Truyền kỳ 'Nam Hải Đại tướng quân' cứu vua Gia Long

Truyền kỳ 'Nam Hải Đại tướng quân' cứu vua Gia Long

Chủ nhật, 05/05/2013 | 09:27
0
Ghi nhớ ơn cứu giá của cá ông, sau khi lên ngôi, vua Gia Long liền truyền lệnh sắc phong cho loài cá ông là "Nam Hải Đại tướng quân" và cho xây dựng lăng thờ ở nhiều cửa biển.

Cá ông cứu chúa Nguyễn Ánh

Thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), nơi phát tích cá ông cứu Nguyễn Ánh, là chỗ con rạch Cần Lộc ăn thông ra biển. Nơi đây có nhiều cây rừng dày đặc, có chỗ có nước ngọt, ban đêm heo rừng, hươu nai thường đến uống nước nên được truyền tụng là đất lành, được cá ông chọn làm nơi đưa Nguyễn Ánh vào bờ.

Thời chinh chiến với Tây Sơn - Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh bao phen thất trận, bôn ba ra Côn Lôn, Phú Quốc rồi cầu viện Xiêm La. Hễ tụ tập được đông chiến thuyền và binh sĩ, Nguyễn Ánh lại kéo quân về quyết sống chết với quân Tây Sơn. Trong một lần, chúa Nguyễn dẫn thủy quân về vây hãm thành Bình Thuận (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) và chiếm được thế thượng phong. Ban đầu, quân chúa Nguyễn hùng hổ thắng thế, nhưng viện binh quân Tây Sơn từ Bình Định kéo ra giải phá vòng vây. Với thế quân Tây Sơn trong đánh ra ngoài đánh vào, quân Nguyễn Ánh phải mở đường máu tránh sự tiệt diệt. Quân Nguyễn Ánh thất bại cả hai mặt thủy - bộ, vội vàng thu dọn tàn quân xuống chiến thuyền chạy về hướng Nam, phía sau, quân Tây Sơn truy đuổi ráo riết.

Ông Ba Hiền (65 tuổi, ngụ thị trấn Vàm Láng), người trông coi lăng Ông Nam Hải kể lại sự kiện cá ông cứu chúa Nguyễn một cách say mê: "Sau lưng Tây Sơn đuổi, trước mặt, trời nổi cuồng phong, kéo mây đen u ám, một cơn giông bão nổi lên dữ dội khi đoàn chiến thuyền đến Giang Khẩu -Sòi Rạp (con sông lớn phân ranh hai tỉnh Gia Định và Gò Công). Tình thế mười phần nguy kịch, Nguyễn Ánh chỉ biết nhìn trời mà thở ra và khấn vái: "Nếu lòng trời còn tựa nhà Nguyễn, xin phò hộ Nguyễn Ánh này thoát cơn thập tử nhất sinh". Sóng to, gió lớn ập đến bốn phương, thuyền của quân Tây Sơn rượt gần đến thì bị gió thổi gãy cột buồm, văng bánh lái, thuyền xoay vòng rồi lật úp. Thuyền của chúa Nguyễn cũng chao đảo sắp lật, bỗng đứng yên vững chãi giữa cuồng phong, thì ra từ dưới mặt nước nổi lên một cặp cá ông kẹp hai bên mạn thuyền, đưa lưng đỡ và dìu thuyền vào đến đất liền bình an vô sự". Nơi thuyền Nguyễn Ánh được cá ông đưa vào an lành chính là địa phận làng Vàm Láng, Gò Công ngày nay.

Xã hội - Truyền kỳ 'Nam Hải Đại tướng quân' cứu vua Gia Long

Lăng Ông Nam Hải

Ngay sau khi đánh bại Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long, không quên công cứu giá của cá ông nên sắc phong tước "Nam Hải Đại tướng quân". Kế tiếp, ông ban cho mỗi làng ở duyên hải gần nơi chiến thuyền cập bến ngày trước một bảng sắc phong, ra lệnh xây cất một đình thờ phụng cá ông, mỗi năm đến mùa phải cúng tế. Lăng Ông Nam Hải ở thị trấn Vàm Láng, Gò Công Đông vẫn còn lưu giữ bảng sắc phong trong một chiếc tủ sắt, được khóa cẩn thận, đến mùa cúng lễ mới mang ra làm "Lễ nghinh Ông".

Giai thoại cá ông hiển linh

Theo ông Ba Hiền, sau sự kiện cá ông cứu chúa Nguyễn, tại Vàm Láng còn lưu lại khá nhiều những giai thoại về loài cá thiêng này, ông Ba Hiền cho biết: "Gắn với mỗi giai thoại, chúng tôi đều có cơ sở chứng minh sự hiển linh của cá ông, thường thì khi Ông gặp nạn sẽ báo hiệu điềm lạ cho người dân Vàm Láng đến tương cứu hoặc cầu xác Ông về lưu giữ và thờ cúng ở lăng Ông Nam Hải. Hiện ở lăng đang thờ cúng rất nhiều xương cốt của cá ông. Ai từng đến lăng cầu nguyện đều truyền nhau chuyện lăng Ông rất linh thiêng".

Người sống lâu năm ở Vàm Láng đều nhớ rõ những giai thoại liên quan đến cá ông để truyền dạy con cháu làng biển phải luôn tôn kính vị "thủy thần" của người đi biển. Lăng Ông Nam Hải, ở Vàm Láng thờ rất nhiều xương cốt cá ông. Tất cả được thờ nơi chánh điện, hai bên có thờ hai chiếc đao cá rất lớn được bao bọc kỹ lưỡng. Mỗi năm đến ngày lễ nghinh Ông, các bậc có uy tín trong làng biển Vàm Láng được vinh dự lấy ra lau hai chiếc đao cá to lớn. Hai chiếc đao cá này tượng trưng cho hộ vệ của Ông Nam Hải.

Lăng Ông Nam Hải trên đất Vàm Láng được xây dựng hơn trăm năm qua, có lối kiến trúc cổ, bên trong thờ bức tranh họa "thủy thần" gần 200 tuổi của một họa sỹ địa phương. Hàng chục bộ cốt của Ông được thờ tự ở Vàm Láng đều có những chuyện kể liên quan. Ông Ba Hiền cho biết: "Du khách cứ ngỡ những câu chuyện cá ông hiển linh khi gặp nạn hay khi Ông lụy (chết) đều do người dân tưởng tượng rồi truyền miệng nhau. Thực tế, mỗi giai thoại, chúng tôi có được đều có một bộ cốt của Ông minh chứng".

Ông Ba Hiền cho biết: "Trước khi Ông lâm nạn đều có những dấu hiệu thời tiết bất thường, người Vàm Láng dựa theo đó để tìm xác Ông về mà thờ cúng. Vào thời ông Huỳnh Văn Bình làm hương cả làng ngư phủ Vàm Láng, có một lần mưa đổ không ngớt một hạt trong vòng ba ngày. Người dân đồn đại thiên tượng này báo tin có một cá ông gặp nạn. Quả thật, khi chức sắc trong làng tổ chức tìm kiếm, họ phát hiện xác cá ông chết, trôi tấp vào bờ".

Người dân Vàm Láng đem xác Ông lên bờ rửa rượu và thờ cúng, nhưng do xác Ông không còn nguyên vẹn, đầy đủ, nghe đâu Ông bị trời quở phạt nên thân phân làm ba mảnh, chia làm ba nơi: Phước Hải, Phước Kiểng (Gò Công ngày nay), Vũng Tàu. Người Phước Hải kiên quyết mua bằng được khúc giữa xương cá ông đang được người dân Vàm Láng thờ cúng. Nhưng dân Vàm Láng không bán, chúng tôi tin việc tôn kính bộ xương khúc giữa của Ông sẽ ban bố nhiều phúc lộc cho làng".

Lễ hội nghinh Ông ở Vàm Láng được tổ chức vào 9h sáng ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm. Thuyền nghinh Ông được trang hoàng lộng lẫy, trên bàn thờ có mâm cỗ mặn, từ rạch Vám Láng tiến ra sông Xoài Rạp, lễ rước có tấu nhạc, ca xướng. Khi quay về, các thuyền thắp đèn kết hoa rực rỡ, sau đó cúng vong Ông. Cuối cùng là lễ an vị Ông, đưa Ông về thờ ở chùa.

Trong thời gian diễn ra lễ, người dân từ các nơi xa xôi đến đây bằng đủ loại phương tiện như ghe, tàu, xe đò… đậu nghẹt một khúc sông và chật hết đường dẫn đến lăng Ông. Ông Ba Hiền cho biết: "Tôi có hơn chục năm làm ông từ trông giữ lăng Ông Nam Hải, chứng kiến biết bao lần người dân tụ họp làm lễ nghinh Ông vô cùng hoành tráng. Nơi đây được mọi người truyền nhau rất linh thiêng, cầu gì cũng được phò hộ, nên hễ cứ đến dịp lễ, mọi người đều tìm về để tạ ơn hoặc làm cỗ cúng cầu xin Ông phù hộ vào năm tiếp theo”.

Con trai cả của cá ông

Theo tục lệ, người nào phát hiện xác Ông lụy đầu tiên thì sẽ là con trai cả của Ông và nguyện để tang Ông trong vòng ba năm. Người nào thấy xác Ông đầu tiên, thành tâm thờ cúng, làm tròn bổn phận với Ông sẽ được phù hộ may mắn, thuyền lúc nào cũng đầy tôm cá và bình an vô sự. Truyền thuyết cũng cho rằng, cá ông trôi xác đến nơi nào vừa ý thì dừng lại, dân sống bằng nghề đi biển phải lập đền thờ ở đó. Ông sẽ phù hộ ban phúc lộc cho dân làng. Ngư dân Vàm Láng rất tin tưởng vào những truyền thuyết trên nên hàng năm qua đều tổ chức lễ hội nghinh Ông rất trọng thể.   

Ngọc Lài - Hà Nguyễn

Khám phá nghĩa địa cá ông độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:47
Đã bao đời nay, người dân coi cá ông là thần hộ mệnh cho người đi biển.

Truyền kỳ xưa và nay về loại gỗ thánh thần

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:55
Với hương thơm đặc biệt và sau hàng trăm năm vẫn giữ được mùi thơm quý phái, hoàng đàn được tôn sùng là gỗ của thánh thần. Cơn sốt hoàng đàn có lúc rạo rực, có lúc trầm lắng nhưng nó vẫn luôn được giới quý tộc săn lùng ráo riết từ vài chục năm nay.

Giai thoại hòn đá biết 'đẻ' của bộ tộc Rơ Mâm

Thứ 4, 10/04/2013 | 14:38
Hòn đá biết "đẻ" đã có từ thời người Rơ Mâm mới hình thành làng, hình dạng phiến đá như đang ngậm chiếc ngà voi, người Rơ Mâm tôn là "Yang Ngà" (cụ tổ) và tin đó là điềm lành cho cả làng.

Giai thoại xung quanh ngôi mộ cổ bị xiềng xích

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:49
Ngôi mộ cổ gắn với lịch sử thời khai hoang lập làng vẫn còn nguyên vẹn nhưng đang bị bỏ hoang.