Truyền thuyết về ngôi chùa cổ Bổ Đà

Truyền thuyết về ngôi chùa cổ Bổ Đà

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Bổ Đà tự có tên chính là chùa Quan Âm, được dân tin là nơi đức Quan Âm Bồ Tát ứng hiện cứu đời.

Bổ Đà là một núi lớn nằm ở bờ phía Bắc sông Cầu, trải dài chừng 2km bao bọc hai thôn Tiên Lát Thượng và Tiên Lát Hạ của xã Tiên Sơn. Trong núi Bổ Đà nổi lên nhiều ngọn lớn như ngọn đền Thượng, ngọn chùa Cao, ngọn chùa Khám, ngọn Phượng Hoàng, ngọn Trúc Lát, ngọn Con Voi và ngọn Bàn Cờ Tiên. Các ngọn núi này tiếp nối nhau, có độ cao khoảng 50 - 70m so với mực nước biển. Cả một quần thể đền chùa tụ tập nơi đây: Đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, chùa Tứ Ân, chùa Cao, chùa Khám, chùa Linh Chi…

Xã hội - Truyền thuyết về ngôi chùa cổ Bổ Đà

Vườn tháp ngàn năm tuổi tại chùa Bổ Đà

Câu chuyện truyền thuyết về sự ra đời của Bổ Đà tự cũng mang nhiều huyền bí. Tương truyền, vào khoảng thế kỷ thứ XI, dưới chân núi Bổ có một gia đình tiều phu tuy nghèo nhưng rất tốt bụng, chăm chỉ hiền lành, dân trong làng ai cũng quý mến. Hiềm một nỗi đã ngoài 40 tuổi mà họ vẫn chưa có con. Ngày tháng qua đi, họ chỉ còn biết cầu khấn "Quan Thế Âm Bồ Tát" và lời cầu của họ đã ứng nghiệm. Một hôm, người chồng vào rừng gặp một cây thông già trên núi, ông giơ rìu định chặt về nhưng khi bổ nhát đầu tiên, bỗng dưng từ thân cây bật ra 32 đồng tiền (Đó là 32 phép ứng hiện của "Quan Thế Âm Bồ Tát"). Người tiều phu sung sướng chạy về khoe với dân làng, ai cũng mừng cho họ. Ít lâu sau vợ ông sinh được một cậu con trai khôi ngô, tuấn tú, ông đặt tên là Minh. Để tỏ lòng thành và tạ ơn Quan Thế Âm Bồ Tát, ông dựng chùa ngay gốc cây thông già. Đó chính là chùa Quan Âm, dân gian thường gọi là chùa Bổ - núi Bổ Đà. Sau gọi là chùa Thượng vì chùa ở cao trên sườn núi.

"Bắc Phổ Đà (Bổ Đà), Nam Hương Tích" là một cách để định danh cho những nét đặc trưng của chùa chiền Bắc bộ. Từ những tích truyện như "Quan Âm thị Kính", các cụ đã rút ra thành những câu chuyện nhỏ vừa có tính răn dạy vừa để lý giải cho việc lựa chọn thế đất, phương hướng dựng chùa.

Để dựng chùa và tính toán địa điểm đặt nơi thờ tự, các cụ xưa phải tính toán chuẩn đến từng mét, căn cứ vào tổng hợp các yếu tố địa lý, thiên văn, vận mệnh… Dựng trên ức con Phượng hoàng, vật linh đứng thứ 2 trong tứ linh, có lẽ vì vậy mà đất này khá "thuận", trong chiến tranh, vùng đất Tiên Sơn nằm trong khu vực đánh phá ác liệt của địch nhưng chùa Bổ gần như không bị xâm hại gì…

Đến đời Lê Bảo Thái (1720-1729), nhà sư Phạm Kim Hưng, trụ trì chùa đã trùng tu lần thứ nhất. Đến đời vua Hiển Tông (1740-1786), sư tổ Ngô Tuệ Không khai phá sơn thạch dựng "chùa Tứ Ân và am Tam Đức (lúc này am mới có 3 tháp sư tổ). Đến đời vua Tự Đức (1847-1883) xây dựng thêm "tiền đường". Đến đây, toàn bộ quần thể chùa Bổ đã hoàn thành có tới 100 gian. Vườn tháp là một công trình kiến trúc muôn màu, muôn vẻ, gồm ngót một trăm tháp sư tổ. Từ năm 1786 trở đi, trải qua nhiều hòa thượng kế tiếp xây dựng chùa Bổ.

Đi qua ba lớp cổng chùa xinh xắn trên con đường lát đá xanh, qua một sân gạch nữa thì đến khu nội tự, gồm hàng chục dãy nhà, tòa nhà lớn nhỏ kiến trúc thời Hậu Lê - Nguyễn là nhà Tam bảo, nhà Tổ, nhà Tiền tế, nhà In kinh, nhà Trai, nhà Khách... Điểm đặc biệt ở đây là nhiều bức tường được xây bằng tiểu sành giống như làng Thổ Hà, nơi chuyên sản xuất chum vại, tiểu sành cách đó vài cây số.

Chùa Bổ là một trong những nơi còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Hiện chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quay hiếm, văn khắc, thư tịch, tượng Phật, câu đối,… là nguồn sử liệu quý giá cho các nhà khoa học nghiên cứu lâu dài.

Hàng năm cứ đến ngày 16-18/2 âm lịch, cả khu vực Bổ Đà tự rực rỡ cờ phướn. Người dân và du khách thập phương tìm đến với hội chùa thành tâm cầu cho những điều quốc thái dân an và hưng thịnh bền lâu.

Đại Đức Tự Tục Vinh giải thích, trong Phật giáo, cuộc đời là một kiếp luân hồi, "sinh gửi thác về" người trước kẻ sau, dù kiếp này hay kiếp sau đều có duyên và có một sợi dây số phận liên kết với nhau... cho nên ở khu linh địa hiện nay có nhiều mộ tháp vẫn còn những ô chờ đợi tro cốt của người sau thác về với sư tổ.

Đ.H - C.T