Trí tưởng tượng là “chiếc đũa thần” thay đổi thế gian

Trí tưởng tượng là “chiếc đũa thần” thay đổi thế gian

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Chiếc đũa thần của cậu bé phù thủy Harry đã biến một bà mẹ đơn thân sống trong căn nhà ổ chuột trở thành một nhà văn tỷ phú.

Phép màu xuất phát từ tài năng, quyết tâm và may mắn đã đưa Rowling trở thành nhà văn giàu có và nổi tiếng nhất thế giới. Cô có mức thu nhập cao gấp 8 lần Nữ hoàng Anh Elizabeth II và xếp thứ hai trong số những phụ nữ kiếm tiền giỏi nhất trong lĩnh vực giải trí. Được tạp chí The Book bình chọn là "nhà văn Anh vĩ đại nhất", J.K.Rowling trở thành một hiện tượng có một không hai trên văn đàn thế giới. Nổi tiếng và giàu có nhưng cô luôn giữ cho mình một cuộc sống kín đáo, tiêu pha dè xẻn và tránh xa ánh đèn flash.

Xã hội - Trí tưởng tượng là “chiếc đũa thần” thay đổi thế gian

"Thất bại là một nền tảng vững chắc để tôi xây dựng lại cuộc đời"

Nữ nhà văn J.K.Rowling sinh ngày 31/7/1965, trùng ngày sinh nhật với cậu phù thủy nhỏ Harry. Lớn lên trong một gia đình trung lưu, tuổi thơ của Rowling gắn liền với ngôi làng Winterbourne (phía Nam xứ Wales). Ngay từ nhỏ, cô bé Jo (tên thân mật của Rowling) đã đam mê viết truyện. Tác phẩm đầu tay của Jo có tên "Chú thỏ", viết chung với chị gái khi Rowling chỉ mới 6 tuổi. Ngay từ nhỏ, Rowling đã thích viết những câu chuyện về yêu tinh, chú lùn và những nàng tiên.

Tạm gác sở thích viết lách sang một bên, Rowling nghe lời bố mẹ để học tiếng Pháp và văn học cổ điển và sau đó làm công tác nghiên cứu tại tập đoàn Amnesty International. Bố mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc cho cô, chính vì thế, Rowling vấp phải cú sốc tâm lý khi mẹ cô ra đi đột ngột. Cô chuyển đến Bồ Đào Nha dạy tiếng Anh rồi nhanh chóng kết hôn với một phóng viên truyền hình. Một năm sau, hai người chia tay. Cuộc hôn nhân để lại cho Rowling một đứa con. Hơn 20 tuổi và một con gái, cuộc sống càng trở nên khó khăn khi Rowling lại rơi vào cảnh thất nghiệp.

Nhớ về quãng thời gian đầy khó khăn này, nữ hoàng truyện phù thủy tiết lộ, bà từng nung nấu ý định tìm đến cái chết nhưng chính cô con gái là nguồn động lực duy nhất. "Khi tôi 25, 26 tuổi, tôi gần như trắng tay. Tôi cảm giác mình sắp tụt xuống vực thẳm và muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Nhưng con gái tôi là điều khiến tôi phải sống. Con bé đã nâng đỡ, tiếp sức cho tôi. Tôi nghĩ, tôi không thể chết vì con bé sẽ không sống nổi trên thế giới này nếu thiếu mẹ", nhà văn kể lại.

Tuy nhiên, ở đáy sâu của thất bại, Rowling đã viết nên lịch sử của cuộc đời mình. Nữ văn sĩ chia sẻ: "Thất bại có nghĩa là tước bỏ hết những chuyện phù phiếm. Tôi trở về đúng con người thật của mình, không phải đóng kịch thành bất cứ ai và tập trung năng lượng vào công việc có ý nghĩa nhất với mình. Nếu đã thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào khác thì tôi đã không đủ bền chí để theo đuổi và đạt được thành công ở lĩnh vực văn học. Tôi đã thực sự tự do vì nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi đã thành hiện thực, mà tôi vẫn sống, tôi vẫn còn đứa con gái yêu, vẫn còn chiếc máy chữ và một ý tưởng lớn. Và như vậy, đáy sâu của sự thất bại là một nền tảng vững chắc để tôi xây dựng lại cuộc đời".

Thế rồi Rowling lao vào viết. Câu chuyện về cậu bé Harry đến từ một chuyến tàu trễ. Hình ảnh một cậu bé tóc đen, người không biết mình là một phù thủy, đã hiện lên trong đầu cô. Ngay khi vừa về tới khu nhà ổ chuột, cô vội bắt tay vào viết... Tập Harry Potter đầu tiên được hoàn thiện trong các quán cà phê khi con gái Jessica ngủ ngon lành trong nôi bên cạnh. Lúc đó, hai mẹ con Rowling sống chủ yếu bằng nguồn phúc lợi nhà nước, khoảng 70 bảng Anh.

Xã hội - Trí tưởng tượng là “chiếc đũa thần” thay đổi thế gian (Hình 2).

Nữ văn sĩ Rowling từng nhận huân chương Bắc đẩu bội tinh từ Tổng thống Pháp Sarkozy

Hành trình kỳ diệu cùng "cậu bé cưỡi chổi"

Rowling đã gửi bản thảo của "Harry Potter và Hòn đá phù thủy" đi vô số đại lý xuất bản, nhưng không nhận được hồi âm nào. Phản ứng ban đầu về Harry Potter rất đáng thất vọng. Các nhà xuất bản cho rằng, truyện phù thủy đã được các nhà văn cày xới quá nhiều. Cho đến khi một nhân viên đại lý là Christopher Little tranh thủ đọc bản thảo của Rowling vào giờ nghỉ trưa thì hành trình kỳ diệu bắt đầu. Ông ta đồng ý đại diện cho Rowling, nhưng vẫn liên tiếp nhận được lời từ chối. Sau 12 lần bị từ chối, 13 là con số may mắn của Rowling khi bản thảo đến tay Nigel Newton, giám đốc NXB Bloomsbury. Ông này mang bản thảo về nhà và đưa chương đầu tiên cuốn "Harry Potter và hòn đá phù thủy" cho Alice, cô con gái 8 tuổi của mình đọc. Cô bé đọc xong và đòi đọc tiếp phần sau. Chỉ có thế, Bloomsbury đã trả trước cho nhà văn 1.500 bảng Anh.

Chỉ vài tháng sau, cuốn tiểu thuyết đã được đặt giá cho phiên bản Mỹ, giá thành tăng vọt nhờ sự thành công của nó ở Anh, và Rowling, đã quen sống với 70 bảng tiền trợ giúp một tuần, bỗng nhiên được trả tới 105.000USD từ nhà xuất bản Scholastic của Mỹ. Và từ đó, những tập truyện Harry Potter cứ thế được dịch ra các thứ tiếng khác nhau. Trẻ em, và cả người lớn trên khắp thế giới mong ngóng những tập tiếp theo về chàng phù thủy mồ côi.

Harry Potter của J.K.Rowling được miêu tả như một áng văn chương gây xúc động mạnh dành cho trẻ em và việc sáng tạo ra nhân vật cậu bé phù thủy Harry Potter đã giúp tác giả đổi đời từ một bà mẹ đơn thân phải nhận tiền trợ cấp nuôi con thành một nhà tỷ phú. Tập truyện này đã bán được 400 triệu bản và được dịch sang 67 ngôn ngữ khác. Đặc biệt, tập cuối cùng "Harry Potter và bảo bối tử thần" phát hành năm 2007 đã bán được 44 triệu bản, trong đó 15 triệu bản đã được bán ra chỉ trong vòng 24 giờ đầu tiên. Rowling đã từng nói rằng khi cơn sốt Potter giảm nhiệt đi, cô mong rằng mình có thể được chìm vào quên lãng. Nhưng hiện tại, bản thân nhà văn có hai thư ký chuyên xử lý đến khoảng hơn 1.000 lá thư nhận được mỗi tuần và một trợ lý phụ trách việc lên lịch và sắp xếp các cuộc hẹn.

Xã hội - Trí tưởng tượng là “chiếc đũa thần” thay đổi thế gian (Hình 3).

Rowling trong lễ khởi công xây dựng bệnh viện Anne Rowling, nơi bà đã đóng góp 10 triệu bảng

Sau 7 tập ăn khách về chàng phù thủy Harry Potter, cuối năm 2007, tập truyện "Những chuyện kể của Beedle Người hát rong" ra mắt. Ban đầu, cuốn sách được viết dưới dạng một phiên bản có giới hạn gồm 7 cuốn, mỗi cuốn đều do chính nhà văn Rowling viết tay và vẽ hình minh họa. Sách được bọc bằng bìa da thuộc và đóng viền bằng bạc nạm đá. Bà đích thân ký tặng 6 cuốn cho những người thân, những người bà cho rằng đã gắn liền với Harry Potter trong suốt 17 năm. Cuốn sách cuối cùng được đem đi đấu giá và thu về 4 triệu USD, mức giá kỷ lục cho một tác phẩm viết tay hiện đại. Số tiền này đã được Rowling đem đi làm từ thiện, gây quỹ The Children's Voice. Đến năm 2008, cuốn sách được xuất bản rộng rãi và tất cả lợi nhuận của "Những chuyện kể của Beedle Người hát rong" cũng được hiến cho tổ chức từ thiện.

Người phụ nữ giàu thứ 13 nước Anh hiện không có dự định làm bộ truyện dài tập nào nữa nhưng cũng rất có thể cô sẽ phá vỡ dự định đó. Mới đây, Rowling đã thông báo rằng cô đang viết một cuốn sách dành cho người trưởng thành. Cuốn sách này sẽ phát hành vào mùa thu năm nay có tên "The Casual Vancancy" (Khoảng trống bất thường). Đây là tác phẩm mới nhất và là tác phẩm đầu tiên dành cho người lớn của Rowling. Michael Pietsch, đại diện nhà xuất bản Mỹ của Rowling, dự đoán: "Tôi hy vọng thế giới sẽ ngây ngất với trí tưởng tượng phong phú của cô ấy". Ông gọi Rowling là "một thiên tài, một trong những nhà văn xuất sắc của mọi thời đại". Ông cho biết: "Cuốn tiểu thuyết 512 trang nhắc tôi nhớ về tiểu thuyết gia Dickens vì tính nhân văn, sự hài hước, các mối liên hệ xã hội, các nhân vật thật mãnh mẽ". "Rõ ràng là không có cây đũa thần", Pietsch nói. "Cuốn sách này không phải là Harry Porter. Nó là một mối quan tâm hoàn toàn khác".

Món quà từ sự thất bại

7 phần của Harry Potter đem đến cho độc giả hàng trăm bất ngờ thú vị, điều bất ngờ nhất có lẽ là trí tưởng tượng không giới hạn của tác giả. Với nữ văn sĩ Rowling, trí tưởng tưởng không chỉ là khả năng của con người hình dung ra những điều không có thật, nó còn là nguồn mạch của tất cả phát mình và sáng tạo. Trí tưởng tượng còn có khả năng biến đổi con người và khiến người ta tỉnh ngộ, nó khiến ta biết đồng cảm với những người khác hẳn so với chúng ta. Chúng ta không cần phép thuật để thay đổi thế giới, chúng ta có đủ sức mạnh rồi: Sức mạnh tưởng tượng những điều tốt đẹp hơn.

Vượt lên từ căn hộ ổ chuột để trở thành nữ văn sĩ giàu nhất nước Anh, Rowling hẳn có thừa kinh nghiệm để chia sẻ cho chúng ta về hai từ "thất bại". Với cô, thất bại là một cơ hội, là một bước khởi đầu mới. "Có thể bạn không thất bại như tôi, nhưng trong cuộc sống, thất bại là không thể tránh khỏi. Bạn không thể sống mà không thất bại chuyện gì đó, trừ khi bạn sống quá cẩn trọng đến nỗi như là không sống, trong trường hợp này, bạn thất bại hoàn toàn. Thất bại dạy tôi những thứ mà không trường lớp nào có thể dạy. Tôi khám phá ra rằng mình có một ý chí mạnh mẽ, kỷ luật hơn mình tưởng và cũng biết rằng mình có những người bạn đáng giá ngàn vàng. Hiểu được điều đó là một món quà thực sự, cho dù phải đau đớn để nhận được, thì đó vẫn có giá trị hơn mọi thành tích", J.K.Rowling phát biểu trong lễ phát bằng của sinh viên đại học Havard (Mỹ) năm 2008.

Thanh Xuân