Trước khi “xài sang” hãy nghĩ đến trách nhiệm xã hội

Trước khi “xài sang” hãy nghĩ đến trách nhiệm xã hội

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:53
0
Tính khoa trương của người Việt ngày càng gia tăng, đó là quyền và sở thích của người có tiền. Nhưng có điều, chính những quý ông, quý bà lắm tiền nhiều của kia cũng không mấy để tâm đến cán cân xuất nhập khẩu, làm khó những nhà quản lý kinh tế vĩ mô.

Nhìn nhận ở góc độ kinh tế, TS. Phạm Duy Nghĩa (Trường đại học Quốc gia Hà Nội), phân tích: Những người có thu nhập ổn định, thuộc tầng lớp trung lưu hoặc giàu có thì con cái họ đang có xu hướng tiêu hoang phí. Họ là những người không chịu ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn. Điều này không khó để nhận biết.

Những nhà hàng trong các khách sạn 5 sao ở Hà Nội vẫn được những gia đình Việt Nam lấp kín, lượng xe đắt tiền nhập khẩu vẫn đổ về ào ạt, những chuyến du lịch nước ngoài không ngừng tăng lên, và lượng USD chi trả cho du học vẫn tiếp tục chảy mạnh qua biên giới.

Xã hội - Trước khi “xài sang” hãy nghĩ đến trách nhiệm xã hội

TS. Phạm Duy Nghĩa

Còn TS. Võ Trí Thành thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, tiêu dùng của người Việt Nam đã tăng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng GDP trong vài năm gần đây. Tăng tiêu dùng, nhất là từ nguồn nhập khẩu, sẽ làm đảo lộn cán cân thanh toán vĩ mô. Hàng hóa nước ngoài đang tràn ngập thị trường Việt Nam. Nó cho thấy cầu tiêu dùng đang bị đẩy lên rất cao.

Các chuyên gia nhận định, đang xuất hiện ngày càng nhiều tầng lớp người ở Việt Nam thích xài sang. Họ tiêu tiền như đang sống ở Hồng Kông hay Singapore... Họ chính là những người thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng xa xỉ, từ những chiếc xe hơi cao cấp nhập khẩu, những ngôi nhà quá rộng rãi được trang hoàng như cung điện của vua chúa ngày xưa có mặt khắp các thành phố. Tính khoa trương của người Việt ngày càng gia tăng, đó là quyền và sở thích của người có tiền. Nhưng có điều, chính những quý ông, quý bà lắm tiền nhiều của kia cũng không mấy để tâm đến sở thích tiêu hoang khiến hàng siêu xa xỉ phải nhập khẩu vào trong nước gia tăng, điều này đã gián tiếp ảnh hưởng đến cán cân xuất nhập khẩu, làm khó những nhà quản lý kinh tế vĩ mô.

TS. Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu Kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng: "Tiêu dùng như thế nào, sử dụng đồng tiền ra sao (không vi phạm pháp luật) là quyền của mỗi người. Tôi không muốn bình luận hay nhìn nhận theo kiểu nhà nghèo hằm hè nhà giàu, mà nếu họ có nhu cầu tiêu thụ hàng xa xỉ thật với đồng tiền sạch không phải là tiền tham nhũng mà kích thích được sản xuất thì cũng không sao.

Xã hội - Trước khi “xài sang” hãy nghĩ đến trách nhiệm xã hội (Hình 2).

TS. Nguyễn Minh Phong

Có điều, trong khi Nhà nước đang kêu gọi dồn toàn lực cho phát triển kinh tế, mà những người "dát vàng" cho khuôn mặt, mua đồng hồ làm bằng vàng nạm kim cương giá 850 triệu đồng, hay mua bút làm bằng thiên thạch 4 tỷ năm giá 635 triệu đồng... thì hãy nên nghĩ đến trách nhiệm xã hội nhiều hơn. Còn coi họ là những người có thú chơi "ngông" của những "trọc phú" thích khoa trương tôi không bình luận như vậy. Thực tế, việc khen chê hay ngưỡng mộ là quyền của mỗi người".

Ông Phong cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, khi Nhà nước đang kêu gọi cắt giảm chi tiêu công, giảm giá thành sản phẩm, nếu các "nhà giàu" hưởng ứng điều này, biết chia sẻ với người nghèo, thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Sự chia sẻ ấy, góp phần gắn kết mọi nguồn lực trong xã hội để tạo điều kiện cho nền kinh tế bứt phá và tránh những "cú sốc" từ bên ngoài tràn vào. Và quan trọng hơn, chúng ta tránh được việc tự biến mình thành thị trường hàng siêu xa xỉ, là nơi kiếm nhiều lợi nhuận của các nước phát triển.

Hà Lan