô của mình để giành được ngôi báu như Ung Chính thì làm sao có thể sơ suất tới mức đi đổi một đứa con trai người Hán về làm con trai của mình, một hành động có thể khiến ông ta mất mạng như chơi. Thêm nữa, dù cho là có đổi được một đứa con trai mang dòng máu Hán về làm con thì lý do vì sao Ung Chính lại biết được rằng chính đứa con trai họ Trần này sẽ giúp mình giành được ngôi báu như lời người ta đồn đại? Theo các sử gia, trong thời khắc chỉ cần sai một ly sẽ hoàn toàn tay trắng, vị hoàng tử mưu lược Dận Chân sẽ không đời nào quyết định một cách mạo hiểm như vậy.

Ngoài ra, trong sách “Hoàng đế kiến văn lục” cũng có ghi lại lời một người Mãn nói: “Với sự minh mẫn và tính toán của Ung Chính thì làm sao có chuyện đổi nữ thành nam trong hậu cung được?”. Bởi lẽ, theo quy định của hoàng thất triều Thanh, mỗi khi con của hoàng tử sinh ra thì hoàng tử đó lập tức phải phái thái giám trong vương phủ tới hoàng cung báo với Hoàng đế.

Sau đó, phải nhờ một người ở phủ Tông Nhân chuyên viết tấu sớ viết một bản tấu dâng lên Hoàng đế để Hoàng đế đặt tên. Nếu như Ung Thân Vương lúc đó theo đúng quy định báo tin vương phi đã sinh con gái thì làm sao sau đó mấy ngày, khi nghe tin con của Trần Các Lão sinh con trai vào cùng ngày ấy giờ ấy lại tìm cách đánh tráo được. Vì vậy, chuyện tráo đổi chắc chắn là không thể có thực.

Nếu như những gì trong truyền thuyết là có thực, rằng Ung Chính đã đem đổi con gái của mình lấy con trai của Trần Các Lão thì chắc chắn cô con gái “cành vàng lá ngọc” của Ung Chính phải được theo dõi rất sát sao. Theo như truyền thuyết thì cô công chúa này sau đó được gả cho Tưởng Phổ, con trai của trọng thần trong triều đình là Trưởng Đình Tích. Rồi sau đó, để nhắc mọi người ghi nhớ về nguồn gốc của công chúa, người ta đã đặt tên cho nơi ở của vợ chồng Tưởng Tích là “Lầu Công Chúa”.

Tuy nhiên, ngay cả những người nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử giai đoạn này cũng không ai biết tòa lầu mang tên “Công Chúa” nằm ở nơi đâu. Ngay cả con cháu của dòng họ Tưởng cũng khẳng định chưa từng nghe nhắc tới chuyện này. Vì vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng việc lấy tòa lầu Công Chúa làm căn cứ để khẳng định Càn Long không phải là con trai của Ung Chính là việc hoàn toàn không có giá trị.

Như vậy, những chứng cứ minh chứng cho dòng dõi người Hán của Càn Long chỉ còn lại một, và cũng là bằng cứ được cho là quan trọng nhất. Đó chính là việc Càn Long 6 lần tuần du Giang Nam thì có tới 4 lần đến ở trong vườn riêng của gia tộc họ Trần ở Giang Nam. Tuy nhiên, nguyên nhân thực sự của việc này lại không phải bắt nguồn từ mối quan hệ huyết thống giữa Càn Long và dòng họ Trần như người ta vẫn tưởng tượng.

Trước Càn Long, Khang Hy cũng từng 6 lần tuần du Giang Nam. Càn Long luôn muốn bắt chước người ông nội nổi tiếng của mình nên cũng thực hiện 6 chuyến tuần du phía nam. Và trong hai lần đầu tiên của những chuyến tuần du ấy, điểm dừng chân cuối cùng của Càn Long cũng là Hàng Châu của Chiết Giang giống hệt với Khang Hy. Từ lần thứ 3 trở đi, lần nào Càn Long cũng dừng chân tại nhà họ Trần ở Hải Ninh. Theo các sử gia, mục đích chính của Càn Long là vì muốn khảo sát công trình đê biển ở trên sông Tiền Đường.

Tuyến đê biển trên sông Tiền Đường có một vai trò cực kỳ quan trọng đối với toàn bộ khu vực giàu có của Trung Quốc lúc bấy giờ là Tô Châu, Hàng Châu, Gia Hưng, Hồ Châu,… Vì vậy, Càn Long rất coi trọng tuyến đê này. Vào năm Càn Long thứ 27, trong lần thứ 3 tuần du phía Nam, Càn Long đã tới Hải Ninh để giám sát. Điều này được ghi rõ trong chính sử. Thêm vào đó, địa chất ở Hải Ninh rất kém, việc đắp đê nơi đây gặp phải rất nhiều khó khăn vì vậy các quan phụ trách việc đắp đê ý kiến rất bất đồng. Do đó, mỗi lần tuần du Giang Nam, Càn Long đều phải tới Hải Ninh để xem xét tiến độ công việc rồi đưa ra quyết sách cuối cùng.

Từ đó có thể thấy rằng, việc Càn Long 4 lần tuần du đều đến Hải Ninh hoàn toàn không phải vì thăm cha mẹ đẻ của mình mà là vì muốn tự thân giám sát công trình đê biển ở Hải Ninh. Vấn đề là ở chỗ, vậy vì sao Càn Long cả 4 lần lại đều ở nhà họ Trần mà không phải là ở một nơi nào khác?

Theo sử sách ghi chép, khu vườn riêng của nhà họ Trần có tên là Ngung Viên nằm ở phía Bắc huyện Hải Ninh, là một khu vườn vô cùng rộng lớn, phong cảnh tuyệt đẹp. Chỉ với một dòng họ có cả ba triều đều làm tể tướng như dòng họ Trần mới có thể sở hữu một khu vườn đẹp đến như vậy. Và cũng chỉ có khu vườn đẹp như thế tại một huyện thành bé nhỏ như Hải Ninh mới xứng đáng để đón tiếp một Hoàng đế Càn Long.

Thêm nữa, nếu như xem xét kỹ sử sách thì có thể thấy rằng, mặc dù cả 4 lần Càn Long đều ở trong vườn riêng của nhà họ Trần tuy nhiên không có lần nào ông vua này cho gọi con cháu họ Trần tới gặp mặt. Vì vậy không thể có chuyện nhận tổ tiên hay quây vải vàng rồi làm lễ bái lạy tổ tiên trước mộ cha mẹ như trong truyền thuyết được.

Từ những căn cứ nói trên, các sử gia kết luận, chuyện Càn Long là người Hán chỉ là sản phẩm thêu dệt nhằm thỏa mãn tâm lý của người Hán – đường đường là một dân tộc lớn mà phải chịu sự cai trị của tộc Mãn, vốn bị coi là man di với trình độ văn hóa thấp hơn hẳn. Ý nghĩ có một ông vua người Hán ngồi trên ngai vàng (dù phải mạo nhận là tộc Mãn) cũng giúp xoa dịu phần nào lòng tự ái dân tộc này.

Đại Nam

* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.