Trẻ mẫu giáo đua nhau học giải toán

Trẻ mẫu giáo đua nhau học giải toán "siêu tốc"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
1
Hết học tiếng Anh, luyện chữ trước khi vào lớp 1, giờ không ít các bé trong độ tuổi mẫu giáo lại phải học giải toán siêu tốc bằng bàn tính gẩy (bàn tính soroban).

Mẫu giáo cũng giải toán "siêu tốc"

Chương trình dạy toán tính nhẩm "siêu tốc" có những tên gọi khác nhau như: Chương trình bàn tính và số học IQ, trẻ em làm toán "siêu tốc", chương trình UCMas... song mục đích vẫn chỉ là dạy các bé những phép tính nhẩm một cách "siêu tốc" bằng bàn tính soroban.

Chương trình học được áp dụng cho trẻ từ 4 đến 12 tuổi. Theo lời giới thiệu của người quản lý lớp học tại một trung tâm ở Hà Đông (Hà Nội), nếu học hết chương trình, các bé có thể cộng trừ phép tính gồm nhiều con số với các đơn vị khác nhau. Sau ba tháng học, trẻ sẽ bắt đầu có sự tiến bộ. Sự tiến bộ này sẽ rõ ràng hơn sau thời gian học liên tục từ 9 tháng đến 1 năm. Còn các bậc phụ huynh muốn thấy được lợi ích lớn hơn của việc học tập này cần phải cho con theo học từ 2 - 3 năm!.

Xã hội - Trẻ mẫu giáo đua nhau học giải toán 'siêu tốc'

Đại đa số các nước trên thế giới đều không dạy cách dùng bàn tính gẩy.

Mỗi khóa học giải toán "siêu tốc" với bàn tính soroban, thường kéo dài ba tháng với mức học phí 1 - 1,5 triệu đồng. Chương trình học sẽ được phân chia thành bốn phần gồm: Finger arithmetice - Ngón tay số học, Basic - Cơ bản, Advance - Nâng cao và Expert - Chuyên gia với 10 cấp độ khác nhau. Hết mỗi cấp độ, các bé sẽ có bài thi gồm bốn phần, nếu bài thi đạt 7/10 của mỗi phần sẽ được lên cấp độ tiếp theo. Khóa học đầu tiên đối với lứa tuổi mầm non là khóa học Finger A.

Theo đó, các bé sẽ học nhận biết các số trên ngón tay và thực hiện được các phép tính cộng trừ không công thức và có công thức trong phạm vi từ 0 đến 99 chỉ với hai bàn tay của bé.

Với nội dung chương trình học này, các học viên nhí sẽ lên lớp 2 buổi/tuần, thời lượng học 60 phút/buổi để tìm hiểu và thực hành các khái niệm về tính toán nhanh. Các chương trình dạy được thiết kế với "màn khởi động" ôn lại các khái niệm đã được học ở buổi trước. Tiếp theo, các em sẽ có 30 phút để học "bài học trong ngày" sau đó chơi các trò chơi để giải quyết vấn đề toán học. Cuối buổi học, các bé sẽ tham gia hoạt động "hỏi nhanh đáp gọn" cùng với giáo viên để kiểm tra lại khả năng tính nhẩm qua từng ngày và giao bài tập về nhà.

Theo giới thiệu của các trung tâm này, chương trình dạy toán siêu tốc cho trẻ được mua bản quyền từ Malaysia và Singapore. Không những khẳng định chất lượng của các chương trình này, các trung tâm còn giới thiệu đội ngũ giáo viên đều được các chuyên gia người Malaysia và Singapore đào tạo, huấn luyện và cấp chứng chỉ nghiệp vụ.

Đừng bắt trẻ "chưa học bò đã lo học chạy"

Chị Nguyễn Thanh Hằng (phố Huế, Hà Nội) chia sẻ: "Con gái tôi mới năm tuổi. Mỗi tuần, cháu học tiếng Anh một buổi ở May School (Mai Hắc Đế, Hà Nội); hai buổi toán ở Mathnasium (Lò Đúc, Hà Nội)... Trung bình, cháu học mỗi tuần 5 buổi tại lớp mẫu giáo, 3 buổi chiều tối chạy sô từ lớp mẫu giáo sang lớp tiếng Anh và toán. Cả tuần gần như kín lịch, sau giờ đi làm, con đi học thêm, thành ra bố mẹ cũng làm xe ôm chẳng có lúc nào được nghỉ. Cả nhà gặp nhau cũng phải sau 9h tối. Tôi và chồng đã bàn, nên cho con học trước mọi thứ để vào lớp 1 cháu đỡ vất vả".

Xã hội - Trẻ mẫu giáo đua nhau học giải toán 'siêu tốc' (Hình 2).

PGS Văn Như Cương cho rằng, trẻ cần học những bước căn bản của toán học để tư duy logic.

Trái với sự hào hứng của các bậc phụ huynh với các lớp học giải toán "siêu tốc", các chuyên gia giáo dục lại bày tỏ sự quan ngại với trào lưu "thụt lùi" này. Bởi, hầu hết các chương trình toán phổ thông của các nước trên thế giới đều không dạy về bàn tính gẩy. Trong khi đó, với các phép tính đơn giản, máy tính bỏ túi đã là một công cụ rất hữu dụng (tính nhanh, tính chính xác).

PGS. Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: "Trẻ đang ở trong độ trường mẫu giáo chỉ nên học các trò chơi xếp hình, học nhận mặt chữ. Bắt một đứa trẻ mẫu giáo giải toán "siêu tốc" để làm gì?. Tại sao các con chưa đến tuổi cần phải làm những bài toán cộng trừ nhiều số hạng mà các bậc cha mẹ lại bắt chúng phải học, phải giỏi như mong muốn của cha mẹ?".

Cũng theo PGS. Cương, những phép toán đơn giản có thể làm bằng bàn tính gẩy thì máy tính bỏ túi hoàn toàn có thể giúp người học. PGS. chỉ khuyên các bậc phụ huynh, với trẻ khi chúng mới "tập đi" thì hãy dạy chúng những bước đi cơ bản thay vì bắt chúng đi tắt. Phụ huynh có thể gửi trẻ đến các trung tâm như một nhà giữ trẻ, chứ đừng bắt chúng học giải toán "siêu tốc" khi mà chúng chưa cần phải học nó.

Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội khẳng định, việc học toán tính nhẩm "siêu tốc" ở lứa tuổi mầm non là không cần thiết. Theo TS. Lâm, ở lứa tuổi này, quy luật nhận thức là thông qua việc chơi, qua tiếp xúc với sự vật trực quan, kết hợp học mà chơi, chơi mà học, chứ không phải ngồi vào bàn làm bài tập... Đặc biệt, về mặt tâm lí học, khi tác động đến các cháu, người lớn không được ép buộc. "Việc dạy toán "siêu tốc" giúp các em ra được đáp án rất nhanh nhưng lại không có phương pháp tư duy logic của toán học, sẽ vô cùng nguy hiểm, nó có thể khiến các em "mất gốc", ảnh hưởng tới quá trình học tập ở bậc cao hơn" - TS. Lâm cho biết.

Ông cũng khuyên các bậc phụ huynh, chỉ nên tác động có điều kiện đối với trẻ để giúp các cháu có khả năng phát triển năng lực của mình, chứ không nên đưa ra quy định là việc các em làm được cái này, cái kia để chứng tỏ là giỏi, là thiên tài.

“Ai muốn con gái mình đẻ khi ở tuổi vị thành niên?”

PGS. Văn Như Cương, hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: "Thời gian vừa qua, tôi có nghe thông tin có em học sinh lớp 6 được thầy giáo huấn luyện có thể giải được các bài toán thi đại học. Tuy nhiên, những điều đó có cần thiết không, khi mà các em chỉ mới học lớp 6? Nó giống như các bậc cha mẹ có con gái 12 - 13 tuổi xinh xắn, phổng phao, nhưng có bậc cha mẹ nào lại muốn gả chồng, muốn con gái mình đẻ con ở tuổi đó?".

Đỗ Thơm