'Con ma đề' ngốn tiền tỷ vùng đất đặc biệt khó khăn

'Con ma đề' ngốn tiền tỷ vùng đất đặc biệt khó khăn

Thứ 6, 29/03/2013 | 14:55
0
Trào lưu xấu này phát sinh ở khu vực đồng bằng, thành phố, thị xã, đã làm điên đảo, điêu đứng, tan nát nhiều gia đình. Sau một thời gian "càn quét" chán chê ở đồng bằng, tệ nạn lô, số đề tràn về vùng núi cao heo hút, nơi ánh điện văn minh còn chưa đến được bao lâu.

Chỉ với 2.000 đồng, cũng tìm vận may

Nơi trào lưu xấu này xuất hiện là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn, xã Hát Lót, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Nơi này, bà con dân tộc chủ yếu sinh sống bằng làm ruộng, làm nương rẫy, nuôi lợn gà, bắt cá, trồng rau. Cuộc sống lam lũ của họ trôi đi trong bình yên, lặng lẽ. Vậy mà vài năm trở lại đây, trào lưu chơi cờ bạc dưới hình thức đánh đề, lô đã làm cuộc sống quanh năm bình yên, lầm lũi, đơn giản của họ bỗng sôi động tới mức xáo trộn. 

Khoảng 17h chiều hàng ngày, căn nhà của bà H. một người ghi đề trong xã bỗng trở nên tấp nập. Người ta nói chuyện với nhau bằng tiếng dân tộc thiểu số mà tôi dịch ra được, đại loại là hôm nay đánh "con" (số bao nhiêu - PV) gì đấy? Đánh mấy "con"? Tối qua nằm mơ đi bắt được hai con ba ba. Hôm qua phít (trượt - PV) có một số. Ông lão P., tóc đã bạc, đạp chiếc xe đạp, ghi đông treo túi đậu phụ, khác với một vài khuôn mặt hớn hở, ông P. vào ghi đề với vẻ mặt đăm chiêu. Ông than thở: "Hôm qua tưởng chắc ăn, đánh nhiều, hôm nay hết tiền phải ăn đậu đây này". Tôi ngồi quan sát, thi thoảng lại gặp vài đứa bé tầm 9,10 tuổi, cầm 2-3.000 đồng  chạy vào nhà bà H. rồi nói: "Cô ghi cháu "con" 30 nhé; à, "con" 46 nữa". Cứ thế từ trẻ con, người lớn, thanh niên, ông già ở nơi này xem việc đánh đề như một trào lưu không xấu.

Trong nhà bà H., người ghi đề nhanh thoăn thoắt ghi số, xé giấy đưa cho người chơi (gọi là cạc đề). Đồ nghề chỉ là một quyển số ôli ghi nguệch ngoạc tên và số người đánh, nhỏ nhất 1.000 đồng, lớn nhất là 100.000 đồng (số này không nhiều) còn lại một dãy chi chít những số 1.000, 2.000 đồng. Bà H., người ghi đề cho biết: "Tôi thu tiền, ghi lại đến tối giao cho chủ đề, hưởng 20% phế. Ai trúng, chỉ cần đem cạc đến, tôi đối chiếu với sổ rồi lấy tiền từ chủ đề trả cho họ. Người trúng trả cho tôi 10%. Nói chung, dân ở đây đánh đề cho vui thôi, chẳng gian lận, tính toán gì". Coi đánh đề là một thú vui với những suy nghĩ cũng giản đơn, chân chất nhưng đằng sau thú vui ấy, không ít bi kịch đã xảy ra.

Xã hội - 'Con ma đề' ngốn tiền tỷ vùng đất đặc biệt khó khăn

Ghi đề là một thói quen, "niềm vui" của một số bà con ở vùng sâu vùng xa

Mấy chục triệu đồng cũng làm chủ đề

Ông T. năm nay vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng đã gần 10 năm, ông vẫn say mê số đề như nghiện thuốc phiện. Từ ngày số đề xuất hiện, số tiền ít ỏi từ bán con lợn, con gà, ông dùng để đi chơi đề hết. Hàng ngày sau khi ngủ dậy thay vì trồng rau, ra xem ao cá, ông cặm cụi ngồi tính đề với một quyển sổ chi chít số. Con cháu đã đề huề, khuyên giải nhiều lần, vợ nhỏ to, ông không nghe. Ông tự làm, ăn riêng. Từ đó, ông càng có cơ hội "nghiện" số đề. 17h, ông hăm hở cùng  xe đạp cà tàng đi đánh đề như một công việc quan trọng. Ruộng vườn xơ xác, hai ông bà ra vào là mặt nặng mày nhẹ, cha mẹ con cái thường xuyên to tiếng vì ông lấy tiền con biếu đi đánh đề.

Đau đớn nhất là nhiều phụ huynh, con được phát tiền hỗ trợ học tập hàng tháng, họ mang đi chơi đề hết. Thế nên, nhiều học sinh đi học vẫn luôn miệng bảo không có bút, không có vởã. Hỏi các em, tiền nhà trường đưa bố mẹ đi mua sách vở đâu, các em ngây thơ trả lời: Mua thịt ăn, mua rượu uống và đi đánh đề hết rồi. Trong cuộc họp phụ huynh gần đây, nhà trường đã phải nhắc nhở phụ huynh phải mua đầy đủ sách vở, quần áo ấm để con đi học, không được dùng vào việc khác, đặc biệt là đem đi đánh đề. Một cô hiệu trưởng trường tiểu học tâm sự, có trường hợp cá biệt như em Hà Văn Đức, học sinh lớp 4B, giữa mùa đông em phong phanh một chiếc áo mỏng, chân không tất, đi đôi dép rách đến tội nghiệp. Hỏi ra mới biết, bố em thường xuyên chơi đề, công việc hàng của em là đi ghi đề hộ bố, không biết có khi nào bố trúng không nhưng đã mấy năm nay em không được mua áo rét mới.

Dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, xã xôn xao vì người tự tử, chết đúng vào mùng 2 Tết. Người này nổi tiếng vì tật cờ bạc, đề đóm. Bi kịch ở chỗ, người vợ sau khi khuyên giải chồng không thành, cũng lao vào đề đóm cho bõ tức: "Nó chơi được, mình cũng chơi được". Người chồng thấy vậy, lại quay ra mắng chửi người vợ, hai vợ chồng cãi nhau liên miên, cả ngày chỉ hòa thuận được một lúc duy nhất là thông báo kết quả xổ số. Tức vì không khuyên được vợ, cộng thêm cuộc sống bí bách, người chồng treo cổ tự tử. Đám tang trùng vào dịp Tết vắng hiu, vắng hắt. Ngôi nhà trống không vì hầu hết các vật dụng đã theo nhau đi đánh đề, đánh bạc.

Hệ lụy đau lòng

T. 35 tuổi, học xong cấp 3, cưới vợ. Có ít vốn T. không đầu tư vào chăn nuôi, buôn bán mà ôm mộng giàu nhanh chóng, nhàn hạ bằng cách làm ông chủ đề. Là người "vào nghề" sau, địa bàn ở gần đã được phân chia, T. tìm đến các vùng xa xôi, hẻo lánh nhất của những xã quanh đó. Trung bình, T. thu khoảng 1 triệu đồng/ngày, một con số thu nhập quá lớn đối với cả người miền xuôi. T. nghĩ chẳng mấy chốc mà giàu to. Không ngờ, một ngày có người đánh 200. 000 đồng và trúng đến gần 14 triệu đồng. T. bắt đầu hoảng. Những ngày sau đều có người trúng liên tiếp, không còn cảnh T. an nhàn đi chơi để vợ vào sổ rồi cứ thế đi thu tiền. Cứ đến giờ là mặt T. cắt không hột máu, không dám thở, kết quả về, T. run rẩy tra sổ, toát mồ hôi, lẩm nhẩm nhân chia, cộng trừ. Số vốn cạn dần vì bỗng dưng có quá nhiều người trúng, khiến T. không dám nghe điện thoại, không dám thò mặt ra đường, rồi thì chửi mắng vợ, con. Cay cú, T. vay ngân hàng, quyết tâm làm chủ đề gỡ lại vốn. Nhưng, giấc mơ ông chủ đề của T. tan tành với những khoản nợ mà nhiều năm sau mới trả được.

Ông V., trưởng thôn Yên cho hay: "Tệ nạn đánh đề ai cũng biết, nó đã tồn tại gần như bình thường trong cuộc sống của bà con. Mặc dù chúng tôi biết nhưng chưa bằng chứng cụ thể để xử lí nên tuyên truyền, giáo dục bà con đừng ham mê cờ bạc mà tan cửa, nát nhà". Điều đó thâtå không đơn giản vì tâm lí hám lợi, trình độ nhận thức kém nên người dân dễ dàng bị cuốn theo vòng xoáy của số đề. Ngoài ra, thói quen được đến đâu hay đến đấy, có thì dùng không có thì thôi làm một bộ phận người dân coi đánh đề như một thú vui. Mỗi ngày chỉ vài nghìn bạc, mất chẳng xót, được thì cảm thấy kiếm tiền sao mà dễ thế, không hề quan tâm số tiền được chẳng thấm vào đâu so với số đã bỏ ra nhiều ngày trước đó.  Cuộc sống thường ngày thì vẫn lay lắt với những bữa cơm đạm bạc (tự cung, tự cấp); trẻ con vẫn đến trường mùa đông thiếu áo ấm, chân đất, sách vở bút mực vẫn không bao giờ đầy đủ.                  

Phương Thảo

Hành trình tội ác của ả cắt tóc kiêm 'nữ ma đề'

Thứ 2, 25/03/2013 | 14:02
Vì quá mê tín, Phương đã gửi tiền nhờ bà Thanh là thầy bói có biệt tài "biết trước tương lai" để mua số đề, hòng nhanh "hiện thực hóa giấc mơ" đổi đời.

Ngôi biệt thự của những "con ma đề"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Trong một lần đi chơi Vũng Tàu trở về thành phố, không may chiếc ô tô chở "ba cô" gái bị tai nạn và tất cả nạn nhân trong chiếc xe định mệnh ấy đều không qua khỏi. Từ đó, ngôi biệt thự này gần như bỏ hoang.

Giải mã những di vật “lạ” trong cổ mộ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Cả các nhà khoa học trong nước và quốc tế đều “bó tay” vì loài hạt “lạ”.

Công nghệ 'giải xui' trong thế giới cờ bạc bịp

Thứ 7, 05/01/2013 | 11:07
Sau mỗi lần thua trắng hoặc thắng lớn, dân chơi cờ bạc bịp thường chọn một bãi đáp cuối cùng là vùi thân xác bên cạnh người tình hoặc tìm đến các điểm mại dâm để... xả xui. Thậm chí, bây giờ ngay tại các sòng bạc, theo tiết lộ của nhiều dân chơi trong giới giang hồ, các tụ điểm lập sòng sẵn sàng gọi gái đến phục vụ ngay tại chỗ cho các con bạc "khát nước".