Trí tuệ Việt Nam: Ngủ quên hay

Trí tuệ Việt Nam: Ngủ quên hay "chết lâm sàng"?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Nhiều người nhận định, giáo dục là lĩnh vực cần phải thay đổi trước tiên: "Để giải quyết vấn đề này, chúng ta nên làm từ gốc và điều đầu tiên giải quyết vấn đề tiêu cực trong giáo dục. Có như vậy, Việt Nam mới thoát khỏi cảnh “ngụp lặn” ở nửa dưới của thế giới!

Thua kém trí tuệ mà cứ dửng dưng thì chẳng khác “chết lâm sàng”

GS Hoàng Tụy, nhà toán học nổi tiếng Việt Nam cho rằng: “Chúng ta đứng ở thứ hạng rất thấp trong bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu, báo động đỏ là đúng, không oan. Thực ra chẳng cần phải nghiên cứu kỹ, ai cũng thấy rõ điều này ít nhất từ 20 năm nay rồi. Mọi người làm khoa học kỹ thuật, làm giáo dục ở Việt Nam đều ý thức rõ sự lạc hậu, sự yếu kém của chúng ta so với thế giới. Trừ một số ít người, vì những lý do dễ hiểu cứ cố tình nhắm mắt trước thực trạng đó, còn ai có chút lương tâm với đất nước đều cảm thấy đau xót, tủi hổ. Những số liệu cụ thể càng khiến chúng ta lo lắng hơn. Vì thời nay một đất nước thua kém trí tuệ mà cứ dửng dưng, vô tư thì có nghĩa nó đang chết lâm sàng, như có người đã dùng từ rất xác đáng”.

Xã hội - Trí tuệ Việt Nam: Ngủ quên hay 'chết lâm sàng'?

Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hòa Bình nhận định: "Việt Nam có bệnh thành tích và ngủ quên trên chiến thắng. Đơn cử như các đợt đi thi quốc tế của Việt Nam. Hàn Quốc năm nay dẫn đầu về Toán học với 6 huy chương vàng nhưng họ không làm rầm rộ như Việt Nam... Người Việt Nam cứ nói mình giỏi Toán, thông minh. Thử xem Thái Lan họ đâu có khen họ thông minh, giỏi Toán mà vẫn xếp hạng Toán học hơn Việt Nam (năm 2011). Một vài chiếc huy chương không đủ làm nên trí tuệ Việt. Lại thêm, việc dùng người của nước ta còn quá kém, khiến chảy máu chất xám. Khi đi làm thì nạn chạy chức chạy quyền, khiến thui chột và kìm hãm tư duy sáng tạo của người lao động. Đi học thì nạn thành tích, giáo viên chỉ lo dạy thêm nhồi nhét, chép bài còn không đủ thời gian thì sáng tạo sao được?"

Nguyễn Vương Linh, huy chương Vàng tại cuộc thi Olympic Tin học quốc tế lần thứ 23 tại Thái Lan (tháng 7/2011) cho biết: “Mặc dù trong các cuộc thi về học vấn như Olympic, đoàn Việt Nam không hề thua kém các nước phát triển nhưng tổng sắp bảng xếp hạng trí tuệ Việt Nam vẫn rất thấp. Bảng xếp hạng về trí tuệ các quốc gia được tổng hợp, xem xét và điều tra trên nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng về mặt trí tuệ cá nhân. Nhưng con số khách quan do Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization - WIPO thuộc LHQ) công bố thực là một lời nhắc nhở với mọi người về quản lý và đầu tư cho vốn con người”.

Trí tuệ của một quốc gia không đơn thuần là phép cộng

GS.TSKH Trần Xuân Hoài, Viện Vật lý ứng dụng cho rằng: “Khi người cha già yếu vẫn vắt sức làm cửu vạn, còn bà mẹ bệnh tật chạy bới từng thùng rác kiếm từng đồng lẻ, cắn răng để nuôi con ăn học, chỉ với một ước nguyện duy nhất là mong con có được trí tuệ để đổi đời, thì ông bà già tội nghiệp đó hiểu hơn ai hết sức mạnh, sự cần thiết của trí tuệ đối với một con người. Một quốc gia muốn đổi đời cũng cần có trí tuệ. Nhưng trí tuệ của một quốc gia không phải đơn thuần là phép cộng trí tuệ của từng con người, nó là do cả một hệ thống tạo lập nên.

Chị Nguyễn Thị Nhẫn (ĐH Nông Nghiệp Hà Nội) nêu quan điểm: “Với nhiều người bảng xếp hạng chỉ là để tham khảo vì họ còn phải lo bữa cơm hàng ngày hơn. Nhưng với những người nghiên cứu và quản lý thì nó lại nói lên nhiều điều. Có thể làm phương pháp loại trừ để tìm ra yếu tố khiến chúng ta ở nửa dưới bảng xếp hạng. Nhìn vào các tiêu chí và điểm của các chỉ tiêu đánh giá đó thì tổ chức nhà nước và vốn con người của Việt Nam gần như bét bảng xếp hạng. Trong khi đó đầu ra sáng tạo lại khả quan hơn rất nhiều. Chính vì thế có thể nói trí tuệ người Việt Nam không thấp nhưng môi trường và sự đầu tư để con người phát triển trí tuệ còn thấp”.

Anh Lưu Trọng Nhân (TP.HCM) cho rằng: "Quan trọng nhất là yếu tố con người, được biểu hiện bằng sức sáng tạo và tri thức khoa học đích thực. Một đất nước phát triển kinh tế bằng nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được chứng tỏ tầm nhìn quản lý còn quá hạn hẹp. Người Việt mình, nếu được các động cơ khuyến khích phù hợp, sẽ sáng tạo không kém gì các dân tộc khác. Nhưng để làm được điều này chúng ta phải vượt qua nhiều căn bệnh thâm căn cố đế. Điều này đòi hỏi nhà lãnh đạo phải hy sinh mục tiêu ngắn hạn để đạt mục tiêu dài hạn

N.Giang- H.Mai