Trích ngang người miền Tây

Trích ngang người miền Tây

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:57
0
Học giả Nguyễn Hiến Lê trong tập bút ký "Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười" đã kể lại hai câu chuyện bình dị mà ông xem như chuyện lạ: Vào những năm của thập niên ba mươi, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chánh Hà Nội, ông được phân công vào Đồng Tháp Mười làm công tác đo đạc.

Một đêm nọ, tình cờ ông ghé đụt mưa dưới mái hiên căn nhà lá bên bờ kinh Phong Vĩ, lúc ấy khoảng hai giờ khuya. Trong khi ông sợ làm phiền chủ nhà thì bà cụ trong nhà bật quẹt, mở cửa bước ra, mời ông vào nghỉ.

Ông áy náy vì căn chòi chỉ sáu mét vuông, hai bà cháu phải cuốn mùng, nhường chỗ cho ông ngồi và kiên quyết giữ ông lại cho đến khi trời tạnh. Câu chuyện thứ hai, một lần ông ghé qua vườn quýt ở Tân Thuận, bà chủ nhà tuy nghèo nhưng kiên quyết giữ ông lại để đãi một bữa cơm do chính tay bà nấu, và khi ông xuống ghe thì thấy ở dưới ghe đã có sẵn mấy chục trái quýt và hai nải chuối.

Thật ra, đó chỉ là những chuyện rất đỗi bình thường trong cách ứng xử, lòng mến khách của người dân miền Tây. Nhưng với Nguyễn Hiến Lê, một trí thức Bắc Hà, ông tỏ ra trân trọng và cảm mến như một nghĩa cử cao đẹp mà ông chưa từng thấy, cho nên, ông nói kể những câu chuyện nầy để mong rằng đồng bào Trung, Bắc hiểu đồng bào miền Nam hơn, và ông cảm thấy xấu hổ thay cho những bạn bè có học thức mà tỏ ra miệt thị những cư dân trên vùng gọi là đất mới nầy.

Đọc Bảy Ngày Trong Đồng Tháp Mười, tôi chợt nghĩ, nếu Nguyễn Hiến Lê đã chứng kiến những câu chuyện như tôi đã từng chứng kiến, chắc chắn cụ sẽ xúc động mà viết cả hàng trăm trang sách.

Xã hội - Trích ngang người miền TâyNgười miền Tây nghèo thì nghèo nhưng tiếp bạn là phải chu đáo

Năm 1985, Minh Hải thành lập hội Văn học Nghệ Thuật, chúng tôi đưa khách mời đi tham quan huyện Thới Bình bằng một chiếc xe đò. Trên đường về gặp trận mưa to. Đường đất, xe mắc lầy giữa chừng. Khi hết mưa thì trời chập choạng tối. Ai cũng ngà ngà say rượu nên cứ xuống xe mà thả bộ theo con đường đất đỏ, thậm chí vừa đi vừa rót rượu chuyền cho nhau uống, cứ nghĩ đi vài tiếng đồng hồ sẽ về tới Cà Mau.

Đến lúc không còn thấy đường đi, tôi ghé vào một ngôi nhà trong xóm xin một bó lá dừa làm đuốc, chợt nghe đói bụng, tôi hỏi chị chủ nhà còn cơm nguội không, cho tôi xin một chén. Chị bưng ra nguyên nồi cơm với một dĩa mắm sống, mình thì cảm động đến đứt ruột, còn chị thì tỏ ra áy náy: “Mấy chú thông cảm mà ăn cho đỡ đói, tại vì bất ngờ quá nên không chuẩn bị, thôi thì có gì ăn nấy”. Ai cũng bắt đầu đói bụng nên xúm lại ăn.

Thấy vậy chị chủ nhà chạy qua hàng xóm xin thêm cơm, năm mười phút sau, cả chục gia đình thi nhau mang cơm ra đường, lăng xăng mời gọi, mắm sống, mắm kho, cá kho, thịt kho, cả xóm mang ra cho mấy chục người cùng ăn dưới đuốc lá dừa. Và, khi biết rằng chúng tôi phải lội bộ về Cà Mau thì có ai đó gợi ý nên ngủ lại. Vậy là, cả xóm lại lăng xăng dọn dẹp nhà cửa, trải chiếu giăng mùng cho khách. Đến năm giờ sáng, cả đoàn chúng tôi đón tàu đò về Cà Mau.

Cho đến bây giờ, đã hơn hai mươi năm, có lẽ trong chúng tôi nhiều người đã quên một chuyến lỡ đường đêm ấy, ngay cả tôi cũng không còn nhớ cái địa danh của xóm ấy là gì, những người chủ nhà ấy là ai.

Năm 1999, hai vợ chồng nhà văn Nguyễn Quang Thân và Dạ Ngân xuống Cà Mau. Anh Thân muốn có một chuyến lang thang vùng sông nước. Tôi thuê một chiếc vỏ lãi khá lớn, có mui để che nắng che mưa và mang theo cả xoong nồi, chén dĩa, lò than, gia vị để tự nấu ăn. Khi đến Xóm Mũi, cái xóm nhà tận cùng đất nước, lúc ấy trời sắp tối, chúng tôi cặp vào bến sông chuẩn bị nấu ăn thì chị chủ nhà bước xuống làm quen. Chị nói: “Mấy anh không tới đây thì thôi, đã tới rồi thì chúng tôi coi là khách, hổng lẽ gia đình tôi không lo cho mấy anh chị một bữa cơm, một đêm ngủ đàng hoàng mà phải ăn bờ ngủ bụi”. Tôi thì không lấy làm ngạc nhiên, nhưng đối với nhà văn Nguyễn Quang Thân, ấn tượng của anh cũng không khác gì học giả Nguyễn Hiến Lê khi đến Đồng Tháp Mười.

Trưa hôm sau, chúng tôi rời Đất Mũi, đi theo đường biển qua Đầm Bà Tường. Vào đến giữa đầm thì mặt trời sắp lặn, ráng chiều ửng đỏ trên mặt đầm hòa quyện với hàng ngàn chiếc đèn đó rực lên như một rừng sao. Như không kềm chế được, anh Thân thốt lên: “Trời ơi, đẹp hơn cả Hồ Tây !”.

Thấy có một căn nhà sàn vô chủ ở giữa đầm, chúng tôi bày ra bữa cơm chiều. Đang ăn thì bất giác vợ chồng anh chủ nhà bơi xuồng về tới. Chúng tôi đâm ngượng, định lựa lời xin lỗi thì anh chủ nhà lại ngập ngừng xin lỗi ngược lại: “Xin lỗi mấy anh chị, khách tới nhà mà chúng tôi không về kịp để đón tiếp”. Vậy là, chủ với khách cứ tự nhiên mà ngồi nhậu với nhau. Khoảng tám giờ tối, một chị phụ nữ từ trong bờ chèo xuồng ra, nói: “Thấy ở ngoài nầy vui quá, ra chơi”. Uống cạn vài ly, chị nói: “Hổng mấy thuở anh chị từ Hà Nội vô chơi, mời anh chị lên nhà tôi cho biết”. Chúng tôi theo chị lên bờ, thoáng chốc đã nghe tiếng con gà la cái áo, vài phút sau, một dĩa lòng gà xào củ hành được mang ra, lai rai chưa hết thì nồi cháo gà cũng chín tới.

Xã hội - Trích ngang người miền Tây (Hình 2).Mảnh đất miền Tây sông ngòi chằng chịt

Mấy tháng sau, trên đường đi làm phim Sông Nước Cà Mau, chúng tôi tìm lại anh Nguyễn Việt Hùng - người chủ căn chòi giữa Đầm Bà Tường hôm ấy - để thực hiện những cảnh quay về cuộc sống của anh. Anh Hùng quê ở Kiên Giang, đi bộ đội, xuất ngũ, làm thầu số, phá sản rồi theo vợ về quê, mua lại 80 miệng đó giữa Đầm Bà Tường để mưu sinh. Luật chơi ở cái đầm nầy có một điều rất lạ, mỗi sáng anh đi đổ đó về thì ở nhà đã có năm ba chiếc xuồng từ trong bờ chèo ra chờ sẵn để lấy cá.

Sau khi bán tôm, phần cá anh chia đều cho mỗi người trong khi số cá ấy, nếu bán, cũng bằng hoặc hơn số tiền tôm. Hỏi sau vậy, anh nói luật ở đây là vậy, mình chỉ bán tôm, còn cá thì cho những người ở trên bờ. Không ai quy định thế, nhưng dường như ai cũng hiểu rằng cái đầm rộng hàng ngàn hecta nầy là của thiên nhiên ban tặng cho cư dân trong vùng chớ không của riêng ai, người khai thác nguồn lợi thì phải chia sớt cho cộng đồng cùng hưởng.

Trong những ngày lang thang trên sông nước Cà Mau, chúng tôi gặp một nhân vật khá nổi tiếng trên vùng đất nầy, đó là anh Hai Ô Rê, người sáng chế ra chiếc máy kéo xuồng qua đập, một công nghệ hiện đang ứng dụng cho cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ở một số tỉnh cuối cùng của miền tây Nam Bộ, gọi là vùng bán đảo Cà Mau có một hệ sinh thái đặc biệt, đó là một mùa nước mặn và một mùa nước ngọt. Trước khi vào mùa nước mặn, các con đập đều được đắp lại để giữ ngọt cho vùng lúa bên trong, chính vì vậy mà xuồng ghe từ các con rạch ra sông vào mùa nầy phải kéo ngang qua đập, nỗi nhọc nhằn ấy trở thành nỗi ám ảnh qua bao thế hệ đời người.

Năm ấy, anh Hai Ô Rê được cha mẹ cho ra riêng, cấp cho miếng đất cất nhà ngay con đập Hai Hạt. Đến mùa nước mặn, chính quyền địa phương giao cho anh giữ đập, bù lại anh được miễn lao động công ích. Tưởng dễ ăn, ai dè mỗi ngày đêm có hàng trăm chiếc xuồng ra vào qua đập, những cụ già, phụ nữ, trẻ con... anh Hai không thể không ra tay kéo tiếp. Bất chợt một đêm nọ, anh nghĩ đến việc chế tạo ra một đường ray úp qua con đập, gắn lên đó một chiếc xe, dùng dây cáp kéo qua kéo lại thông qua một cái trục quay, chuyền qua vô-lăng...

Gần một tháng trời lặn hụp, anh Hai đã thành công. Chỉ cần chiếc xuồng rướn lên chiếc xe, anh dùng tay xoay chiếc vô-lăng mấy tua thì chiếc xuồng chạy bon bon qua đập như một phép màu. Anh nghĩ tiếp, thay vì dùng tay thì có thể dùng động cơ. Anh lại thành công. Một chiếc xuồng chở lúa, một chiếc tàu đò chở mấy mươi hành khách vẫn có thể lướt qua con đập một cách nhẹ nhàng. Khách đến tham quan đông nghẹt xem anh Hai vừa biểu diễn vừa thu tiền, mỗi chiếc hai ngàn, năm ngàn, mười ngàn, hai chục ngàn... tùy theo trọng tải.

Rồi cán bộ thuế xuống kiểm tra thu thuế, rồi bà con ở các nơi kéo đến học nghề, rồi họ làm không thành công, phải rước anh Hai về sửa chữa... Vài năm sau, cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long ứng dụng công nghệ của anh Hai để kéo xuồng qua đập. Mỗi con đập đều phải đấu thầu, nhà nước thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Hỏi có ai trả tiền bản quyền cho anh Hai không, anh bảo không, thậm chí họ mời đi khắp nơi để thi công cho họ, cũng chẳng có đồng nào, chỉ giùm rồi uống rượu đế trừ. Thì kệ, chịu chơi là đồ bỏ mà.

“Chịu chơi là đồ bỏ”, câu này dường như tôi đã quen thuộc từ lâu.

Nhà văn Võ Đắc Danh