Truyền thuyết về ông

Truyền thuyết về ông "vua" của người La Chí

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Cụ Vàng Thị Dể, một người dân người La Chí cho biết, nơi dân làng đang ở trước đây là cả cánh đồng bạt ngàn và rừng cây, muông thú.

Như lời cụ Vàng Thị Dể kể, trước đây nơi chúng tôi đang đứng là cái thời của cây rừng, thú dữ ngự trị. Người La Chí chính là những cư dân đầu tiên đến đây khai hoang lập địa. Để có được đất canh tác, bắc được máng nước về nhà, người La Chí đã phải đối đầu với bao hiểm nguy chực chờ nơi rừng rậm.

Ở thời điểm tranh giành sự sống với thú dữ chưa có hồi kết ấy, đồng bào La Chí như được thần linh phù hộ. Vào một ngày tiết trời yên ắng, sương mù xuống tận chân núi, bỗng dưng trong bản người La Chí bên sườn Tây Côn Lĩnh xuất hiện một người đàn ông có thân hình cường tráng, khuôn mặt chữ điền, nước da hồng hào, giọng nói vang vọng khắp núi rừng, khác hẳn với những người La Chí bình thường khiến muông thú phải sợ bỏ đi hết. Những con thú là con mồi trước cách săn thiện nghệ của chàng trai khỏe mạnh ấy.

Xã hội - Truyền thuyết về ông 'vua' của người La Chí

Những ngôi mộ được cho là mộ "Vua" của người La Chí, chưa ai biết chính xác là có bao nhiêu ngôi mộ như thế này, ước tính con số lên đến hàng nghìn

Hoàng Dìn Thùng chính là cái tên mà dân các bản người La Chí từ Hoàng Su Phì đến Xín Mần thường gọi. Cũng từ khi xuất hiện Hoàng Dìn Thùng, những cây ngô, cây đỗ, rồi lúa nước đã được ông hướng dẫn cho bà con cách trồng, thế là chẳng mấy chốc cả bản đã có của ăn, của để. Thú dữ cũng chạy đi hết, cuộc sống của người dân trở nên hưng thịnh.

Khi cái ăn đã no, nhiều gia đình có của để dành bỗng dưng từ trên rừng già ùn ùn kéo ra đám người có khuôn mặt dữ tợn, chúng chém giết, cướp ngô lúa, trâu, bò của dân làng, thậm chí bắt cả người. Trước tình cảnh bi thương ấy, ông Thùng đã nhanh chóng tập hợp dân bản trên, bản dưới lại thành một đội "binh hùng tướng mạnh" đánh lũ giặc cướp, đuổi chúng ra khỏi bản cách xa hàng chục ngọn núi rồi quay về giúp bà con làm ăn sinh sống như người trong bản trên đỉnh núi Pang Lung.

Theo nhiều cụ cao niên người La Chí cho biết, ngoài địa danh núi Lủng Cẩu thì núi Pang Lung là nơi giáp ranh với Trung Quốc, ngọn núi có độ cao trên dưới 2.000m so với mực nước biển. Ông Hoàng Dìn Thùng sinh sống ở đó và thường ngày đi khắp các bản người La Chí quanh nơi ông ở để hướng dẫn bà con cách làm ăn. Nhờ có ông mà cuộc sống bà con được no ấm, đánh đuổi những kẻ định cướp bóc của dân bản. Ngày nay, điều đặc biệt là những cánh rừng có nhiều muông thú quanh khu vực mộ và miếu thờ "vua" tuyệt nhiên hàng trăm năm nay không bị phá hay săn bắn thú rừng xảy ra. Cái truyền thuyết ấy, theo cách gọi của người La Chí đó là truyền thuyết giữ rừng, giữ mái nhà chung của đồng bào La Chí.

Đến bây giờ, người dân La Chí vẫn coi ông Hoàng Dìn Thùng như một vị "vua" mà nhà trời phái xuống. Ngay sau đó, ngọn núi ông Thùng khai thiên lập địa cũng được đổi tên là núi Gia Long. Núi Gia Long thuộc xã Bản Díu (Xín Mần) và Bản Phùng (Hoàng Su Phì). Hiện nay, trên đỉnh núi vẫn còn rất nhiều cây ăn quả cổ thụ, chủ yếu là đào và mận. Ngôi mộ được coi là của "vua" của người La Chí bây giờ vẫn được người dân thờ cúng. Ngôi mộ đó lớn như một quả đồi nhỏ "mọc" lên giữa rừng già, cạnh mộ hiện tại vẫn còn miếu thờ.

Người La Chí hiện có khoảng trên 11.000 người, phần lớn sinh sống ở Hà GiangLào Cai. Ngoài ra người La Chí còn có tên gọi khác là: Thổ Đen, Mán, Xá. Tên tiếng La Chí tự gọi là: Cù Tê, tiếng nói cùng nhóm với tiếng La Ha, Cơ Lao, Pu Péo.

Cao Tuân