Tử hình, một phương pháp chống tội phạm tối ưu?

Tử hình, một phương pháp chống tội phạm tối ưu?

Thứ 2, 15/04/2013 | 12:03
0
Trong giai đoạn hiện nay, áp dụng hình phạt tử hình vẫn đó và đang là một biện pháp phòng chống tội phạm có hiệu quả trên thế giới.

Tử hình là một trong những hình phạt có lịch sử lâu đời và nghiêm khắc nhất trong luật hình sự. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, hình phạt tử hình đã thể hiện và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, quyền sống của con người đặc biệt được coi trọng, ý thức pháp luật của người dân được nâng cao, xã hội thiết lập được cơ chế kiểm soát hiệu quả hành vi của con người... thì việc duy trì hay bãi bỏ hình phạt tử hình đang là vấn đề được quan tâm ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Luật sư - Tử hình, một phương pháp chống tội phạm tối ưu?

Ba tử tù bị hành quyết cùng 1 ngày. Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh

Trên cơ sở điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, tình hình tội phạm ở Việt Nam trong những năm qua và dự báo trong thời gian tới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 49/NQ-TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó nêu rõ định hướng chính sách hình sự của chúng ta: duy trì hình phạt tử hình nhưng “hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Đây là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện của nước ta và xu hướng giảm dần, tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình trên thế giới. Nghiên cứu hình phạt tử hình trong luật hình sự thế giới qua các thời kỳ lịch sử giúp chúng ta hiểu hơn về tình hình quy định và áp dụng hình phạt tử hình của các quốc gia khác trên thế giới trong quá khứ và hiện tại. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình giảm dần tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình.

Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế (Amnesty International), tính đến hết năm 2008 trên thế giới có 139 quốc gia đã xóa bỏ án tử hình trên mặt luật pháp hoặc thực tế. Trong số này có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xóa bỏ án tử hình cho tất cả các loại tội phạm. 10 quốc gia đã xóa bảo án tử hình cho tất cả các loại tội phạm ngoại trừ các tội phạm đặc biệt như tội phạm chiến tranh. 35 quốc gia được xem như là đã xóa bỏ trên thực tế. Những quốc gia này giữ lại án tử hình trên luật pháp, tuy nhiên đã không áp dụng bất kỳ một án tử hình nào trong suốt 10 năm qua.

Nếu tính từ thời điểm quốc gia đầu tiên là Venezuela xóa bỏ hình phạt tử hình vào năm 1863, đến năm 1969 Vatican xóa bỏ hình phạt tử hình, trải qua 106 năm, chỉ có khoảng 21 quốc gia xóa bỏ hình phạt tử hình. Nhưng kể từ đầu những năm 1970 trở lại đây, xu hướng xóa bỏ hình phạt tử hình trong luật hình sự ngày càng gia tăng rõ rệt. Phần lớn các quốc gia xóa bỏ hình phạt tử hình trong những thập niên gần đây thuộc Liên minh Châu Âu, vì theo quy chế của tổ chức này, việc xóa bỏ hình phạt tử hình trong luật hình sự là một trong những tiêu chí quan trọng để xét gia nhập. Vì vậy, sau năm 1990, một loạt các nước Đông Âu trước đây khi gia nhập Liên minh Châu Âu đã xóa bỏ hình phạt tử hình (Croatia, Cộng hòa Czech, Hungary, Cộng hòa Slovakia, Bulgaria, Moldova...).

Cũng trên xu thế xóa bỏ hình phạt tử hình trong luật hình sự, hiện nay có 11 quốc gia chỉ xóa bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm thường (xâm phạm tính mạng, sức khỏe, sở hữu, trật tự, an toàn công cộng...) và vẫn quy định hình phạt tử hình đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia (Cook Islands, Israel, Brazil, Fiji, Peru, El Salvador, Argentina, Bolivia, Latvia, Albania, Chile).

Ngoài các quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tất cả các tội phạm và đối với các tội phạm thường, hiện nay trên thế giới có 30 quốc gia tuy vẫn quy định hình phạt tử hình trong luật hình sự, nhưng cách đây từ vài năm đến vài chục năm đã không áp dụng và không thi hành hình phạt tử hình trên thực tế.

Luật sư - Tử hình, một phương pháp chống tội phạm tối ưu? (Hình 2).

Mộ tử tù xanh um cỏ, hiếm thấy người ghé thăm. Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh

Trong số các quốc gia này, nước áp dụng hình phạt tử hình gần đây nhất là Bahrain (1996), Kyrgyzstan (1998), Liên bang Nga (1999) và nước áp dụng hình phạt tử hình cách đây lâu nhất là Papua New Guinea (1950), Maldives (1952), Brunei (1957). Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá quốc tế riêng trong năm 2008 trên thế giới vẫn có tới hơn 8800 người bị kết án tử hình.

Theo thống kê của Tổ chức Ân xá quốc tế, từ năm 1980 đến năm 2005 thì năm có số quốc gia thi hành án tử hình cao nhất là năm 1985 (với 44 quốc gia) và năm có số quốc gia thi hành án tử hình thấp nhất là năm 2005 (với 22 quốc gia).

Trong số các quốc gia có thi hành hình phạt tử hình trên thực tế thì số lượng án tử hình còn chỉ tập trung vào một số quốc gia nhất định: mỗi năm chỉ có từ 1 đến 4 quốc gia có trên 100 tử tội bị hành quyết, nhưng lại chiếm từ 56% đến 94% số người bị tử hình trên toàn thế giới. Các quốc gia tập trung số lượng tử tội bị hành quyết nhiều nhất hiện nay là Trung Quốc, Iran, Saudi Arabia, Mỹ. Ví dụ: năm 2005, toàn thế giới có 2.148 người bị hành quyết ở 22 quốc gia, thì có 1.770 người bị hành quyết ở Trung Quốc, 94 người ở Iran, 86 người ở Ả rập Xêút và 60 người ở Mỹ.

Như vậy, trong năm 2005, riêng 4 quốc gia này đã hành quyết 2010 người, chiếm 94% tổng số người bị hành quyết trên toàn thế giới. Số tử tội bị hành quyết mỗi năm còn có sự chênh lệch đáng kể. Từ năm 1980 đến 2005, năm có số người bị hành quyết thấp nhất là 1986 (743 tử tội) và 1987 (769 tử tội); năm có số người bị hành quyết cao nhất là 2004 (3.797 tử tội).

Một số quốc gia đã xóa bỏ hình phạt tử hình trong luật hình sự, sau đó lại khôi phục. Tiêu biểu cho các quốc gia này là Philippines: năm 1987, Philippines là quốc gia đầu tiên ở châu Á xóa bỏ hình phạt tử hình đối với tất cả các tội phạm. Tuy nhiên, do tình hình tội phạm gia tăng nên năm 1993, hình phạt tử hình được khôi phục, nhưng đến tháng 6-2006 Philippines lại chính thức xóa bỏ hình phạt tử hình. Ngoài ra, còn có Indonêxia, Nepal, Gambia, Papua New Guinea... là những quốc gia đó khôi phục hình phạt tử hình sau khi xóa bỏ.

Trong những năm gần đây, trước tình hình bất ổn về chính trị, khủng bố gia tăng, sức ép của dư luận xã hội... một số quốc gia đang cân nhắc việc khôi phục hình phạt tử hình (Australia, New Zealand...). Nước Mỹ hiện cũng có 32/51 bang có áp dụng hình phạt tử hình. Ở Nhật Bản, theo Bộ luật Hình sự năm 1880 hình phạt tử hình được áp dụng cho 20 tội phạm. Bộ luật Hình sự Nhật Bản hiện hành còn áp dụng hình phạt tử hình cho 13 tội phạm.

Các nước này đều có chung quan điểm cho rằng những kẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng cần phải được loại trừ khỏi đời sống xã hội và tử hình được xem như một biện pháp răn đe, phòng ngừa tội phạm quan trọng trong xã hội.

Vì vậy trong giai đoạn hiện nay, áp dụng hình phạt tử hình vẫn đó và đang là một biện pháp phòng chống tội phạm có hiệu quả trên thế giới.

> Thảm kịch cuộc sống dẫn kiều nữ tới pháp trường (1)

Thiếu tướng,GS.TS Nguyễn Xuân Yêm

Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an

Tử hình, hình phạt chết trong lịch sử nhân loại

Thứ 2, 15/04/2013 | 12:03
Loạt bài về thi hành án tử hình sau đây của thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an nói về án tử hình dưới nhiều góc độ.