Trượt công chức ở Phú Thọ: Chuyện “hiếm thấy xưa nay”

Trượt công chức ở Phú Thọ: Chuyện “hiếm thấy xưa nay”

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:07
0
Rất nhiều người hoạt động trong ngành giáo dục khá bất ngờ và ngạc nhiên khi nghe câu chuyện hài hước về vụ 12 giáo viên mầm non của huyện Tân Sơn, Phú Thọ bị rớt trong cuộc thi tuyển công chức mới đây vì thiếu số đo vòng một.

Họ cho rằng nếu Hội đồng xét tuyển cho rằng số đo này là quan trọng tại sao không trả hồ sơ để yêu cầu bổ sung, thay cho việc im ỉm đánh trượt thí sinh.

"Hiếm thấy xưa nay"

GS Văn Như Cương (Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) bất ngờ: "Tôi chưa bao giờ thấy có chuyện thiếu chỉ số vòng một mà lại bị trượt thi công chức trong ngành giáo dục. Tại sao chỉ chăm chăm để ý đến thông số về vòng 1 mà bỏ qua các thông số khác (vì tôi nghe cũng có người trúng tuyển, giấy khám sức khỏe vẫn để trống một vài thông số khác). Đúng là chuyện độc đáo, hiếm thấy xưa nay".

"Đối với nữ tại sao cứ phải là số đo vòng một mà không phải vòng hai, vòng ba. Thế còn nam giới thì có cần thiết phải đo số đo vòng một không? Trước chỉ nghe chuyện ngực lép thì không được đi xe, giờ lại nghe thấy chuyện thiếu số đo vòng một thì không được xét tuyển công chức giáo viên mầm non. Nếu thấy tiêu chuẩn vòng một quá quan trọng như vậy theo "ông xét tuyển" chỉ số bao nhiêu là đạt chuẩn?.", GS Văn Như Cương đưa ra một loạt thắc mắc.

TS Nguyễn Kim Dung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Đơn vị nào khi tuyển người cũng đều đưa ra tiêu chí và có thể sắp xếp theo thứ tự quan trọng nhưng điều mấu chốt là tiêu chí đó phải phù hợp với yêu cầu công việc. Giáo viên mầm non, thứ nhất là phải được đào tạo về sư phạm mầm non, sau đó là phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ. Trong xét tuyển có thể ưu tiên người có thâm niên công tác, hoặc con gia đình chính sách. Còn nếu chỉ vì chuyện thiếu thông số về vòng một mà bị trượt thì rất thiệt thòi cho các thí sinh".

"Nếu nhà xét tuyển mà thấy vòng một là thông số quan trọng thì họ phải làm rõ ngay từ đầu, thông báo cho mọi thí sinh biết. Khi nhận hồ sơ thấy thiếu thì có thể trả lại hồ sơ yêu cầu bổ sung. Còn cách làm như huyện Tân Sơn (Phú Thọ) mà báo chí đưa là quá máy móc", TS Dung bình luận.

"Chẳng mấy khi để ý"

Ông Nguyễn Anh Minh, Trưởng phòng giáo dục huyện Kiến Xương, Thái Bình, một người đã có nhiều năm tham gia Hội đồng xét tuyển công chức ngành giáo dục cũng tỏ ra khá ngạc nhiên về câu chuyện này. Ông Minh cho biết: Giấy khám sức khỏe là điều kiện bắt buộc phải có trong hồ sơ thi tuyển công chức và chỉ có hiệu lực trong 6 tháng và phải do các bệnh viện, trung tâm y tế đủ tiêu chuẩn cấp. Còn việc chỉ số nào là quan trọng nhất cũng phụ thuộc vào từng loại công việc.

"Thực sự, trong nhiều năm làm công tác xét tuyển công chức, tôi cũng chưa bao giờ để ý đến thông số vòng một. Vì tôi nghĩ điều đó không có ý nghĩa nhiều đối với công việc của một giáo viên. Về bằng cấp, trình độ chuyên môn thì chúng tôi thường làm rất chặt. Còn giấy khám sức khỏe, tôi thường tôn trọng kết luận của bác sỹ", ông Minh cho biết.

PGS.TS Chu Hồng Thanh, vụ trưởng vụ pháp chế (Bộ Giáo dục & Đào tạo) cho biết chưa nhận được phản ánh và cũng chưa nắm được những thông tin về vụ việc nêu trên. Nhưng theo PGS.TS Chu Hồng Thanh thì mỗi nghề nghiệp đều có tiêu chuẩn nhất định.

Đối với giáo viên mầm non thì phải có trình độ nhà giáo (đào tạo về giáo viên mầm non)... Tiêu chuẩn sức khỏe thì phải có những yêu cầu nhất định (liên quan trực tiếp nghề nghiệp). Dĩ nhiên là Hội đồng xét tuyển cũng có quyền xem các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng người nhưng phải bám sát vào đặc thù công việc thì mới khách quan. Về giấy khám sức khỏe, có kết luận của bác sỹ là đủ điều kiện để học tập và công tác là một căn cứ pháp lý để xem xét.

Liên quan đến vụ việc trên, PV đã liên lạc với ông Nguyễn Xuân Khải, phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ. Ông Khải cho biết đã nhận được phản ánh về chuyện xét tuyển công chức ở huyện Tân Sơn. Hiện nay, Sở đang yêu cầu huyện Tân Sơn báo cáo. Cụ thể thế nào thì phải đợi kết quả thẩm tra.

Minh Lý