Tranh cãi xung quanh truyện tranh

Tranh cãi xung quanh truyện tranh "ngược"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Dạo qua các nhà sách trên phố Tràng Tiền, Nguyễn Xí hay các cửa hàng sách của Nhà xuất bản Kim Đồng tại Hà Nội rất dễ kiếm những cuốn truyện tranh tiếng Việt được thiết kế đọc ngược.

Người Việt Nam thường đọc sách từ đầu trang đến cuối trang, từ trái qua phải, còn để đọc một cuốn truyện tranh Nhật Bản thì phải dở từ cuối trang lên và đọc từ phải qua trái.

Con thích, mẹ lo

Xuất hiện đầu tiên trên thị trường Việt Nam với cách đọc ngược là NXB Kim Đồng với bộ truyện Ninja loạn thị. Bộ truyện ra đời khiến dư luận ít nhiều xôn xao, và có nhiều ý kiến trái chiều. Tiếp theo, NXB Trẻ và rất nhiều NXB địa phương khác đồng loạt cho ra nhiều bộ truyện tranh Nhật đọc ngược như: Conan, Doraemon, Tội lỗi và hình phạt, Hương tình yêu… tạo nên một trào lưu mới của sách truyện tranh.

Xã hội - Tranh cãi xung quanh truyện tranh 'ngược'

Một số cuốn truyện tranh đọc "ngược"

Lâu nay, truyện tranh Nhật Bản vẫn chiếm ưu thế áp đảo khi đứng giữa thị trường sách truyện tranh nước ta. Nếu như trước đây, các bộ truyện tranh của Nhật khi vào thị trường Việt Nam đã được các NXB Việt hóa 100%, bạn đọc đã quen tiếp nhận với kiểu in, đọc truyền thống thì bây giờ cũng 100% truyện tranh Nhật nhưng được in ngược, phải đọc ngược đúng như cách đọc, văn hóa đọc nước bạn.

Em Vũ Tùng Điệp, học sinh lớp 8 trường THCS Việt Nam - An-giê-ri, Hà Nội cho biết: "Ban đầu bọn em thấy rất lạ lẫm với cách đọc truyện thế này, nhưng sau đó lại cảm thấy thích thú khi đọc truyện tranh của Nhật theo kiểu Nhật. Bọn em cứ đến lớp là "rỉ tai" nhau về cách đọc truyện này. Giờ lớp em ai cũng chấp nhận cách đọc này mà không cảm thấy khó chịu nữa". Không chỉ có trẻ nhỏ mà ngay cả lứa tuổi 8X và 9x cho rằng họ đọc ngược như thế khá nhiều, nhất là trên mạng từ cách đây đã vài năm.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh lo ngại giới trẻ, con em mình là đối tượng dễ tiếp thu cái mới, lạ mà quên mất giá trị truyền thống văn hóa đọc của người Việt Nam. Chị Như Hoa (E8, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) cho biết, rất ngạc nhiên khi nhìn thấy cậu con trai mang về cuốn truyện tranh đọc ngược này. Ban đầu chị tưởng Nhà xuất bản in nhầm nhưng tìm hiểu ra thì không phải. Nhiều người bạn của chị cho rằng, cách đọc truyện thế này hơi phản cảm vì đập vào mắt người xem là giá tiền in ở trên cuốn truyện.

Vì bản quyền tác phẩm?

Lý giải về vấn đề này này, ông Phạm Quang Vinh - GĐ NXB Kim Đồng cho biết việc, in sách "ngược" như vậy là do vấn đề bản quyền. Một số NXB của Nhật như Shuieisha hay Shinohobun đã phản ứng trước việc truyện tranh của họ bị các nhà xuất bản Việt Nam....in ngược và yêu cầu "in xuôi" (theo cách đọc của người Nhật). Lý do là những hình ảnh, nội dung trong truyện có thể bị sai lệch do cách in lật lại như vậy.

Ví dụ, các tác phẩm truyện tranh Nhật được Việt hóa thường mắc phải một số lỗi kỹ thuật khiến độc giả không cảm thụ được tinh thần của tác phẩm, thậm chí sai hoàn toàn so với ý đồ tác giả. Như trường hợp các tay kiếm người Nhật khi được Việt hóa đều phải đấu kiếm bằng tay trái, hay trong đội bóng có một chân sút bằng chân trái tài ba, sang đến Việt Nam thì cầu thủ này lại sút bằng chân phải.

Xã hội - Tranh cãi xung quanh truyện tranh 'ngược' (Hình 2).

Học sinh chọn mua truyện trên phố Đinh Lễ

"Trước đây, nhằm phù hợp với cách đọc của người Việt hiện đại, NXB Kim Đồng đã thương lượng với đối tác để được dịch chuyển hình ảnh và câu chữ theo kiểu in xuôi từ trái qua phải, mà điển hình là Manga, Doremon. Nay họ yêu cầu in theo đúng nguyên bản. Không thể thuyết phục được các nhà xuất bản ở Nhật Bản mà Công ước Berne (công ước quốc tế về bản quyền) cũng đã ký, nên việc xuất bản truyện tranh đọc ngược thực sự là chuyện không đừng được. Vì bản thân những người ở Nhà xuất bản Kim Đồng cũng thích đọc từ trái sang phải, chứ không thích đọc ngược", ông Vinh phân trần.

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: "Thời xưa chúng ta đã từng đọc sách chữ Hán theo cách này. Đây là vấn đề thói quen: Giống như tay lái xe của người Anh khác người Việt, hay giống như mốt quần áo thay đổi thường xuyên. Điều quan trọng cốt yếu là nội dung có hay, tốt không và câu trả lời chấp nhận hay từ chối vẫn là quyền của bạn đọc".

Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc in ngược hay xuôi cũng không quá quan trọng. ông Nguyễn Trí Đức (Phòng Truyện tranh - NXB Trẻ) cũng cho rằng: "Một số truyện tranh xuất bản tại Trung Quốc, Mỹ hiện nay cũng được in ngược như vậy. Quan trọng là phần nội dung có được đặt đúng chỗ, làm rõ ý phần tranh hay không. Nếu nội dung hay thì cách đọc từ phải qua trái cũng chỉ là vấn đề thói quen".

Nhà văn Trang Hạ bình luận: "Nhiều độc giả nước ta thích đọc theo quán tính chứ không bận tâm đến khó khăn của người tổ chức khi phải cân đối giữa yêu sách của NXB nước ngoài và thói quen đọc trong nước. Trong quá trình đàm phán với đối tác để mua bản quyền tác phẩm truyện tranh châu á vào Việt Nam, tôi từng gặp trường hợp họ bắt phải nhượng quyền theo đúng thiết kế của nguyên tác, ngay cả poster quảng cáo cũng yêu cầu sử dụng một thiết kế thống nhất. Nếu phát hiện điểm nào mà ta bóp méo, cắt hoặc thêm, thay đổi nội dung họ sẽ bảo lưu quyền chủ động hủy hợp đồng".

Văn hóa đọc được xây dựng trên những ứng xử, tiếp cận của từng vùng miền, từng nước. Việc tiếp nhận những văn hóa của nước khác phải dựa trên thuần phong mỹ tục của nước sở tại, để chúng ta có một nền văn hóa hòa nhập. Nếu không những giá trị văn hóa đó sẽ bị đào thải, và việc có đọc truyện tranh ngược hay không, là lựa chọn riêng của độc giả.

Lạc Thành