Truyện tranh ngoại nhập đang bị “ô nhiễm”

Truyện tranh ngoại nhập đang bị “ô nhiễm”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
“Choáng váng”, “sốc”... đó là cảm giác của nhiều phụ huynh khi cầm trên tay những cuốn truyện tranh có xuất xứ từ nước ngoài.

Truyện tranh hay truyện kích dục

Thị trường truyện tranh dành cho các teen, kể cả trẻ học tiểu học rất sôi động. Đặc biệt, truyện giải trí, tình cảm tuổi mới lớn chiếm số lượng áp đảo. Theo quan sát của PV Người đưa tin, phần lớn truyện tranh tại các cửa hàng chuyên cho thuê truyện đều không có bản quyền. Những cuốn truyện tranh có hình ảnh, lời thoại không dành cho học sinh nhí, được dán nhãn bé tí xíu dành cho độc giả trưởng thành. Khu vực Bách Khoa được xem là “thủ phủ” của truyện tranh nhạy cảm với những hình ảnh giường chiếu .

Xã hội - Truyện tranh ngoại nhập đang bị “ô nhiễm”

Những hình ảnh minh họa nhạy cảm không thiếu trong các cuốn truyện tranh có xuất xứ từ nước ngoài.

Nhìn vào thị trường truyện tranh thiếu nhi, bất kỳ ai cũng nhận thấy tính giáo dục thì ít mà kích dục thì nhiều. Những hình ảnh nhạy cảm, thô tục… được thoải mái “phô” ra. Từ năm 2006, những hình ảnh phản cảm, nội dung thiếu tính giáo dục trong truyện tranh đã được dư luận đưa ra mổ xẻ. Song mức độ kích dục của truyện tranh thiếu nhi thời gian gần đây khiến các bậc phụ huynh không khỏi “ngỡ ngàng”, choáng váng!

Năm 2006, bộ truyện nổi tiếng “Shin cậu bé bút chì” từng bị dừng do phản hồi từ báo chí và độc giả, đến khi trở lại đã phải đặt thêm giới hạn độ tuổi và giảm hình ảnh dễ gây tranh cãi. Năm 2010, câu chuyện tiếp tục xới trở lại trên báo chí xung quanh bộ truyện “Một nửa Ramma”. Nhận định về bộ truyện này, nhiều người phải thốt lên rằng truyện tranh gì mà không khác một cẩm nang dạy cách làm tình!?. Nhân vật nữ thường xuyên bị vẽ lột trần... Và gần đây 2 tập truyện tranh Chàng trai (NXB Thanh Hóa cấp phép) có lẽ là bộ truyện gây ra nhiều phản ứng nhất trong dư luận thời gian gần đây vì tính gợi dục nhằm vào đối tượng độc giả lứa tuổi mới lớn.

Được cấp phép từ tháng 3/2008, nhưng thời điểm này, bộ sách trên được rất nhiều độc giả nhí hiếu kỳ tìm đọc. Dọc các phố sách như Láng, Nguyễn Xí, Đinh Lễ đều thấy sự xuất hiện của loại sách này.

Với nhân vật chính là Luki. Câu chuyện phát triển theo một hướng oái oăm là bà mẹ thấy con mình đã 16 tuổi nhưng chưa có bạn trai nên bà cho một số nam thanh niên vào ở trong nhà mình. Cả cuốn truyện cứ xoay quanh chuyện Luki gặp gỡ một bạn trai với những tình huống như người lớn và cả chuyện quan hệ yêu đương mùi mẫn với những hành động có lẽ chỉ có ở người lớn.

Điều đáng nói, phần lớn truyện tranh kích dục đều là truyện tranh nước ngoài. Còn, mức độ phản cảm thì ngày càng tăng theo cấp số nhân. Thực tế, một vài năm trở lại đây, ít có bộ truyện tranh tạo được sức hút thực sư như các bộ truyện cách đây khoảng chục năm: “Đôrêmon, “Bảy viên ngọc rồng, “Thần đồng Đất Việt”, “Tây Du Ký”…Hiện tại, những hình ảnh trong sáng, hồn nhiên đã dần được thế chân bằng hình ảnh phản cảm, dung tục.

Dạy tâm lý bi quan, bi lụy

Với tâm trạng khá bức xúc, chị Lê Thị Hà (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Cách đây không lâu, chị đã từng “bắt quả tang” cô con gái suốt ngày vùi đầu vào đống truyện tranh không lành mạnh. Từ đo,á bất kì quyển truyện nào của con cũng được chị giám sát về mặt nội dung. "Từ dạo có mấy quyển truyện tranh, con bé nhà tôi cứ thì thụt với mấy đứa bạn hàng xóm với dáng vẻ không bình thường.

Ban đầu, tôi không để y cho lắm. Nhưng một hôm, khi dọn dẹp trong phòng, tôi mới phát hiện ra một số cuốn truyện tranh mà con bé đã giấu kỹ dưới đống sách vở, trong đó có tập truyện “Tình yêu học trò”, “Manga”. Những nhân vật trong truyện có vẻ "dày dạn tình trường"... Việc học hành của nhân vật hầu như chẳng được tác giả đề cập mà chủ yếu xoay quanh việc yêu đương, hờn giận không lành mạnh... Kiểm tra lại từ đầu cuốn truyện, tôi vô cùng ngỡ ngàng về cuốn truyện tranh mà con gái mình say sưa đọc mỗi ngày”, chị Hà kể lại.

Điều đáng nói là trong truyện, để thỏa mãn tình yêu của mình, một số nhân vật đã không từ bất cứ thủ đoạn nào. Khi không đạt được mục đích, việc tìm đến cái chết lại là sự lựa chọn cuối cùng của họ. Vô hình trung, mục đích giáo giục giới tính của các cuốn truyện không những không đạt được mà còn tạo ra tâm lý bi quan, bi lụy vì tình.

Trái với sự sửng sốt của các bậc phụ huynh, nhiều độc giả nhí khi được hỏi, đều tỏ ra thích thú với truyện tranh nhạy cảm. Lê Minh Hiếu (học sinh lớp 8) hồn nhiên cho biết: "Các truyện có nhiều cảnh "hot" nên gây sự tò mò cho các bạn. Mỗi khi đọc đến đoạn "nhạy cảm", có đứa còn hét lên. Vì vậy, mỗi khi có tập truyện mới ra, ai cũng tìm mua bằng được”.

Lợi nhuận cao hơn... tính giáo dục

Trước thực trạng truyện tranh thiếu nhi phản cảm đang xâm chiếm tâm hồn trẻ nhỏ, đại diện một nhà xuất bản có uy tín trong làm sách thiếu nhi cho rằng: “Giáo dục các em không chỉ nên bắt đầu bằng những bài học hoàn mĩ về đạo đức và nhân cách. Đôi khi, nói lên những vấn đề không tích cực, nhạy cảm của đời sống cũng là một cách giúp các em nhận thức để tránh phải sai lầm đáng tiếc”.

Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, các NXB luôn xem truyện tranh là “cần câu cơm”. Chắc chắn, số tiền thu được từ việc xuất bản các bộ truyện tranh được lứa tuổi thanh thiếu niên ưa chuộng không phải là nhỏ. Vì lợi mà không ít NXB đã bỏ quên trách nhiệm chân chính là mang đến cho lứa tuổi thanh thiếu niên những bộ tranh truyện bổ ích, giàu tính giáo dục và nhân văn. (Còn nữa)

Ngân Giang- Hoàng Mai