Truy tìm kho báu truyền kỳ của họ Mạc

Truy tìm kho báu truyền kỳ của họ Mạc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:54
0
Trong hàng trăm năm qua, nhiều người đã đi tìm kho báu truyền kỳ của dòng họ mở cõi ở Tây Nam qua một bài sấm truyền bí ẩn

Trong thời gian khai phá đất phương Nam, họ Mạc đã xây dựng nền kinh tế-xã hội đạt đến độ cực thịnh, lấy Hà Tiên (TX. Hà Tiên ngày nay) làm thủ phủ. Khi dòng họ này lụi tàn, người ta liên tưởng đến một kho báu khổng lồ để lại hậu thế và chỉ dẫn qua một bài sấm truyền. Đã có nhiều cuộc tìm kiếm quy mô từ thời Pháp thuộc cho đến sau này nhưng kho báu vẫn là một bí ẩn.

Xã hội - Truy tìm kho báu truyền kỳ của họ Mạc

Khu mộ của bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân, vợ cả của Tổng Trấn Binh Mạc Thiên Tích hiện nay tại núi Bình San, Thị xã Hà Tiên. Khu vực mộ của bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân bị viên quan Pháp ra lệnh đào đất khai quật tìm kho báu (cách mộ cũ khoảng 500 m về phía Đông).

Bài sấm truyền bí ẩn hai thế kỷ

Họ Mạc là một dòng họ nổi tiếng đã khai phá đất biên giới Tây Nam Việt Nam từ đầu thế kỷ 18 (Không phải Nhà Mạc- một triều đại lịch sử của Việt Nam (1527-1592)). Người khai phá đất Hà Tiên là Mạc Cửu (1655-1735)- một thương gia người Hoa tài giỏi, không khuất phục nhà Thanh nên đưa cả họ trốn sang Việt Nam. Nhờ có công mở đất phương Nam nên Mạc Cửu được triều đình nhà Nguyễn khi đó phong làm Tổng Binh trấn Hà Tiên, án ngữ một vùng rộng lớn: Đông Nam từ Cần Thơ, Hậu Giang đến mũi Cà Mau; Tây Nam từ An Giang đến đảo Phú Quốc.

Tuy dưới quyền của nhà Nguyễn, nhưng dòng Mạc có những quyền tự trị nhất định: Có tổ chức quân đội, tài chính, ngoại giao riêng, có hệ thống phong chức tước riêng. Giai đoạn cực thịnh khi Mạc Thiên Tích làm Tổng binh trấn Hà Tiên, trong đó hoạt động giao thương buôn bán rất phát triển. Vì sự giàu có mà khi dòng họ này lụi tàn, nhiều người nghi ngờ về số tài sản chôn theo ở khu lăng mộ. Đặc biệt, thời điểm này có xuất hiện bài thơ ngắn, vừa có tính ám thị về sự tồn tại của kho báu lại vừa có tính chỉ hướng, dẫn đường. Người ta cho rằng đây chính là tấm bản đồ được mã hóa bằng thơ, mà chỉ có người trong dòng họ có thể hiểu và mở được cửa hang mà thôi.

Bấy lâu người dân ở Hà Tiên vẫn thuộc làu từng câu chữ ở đoạn thơ được cho là sấm truyền như sau: “Trời tây bóng ngã bóng chênh chênh/ Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng/ Vàng trong hang đá/ Vàng chói sáng lòa/ Vọng lên lầu các nguy nga/ Ao sen nở trắng trước tòa khói hương”. Bám theo ẩn ý nội dung mô tả, người ta đã suy luận chỉ dẫn tìm kho báu như sau: Khi mặt trời chiếu từ hướng tây sang, ở thời điểm đó bóng sẽ rọi đến vị trí kho báu?!. Câu soi vào hang đá long lanh ngọc vàng, từ hang đá ám chỉ khu lăng mộ, là khu mộ táng bằng thạch (đá) trong đó có hang, nơi đặt kho báu?!. Các từ ở hai câu sau như: nguy nga, lầu các, sen nởđều gợi lên một khối châu báu khổng lồ.

Một đoạn khác lại viết: “Bờ tre xanh xanh/ Hái lá nấu canh/ Canh ăn hết canh/ Vị cay thanh thanh”. Suy luận: sẽ có một ngày kho báu bị khai quật. Đó là lúc bờ tre quanh núi Bình San, nơi có khu lăng mộ của họ Mạc bị phá hủy, canh ăn hết canh ứng với hết năm Canh Tuất (1910) thì ngôi mộ bị phá. Hai từ vị cay nghĩa là tân (năm mới), ứng với tết, đó là tết Thanh Minh năm Tân Hợi (1911), kho báu bị phát hiện. Ngược dòng lịch sử thì ứng với sự kiện viên Chánh Tham biện Pháp là Roux Serret đã khai quật mộ bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân (vợ cả Mạc Thiên Tích) vào năm này. Như thế, nếu gộp ý nghĩa hai đoạn lại mà suy thì: nếu con cháu không tìm ra kho báu, vào năm 1911 ắt sẽ có người đến đào lấy đi. Tuy nhiên theo các tư liệu lịch sử thì viên Tham biện Pháp cũng không lấy được kho báu, chính vì thế nó vẫn trở thành “nỗi canh cánh” của không ít người.

Đi tìm chân tướng bài sấm truyền

Để tìm lời giải về câu chuyện truyền kỳ này tôi tìm gặp nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt (Hiện là Phó Ban quản lý di tích lịch sử núi Bình San, nơi đặt khu lăng mộ họ Mạc)-người có hàng chục năm nghiên cứu về dòng họ Mạc ở Hà Tiên. Ông cho biết, vào những thập niên 50-60 của thế kỷ tước đã nổi lên một cuộc tranh luận có hay không một kho báu này. Thời đó, dù chiến tranh loạn lạc nhưng vẫn có những đoàn người lạ từ bên kia biên giới tiến sang hoặc từ biển Tây Nam dong thuyền tiến vào, dùng công cụ chuyên dụng như xẻng, bản đồ vẽ tay với mục đích lăm le đào khu mộ của họ Mạc. Dù dòng họ đã cắt cử người canh chừng ngày đêm nhưng nhưng khu lăng mộ vẫn mất một số chi tiết hoa văn cổ quý giá. Trong một thời gian dài, lục lâm thảo khấ tứ xứ kéo đến để tìm kho báu.

Xã hội - Truy tìm kho báu truyền kỳ của họ Mạc (Hình 2).

Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt chỉ cửa Tam quan của khu lăng một học Mạc, nơi viên quan Pháp bị sét đánh ngã ngựa xuýt chết vì khai quật mộ

Không nhằm mục đích tìm kho báu nhưng những chuyện này cũng khiến ông Trương Minh Đạt lưu tâm và bỏ công nghiên cứu để làm rõ thực hư. Sau hàng chục năm nghiên cứu, ông nhận định kho báu có thể chỉ là một sự nhầm lẫn có hệ thống. Để minh chứng, ông Đạt đưa ra một cuốn sách cổ mang tên “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” của tác giả Mộng Tuyết (vợ của tác gia Đông Hồ nổi tiếng ở Hà Tiên) đã ố màu, rồi lật từng trang... Thật bất ngờ, đoạn thơ được cho là bài sấm truyền về kho báu họ Mạc nằm xen lẫn những dòng văn trong cuốn sách này. Ông Đạt cho biết, đây là tác phẩm viết theo thể loại “Ngoại ký sự tiểu thuyết”, có tính chất văn học. Đoạn thơ người ta gọi là sấm truyền trên nằm trong chương X mang tên “Tiểu Thư Mạc Mi Cô”, nói về cảnh sống lầu son gác tía của tiểu thư Mạc Mi Cô (người gọi Mạc Cửu bằng ông nội). Như vậy tất cả nội dung hai đoạn thơ đó do bà Mộng Tuyết hư cấu mà ra, hoàn toàn không liên quan gì đến kho báu cả.

Để thuyết phục hơn, chúng tôi tiếp tục tìm tìm đến pho sách lưu trữ tại nhà lưu niệm Đông Hồ (TX. Hà Tiên), nơi ở của nữ sĩ Mộng Tuyết, nay do bà Lâm Thị Hoa (cháu nhà thơ Đông Hồ) thừa kế trông giữ. Khi chúng tôi trình bày nguyện vọng, bà Hoa lấy ra một cuốn sách thuộc thư mục lưu trữ về tiểu thuyết của nữ sĩ Mộng Tuyết có chủ thích đến chuyện này. Theo đó, đoạn thơ trên là một hư cấu của thi sĩ Mộng Tuyết khi sáng tác trên trên Sài Gòn (cũ) vào khoảng 1959-1960, chứ không phải viết ở Hà Tiên, tác phẩm do nhà XB Bốn Phương, Viện văn nghệ- Hiên sáng tác ấn hành năm 1960.

Bà Hoa nói thêm, vì tính ám chỉ của nó mà ngay thời kỳ tác phẩm ra đời đã gây ra sự hiểu nhầm trong dư luận. Nhiều lần vợ chồng Mộng Tuyết- Đông Hồ phải khổ sở đính chính. Xét ở góc độ lịch sử, đoạn thơ ra đời cách thời đại của họ Mạc hàng trăm năm (Mạc Cửu khai phá Hà Tiên vào năm 1700) thì càng quá vô lý khi lời sấm truyền, hay bản đồ kho báu lại do người đời sau làm ra cho người đời trước?!. Như vậy đến nay bài sấm truyền về kho báu đã hoàn toàn được giải mã, chuyện còn sự thực dòng họ Mạc có để lại tài sản cho hậu thế hay không đến nay vẫn là bí ẩn của người thiên cổ, không ai có thể khẳng định. Hiện nay hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc vẫn yên vị trên núi Bình San thơ mộng và thanh tịnh. Có chăng chỉ những lòng tham đâu đó mới liên tưởng đến một kho báu giàu có của tiền nhân mà thôi.

K.A