Trẻ em bị ngộ độc chì tăng cao bất thường

Trẻ em bị ngộ độc chì tăng cao bất thường

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Mấy ngày qua, tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh viện Nhi Trung ương... số bệnh nhi dưới ba tuổi, thậm chí một tháng tuổi nhập viện do nhiễm độc chì tăng cao bất thường... khiến nhiều bậc phu huynh hoang mang, lo lắng.

TS. Phạm Duệ - Giám đốc trung tâm chống độc (Bệnh Viện Bạch Mai) cho biết, phần lớn số trẻ nhập viện điều trị ngộ độc chì đều do bôi “thuốc cam”. Có khi 9 - 10 trẻ nhập viện cùng lúc, nhiều nhất là ở Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa... Nhiều trường hợp bị nhiễm độc chì nặng đã ăn vào não, tủy xương…

Xã hội - Trẻ em bị ngộ độc chì tăng cao bất thường

Một bệnh nhi đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc do nhiễm độc chì nặng

Ngồi rầu rĩ cuối giường bệnh của con tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Nguyễn Thị Th. (Phúc Thọ, Hà Nội)- mẹ cháu B. cho biết: Thấy con còi cọc, biếng ăn, chị đã mua thuốc cam của một thầy lang cùng xã về cho con uống với mong muốn con hay ăn chóng lớn. Ai ngờ, sau hơn nửa tháng uống thuốc, cháu B. liên tục nôn, người co giật cứng đời rồi nằm ngủ li bì, vợ chồng chị Thu tá hỏa đưa con lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.

Điều trị 10 ngày bé hết co giật nhưng không tỉnh táo, các bác sĩ nghi ngờ cháu bị ngộ độc đã gửi mẫu máu và mẫu thuốc cam đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy mẫu máu có hàm lượng chì lên đến 95 mcg/dl, cao gấp hơn 6 lần hàm lượng cho phép ở trẻ. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bé B. được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị thải độc chì. Sức khỏe của cháu đã ổn định nhưng chị Thu như chết đứng khi nghe bác sĩ cho biết, việc nhiễm chì nặng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ của cháu B. sau này.

Trao đổi với PV Người đưa tin, BS.Phạm Duệ cho biết: Trung tâm mới tiếp nhận một bé trai 4 tuổi, tên Đ.N.Đ (ở Mỹ Đức, Hà Nội) trong tình trạng còi cọc, da xanh tái. Kết quả xét nghiệm cho thấy trong máu cháu Đ, và mẫu thuốc cam dùng bôi miệng cho em đều có chì. Theo bệnh án, từ lúc hơn 1 tuổi, Đ. hay bị tưa lưỡi và hăm đỏ mông nên thỉnh thoảng chị H. (mẹ bé Đ) lại mua thuốc cam ở chợ gần nhà bôi cho cháu. Lên 2 tuổi, thấy Đ. còi cọc, yếu ớt, gia đình cho đi khám thì được chẩn đoán là thiếu máu. Dù được truyền máu liên tục trong 2 năm sau đó nhưng thể trạng của Đ. vẫn rất yếu. Đến 4 tuổi, khi làm xét nghiệm tại Trung tâm chống độc, gia đình mới biết bé bị nhiễm chì rất nặng, phải nhập viện điều trị.

Cũng theo lời BS. Duệ Trung tâm thường tư vấn điều trị cho trường hợp một cháu bé 16 tuổi bị ngộ độc chì do uống thuốc của thầy lang khi 4 tuổi. Xét nghiệm khi đó xác định, cháu ngộ độc chì nặng gấp 60 lần mức cho phép, gây thiếu máu nặng, chì đã nhiễm vào xương, não. Bệnh viện đã tìm mọi cách để giải độc chì ra khỏi xương nên cháu không bị ảnh hưởng đến chiều cao nhưng tư duy thì chậm, 16 tuổi nhưng trí tuệ thì chỉ bằng các bé tiểu học.

Thống kê từ bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy, trong vòng 1 tuần qua, khoa Thần kinh đã tiếp nhận 4 trường hợp trẻ nhỏ ngộ độc chì liên quan đến việc dùng thuốc cam chữa viêm loét miệng và hiện đang điều trị cho hai bệnh nhi trong số này.

Ảnh hưởng đến thể chất và trí tuệ của trẻ

Theo TS. Phạm Duệ - Giám đốc trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), trẻ em ngộ độc chì rất nguy hiểm. “Chì vào cơ thể lắng đọng trong các tổ chức cơ quan, lưu hành tự do trong máu, gây nhiễm độc hệ thần kinh. Khi bị nhiễm độc chì, trừ trường hợp với nồng độ thấp, thời gian ngắn, chưa ảnh hưởng là có thể hồi phục, nếu không, dù có điều trị đào thải hết cũng để lại di chứng khiến ảnh hưởng đến sự phát triển cả thể chất và trí tuệ của trẻ. Hiện Trung tâm đã thu thập các mẫu thuốc Nam mà bệnh nhân mang đến gửi Sở Y tế các tỉnh kiến nghị làm rõ sự việc".

Không nên mạo hiểm với sức khỏe trẻ nhỏ

Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Duy Thuần - Phó giám đốc Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, "thuốc cam" là tên gọi dân dã của một bài thuốc y học cổ truyền, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường được dùng chữa các bệnh ở trẻ nhỏ như tưa lưỡi, loét miệng, táo bón do nóng trong... Các bác sĩ khuyến cáo, các bà mẹ khi chữa bệnh cho con cần đến những địa chỉ uy tín, có chứng nhận hành nghề. Tại đây, trẻ phải được khám, xác định là bệnh gì, đơn thuốc cho cần ghi rõ thành phần, tên, hàm lượng, cách dùng... Khi cho con dùng thuốc mà thấy trẻ có biểu hiện bất thường cần ngừng ngay và đưa trẻ đi khám.

Chì ngấm vào dược liệu rất hiếm gặp

TS. Thuần cho rằng, nếu thực sự tìm thấy chì trong thuốc y học cổ truyền, nhiều khả năng chì ngấm vào dược liệu khi các cây thuốc được trồng ở những vùng có khoáng quặng. Tuy nhiên, việc chì ngấm vào dược liệu cũng rất hiếm và hàm lượng chì có trong dược liệu sẽ rất thấp, không thể gây ngộ độc được. Cũng theo TS. Thuần, chì không có tác dụng gì trong chữa bệnh nên khả năng người ta cố ý đưa kim loại này vào thuốc là rất ít.

Thức ăn cho trẻ cũng bị nhiễm chì

Theo kết quả kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia (tháng 4/2011) về khẩu phần ăn của trẻ 24 - 36 tháng tuổi tại 4 quận nội thành Hà Nội, có 12 loại thực phẩm được sử dụng thường xuyên là gạo, sữa, cam, thịt lợn nạc, trứng gà, thịt gà, thịt bò, tôm rảo và rau muống... Kết quả phân tích cho thấy, tình trạng ô nhiễm chì cao nhất ở rau muống và thịt lợn (5/8 mẫu nhiễm chì); gạo (5/12 mẫu); 1/4 số mẫu tôm rảo, cam và quýt vượt quá tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng chì. Về chỉ tiêu kim loại nặng Cadmi, thực phẩm vượt quá quy định cho phép của Bộ Y tế nhiều nhất là gạo (3/12 mẫu), thịt lợn 2/8 mẫu, thịt bò 2/4 mẫu. Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, khi lựa chọn thực phẩm cho trẻ cần lưu ý về nguồn gốc rõ ràng.

Ngân Giang