Tranh cãi xung quanh chuyện cấp số cho chó, mèo

Tranh cãi xung quanh chuyện cấp số cho chó, mèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Chuyện quản lý chó, mèo không phải là chuyện lớn nhưng an toàn tính mạng con người thì không nên coi thường.

Thứ trưởng bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần vừa ban hành quyết định 2891/QĐ-BNN-TY ngày 14/11/2012 về kế hoạch khống chế và loại trừ bệnh dại năm 2012. Theo quy định mới, các hộ nuôi chó, mèo sẽ phải đi đăng ký, kê khai với chính quyền địa phương nơi mình cư trú để được cấp số cho vật nuôi.

Nhịp sống - Tranh cãi xung quanh chuyện cấp số cho chó, mèo

Nhiều địa phương vẫn phổ biến tình trạng thả rông chó

Chó, mèo cũng có "chứng minh thư"?

Quyết định này nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại ở Việt Nam giai đoạn năm 2011-2015. Theo đó, các hộ nuôi chó, mèo sẽ phải tới đăng ký với UBND xã để được cấp số cho vật nuôi. Chi cục Thú y và trạm Thú y phải có sổ theo dõi số lượng chó nuôi, số hộ nuôi chó ở tỉnh, huyện. Thú y cấp xã, thôn, ấp có trách nhiệm thống kê số lượng chó, mèo và số hộ nuôi chó, mèo để quản lý.

UBND các cấp chỉ đạo thành lập các đội chuyên trách bắt giữ chó, mèo thả rông ở các khu đô thị, nơi đông dân cư hoặc chó, mèo nghi bị mắc bệnh dại. Kinh phí hoạt động cho đội chuyên trách này sẽ được địa phương chu cấp. Chó, mèo sau khi bị đội chuyên trách nêu trên bắt thì sẽ được trạm Thú y nuôi nhốt, theo dõi sức khỏe để chờ gia chủ đến nhận. Trong trường hợp gia chủ không nhận thú đã bị bắt tại trạm Thú y thì sẽ bị tiêu hủy sau 72 giờ. Khi dịch xảy ra trên diện rộng thì buộc tiêu hủy toàn bộ chó, mèo chưa tiêm phòng mà không cần chờ kết quả xét nghiệm. Các trạm kiểm dịch tăng cường kiểm soát các điểm mua bán và giết mổ chó, mèo và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Kế hoạch cũng nêu cụ thể các mục tiêu như 80% đàn chó nuôi được quản lý và tiêm phòng vắc - xin, số ca tử vong do bệnh dại giảm 30% so với năm 2011. Trước đó, quyết định 647/QĐ-BNN-TY do Thứ trưởng bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần ký ngày 28/3/2012 cũng có nội dung tương tự. Trong quyết định này, tài liệu tuyên truyền được in thành sách, tờ rơi và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sách tuyên truyền được cấp phát miễn phí cho cán bộ thú y các tỉnh, thành phố. Chi cục Thú y các tỉnh, thành phố lại tiếp tục tái bản và cấp phát cho nhân viên thú y cơ sở và các chủ hộ chăn nuôi chó, mèo.

Thế nhưng, quyết định trên hầu như không được thực hiện. Thậm chí, nhiều hộ gia đình nuôi chó, mèo còn chưa hề biết tới văn bản hay quyết định đó. Chỉ khi quyết định 2891 được ban hành, dư luận mới xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều.

Một điều dễ nhận thấy, nội dung trong bản kế hoạch này từng được đề cập tới trong Thông tư số 48 cũng của bộ NN&PTNT ban hành vào năm 2009. Theo văn bản mới, chó, mèo sẽ có sổ theo dõi và có số má, giống như "chứng minh thư" của con người.

Xung quanh văn bản này, PV ghi nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Anh Lê Văn Năm (trú tại làng Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, hoàn toàn không cần thiết kiểm soát vật nuôi tỉ mỉ như văn bản mới ban hành. Lý do là việc nuôi chó, mèo thường không phải là cố định và ổn định, cách quản lý theo đó cũng phải linh động cho phù hợp với thực tế.

Khi cấp số cho vật nuôi, lúc người ta mua bán, hay mang biếu sẽ lại phải sang tên, đổi chủ, xin đăng ký để cấp lại số, chắc chắn sẽ gây không ít rắc rối. Ở thành thị, ý thức nhiều người đặc biệt gia đình có trẻ nhỏ về đảm bảo sức khỏe dần cao hơn, việc quản lý vật nuôi phần nào được một bộ phận người dân chấp nhận. Thêm nữa, nhiều gia đình giàu có chăm sóc vật nuôi chẳng khác gì cục cưng. Khi vật nuôi chết thì họ không thịt mà đem chôn. Song, tính khả thi của văn bản khi thực hiện tại các miền quê là vô cùng khó khăn.

Nhịp sống - Tranh cãi xung quanh chuyện cấp số cho chó, mèo (Hình 2).

Lực lượng chức năng đang săn bắt chó thả rông tại TP. HCM

"Có lần về quê ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên), tôi thấy loa phát thanh của xóm cứ ra rả gọi các hộ mang chó, mèo đến tiêm phòng bệnh dại nhưng hầu như chẳng có nhà nào thực hiện. Cả xóm, cả xã người ta đều không thực hiện thì xử phạt ai. Chỉ có chuyện nuôi con chó, con mèo mà lại nghe đến thủ tục đăng ký rườm rà thì người dân đều gạt đi vì họ sợ phải mất phí ", anh Năm nói.

Tuy nhiên, đứng ở góc độ khác, anh Đỗ Văn Bình (Bùi Xương Trạch, Thanh Xuân, Hà Nội) ủng hộ quyết định siết chặt quản lý vật nuôi vì văn bản này khi được thi hành sẽ đảm bảo an toàn sức khỏe con người, phòng chống bệnh dại. "Lúc đầu, việc triển khai chắc chắn có sự bất cập và có nhiều ý kiến trái chiều nhưng việc phải làm là cứ thực hiện kết quả sẽ có. Điều này hoàn toàn hợp lý và văn minh. Trên thế giới, việc quản lý vật nuôi được tiến hành khá nghiêm ngặt, nước ta bây giờ mới siết chặt quản lý là hơi muộn nhưng cũng cần làm ngay. Trong tương lai, sẽ có nhiều sự quản lý theo cách đó trên các lĩnh vực khác", anh Bình phân tích.

Chó chết có cần đi... khai tử?

Theo quyết định 2891, vật nuôi sẽ được đăng ký, có sổ theo dõi tỉ mỉ. Trao đổi với PV Người Đưa Tin, chị Đặng Thị Thủy, từng có thời gian làm cán bộ thú y tại xã Thành Công (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) phân vân, việc chó, mèo chết có phải đi làm thủ tục khai tử hay không?

"Vật nuôi chỉ trong từng giai đoạn, có nhà nuôi đến vài chục năm nhưng cũng có gia đình chỉ nuôi vài ngày rồi biếu hoặc bán, hoặc làm thịt… nên sẽ rất khó khăn trong quản lý. Theo tôi, mục tiêu của văn bản này nhằm làm giảm số ca bệnh dại so với những năm trước là việc làm rất đáng ghi nhận nhưng cách làm thì hoàn toàn không khả thi. Việc tuyên truyền cho người dân để họ tự ý thức trong việc phòng chống bệnh dại là cần thiết hơn cả, mỗi một năm, ở các địa phương đều có cán bộ thú y đến hướng dẫn tiêm phòng và có giấy xác nhận, có thể dựa vào đó để quản lý. Cho dù trên giấy tờ, các cán bộ quản lý có nắm rõ số lượng chó nuôi, chó bán, chết... thì cũng chỉ là bề nổi. Các gia đình tự ý giết thịt vật nuôi hay việc chó, mèo sinh con... thì ai quản lý? Không lẽ lại còn cần cả cán bộ "nằm vùng" để quản lý chó mèo?", chị Thủy chia sẻ.

Bên cạnh đó, những hộ kinh doanh liên tục nhập vài chục con chó một lần nên rất khó kiểm soát cho cơ quan chức năng. Việc lập hẳn một đội chuyên trách bắt giữ chó, mèo thả rông có phần quá cồng kềnh.

Vừa xem chương trình thời sự có nói về việc phải mang vật nuôi lên UBND xã xin cấp số, ông Nguyễn Văn Hùng (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) thở dài: "Nhà tôi có đến 2 con chó đẻ, một con nữa sắp sinh. Mỗi lần sinh của chúng lên tới vài con, tình hình này không lẽ dắt và đùm cả đàn cún lớn bé lên xã đăng ký. Đăng ký xong được hơn tháng lại cho mấy đứa con đem về nuôi, rồi đem bán thì công toi à? Ngoài ra, chó, mèo chỉ là con vật nuôi trong nhà, giờ lỡ chi phí đăng ký, xin cấp số mà tốn kém thì thật khó chấp nhận quá".

Nhịp sống - Tranh cãi xung quanh chuyện cấp số cho chó, mèo (Hình 3).

Cán bộ thú y đang tiêm phòng dại cho chó

Trong khi văn bản siết chặt quản lý chó, mèo đang gây tranh cãi, sáng 30/11/2012, PV Người Đưa Tin có liên hệ với một vài địa phương như UBND xã Nghĩa Hương (Quốc Oai, Hà Nội), UBND xã Thành Công (Phổ Yên, Thái Nguyên) thì được biết các địa phương đều chưa nhận được văn bản.

Càng bất ngờ hơn khi trong ngày 30/11/2012, trao đổi với báo chí, ông Văn Đăng Kỳ, trưởng phòng Dịch tễ, cục Thú y (bộ NN&PTNT) lại cho biết quy định trên sẽ được sửa đổi. Cụ thể, cục Thú y sẽ thông báo cụ thể tới từng địa phương để hướng dẫn chủ vật nuôi đăng ký cho chó, mèo. Quá trình đăng ký cho vật nuôi sẽ đơn giản hơn, người nuôi chỉ cần khai báo với trưởng thôn, xóm chứ không cần lên UBND xã, phường. Ông Kỳ cũng cho biết, việc lập đội chuyên trách bắt giữ chó, mèo thả rông là do Bộ học cách làm của các nước khác nhưng sau khi ban hành thì thấy nó chưa phù hợp với Việt Nam.

Bên cạnh đó, quy định tiêu hủy chó, mèo vô chủ sau 3 ngày cũng sẽ được sửa đổi bởi không mang tính nhân văn. Trước khi ban hành một văn bản, quyết định thường đã có sự tham gia, góp ý, xem xét cụ thể của phía cục Thú y. Thế nhưng, việc một văn bản vừa được ban hành đã phải sửa đổi một cách nhanh chóng khiến dư luận lắc đầu ngao ngán. Các quy định được "nghiên cứu" kỹ lưỡng là vậy nhưng vừa ra đời đã bị cho là thiếu thực tế, thiếu tính nhân văn. Điều này tạo ra tiền lệ xấu và tạo sự thiếu nhất quán trong các văn bản luật.

Chuyện quản lý chó, mèo không phải là chuyện lớn nhưng an toàn tính mạng con người thì không nên coi thường. Đánh giá một cách chung nhất, khi vật nuôi được quản lý, công tác thống kê sẽ thuận lợi, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó cũng có số liệu thống kê để sản xuất đủ lượng thuốc, vắc xin tiêm phòng. Ở nước ngoài, hễ dắt chó ra đường thì đều phải bịt mõm, mang theo túi đựng chất thải, nếu không, người sở hữu thú nuôi sẽ bị xử phạt.

Ai quản lý số lượng chó, mèo đã kê khai?

Trao đổi với PV Người Đưa Tin sáng 30/11/2012, ông Nguyễn Văn Thắng, phó chủ tịch xã Nghĩa Hương (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, hiện tại địa phương chưa nhận được văn bản nào liên quan tới việc đăng ký với chính quyền để cấp số cho vật nuôi. Tuy nhiên, thông tin xung quanh quyết định này ông cũng đã được biết và nắm rõ qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Thắng lo ngại việc thực hiện quyết định đó sẽ làm khó cho địa phương. Chó, mèo chỉ là con vật nuôi, việc người ta mua, bán... rất khó kiểm kê.

"Ai sẽ quản lý số lượng chó, mèo đã kê khai? Các nhà báo cứ thử liên hệ ngay đến việc mua bán xe máy ở các địa phương khác sẽ thấy rõ. Đến xe máy còn được mua, bán, trao đổi, ký gửi lung tung thì liệu việc lấy số má, kê khai chó mèo có khả thi?", ông Thắng nhấn mạnh. Được biết, hàng năm, tại địa phương thường thực hiện tiêm phòng hai lần chính cùng một lần phụ kiểm tra bổ sung để nắm tình hình việc nuôi mới vật nuôi.

Theo phó chủ tịch Thắng, sau khi được kiểm tra thể trạng, mỗi vật nuôi sẽ có giấy xác nhận, đây hoàn toàn có thể coi là yếu tố đảm bảo vật nuôi an toàn với sức khỏe con người. Trên thực tế, việc siết chặt quản lý vật nuôi cần sự làm việc nghiêm túc, mạnh tay của các địa phương. Ngoài hành động thì vấn đề còn tồn tại lâu nay là nhận thức của người dân vẫn còn theo nếp suy nghĩ cũ. Ngay cả những người đứng ở góc độ lãnh đạo cấp xã, phường vẫn còn e dè và "ngại" với quyết định này thì việc người dân làm theo còn nan giải.

Yến Dương