Tranh cãi về số phận đoàn kịch hình thể đầu tiên ở VN

Tranh cãi về số phận đoàn kịch hình thể đầu tiên ở VN

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
0
Việt Nam đang thừa những sản phẩm nghệ thuật nửa mùa, những nghệ sĩ đầy rẫy scandal nhưng lại thiếu khán giả cho bộ môn nghệ thuật đương đại cao quý.

Không có khán giả, vé bán ra luôn trong tình trạng ế ẩm, diễn viên không sống được với nghề đang là thực trạng ảm đạm của rất nhiều nhà hát nghệ thuật Việt Nam.

Sự kiện - Tranh cãi về số phận đoàn kịch hình thể đầu tiên ở VNCơ chế sáp nhập các nhà hát vẫn để lại nhiều bàn cãi

Mới đây, câu chuyện nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lan Hương “vác” đơn đi đòi quyền cho đoàn kịch Hình thể được tồn tại và hoạt động độc lập làm dấy lên những quan ngại trong dư luận. Nhiều người tự hỏi, phải chăng nghệ thuật chân chính đang trở nên quá rẻ mạt và bị các cơ quan chức năng thờ ơ.

Trong đơn kiến nghị của NSND Lan Hương có ghi rõ, NSND Lê Hùng - Giám đốc Nhà hát kịch Quốc gia có kế hoạch chia các đơn vị sân khấu của Nhà hát này thành 3 đơn vị biểu diễn nhỏ là Nhát hát tuổi trẻ, Nhà hát kịch Trung ương, Nhà hát thiếu nhi.

Đoàn kịch hình thể do NSND Lan Hương được ghép vào Nhà hát thiếu nhi và sẽ không có một hoạt động độc lập nào.

Nhận được thông tin trên nhiều nghệ sĩ không khỏi bàng hoàng và lo ngại kịch hình thể sẽ bị xóa sổ trong một sớm, một chiều.

Theo NSND Lê Hùng, sở dĩ ông đang cân nhắc giữa việc tiếp tục đầu tư hay xóa sổ đoàn kịch vì trên thực tế chưa có một vở diễn nào của đoàn bán được vé. Tất cả các chi phí cho diễn viên đều được lấy từ ngân sách của Nhà hát.

Một đoàn kịch sẽ rất khó duy trì khi chỉ tồn tại trên nguồn tiền không phải do mình tạo ra. Ngoài vấn đề kinh phí, sự thiếu chuyên nghiệp của các diễn viên cũng là khó khăn lớn đe dọa đến số phận của đoàn kịch.

Chưa bàn đến chuyện đúng sai thuộc về ai, chỉ biêtë rằng, những ai yêu thích và trân trọng nghệ thuật đều cảm thấy đau lòng trước việc “một bộ môn cao quý như kịch Hình thể” lại đang bị khán giả quay lưng ghẻ lạnh.

Trong khi những show ca nhạc thị trường vẫn bán vé đắt như tôm tươi, nghệ sĩ dỏãm gắn đầy scandal ngày càng nổi tiếng và “sống khỏe” thì nghệ thuật chân chính lại cực nhọc tìm một chỗ đứng để tồn tại.

Những lùm xùm trong việc sáp nhập các nhà hát sẽ được giải quyết như thế nào? Kịch Hình thể sẽ đi đâu, về đâu hay số phận của nó sắp sửa chấm hết. Nếu xóa bỏ kịch Hình thể nghĩa là nghệ thuật Việt Nam đang thừa nhận sự thất bại của một giá trị cao đẹp.

Nhiều nghệ sĩ cho rằng, kịch Hình thể chưa thực sự phù hợp với thị hiếu của người Việt. Nó ở một tầm cao mà người Việt chưa đủ trình độ để cảm nhận, say mê. Phải chăng, câu chuyện còn lại thuộc về các cơ quan chức năng.

Họ phải có sự đầu tư lâu dài để nuôi dưỡng một bộ môn nghệ thuật cao quý, từ đó định hướng thẩm mỹ, khắc phục sự thiển cận, lệch lạc về giá trị nghệ thuật của một bộ phận công chúng hiện nay.

Nhà nước cần định hướng thị hiếu công chúng

Nghệ sĩ ưu tú Quốc Anh cho biết: “Kịch Hình thể có lịch sử lâu đời và được cả thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên ở nước ta, nó còn khá mới mẻ. Công chúng Việt không phải ai cũng cảm nhận được cái hay của nó. Xem kịch Hình thể, khán giả phải có sự tương tác để đồng sáng tạo.

Theo tôi, Nhà nước cần có sự đầu tư và phải chấp nhận nuôi nó trong thời gian khoảng 10 năm nữa thì mới mong được khán giả biết đến. Dù chưa thực sự phù hợp với sở thích của người Việt hiện nay nhưng về lâu dài, đây là một cách để định hướng thị hiếu. Khó có thể đổ lỗi cho cả NSND Lan Hương và NSND Lê Hùng.

Một người tâm huyết và một người cực chẳng đã phải làm một việc mình không hề muốn. Nếu có nguồn tài chính tốt, một người tài năng và đạo đức như anh Lê Hùng sẽ không từ chối một bộ môn nghệ thuật như kịch Hình thể”.

Tôi thấy mình bị xúc phạm

Là người trong cuộc, NSND Lan Hương không tránh khỏi những bức xúc: “Tôi rất buồn và cảm thấy bị xúc phạm khi anh Lê Hùng lại đối xử với chúng tôi như vậy. Công lao gây dựng đoàn kịch 10 năm nay đã bị anh ấy đổ xuống sông, xuống biển một cách không thương tiếc.

Lê Hùng nói tất cả những việc này là do Bộ VHTH& DL quyết định, nhưng tôi nghĩ trước tiên anh ấy phải có sự bàn bạc với các văn nghệ sỹ trong nhà hát. Thực tế chúng tôi không hề biết gì về chuyện này.

Đây có thể coi là ý nguyện cá nhân của riêng anh Hùng. Hiện anh em nghệ sỹ đang cảm thấy rất mông lung và không biết tương lai của mình sẽ thế nào.

Giám đốc nhà hát luôn cho rằng đoàn kịch hoạt động không hiệu quả nhưng liệu rằng anh ấy đã làm tốt các công việc của nhà hát ? Tôi hoàn toàn không đồng ý việc sáp nhập này”.

Kịch hình thể giờ chỉ giống như cây tầm gửi

Trao đổi với Người đưa tin, NSND Lê Hùng chia sẻ: “Một bộ môn hay mà chưa đến được với công chúng và làm họ yêu thích thì lỗi đầu tiên thuộc về người nghệ sĩ. Chúng ta đừng đòi hỏi vì sao chưa được Nhà nước đầu tư, quan tâm.

Những bộ môn quốc hồn, quốc túy của dân tộc như Chèo, Tuồng còn vất vả ngược xuôi để tìm cách tồn tại thì việc kịch Hình thể phải đối diện với những khó khăn là điều tất nhiên. Nước ta còn nghèo, đầu tư cho nghệ thuật còn giới hạn. Thị hiếu của công chúng vì thế cũng chưa thể so sánh được với thế giới.

Tôi thực sự tâm huyết với cái mới, cái hay của kịch Hình thể. Tuy nhiên, để đoàn kịch này không bị xóa tên thì giải pháp duy nhất là sáp nhập nó vào một nhà hát nào đó. Bởi khả năng của nó hiện tại chỉ có thể ví như cây tầm gửi. Nếu đứng riêng sẽ không thể sống được”.

Nghệ sĩ rơi vào trang thái hoang mang

NSƯT Trung Anh cho rằng: “ Việc sáp nhập này nằm ngoài tầm kiểm soát của nghệ sỹ, chúng tôi thực sự không hiểu mục đích của việc sáp nhập này. Bộ quyết định quá bất ngờ và vô lý khi không lấy ý kiến của anh em nghệ sỹ.

Trong giai đoạn khi Nhà hát kịch Việt Nam đang đi xuống, nghe tin anh Lê Hùng về làm giám đốc, cá nhân tôi rất mừng vì hy vọng sẽ có sự thay đổi.

Giờ đây, khi có quyết định chính thức sát nhập, cộng thêm việc NSND Lan Hương đang làm đơn khiếu nại, tôi và nhiều anh em nghệ sỹ khác đang rất hoang mang, trong thời gian hiện tại chúng tôi không làm được việc gì cả”.

Kể cả khi sáp nhập cũng khó xoay chuyển tình thế

NSND Thế Anh chia sẻ: “Tôi còn nhớ có một thời kỳ hoàng kim, Nhà hát kịch Việt Nam luôn đi đầu và được mệnh danh là "anh cả đỏ”. Song giờ người anh này cũng đuối dần rồi. Mang danh đơn vị đi đầu nhưng gần đây nhà hát chẳng có tác phẩm nào hay để người ta nhớ đến.

Trước đây, tôi đã đặt nhiều kỳ vọng rằng giám đốc Lê Hùng có thể vực dậy được tình trạng xuống hạng của Nhà hát kịch. Không phủ nhận Lê Hùng là một đạo diễn có tài nhưng việc sáp nhập và ôm đồm cùng một lúc quá nhiều việc như vậy có lẽ chẳng giúp anh ấy thay đổi được gì”.

Nguyện vọng của nghệ sĩ bị coi thường

Theo NSND Đoàn Dũng – nguyên PGĐ Nhà hát kịch Việt Nam): “Nhà hát kịch Việt Nam đã hình thành, phát triển được 60 năm nay, trải qua nhiều sóng gió nhưng vẫn đứng vững và là con chim đầu đàn của sân khấu kịch Việt Nam.

Nhà hát Tuổi trẻ có truyền thống 34 năm cũng huy hoàng lắm chứ. Mỗi Nhà hát có vị trí riêng đặc thù riêng trong lòng khán giả. Tôi thấy buồn vì các vị lãnh đạo Bộ VHTT&DL chưa tham khảo ý kiến các nghệ sỹ - những người sẽ quyết định sinh mệnh của Nhà hát.

Các vị lãnh đạo nên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của anh em nghệ sỹ. Không thể có việc một cá nhân áp đặt ý kiến của mình cho cả tập thể. Nguyện vọng của một ông giám đốc không thể đại diện cho tất cả các nghệ sỹ trong 2 Nhà hát”.

Đào Bích – Li Na