Tranh cãi việc thực thi bản quyền âm nhạc khách sạn

Tranh cãi việc thực thi bản quyền âm nhạc khách sạn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
0
Phòng ngủ, massage là nơi riêng tư, tế nhị nên nhiều ý kiến cho rằng để giám sát và thu được tiền bản quyền âm nhạc không phải điều đơn giản

Bản quyền âm nhạc 10 năm nay vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong cả nghệ sĩ và công chúng. Sau nhiều lần điều chỉnh về các quy định, vừa qua, Cục bản quyền tác giả đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo lần thứ 6 của Thông tư liên tịch do Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT và Bộ Tài chính soạn thảo, về vấn đề quyền tác giả và quyền liên quan.

Xã hội - Tranh cãi việc thực thi bản quyền âm nhạc khách sạn

Thu tiền tác quyền trong phòng ngủ khách sạn đang dấy lên nhiều nghi ngại về tính thực thi

Cứ sử dụng kinh doanh là thu tiền

Theo quy định của dự thảo này, tại các khách sạn, nếu sử dụng bản ghi âm, ghi hình phục vụ kinh doanh ở phòng ngủ, quán cà phê, nhà hàng, quầy bar, hội trường, phòng họp, sảnh lễ tân, thậm chí bãi đỗ xe, phòng massage cũng phải trả tiền theo bảng giá.

Theo biểu giá ban đầu, mỗi năm nghe và xem nhạc trong phòng ngủ khách sạn phải trả 50.000 đồng. Trên sóng truyền thanh, các ca khúc sẽ có mức giá 5.000 đồng/lượt hoặc 1 - 3 triệu đồng/năm (nếu dùng làm nhạc hiệu chương trình). Với sóng truyền hình, ca khúc có mức giá 2 - 3 triệu đồng/lượt phát hoặc 2 - 5 triệu đồng/năm (nếu dùng làm nhạc hiệu).

Tuy nhiên, không ít người hoài nghi về tính khả thi của bản dự thảo này. Nguyên nhân chính là do việc thu tiền bản quyền lâu nay vốn gặp nhiều khó khăn. Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về đơn vị sử dụng âm nhạc để kinh doanh trong cả nước. Nhưng theo người phát ngôn của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), tổng số thu tác quyền trong năm 2011 đạt hơn 42 tỷ đồng, trong đó tiền thu được từ các lĩnh vực khách sạn, siêu thị, nhà hàng, quán cà phê, bar, phòng trà, vũ trường, phòng karaoke chiếm gần 40%. Con số đó được cho là quá khiêm tốn so với thực tế.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định, những loại hình dịch vụ tương tự thường nhỏ lẻ, đặc biệt tại vùng ven đô hay các tỉnh thì hầu như bỏ trống chuyện thu phí tác quyền.

Tác giả "Trên Đỉnh Phù Vân" nhấn mạnh: "Việc thực thi quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc ở nước ta hiện nay rất chậm. Khó khăn bắt nguồn từ việc Việt Nam chưa có một bộ luật riêng biệt về bản quyền mà chỉ có một chương trong bộ Luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ. Ngay cả vấn đề tiền bản quyền, nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, nhiều người chưa thực sự hiểu rõ về nó theo nghĩa đúng nhất. "Đây không phải là một thứ phí dịch vụ bình thường như nhiều người vẫn gọi mà là tiền được trả để sử dụng tác phẩm âm nhạc".

Đại diện truyền thông của Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhà văn Trần Thị Trường cho rằng: "Ở đâu âm nhạc được cất lên vì mục đích kinh doanh thì ở đó phải thực hiện nhiệm vụ trả tiền bản quyền cho tác giả âm nhạc, kể cả phòng ngủ khách sạn".

Nữ nhà văn phân tích: "Khách sạn thiết kế âm nhạc cho khách nghe trước khi đi ngủ thì đó là một loại dịch vụ của họ. Có thể nói, đây là một hình thức dịch vụ văn minh. Hiện nay, một phòng ngủ có âm nhạc đầy đủ trong khách sạn có giá rất cao. Khách hàng phải chi một mức phí không hề rẻ để có thể sử dụng thì không có lý gì chủ khách sạn lại không phải móc hầu bao để trả tiền tác quyền".

Luật sư Lê Quang Vy, công ty luật Việt Thăng Long, người có nhiều kinh nghiệm trong các vụ tranh chấp tác quyền âm nhạc cho biết: Rất nhiều người kinh doanh quán cà phê, khách sạn lập luận rằng họ đã mua đĩa tức là đã trả tiền tác quyền thì không có lý do gì lại bị thu thêm. Lập luận này là không đúng. Bởi người sử dụng chỉ không trả tiền khi nghe đĩa nhạc đó trong xe cá nhân, nghe ở nhà còn khi dùng để kinh doanh cà phê thì phải trả tiền tác quyền.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có chức năng và thẩm quyền để thu phí tác quyền vì đã được các nhạc sĩ ủy thác. "Việt Nam đã gia nhập hiệp hội Các nhà soạn nhạc và soạn lời quốc tế (CISAC) nên các ca khúc nước ngoài được quán phát cho khách nghe cũng phải trả thêm tiền tác quyền. Trung tâm thu tiền hộ cho hiệp hội. Ngược lại, nếu nhạc Việt được hát ở nước ngoài, hiệp hội này cũng thu tiền giúp chúng ta. Người kinh doanh sẽ không phải trả tiền khi sử dụng các tác phẩm đã trở thành tài sản của nhân loại như nhạc cổ điển", luật sư Vy phân tích.

Làm sao biết trong phòng mở nhạc gì?

Sử dụng sản phẩm âm nhạc của người khác để làm mục đích kinh doanh thì phải nộp tiền tác quyền. Vấn đề này tưởng như đơn giản và lẽ ra được công nhận một cách hiển nhiên nhưng trên thực tế lại vấp phải không ít ý kiến trái chiều, thậm chí vô lý.

Một luật sư cho rằng, nếu tiến hành thu 50.000 đồng/ phòng ngủ/ năm thì con số Trung tâm quyền tác giả âm nhạc thu được (tính trên phạm vi cả nước) sẽ là khổng lồ. Tuy nhiên, không gian phòng ngủ vốn được xem là riêng tư nên việc khách hàng mở nhạc gì, thể loại nào sẽ rất khó để có thể kiểm soát được. Nếu xây dựng một hệ thống chỉ để theo dõi thì chi phí quá tốn. Hơn nữa, tôi tin rằng, khách nghỉ ở khách sạn cũng khó mà đồng ý với kiểu thu tiền bản quyền dưới hình thức này.

Một nhạc sĩ trẻ (xin được giấu tên) tỏ ra hoài nghi về việc thu tiền bản quyền âm nhạc trong phòng ngủ khách sạn. Theo lí giải của anh, nếu các khách sạn mở nhạc nước ngoài thì họ sẽ chẳng mất chi phí gì và trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng không có quyền để truy thu họ.

"Mặt khác, nếu như việc thu tiền tác quyền tại các đơn vị lớn như Đài truyền hình, phát thanh Trung ương diễn ra thuận lợi thì tại các địa phương lại vô cùng khó khăn. Đặc biệt ở các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ trong nhà hàng, khách sạn thì chắc chắn còn gặp nhiều vướng mắc. Thứ nhất, ở các địa phương, các nhà hàng, khách sạn vẫn hoạt động theo kiểu nghiệp dư, manh mún. Thứ hai, họ không nắm được luật, luật bản quyền lại càng không. Nhiều ông chủ ra chợ mua một đống đĩa nhạc về và coi như mình đã mua bản quyền âm nhạc của tác phẩm đó. Nếu có nhận được thông báo trả tiền bản quyền, hoặc là họ sẽ phản ứng gay gắt, hoặc là họ sẽ tìm cách trí trá, luồn lách để trốn tránh", vị nhạc sĩ trẻ cho biết.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định, theo quốc tế về luật bản quyền tác giả và quyền liên quan, mức biểu giá mà Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đưa ra là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thực thi thanh toán tiền tác quyền như thế nào lại chủ yếu dựa vào ý thức của các đơn vị.

Bao giờ mới phân loại đĩa nhạc?

Một luật sư cho biết, ở các nước, sản phẩm băng đĩa thường được chia thành hai loại: Loại sử dụng cho mục đích cá nhân (personal/home use) và loại phục vụ kinh doanh (for commercial/rental) với giá bán của loại sau luôn cao hơn. Khi mua một sản phẩm thuộc nhóm phục vụ kinh doanh, khách hàng có thể mang sản phẩm ấy cho thuê hoặc kinh doanh tiếp mà không phải trả thêm phí. Trong điều kiện Việt Nam, khi các sản phẩm băng đĩa chưa được phân loại như ở nước ngoài thì việc mở một đĩa nhạc tại quán cà phê, trong khách sạn đương nhiên phải trả thêm tiền.

Đào Bích - Lạc Thành