Truy tìm đường đi của ngà voi nhập lậu

Truy tìm đường đi của ngà voi nhập lậu

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:05
0
– Nhu cầu ngà voi của người Việt rất ít, vì nó đắt. Chỉ các đại gia thực sự chơi thì mới dám "xài". Ngà voi vào Việt Nam rồi trung chuyển qua Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Mỹ, Nga và các nước Trung Đông nơi có nhiều hoàng gia dầu mỏ "xài" sang nhất thế giới.

Vụ một lượng lớn ngà voi nhập lậu vào Hải Phòng vừa bị phát hiện lại làm “nóng” lên câu chuyện về ngà voi nhập lậu ở Việt nam. Theo những người trong nghề, thị trường ngà voi ở Việt Nam vẫn phần lớn là ngà voi châu Phi. Tất nhiên, có cả ngà voi châu Á, Đông Nam Á nhưng ít hơn ngà voi châu Phi nhiều lần.

Ngà "xịn" và ngà pha

Sau rất nhiều mối quan hệ loằng ngoằng tôi mới gặp được Vinh. Người ta giới thiệu với tôi, Vinh là "nhà ngà voi học". Vinh không tham gia buôn bán ngà voi nhưng những người muốn mua, bán ngà voi đều dùng đủ kênh đến "thỉnh giáo" Vinh về chất lượng ngà voi. 75 phút đầu của cuộc trao đổi, Vinh nói như bắn súng liên thanh làm tôi phải căng đầu ra để nhớ. Vinh nói: "Ngà châu Phi nhiều thật nhưng không chất lượng bằng ngà châu Á và nhất là Đông Nam Á". Chẳng biết dựa vào đâu mà Vinh nói như vậy nhưng tôi không dám hỏi, vì sợ lộ cái đuôi... nhà báo.

Ngà voi nhập lậu bị phát hiện tại Việt Nam

Theo Vinh, ngà châu Phi tốt, chỉ có ở những con voi già, từ 30 tuổi trở lên. Nhưng theo Vinh, lấy đâu ra voi 30 tuổi bây giờ. Những cặp ngà cong, nhiều vân, vân sâu được dùng làm đồ trang trí trong phòng khách nhà đại gia, nhằm thể hiện quyền uy tuyệt đối của người này. Vinh kể rằng, có một đại gia người Hải Phòng, sau khi mua được cặp ngà voi, đem đến khoe và nhờ "thẩm định" chất lượng giúp với thái độ tự tin, đắc thắng là kiếm được đôi ngà quý hiếm nhất, nhị trong nước.

Xem một chút, Vinh phán: "Ngà voi 50% còn lại là 50% đá cẩm thạch". Ông đại gia tái mặt nhưng vẫn lắp bắp... phản biện: "Cặp này gần 70.000 USD đấy, đá cẩm thạch làm sao chui vào được trong đôi ngà thẳng và nuột nà thế này?". Vinh bảo: "Công nghệ cấy ghép đó là quốc tế rồi và ở Việt Nam cũng có nhưng giới buôn hàng này thô hơn là dùng keo để gắn chứ chưa tìm ra kỹ nghệ laser để gắn..."

Vinh thừa nhận, để kiếm được đôi ngà "xịn" bây giờ không dễ. Cái thứ mà người ta để trong container lâu ngày thế rồi, phần lớn là ngà ươn, tức đã được lấy ra từ con voi quá lâu. Nếu không biết cách xử lý, nó bị thối, hỏng, nhẹ thì bị chết các tế bào trong ngà. Ngà voi đẹp là tế bào vẫn còn sống. Dù là sống bằng hóa chất thì nhìn nó vẫn đẹp và giá trị hơn những chiếc ngà voi bị vứt thành đống, chỏng trơ, đen đầu như thế... Vinh bảo: "Bọn buôn lậu ngà voi quốc tế bây giờ tinh vi lắm, khi ngà voi hiếm, chúng còn nghiền vụn ngà voi thành bột, cho thêm chất khác vào với tỷ lệ 40/60, rồi lại cho vào khuôn ép như ngà voi thật, đem bán. Có bao nhiêu kiểu kiếm tiền, chúng đều nghĩ ra hết, bởi lợi nhuận từ buôn bán ngà voi là lớn, chỉ kém heroin, kim cương, đá đỏ một chút thôi...".

Vinh nhận xét: “Ngà voi "xịn" vào Việt Nam nhiều nhưng đi nơi khác là chính. Người dân không có nhu cầu sử dụng. Bởi nó quá đắt, hơn nữa, không phải ai cũng hiểu được giá trị trang trí đôi ngà voi trong phòng khách để mà mua. Ngà voi vào Việt Nam bằng luồng xanh - tức qua cửa khẩu hải quan ở cửa phải kiểm đếm của hàng tạm nhập tái xuất là dễ thoát nhất. Còn, bị vào luồng đỏ, tức kiểm tra tất cả thì không thể thoát được, dù đó là tờ khai tạm nhập tái xuất với những mặt hàng vô hại”.

Vinh còn úp mở chuyện được một người bao đi du lịch Trung Quốc đến Putian - một thành phố có rất đông doanh nhân Đài Loan sinh sống và hoạt động sản xuất kinh doanh. Vinh bảo, ở mỗi nhà của doanh nhân Đài Loan này, đều có một cặp ngà voi ở phòng khách.

Khi chủ nhân bước vào chiếc ghế bành to ở trên cùng để tiếp khách, nhìn y như ông hoàng ngày xưa và như ông trùm bây giờ. Nó rất quyền uy và đẳng cấp. Có doanh nhân sở hữu 3-4 cặp ngà đẹp. Có doanh nhân thì có thú sưu tầm ngà voi. Ông này chỉ cho Vinh biết một đôi ngà của con voi châu Phi năm 1970 của thế kỷ trước. Vinh bảo, chẳng biết đúng hay sai nhưng nó đã ngả màu vàng kiểu màu của lông con gà mới nở rất đẹp, không còn tý màu xanh, hay cốm nào nữa. Tuổi thọ của cặp ngà đó chắc chắn là nhiều, còn cụ thể là bao nhiêu thì phải giám định.

Mua giá rẻ, bán giá “cắt cổ”

Theo ông Đặng Tất Thể, chuyên gia động vật học của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật Việt Nam thì tại Việt Nam, mỗi kg ngà voi có giá 5.000 - 7.000 USD; ở một số nước, mỗi đôi ngà có giá 40.000 - 50.000 USD.

Thực chất, giá ngà voi thế giới tăng đến mức chóng mặt. Cách đây khoảng 10 năm, tức năm 2000 - 2001, giá chỉ 90 - 100 USD/kg, nay tăng gần 200 lần, giờ giá thế giới khoảng 1.870 USD/kg. Còn tại Việt Nam, giá bao giờ cũng phải cao gấp 3-4 lần giá thế giới đang giao dịch. Còn giá cặp đôi trung bình là 17.000 - 20.000 USD/cặp, loại 50.000 USD/cặp cũng rất nhiều.

Tiến - một tay chơi khá am hiểu về ngà voi khẳng định: "Không có giá cụ thể ở Việt Nam. Giá cụ thể là giá giới buôn mua, còn giá bán thì khỏi phải bàn. Vì nó tùy thuộc vào công nghệ thổi của kẻ bán và độ "gà" của người mua". Tiến đã từng chứng kiến một cảnh mua bán chỉ có ở Việt Nam như thế này: Hải - một con buôn mới nổi, đang tập làm đại gia, mua được cặp ngà với giá khá hời có 30.000 USD.

Một người cùng giới, là đại gia thực thụ ở TP. Hồ Chí Minh đến nhà Hải chơi, thấy cặp ngà đẹp, gạ hỏi mua chơi. Hải nâng tầm cặp ngà của mình lên gần gấp đôi, mua với giá 55.000 USD, ông bạn vẫn thích. Thế là cuộc mua bán diễn ra, chỉ chưa đầy 1 tháng, Hải lời 25.000 USD, buôn bán gì cho lại” - Tiến bình một câu xanh rờn.

Cũng theo Tiến, để có một cặp ngà như ý, công nghệ gia công nó cũng rất tốn kém. Khi ngà về đến Việt Nam, nhiều khi thợ phải dùng cả axit để tẩy rửa. Chuyện dùng rượu mạnh để rửa là bình thường. Khi công nghệ “lắp ghép” tẩy rửa, độn, chế... được tiến hành cẩn thận thì giá trị của nó được “đôn” lên hàng chục lần là chuyện bình thường.

Vũ Hoàng

Tag: heroin