Trọng Tấn làm mới mình với nhạc Ngô Thụy Miên

Trọng Tấn làm mới mình với nhạc Ngô Thụy Miên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Ca sỹ Trọng Tấn hát nhạc phẩm Mắt biếc của Ngô Thụy Miên tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), không... "ngại" Tuấn Ngọc.

Nhạc Ngô Thụy Miên được nhiều khán giả của dòng nhạc xưa yêu thích. Nhưng trong chương trình Nhạc tiền chiến "Gái Xuân" ba nhạc phẩm của Ngô Thụy Miên được NSND Trần Bình lựa chọn đưa vào chương trình gồm Mắt biếc, Nửa hồn đau, Mùa thu cho em là một bất ngờ thú vị.

Xã hội - Trọng Tấn làm mới mình với nhạc Ngô Thụy Miên

Ca sỹ Trọng Tấn

Nói về sự gắn bó với nhạc Ngô Thụy Miên, nam ca sỹ Trọng Tấn cho biết: "Ngay từ những ngày đầu đi hát chuyên nghiệp tại Hà Nội, nghĩa là từ năm 1995-1996, Trọng Tấn đã hát nhạc Ngô Thụy Miên. Ngày ấy, nhạc của ông chưa được hát trên sân khấu lớn mà chỉ biểu diễn tại các tụ điểm, phòng trà nhỏ. Sau này, cũng có lần Trọng Tấn hát nhạc của Ngô Thụy Miên trên những sân khấu lớn nhưng không thường xuyên".

Nhạc của Ngô Thụy Miên thường gắn với những tên tuổi ca sỹ hải ngoại, mà danh ca Tuấn Ngọc là người "đóng đinh" với dòng nhạc này và chiếm được tình cảm của nhiều công chúng. Những ca sỹ trẻ về sau thường chịu chi phối về điều này khi hát bài hít của ca sỹ đàn anh.

Ba bài hát của Ngô Thụy Miên được tuyển chọn vào Đêm nhạc Tiền chiến "Gái Xuân" sẽ được thể hiện bằng những giọng ca hàng đầu của Việt Nam như diva Thanh Lam biểu diễn Nửa hồn đau, giọng hát "quái" Tùng Dương với Mùa thu cho em và Trọng Tấn thể hiện nhạc phẩm Mắt biếc. Đó là cảm nhận hoàn toàn mới về một dòng nhạc quen thuộc Ngô Thụy Miên.

Chia sẻ điều này, Trọng Tấn nói: "Đương nhiên, anh Tuấn Ngọc hát nhạc Ngô Thụy Miên là sở trường, "Mắt biếc" là một bài như vậy. Trọng Tấn cũng đã nghe anh Tuấn Ngọc hát bài này. Tuy nhiên, trong cách hát mỗi người sẽ có những xử lý khác nhau, nhưng đều hướng tới một sự chuẩn chung của tác phẩm. Khi ca sỹ cất tiếng hát, người nghe cảm nhận được âm điệu chung của ca khúc và mình cũng hướng đến điều ấy. Thực ra, ở mỗi giọng hát của mỗi ca sỹ đã khác nhau rồi, nên mình cũng không bao giờ nghĩ tới hát hay hơn hay kém Tuấn Ngọc. Sự cảm nhận sẽ phù thuộc vào người nghe nhạc."

Trọng Tấn cũng cho hay, anh lâu nay không thường xuyên hát dòng nhạc này nhưng vẫn tập luyện. Sở trường của ca sỹ Trọng Tấn là dòng nhạc chính thống, trữ tình cách mạng và dòng nhạc quê hương, đất nước. "Trong chương trình Hoa cúc vàng tháng ba, mình có hát nhạc phẩm "Em đã thấy mùa xuân chưa" của Quốc Dũng cũng dòng nhạc tương tự đã được công chúng đón nhận rất tốt. Mình cũng thấy rằng, lâu lâu hát thể loại khác sở trường sẽ thấy có xúc cảm rất nhiều. Lần này, mình hát Ngô Thụy Miên cũng để trải nghiệm một cảm xúc mới mẻ trong bản thân", Trọng Tấn chia sẻ.

Sự tươi mới trong nhạc Ngô Thụy Miên

Trao đổi với Người đưa tin, NSND Trần Bình - Tổng đạo diễn chương trình khẳng định: "Hát nhạc Ngô Thụy Miên Tuấn Ngọc có cách hát rất "bợm" đó là món ăn quen thuộc của một lớp khán giả nhưng Trọng Tấn hay Tùng Dương sẽ có cách xử lý riêng để truyền tải hết cảm xúc đến người nghe. Và khán giả sẽ khám phá ra sự tươi mới chứ không phải là sự quá quen của Tuấn Ngọc. Tôi tin, Trọng Tấn với giọng hát dày, ấm, đàng hoàng còn Tùng Dương có nhiều chiêu ma mị sẽ đáp ứng được yêu cầu nghệ thuật và mong muốn của khán giả khi hát nhạc Ngô Thụy Miên".

Nhạc tiền chiến nối dài

Nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha cho biết: "Thường gọi dòng âm nhạc thời trước cách mạng tháng 8 là dòng nhạc của thủa bình minh tân nhạc. Nếu phân tích kỹ thì phải gọi là dòng nhạc "hậu tiền chiến" hoặc tiền chiến nối dài, hơi thở của dòng nhạc này lan tỏa vào đời sống và phát triển mạnh mẽ đến 1954, một số các tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Tô Vũ, Nguyễn Văn Tý... được sáng tác vào khoảng thời gian 1945 - 1954. Thậm chí những ca khúc của Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Ngô Thụy Miên sáng tác sau đó rất nhiều cũng được xếp vào dòng nhạc tiền chiến.

Vương Hà