Trở thành “chúa đảo” nhờ tài câu cá

Trở thành “chúa đảo” nhờ tài câu cá

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
0
Từ một tên lính nghĩa quân hạng bét, Phan Văn Muôn đã trở thành một thân tín của Tổng thống Thiệu ở đảo Phú Quốc và có được “của ăn của đê”.

Một hôm Nguyễn Văn Thiệu hỏi Đại tá Trần Văn Thì: “Ngoài này, có đứa nào câu cá thật giỏi, anh kiếm cho tôi một đứa.” Lập tức, Trần Văn Thì ra lệnh cho các đơn vị đồn trú trên đảo, tìm cho được nhân vật như thế. Cuối cùng, một người lính nghĩa quân được tiến cử. Anh ta tên là Phan Văn Muôn, ngư dân thứ thiệt, gốc gác tại An Thới, chuyên sống về nghề câu đã bao đời. Ngay lần đầu diện kiến với “vua”, Phan Văn Muôn đã khiến Nguyễn Văn Thiệu thích thú với tài câu cá thần sầu của mình. Hơn nữa, Phan Văn Muôn chữ nghĩa ít ỏi, lại quê mùa, cục mịch càng khiến cho Thiệu yên tâm.

Chiều hôm đó, trước khi bay trở về Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu đã dặn dò Đại tá Đỗ Kiểm và đại trá Trần Văn Thì: “Hai anh giữ thằng này cho tôi, đừng để nó làm gì cả. Khi nào tôi ra, tôi sẽ cho gọi nó đi theo.” Thế là, Phan Văn Muôn trở thành tôi tớ thân tín của Thiệu tại Phú Quốc. Anh ta ăn ở nhà, chẳng gác xách hay làm một công tác nào, cho dù vẫn ở trong quân ngũ. Mỗi tháng Muôn chỉ phục vụ cho Thiệu và Kim Loan 2 ngày vào cuối tuần. Khi nhổ neo ra khơi, trên tàu ngoài đôi trai già, gái trẻ Thiệu-Loan ở trong phòng kín ra, còn có viên sĩ quan chỉ huy tàu, người lái tàu trước ca bin, và vài ba thủy thủ ở bên ngoài. Nhưng chỉ một mình Phan Văn Muôn là thỉnh thoảng được Thiệu gọi vào sai vặt. Ngoài tài câu cá ra, Muôn còn là tay chế biến hải sản theo kiểu dân dã rất xuất sắc. Có lẽ do đã quá quen thuộc với cao lương mỹ vị, nên Nguyễn Văn Thiệu và nhất là Kim Loan rất khoái các món cá nướng, tôm nướng của Muôn.

Xã hội - Trở thành “chúa đảo” nhờ tài câu cá

Dần dà, từ chỗ chỉ là một tên nghĩa quân hạng bét, Phan Văn Muôn nhanh chóng trở thành người quan trọng trong mắt hai ngài đại tá Đỗ Văn Kiểm và Trần Văn Thì. Thỉnh thoảng, hai vị này còn mời cơm và cho quà Muôn để lấy lòng. Từ đó, trong giới sĩ quan đồn trú trên đảo thường xỏ xiên với nhau: “Phú Quốc có 3 chúa đảo. Một coi về lãnh hải là ông Kiểm, một coi lãnh thổ là ông Thì, và ở giữa hai ông này là “ngài nghĩa quân” Phan Văn Muôn!”.

Chỉ một thời gian ngắn, với bổng lộc do Nguyễn Văn Thiệu và hai chúa đảo ban phát, Phan Văn Muôn đã xây được một căn nhà trước khu nhà thờ, và mở quán cà phê kinh doanh. Đầu năm 1969, tôi trôi dạt ra Phú Quốc dạy học theo giờ cho trường trung học đệ nhất cấp ( trung học cơ sở bây giờ) của một cố đạo người Pháp, còn lưu lại Việt Nam. Đây là trường trung học duy nhất tại xã An Thới, nằm trong khuôn viên nhà thờ, gần quán cà phê của Phan Văn Muôn. Tôi thường xuyên ra uống cà phê ở đó mỗi ngày, và những lúc rảnh rỗi lại đánh cờ tướng với Muôn, nên rất thân tình. Chính Muôn đã kể lại những gì anh ta nghe và thấy cho tôi và một số người dân khác nghe.

Lúc bấy giờ, theo lời Muôn, ông Nguyễn Văn Thiệu và Kim Loan còn tiếp tục ra du hí ở Phú Quốc nhiều lần nữa. Nhưng mấy tháng sau đó thì không thấy họ xuất hiện nên Muôn không còn được gặp Tổng thống Thiệu và Kim Loan. Phan Văn Muôn dò hỏi Đại tá Đỗ Kiểm, thì ông này nói: “Bể rồi, ổng phải đưa Kim Loan sang Tây Đức tị nạn.” Trở về quán cà phê, Phan Văn Muôn kể lại cho tôi nghe, rồi hỏi:”Tây Đức là xứ nào hả ông thầy? Có gần miệt Sài Gòn, hay Cần Thơ gì không? Nói đến Rạch Giá, Hà Tiên, thì tui còn biết, chứ nói đến xứ Huế hay Tây Đức gì đó thì tui mù tịt.”

Cuộc sống thật là lạ lùng. Một anh quê mùa, chơn chất, ít học như Phan Văn Muôn, lại là người biết rõ ngọn nguồn của một chuyện tình thuộc loại thâm cung bí sử của triều đại Nguyễn Văn Thiệu.

Đ.C