Trường mầm non công ngại

Trường mầm non công ngại "lớp nhà trẻ"

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Để có lợi nhuận và tính an toàn cao, các trường mầm non gần như "bỏ trống" các lớp dành cho lứa tuổi quá nhỏ.

Vào vai một phụ huynh đi xin học cho con mới 16 tháng, tôi tìm đến trường S.C (Mai Dịch, Hà Nội) để hỏi thủ tục xin học cho con. Tuy nhiên câu trả lời tôi nhận được từ các cô lễ tân: "Chị thông cảm vì trường không có lớp dành cho trẻ dưới 2 tuổi. Các con ở đây nhỏ nhất cũng phải 25 tháng. Để yên tâm nhất cứ phải biết ăn cơm hột rồi thì chị đưa cháu đến đây". Rời trường mầm non S.C, tôi tìm đến địa chỉ một trường mầm non cách đó khoảng 4 km với hi vọng đi xa hơn thì có cơ hội hơn. Tuy nhiên, qua khảo sát một vòng các trường quanh địa bàn huyện Từ Liêm, tôi đều nhận được câu trả lời: "Không nhận trẻ dưới 2 tuổi".

Xã hội - Trường mầm non công ngại 'lớp nhà trẻ'

Trẻ dưới 2 tuổi ngày càng ít cơ hội học trường công lập

Mặc dù khi đi xin học cho con, bất kì phụ huynh nào cũng nắm được luật giáo dục đã quy định rõ trách nhiệm của các trường mầm non là: "Giáo dục mầm non thực hiện việc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi". Tuy nhiên, hiện nay để thực hiện được đúng luật vẫn là điều quá xa vời. Khi tôi thắc mắc, bà Tạ Thu Vân - Hiệu trưởng một trường mầm non cho biết: "Nguyên nhân cũng vì quá tải mà ra. Phòng học dành cho việc tổ chức các lớp mẫu giáo còn không đủ nói chi đến lớp giữ trẻ". Trên thực tế, qua khảo sát các trường mầm non thuộc các quận nội thành Hà Nội như mầm non Thành Công, Họa My, Tuổi Thơ… thì tình trạng quá tải như điệp khúc "đến hẹn lại lên" vào mỗi đầu năm học mới.

Đối với những quận, huyện ngoại thành như Từ Liêm, Thanh Trì… thì không phải trường nào cũng có nhiều học sinh theo học nhưng hầu hết đều từ chối các bé dưới 2 tuổi. Liên hệ với chị bạn thân hiện đang là giáo viên mầm non trường H.M (Mai Dịch, Hà Nội) thì được biết: "Mức học phí của lớp giữ trẻ mà lớp các bé lớn hơn tương đương nhau nhưng rõ ràng đảm nhiệm lớp các cháu bé rất vất vả, chưa kể nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Nhiều trường không quá tải nhưng vẫn từ chối trường hợp các cháu bé vì…ngại". Mặt khác, theo quy định, trung bình lớp nhà trẻ lớn (từ 25-36 tháng tuổi), mỗi giáo viên sẽ phụ trách 12 học sinh, nhưng lớp nhỏ (12-18 tháng tuổi) thì một giáo viên chỉ nhận tối đa 6 học sinh. Số học sinh trên lớp ít đi đương nhiên nguồn thu sẽ giảm, kéo theo thu nhập của giáo viên cũng giảm.

Thu nhập eo hẹp, tính trách nhiệm cao khiến hầu hết giáo viên mầm non đều chung quan điểm ai cũng muốn sống bằng đồng lương giáo viên nhưng "có thực mới vực được đạo", thu nhập mỗi tháng nhỉnh hơn mức 2 triệu đồng nên những khoản "tự nguyện" cũng là phòng những trường hợp như thế mà thôi.

Ở các tỉnh khác, gánh nặng trách nhiệm cũng như thu nhập bèo bọt của giáo viên cũng căng thẳng không kém. Chị Minh Hạnh (giáo viên một trường mầm non xã Nam Phong (Nam Định) cho biết: "Ngày làm việc 10 - 11 tiếng mà lương kể cả phí phục vụ bán trú cũng chỉ được 1,5 triệu/tháng vì huyện tôi quy định mức thu học phí trước đây không được quá 35.000đ/tháng/trẻ. Bây giờ, mức học phí có nâng lên nhưng vẫn là thấp trong khi đó áp lực công việc thì rất nhiều. Trên ép xuống, dưới ép lên, ai cũng cùng tâm trạng khi hết ngày làm việc không có vấn đề gì xảy ra với trẻ của lớp mình mới thở phào nhẹ nhõm và lúc nào cũng nơm nớp "lỡ có trẻ nào bị....ở lớp mình không biết cuộc đời mình sẽ ra sao". Chính vì rủi ro khi trông giữ trẻ nhỏ quá áp lực trong khi thu nhập lại không được cải thiện nên phần lớn từ hiệu trưởng đến giáo viên đều ngại.

Linh Nhi