Truy tìm “thần dược” vô giá

Truy tìm “thần dược” vô giá

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Gần đây, có luồng dư luận đồn rằng cao rùa có công dụng đặc biệt, chữa được đủ thứ bệnh kể cả ung thư. Trong các cửa hiệu thuốc Đông y, cao rùa Trung Quốc được bán rất nhiều. Điều đó, khiến loài rùa đang bị săn lùng xuất lậu và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Hàng hiếm nhưng... mua bao nhiêu cũng có

Một lần nói chuyện với GS. Mai Đình Yên, nhà động vật học rất bức xúc khi nói về chuyện sử dụng rùa nấu cao làm thuốc. Bây giờ, đến bất cứ hiệu thuốc Đông y nào cũng có thể mua được cao rùa. Mặc dù nó quý như vàng (tính cao theo cân ta-cân vàng) nhưng cứ chồng tiền ra thì bao nhiêu cũng có.

Người nọ mách người kia, cuối cùng chúng tôi cũng có số điện thoại để hỏi mua cao rùa. Cơ sở nấu cao này ở phố Lãn Ông (Hà Nội), do điện thoại trước và nói có người quen giới thiệu nên cô chủ quảng cáo luôn: "Cao rùa hiếm lắm, giờ này mua thì khó đấy".

Nhiều người đã đổ cả gia tài vào công cuộc săn rùa bán

Chúng tôi ngỏ ý muốn mua nhiều, hoặc làm đại lý vì hiệu thuốc Đông y mới mở khá đông khách hỏi cao rùa (PV- đưa ra thông tin như vậy để tiếp cận). "Nếu các chị mua nhiều, em sẽ hỏi trên nhà xem còn không hoặc lấy ở những chỗ khác về cho chị. Mua bao nhiêu nhà em cũng có khả năng cung cấp kể cả chục kg", người bán hàng quả quyết.

Theo cơ sở này phát giá, một lạng cao có giá 1-1,2 triệu đồng. "Cao nhà em tự nấu nên chất lượng đảm bảo, không lo tạp chất. Giá đấy là mềm rồi, tuy nhiên nếu mua nhiều cũng có thể thương lượng giảm giá chút ít".

Để tăng thêm sự quý hiếm, người bán hàng quảng bá thêm: "Mai rùa gác bếp một năm trở lên giờ khó kiếm lắm. Còn rùa huyết (giết rùa lấy mai nấu cao luôn) cũng khó mua. Bây giờ các nơi săn rùa bán cho Trung Quốc hết cả rồi, kiếm được rùa mà nấu cao không dễ đâu. Thời gian trước nhà em mua được mẻ rùa lớn trong miền Trung mới có mai để nấu. Chất lượng cao tốt thì yên tâm để vài năm vẫn thơm phức".

Đến hiệu thuốc Đông y gia truyền P.T (Lãn Ông- Hà Nội) hỏi mua cao rùa chúng tôi cũng được chủ khẳng định một câu chắc chắn: "Cao rùa nhà chị tự nấu, thời điểm này hơi hiếm nhưng mua nhiều vẫn có".

Theo bà chủ tên N. cao rùa bổ lắm, sử dụng lưu thông khí huyết, da dẻ hồng hào, tăng khả năng "ham muốn"..., chữa được nhiều bệnh như đau dạ dày, viêm đại tràng, suy nhược khí huyết, thậm chí cả bệnh nan y. Chính vì lẽ đó một lạng cao rùa (cân tiểu ly) có giá 500 ngàn đồng, còn với cân kg thì một lạng có giá 1,25 triệu đồng. Tuy nhiên, bà chủ này cũng cho biết, việc thu mua rùa, mai rùa giờ khó và đắt hơn nhiều nên cửa hiệu nhiều nơi cũng tính đến chuyện tăng giá.

Chúng tôi thắc mắc loại rùa được sử dụng nấu cao là rùa gì, sơn quy hay thủy quy thì bà chủ N. nói: "Nhà tôi bán cao quy bản, còn muốn có sơn quy (cao rùa vàng) thì cả trăm triệu mới mua được một lạng. Mà loại này hiếm lắm, có được rùa vàng, phải mang về cho người ta xem, rồi tổ chức nấu cao trước mặt khách hàng. Có bao nhiêu, khách tại đó lấy hết, còn đâu mà bán".

Để tăng thêm sự quý hiếm của rùa vàng, bà chủ cho biết thêm, với ba đời làm nghề thuốc gia truyền, chưa đến 10 lần nấu được cao rùa vàng. Bởi theo dân gian, cao quy sơn (rùa vàng ở trên núi) được coi là loại thần dược, chữa bách bệnh, đặc trị luôn với các loại bệnh ung thư. Loại cao này cực kỳ quý hiếm, bởi loài rùa này cũng rất quý, nó được ghi vào sách đỏ. Giá mua một kg rùa vàng (thương lái mua từ người dân) đã là 100-200 triệu đồng/kg, đến người nấu cao giá đã đẩy lên tới vô cùng.

"Sách đỏ" cũng... vào lò

Trước sự săn lùng rùa miền Trung của các thương lái phía Bắc bán lậu sang Trung Quốc, khiến nhiều nơi xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi bắt rùa. Theo GS. Mai Đình Yên, loài rùa ở miền Trung có giá trị lớn về nghiên cứu, nhưng nó lại đang dần bị cạn kiệt trước nguy cơ săn bắt của con người.

Loài rùa đang dần bị cạn kiệt trước nguy cơ săn bắt của con người

GS.Yên cho biết: "Từ tháng tư năm trước người ta bắt đầu săn lùng rùa bán sang Trung Quốc. Đầu tiên, tôi cứ thắc mắc, Trung Quốc mua rùa ấy để làm gì, vì số lượng rùa miền Trung khá nhiều. Sau này tìm hiểu, tôi biết họ mua để nấu cao. Và với nhu cầu này thì bao nhiêu rùa cũng không đủ".

Giá rùa thương lái miền Bắc thu mua ban đầu chỉ 100 ngàn đồng/kg, nhưng sau đó, rùa bị bắt nhiều, số lượng dần cạn kiệt thì họ nâng lên 4-5 triệu đồng/kg. Chỉ trong vòng 1 năm người dân khắp nơi tập trung đi bắt rùa, đến những con rùa mới nở cũng bị bắt để nấu cao khiến loài này còn lại rất ít, giá thu mua rùa thời điểm này đã lên tới 25-30 triệu đồng/kg.

Người dân đi bắt rùa, các đại lý thu gom rùa tại miền Trung cũng chỉ biết bán cho các đại lý cấp cao hơn ở miền Bắc. Mỗi kg rùa qua khâu trung gian giá có thể tăng thêm vài triệu đồng. Rồi thì, nghe nói các đại lý miền Bắc lại bán sang Trung Quốc để họ làm thuốc bắc gì đó. Người dân chỉ nghe mông lung như vậy thôi, nhưng vì lợi ích trước mắt nhiều người đã lao vào cuộc săn rùa, bất chấp sự cảnh báo mất cân bằng sinh thái.

Nhiều người cho rằng, chỉ có cao quy sơn mới có khả năng chữa bệnh, còn quy thủy không có giá trị. Chính vì lẽ đó, theo GS. Mai Đình Yên, trước đây người ta đã băng đại ngàn, vượt núi tìm bắt rùa vàng, một loại rùa cực kỳ quý hiếm đã ghi vào sách đỏ.

"Rùa vàng có tên khoa học là Cuora trifasciata, kích thước trung bình, mai hơi dẹp, trên mai có 3 gờ nổi rõ (1 gờ chính giữa và 2 gờ hai bên), có 3 vạch màu xám đen chạy dọc 3 gờ, bờ mai sau không có rèm răng cưa. Rùa vàng thường sống ở các nơi có độ cao 500-1000m so với mặt biển và ăn thức ăn thực vật, sâu bọ, xác động vật chết. Có thể gặp rùa vàng ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Gia Lai. Rùa vàng ngoài giá trị thẩm mỹ còn là dược liệu quý hiếm", GS.Yên nói.

Tuy nhiên, người ta thổi phồng công dụng của loại cao rùa vàng khiến loài này bị săn lùng. Giá trị mua bán của loài rùa này rất cao, nhưng nhiều người không sành về rùa dễ bị mất tiền oan.

Trầm ngâm, như để ngấm nỗi đau nhân tình thế thái, GS Mai Đình Yên nói tiếp: "Ngày trước, tôi đã nghe nhiều chuyện người dân bất chấp nguy hiểm rẽ rừng sâu, vượt núi cao đi tìm rùa vàng. Nhiều người đổ bệnh, chết nơi rừng thiêng nước độc. Và đến nay, lại là nỗi buồn khi nhiều người dồn cả gia tài đi săn rùa đồng miền Trung khiến nhiều gia đình thành trắng tay. Chẳng biết bao giờ, người ta mới nghĩ đến chuyện bảo vệ những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng".

Theo các nghiên cứu trước đây rùa miền Trung số lượng cá thể còn nhiều nhưng chỉ sau một năm tận diệt loài này còn rất ít. GS. Mai Đình Yên khẳng định: "Rùa Trung bộ là loài rùa đặc hữu, rất quý hiếm, chỉ có ở một số tỉnh Trung bộ Việt Nam. Quần thể sống ở phạm vi hẹp (khoảng 100km2) nên cần bảo vệ bằng mọi giá. Rùa đồng thuộc nhóm IIB, ghi trong Sách đỏ IUCN (2005) cấp CR. Chính phủ đã ban hành nghị định số 32/2006/NĐ-CP về bảo vệ các loài động vật hoang dã của Việt Nam. Rùa Trung Bộ được đưa vào danh sách những loài động vật được bảo vệ, cấm mua bán, trao đổi hay tiêu thụ mà không được phép của Chính phủ".

Mặc lệnh cấm, nhưng để phục vụ cho việc nấu cao rùa, mà thực hư chuyện bổ âm, bổ dương, chữa bách bệnh không biết đúng sai thế nào loài rùa vẫn đang bị săn lùng ráo riết. Chừng nào, vẫn có những lạng cao rùa bán phổ biến cho khách hàng thì loài rùa còn bị truy sát...

Vương Hà - Ngân Giang