Triết lý võ đức của tổ sư trẻ nhất Việt Nam

Triết lý võ đức của tổ sư trẻ nhất Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Có những khi đang đêm, nảy ra thế đánh mới, ông lại lao ra ngoài đấm đá huỳnh huỵch, thi thoảng lại cặm cụi ghi ghi chép chép như người bị “hâm”.

Mặc dù thuộc hàng “sinh sau đẻ muộn” nhưng Võ sư Nguyễn Văn Hưng đã nổi danh xa gần với kỳ tích dùng tay không công phá 92 viên gạch. Kỳ tích này sau đó được xếp vào kỷ lục Guiness Việt Nam và đến nay vẫn chưa cao thủ nào phá được.

Ông cũng là người sáng lập môn phái Linh Quyền Đạo, đồng thời được ghi nhận là vị sư tổ trẻ tuổi nhất trong làng võ Việt Nam. Lớn lên từ đồng ruộng, không thuộc hàng “danh gia vọng tộc”, võ sư Hưng đã tự mình khổ luyện, mày mò, sáng tạo ra một loại hình võ thuật uy chấn đương thời.

Lạ & Cười - Triết lý võ đức của tổ sư trẻ nhất Việt Nam

Môn sinh Linh Quyền Đạo biểu diễn ngạnh công cuốn sắt vào cánh tay

Anh hùng xuất thiếu niên

Người xưa từng nói: “Anh hùng xuất thiếu niên, võ lâm đa kỳ nhân” quả không sai. Võ sư Nguyễn Văn Hưng sinh ngày 16/6/1971, tại xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội (Hà Tây cũ). Ngay từ nhỏ, cậu đã đặc biệt ham thích và có năng khiếu võ thuật. Đối với Hưng, võ thuật chẳng khác gì duyên nợ. Nó bén rễ và ăn sâu vào cơ thể vị sư tổ trẻ tuổi ngay từ thuở ấu thơ.

Sinh ra và lớn lên nơi đất võ, từ thủa còn trèo me trèo sấu, chứng kiến những “cao nhân” trong làng luyện võ dáng to chắc như cọp, vác cả tạ lúa đi như chạy, Hưng đã rất hâm mộ. Quê mẹ ở làng Tràng Cát, mỗi khi đến dịp hội làng, các quần hùng lại xum tụ về tổ chức đấu gậy khai hội. Nhìn các đô vật da bóng nhẫy, đường cơ cứng như thép, dùng tay không bóp nổ ống tre, Hưng vô cùng thán phục. Chính sự yêu thích, ngưỡng mộ đã thôi thúc cậu bé Hưng học võ, quyết lập chí theo nghiệp võ công.

Song, trời chẳng chiều lòng người. Thời kỳ này, việc dạy và học võ bên ngoài gặp nhiều khó khăn, Nhà nước chỉ mở các lớp dạy võ cho lực lượng vũ trang. Trong hoàn cảnh muốn học mà không có đất dụng, cậu bé Hưng nảy ra suy nghĩ: “Tại sao mình không thể tự tập được những thế võ để rèn luyện sức khỏe, môn phái cho riêng mình?”. Cái khó ló cái khôn, Hưng tự mình nghiên cứu, tìm hiểu qua sách báo, phim ảnh để học theo. Từ đó, Hưng chăm chỉ khổ luyện và không ngừng tìm hiểu những “cao nhân” trong làng về võ học với quyết tâm cho ra đời một phái võ. Khi ấy, cậu mới 13 tuổi.

Học cấp 3, nghe người trong làng kể, trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn (Bắc Ninh) có khoa võ thuật đang chiêu sinh, Hưng rất thích thú và muốn theo học. Cậu một mình đạp xe hàng chục cây lên trường để được ứng thí. Võ sư Hưng kể lại: “Mình vẫn còn nhớ, hồi đó, bài thi của thí sinh là biểu diễn một bài quyền tự chọn. Vì chưa học qua lớp võ nào nên chỉ biết lấy những đòn thế mà mình đã tự nghiên cứu được, lắp ghép lại thành một bài quyền hoàn chỉnh để dự thi (Bài quyền đó thuộc bài số 4 và 5 của Linh Quyền Đạo hiện nay). Bất ngờ vì bài quyền tự chế đầy sáng tạo, ban giám khảo đã chấm cho mình 9 điểm – số điểm năng khiếu đứng tốp đầu lúc đó. Sau một thời gian học ở đây, mình được chọn vào lớp võ chuyên sâu khóa 26”.

Trong thời gian học trường võ, Hưng luyện thêm Karatedo, Taewondo và được lên tới đai đen (là mức đai cao nhất trong các bậc đai của Taewondo). Nhưng chàng trai đất võ vẫn nung nấu ý tưởng thành lập phái võ của mình vì đây là hai môn võ của nước ngoài. Nhiều năm liền, chàng thanh niên không ngừng suy nghĩ, sáng tạo ra các chiêu thức khác nhau, cố gắng không bị chi phối bởi những lối đánh Karate và Taewondo.

Trước khi tốt nghiệp, Hưng có dạy một lớp Taewondo. Hưng mạnh dạn chia đôi lớp học, một nửa dạy Taewondo, một nửa dạy những hệ đòn, hệ quyền do mình sáng tạo ra để thử nghiệm. Thật bất ngờ, khi cho hai nửa lớp đấu thử với nhau, Hưng nhận ra những thế võ, đòn, tấn, quyền của mình tuy học lâu hơn song lại giúp các môn sinh có kỹ thuật thực chiến tốt, có nhuệ khí và thu hút được môn sinh nhiều hơn. Khởi đầu thành công trở thành động lực thôi thúc cậu sinh viên thành lập võ phái.

Lạ & Cười - Triết lý võ đức của tổ sư trẻ nhất Việt Nam (Hình 2).

Võ sư Nguyễn Văn Hưng biểu diễn màn công phá 90 viên ngói bằng tay không

Lập võ phái đúng sinh nhật 30 tuổi

Sau hơn 10 năm tự mày mò tập luyện, sáng tạo, Nguyễn Văn Hưng đã dần hoàn thiện hệ thống võ thuật của mình với những “tuyệt chiêu” quyền, tấn căn bản. Hưng cũng chuẩn bị kỹ càng về đối luyện, luật thi đấu, trang phục… để không “đụng hàng” với môn phái nào. Từ một người có thể nói là “vô danh tiểu tốt”, tên tuổi Hưng vang như sấm động bên tai. Ngày 16/6/2000, vào sinh nhật lần thứ 30, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Hưng chính thức cho khai sinh môn phái mang tên Linh Quyền Đạo và trở thành sư tổ của võ phái.

Giải thích cho tên môn phái, Hưng cho biết, Linh là linh hoạt, Quyền là quyền thuật, Đạo là đạo đức. Võ phái Linh Quyền Đạo luôn coi trọng đạo đức, lấy đó tiêu chí hàng đầu để huấn luyện và tu dưỡng. Võ đức là linh hồn của võ thuật tối cao, việc tôn cao võ đức là tôn chỉ từ xưa đến nay của giới võ thuật. Một vị võ sư, nội công thâm hậu, võ công trác tuyệt mà không có võ đức, mang đầy tà tâm sẽ gây nhiều sóng gió, chắc chắn sẽ bị võ lâm đồng đạo chê trách. Còn vị được bầu làm Minh chủ võ lâm thì không những có võ công cao siêu mà võ đức cũng phải sáng ngời.

Võ sư Hưng cho biết, bộ môn khí công áp dụng để biểu diễn kungfu là tinh hoa của võ thuật cổ truyền. Sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm, anh cùng các môn sinh đã biểu diễn thành công không ít màn kungfu kỳ công và ấn tượng: Thiết đầu công (dùng gạch, ngói đập lên đầu) trải cót chạy trên nước, đứng trên giấy, nội công cuốn sắt (dùng cổ cuốn thanh sắt), nội công thiết bàn xa thạch (lưng trần nằm trên bàn đinh sắc nhọn), dùng ức uốn cong giáo, xe tải đi qua người…

Theo lời kể của võ sư Hưng, để có thể biểu diễn kungfu, võ sinh phải học võ ít nhất 4 đến 5 năm. Quá trình học võ và kungfu cực kỳ nghiêm túc và khắc nghiệt. Học kungfu phải hít khí âm nhiều để điều hòa âm dương nên thường phải tập ở ngoài sân vào buổi tối. Đôi khi thầy trò phải dắt nhau ra ngoài đồng, hoặc bãi tha ma cởi trần ngồi thiền vì ngoài đó mới đủ khí âm để luyện tập.

Những đêm đông lạnh, muỗi bay võ ve, đậu đầy lưng, ngứa rách da thịt vẫn phải ngồi bất động trong khoảng 2 tiếng đồng hồ. “Khi biểu diễn kungfu, người biểu diễn phải vận công, điều hòa khí ở các huyệt đạo, phong tỏa huyệt không cần thiết. Huyệt nào chịu va đập nhiều cần được tập trung đưa máu vào vị trí ấy để xoa dịu. Những lúc vận công như vậy, tim đập nhanh, quá trình bơm máu cũng diễn ra mạnh hơn bình thường gấp 2 – 3 lần. Người tham gia biểu diễn phải hết sức cẩn thận và phối hợp nhịp nhàng với đồng đội nếu không sẽ dẫn đến hậu quả khó lường”, Võ sư Hưng nói thêm.

Dòng võ Linh Quyền Đạo bắt nguồn từ những đường võ cổ truyền của cha ông, đúc kết và chọn lọc những tinh hoa, mang tính chất khoa học logic. Linh Quyền Đạo bao gồm: Quyền, đòn (tay, chân), đối luyện, kungfu, quyền binh khí, tấn. Mặc dù mới thành lập được hơn mười năm, song võ phái đã khẳng định được vị thế của mình trong làng võ cổ truyền Việt Nam.

Anh Đức