LỜI TOÀ SOẠN

Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định một trong 5 định hướng lớn của nhiệm kỳ là “Tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư; phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội”, để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Tp.Phổ Yên chính là một “hạt nhân” rất quan trọng.

Tuyến bài viết “Thúc đẩy thu hút đầu tư vào Nam Thái Nguyên” nhằm khái quát về những bước chuyển mình mạnh mẽ của Phổ Yên nói riêng và những chính sách Thái Nguyên dành cho địa phương này để khuyến khích thu hút đầu tư, mở ra những “con đường” lớn lan tỏa và phát triển kinh tế vùng.

Năm 2022, Phổ Yên chính thức trở thành thành phố, đây là điều có ý nghĩa đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Phổ Yên. Với vai trò, vị trí quan trọng, Phổ Yên đã trở thành đầu tàu phát triển kinh tế phía Nam của tỉnh, khu liên vùng, tạo động lực cho các địa phương khác trong vùng.

Với nền công nghiệp đứng thứ tư trên toàn quốc về giá trị sản xuất, Phổ Yên là cứ điểm của nhiều “đại bàng”, trong đó nổi bật nhất là Samsung. Nhân dịp Xuân Quý Mão, Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Lương Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Phổ Yên về quá trình phát triển kinh tế, xã hội cũng như quan điểm thu hút đầu tư của địa phương.

NĐT: 2 năm Covid-19, các địa phương dường như đều phải đóng băng các hoạt động về phát triển kinh tế, nhưng Phổ Yên đã thực hiện được mục tiêu kép và đã được công nhận trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh Thái Nguyên vào tháng 4/2022. Chắc hẳn, “con đường” đó không hề dễ dàng?

Ông Bùi Văn Lương: Để được công nhận thành phố, Phổ Yên phải đáp ứng nhiều yếu tố, bao gồm các yếu tố về phát triển hạ tầng kỹ thuật, tiêu chuẩn của đô thị loại 3, về phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội như chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu lao động cũng như nhiều chỉ tiêu khác.

Ngoài sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh Thái Nguyên, Phổ Yên có phương châm rõ ràng trong mỗi cuộc họp diễn ra. Cụ thể, tôi yêu cầu bí thư các cấp phải đứng ra báo cáo, triển khai theo các phương thức lãnh đạo của Đảng.

Có những mặt tồn tại trong 5 năm, 10 năm nhưng khi tất cả mọi người cùng bắt tay làm thì chỉ làm 3 tháng là xong. Đặc biệt, các giải pháp đưa ra đều nhận được sự đồng tình của các cấp cơ sở, giải quyết xong không ai bất đồng, không ai còn thắc mắc về trách nhiệm của mình. Tất nhiên để làm được điều đó, các lãnh đạo cũng phải liên tục cố gắng, phải lăn lộn ngày đêm, nhiệt huyết mới ra được chứ không phải nói một câu là xong.

NĐT: Ông hài lòng nhất về điều gì trong quá trình người dân và chính quyền cùng hợp lực phấn đấu lên thành phố?

Ông Bùi Văn Lương: Trong quá trình phấn đấu lên thành phố, với sự đồng thuận từ cán bộ Đảng viên đến toàn bộ nhân dân Phổ Yên đã bứt phá với tốc độ mà ai cũng phải bất ngờ. Bởi vì trước đó, năm 2014 Phổ Yên vẫn là huyện nhưng đến tháng 4/2022 đã chính thức lên thành phố.

Điều mà chúng tôi cảm thấy phấn khởi, hạnh phúc là chủ trương được đề ra rất đúng đắn, có ý nghĩa hợp với mong muốn của cán bộ Đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đích đến cuối cùng mà chúng tôi hướng đến là đời sống của người dân, kể cả vật chất lẫn tinh thần được quan tâm, thay đổi một cách rõ nét.

NĐT: Trả lời phỏng vấn của Người Đưa Tin, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thanh Hải cho biết: "Phát triển công nghiệp luôn luôn là định hướng lớn của tỉnh, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã đưa ra đường lối là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đặc biệt là khu vực phía nam, là nơi gần với Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội". Với vị trí địa lý là vùng cửa ngõ nối liền giữa vùng kinh tế trung du miền núi phía Bắc và Thủ đô Hà Nội, Phổ Yên cũng là nơi hội tụ của nhiều “đại bàng”. Thành phố đã có những cơ chế, chính sách như thế nào để thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về địa phương đầu tư?

Ông Bùi Văn Lương: Tính đến thời điểm hiện tại, sản xuất công nghiệp của Phổ Yên đóng góp khoảng 92% vào tỉnh Thái Nguyên, nền công nghiệp đứng thứ tư trên toàn quốc về giá trị sản xuất.

untitled.mp4

Từ những lợi thế trên, trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cụ thể hoá chủ trương của tỉnh vào điều kiện thực tiễn của Phổ Yên thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo giữa cán bộ Đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình phát triển.

Trong công tác tuyên truyền, việc quảng bá giới thiệu vùng đất và hình ảnh con người Phổ Yên luôn được đặc biệt quan tâm. Phải làm sao để mỗi cán bộ và người dân Phổ Yên như tuyên truyền viên đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết.

Song song với đó là giải quyết và tháo gỡ khó khăn trong thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh. Đồng thời thể hiện sự quan tâm, sát sao của địa phương đối với các doanh nghiệp, tạo niềm tin, thúc đẩy thu hút đầu tư cho Phổ Yên cũng như tỉnh Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, chúng tôi ưu tiên những giải pháp triển khai đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo sự hấp dẫn trong quá trình giải phóng kết quả sản xuất, kết nối trong và ngoài khu vực.

NĐT: Công nghiệp là mũi nhọn kinh tế của thành phố, tuy nhiên không thể không nhắc đến nông nghiệp, vốn là một thế mạnh của Phổ Yên, ngoài ra còn là du lịch. Để cân bằng trong sự phát triển đó định hướng của địa phương trong thời gian tới là gì?

Ông Bùi Văn Lương: Chúng tôi luôn ý thức và xác định rõ ràng phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ phải đi đôi nông nghiệp, mặc dù tính đến thời điểm hiện tại công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm khoảng trên 97%, nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 2,8% quy mô kinh tế toàn thành phố.

Chúng tôi đang sắp xếp, cơ cấu lại nền nông nghiệp để nâng cao giá trị thu được trên một đơn vị diện tích. Hoạt động này dựa trên ứng dụng thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, cơ giới hóa, cơ cấu giống cây trồng. Đồng thời, thành phố cũng chủ trương gắn chuyển đổi số qua việc phát triển các sàn thương mại điện tử, để sản phẩm nông nghiệp của Phổ Yên được quảng bá không những trong địa bàn trong nước mà thậm chí cả quốc tế.

NĐT: Phổ Yên phát triển nhanh và nóng đem lại nhiều lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên cũng bộc lộ, tiềm tàng những nguy cơ về mặt an sinh, xã hội khi người dân đang từ thu nhập hạn chế chuyển sang giàu có hơn. Để đảm bảo cho người dân về sự yên tâm trong quá trình phát triển, đảm bảo phát triển bền vững thì Phổ Yên đã có định hướng như thế nào?

Ông Bùi Văn Lương: Định hướng của chúng tôi là phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển kinh tế gắn bảo vệ môi trường và ổn định xã hội. Ngoài việc phát triển kinh tế, các chính sách an sinh xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa luôn được quan tâm.

Hiện tại tỉ lệ hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên là gần 90% nhưng tỉ lệ đó ở Phổ Yên là 100%. Việc dành nguồn lực để đầu tư hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng của quốc gia đi cùng với công tác nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.

Về lĩnh vực y tế, thành phố có những chính sách quan tâm đến đời sống sức khỏe của người dân trên địa bàn. Cụ thể trong đại dịch Covid-19, chúng tôi đã ứng phó linh hoạt để tạo ra vùng xanh an toàn. Từ đó tiếp tục đạt được những thắng lợi trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng dịch.

Một lĩnh vực không thể thiếu là văn hoá, chúng tôi đã đẩy mạnh phát triển cơ sở vật chất, xây dựng nhà văn hóa. Đây là nơi sinh hoạt cộng đồng cho người dân theo đúng tiêu chuẩn quy định. Ngoài ra, các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn có hoàn cảnh cơ nhỡ luôn được địa phương quan tâm với phương châm không để cá nhân hoặc gia đình nào bị bỏ lại phía sau.

Đồng thời, an ninh trật tự tại Phổ Yên luôn được đảm bảo an toàn. Với tốc độ đô thị hoá và mật độ dân cư cao, thành phố cũng được tạo điều kiện tăng thêm biên chế về cán bộ công an. Song song với đó, công tác an ninh an toàn cũng được ứng dụng chuyển đổi số, sử dụng hệ thống camera giám sát trong việc kiểm soát an toàn giao thông trên địa bàn.

Để thấy rằng Phổ Yên phát triển không những về lĩnh vực kinh tế mà còn là văn hóa, an sinh xã hội, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.

NĐT: Theo ông, đâu là điểm riêng để thu hút đầu tư vào thành phố Phổ Yên bên cạnh những chính sách chung đã được ban hành?

Ông Bùi Văn Lương: Trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương và tỉnh uỷ, chúng tôi đã khai thác và vận dụng linh hoạt vào điều kiện cụ thể của thành phố Phổ Yên trên cơ sở và quy định của pháp luật.

Cụ thể, trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, nhiệm vụ của các cấp cơ sở là tổ chức thực hiện. Điều quan trọng là tổ chức thực hiện sao cho phù hợp để người dân thấm đẫm tư tưởng, hiểu, chia sẻ và đồng thuận với các quy định.

Ví dụ như công tác tái định cư phải được triển khai bài bản, đúng quy trình, diễn ra trước khi giải phóng mặt bằng. Với vai trò kết hợp hài hoà lợi ích các bên, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khẳng định những lợi ích của người dân trên cơ sở của pháp luật luôn được đảm bảo.

Đó chính là một cách làm linh hoạt nhưng cũng rất quyết liệt theo quy định của pháp luật, là điều phải làm vì nếu chúng tôi không làm thế sẽ không nhận được sự đồng thuận của người dân.

Tiếp đó, chúng tôi rất nỗ lực để các nhà đầu tư khi đến với Phổ Yên cảm thấy như “về với gia đình". Về với gia đình sẽ cảm giác yên tâm, không phải lo lắng về sự đồng hành của chính quyền địa phương trong quá trình đầu tư.

Phổ Yên luôn đồng hành, chia sẻ cùng các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã đầu tư khi gặp khó khăn, vướng mắc sẽ được thành phố lắng nghe, thấu hiểu để tháo gỡ nếu thuộc thẩm quyền. Nếu không thuộc thẩm sẽ cùng đề xuất để tháo gỡ.

Còn đối với các doanh nghiệp chưa đầu tư thì tiếp tục quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Phổ Yên để người ta thấy rằng đây đích thực là điểm đến có lợi cho sự phát triển chung.

Thành công của doanh nghiệp là thành công của thành phố, và thành công của thành phố cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

NĐT: Đóng vai một “hoạ sỹ”, ông có thể phác họa cho độc giả bức tranh kinh tế của thành phố Phổ Yên trong 10 năm tới ?

Ông Bùi Văn Lương: Những năm trở lại đây, diện mạo của Phổ Yên đã có sự thay đổi rõ nét thông qua phát triển kết cấu hạ tầng từ đô thị đến nông thôn. Từ đó, người dân được thụ hưởng nhiều tiện ích hơn, mức sống cũng được cải thiện và tỉ lệ đầu tư vào thành phố cũng tăng lên.

Trong giai đoạn 10 năm tới, chúng tôi tập trung phát triển công nghiệp và thương mại dịch vụ. Sự ưu tiên phát triển này đóng vai trò quan trọng, là động lực mạnh mẽ như nam châm thu hút đầu tư cho thành phố Phổ Yên.

Song song với đó, lĩnh vực nông nghiệp cũng đặc biệt được quan tâm nhưng sẽ được cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị nội hàm của sản phẩm, giúp tăng thu nhập cho người nông dân.

Đồng thời, với các mục tiêu dài hạn, định hướng xa hơn đến năm 2045 thành phố phát triển đồng đều, hài hòa giữa công nghiệp, thương mại và dịch vụ gắn với du lịch nghỉ dưỡng ở Phổ Yên.

Cụ thể, chúng tôi tận dụng vị trí địa lý tiềm năng phía đông Phổ Yên làm đường liên kết vùng, kết nối giữa Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc với kỳ vọng diện tích đất này sẽ được khai thác hợp lý, có hiệu quả. Định hướng đây sẽ là vùng du lịch nghỉ dưỡng, kết hợp hài hòa giữa phát triển công nghiệp, thương mại và các loại dịch vụ khác như du lịch tâm linh.

NĐT: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

NGUOIDUATIN.VN | Thứ 5, 09/02/2023 | 07:15