Từ phát ngôn 'thần đồng' đến clip xé đề cương

Từ phát ngôn 'thần đồng' đến clip xé đề cương

Thứ 4, 10/04/2013 | 08:34
0
Cách xã hội phản ứng lại hai sự kiện, bài phỏng vấn bé Đỗ Nhật Nam và clip "xé đề cương Sử", đã cho thấy nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay.

Từ phát ngôn của Đỗ Nhật Nam

Đoạn clip phỏng vấn Đỗ Nhật Nam đã gây "nổi sóng" dư luận với những luồng ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, câu chuyện của Nam đã bị cả hai phía, chỉ trích và bảo vệ, làm cho sai lệch hoàn toàn.

Những người chỉ trích đã quá chăm chăm ý kiến cho rằng Nam khác người, Nam đánh mất tuổi thơ, v.v... Họ quên đi rằng Nam có cái quyền được khác người đó và phát ngôn của cậu bé không xúc phạm trực tiếp đến ai, nên không vi phạm gì về pháp luật. Chính hành vi chỉ trích Nam chỉ bởi cậu khác mọi người mới đáng lên án.

Tuy nhiên, ngay cả những người bảo vệ Nam cũng đã quá sa đà vào tranh luận về tự do ngôn luận, hay tệ hơn, chỉ đơn thuần đưa ra lý lẽ: Nam chỉ là một đứa trẻ.  Cho rằng Nam là một đứa trẻ và không đáng bị chỉ trích bất chấp phát ngôn ra sao là nuông chiều con nít, và còn có hại hơn cả những chỉ trích.

Theo Nam cho biết, mẹ Nam nói truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn. Vậy nên người viết rất băn khoăn không biết phát ngôn này là do Nam tự nghĩ, hay chỉ là đồng tình, hoặc tệ hơn, đơn thuần là nghe lời mẹ?

Đã có rất nhiều phân tích cho thấy phát ngôn của Nam - hay của mẹ Nam - rất phiến diện, chủ quan và thiếu tôn trọng. Truyện tranh, cũng như bất kỳ một môn nghệ thuật nào, là một cách thức giúp con người bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ và ước mơ của mình một cách dễ hiểu, gần gũi.

Trạc tuổi Nam, một "thần đồng" khác là Nguyễn Bình trong bài phỏng vấn "Thần đồng là thằng đần" đã có một cái nhìn khách quan hơn nhiều về truyện tranh, khi cho rằng, thông qua Doraemon, cậu có thể hình dung một nước Nhật xa xôi và hy vọng về tương lai của tác giả bộ sách.

Cũng như mọi điều khác trên đời, có thể nhiều cuốn truyện tranh rất nhảm nhí, thậm chí độc hại.  Tuy nhiên, không thể vì những tiêu cực đó mà chụp mũ, đánh đồng tất cả truyện tranh là "con sâu đục khoét tâm hồn".

Xã hội - Từ phát ngôn 'thần đồng' đến clip xé đề cương

Cậu bé 11 tuổi, Đỗ Nhật Nam

Trách nhiệm của người lớn không chỉ là giúp trẻ chọn lọc những gì tốt, có ích, mà còn phải cho chúng tiếp xúc với nhiều quan điểm, nhiều vấn đề khác nhau, ngay cả khi bản thân họ không thích những thứ đó. Ba mẹ Nam đã không vì internet có nhiều trang web độc hại mà cấm con dùng internet, không vì TV có nhiều bộ phim nhảm nhí mà không cho cậu xem TV. Vậy thì việc cấm cậu đọc truyện tranh, và "tiêm nhiễm" vào đầu cậu quan điểm cho rằng truyện tranh là "con sâu", là thứ độc hại, ghê gớm cho thấy cách dạy con của họ có vấn đề.

Vấn đề ở chỗ cách thức đó không dạy được cho Nam biết tôn trọng thế giới xung quanh - trong đó bao gồm cả những người bạn Nam, mà rất có thể truyện tranh gần như là sách duy nhất các em đọc. Nam sẽ đối xử với những người bạn này thế nào? Xem họ là những người có tâm hồn bị đục khoét chăng?

Mục đích của giáo dục không chỉ là truyền dạy kiến thức, kỹ năng, mà cao hơn là dạy cho trẻ biết và tôn trọng thế giới xung quanh, cho chúng biết rằng tất cả những gì đang tồn tại tạo nên thế giới chúng đang sống. Dạy chúng chỉ trích, lên án một hiện tượng mà thiếu quá trình  phân tích đầy đủ, đúng đắn, chỉ tập trung vào mặt xấu và chụp mũ toàn bộ là phản giáo dục và có hại cho trẻ.

Nam có quyền không đọc truyện tranh, nhưng lý do phải là vì cậu không thích (sau khi đã tự kiểm nghiệm), chứ không phải vì cậu được dạy rằng nó độc hại. Cần có người cho Nam biết những điều cậu nói đều được bảo vệ, rằng đó là quyền của cậu. Nhưng đồng thời cậu cũng phải được dạy để biết khiêm tốn và tôn trọng mọi thứ xung quanh, không chụp mũ và suy nghĩ phiến diện.

Đến câu chuyện "tuyết rơi mùa hè"

Cư dân mạng gọi cảnh xé vụn đề cương Sử, thả xuống sân trường của học sinh một trường cấp 3 là "tuyết rơi mùa hè". Đây là một lối ví von dí dỏm, vì tuy không nói ra, nhưng ai từng qua thời đi học đều biết hiện tượng học sinh xé bỏ sách vở khi học xong là chuyện không hiếm.

Tuy nhiên, cách thể hiện thái độ vui mừng, "giải thoát" như trong clip thì lại hiếm có và rất đáng báo động.

Báo động không chỉ vì nhiều tờ đề cương trong số đó là của môn Lịch sử và hành động xé giấy bị quy kết là "xé Lịch sử", mà còn bởi hành động này thể hiện sự thiếu tôn trọng của học sinh với kiến thức mình đã học, cho dù là môn gì. Một lần nữa, bài học về sự tôn trọng những điều xung quanh mình lại được đặt ra, lần này là với những học sinh lớp 12, đã sang tuổi 18.

Xã hội - Từ phát ngôn 'thần đồng' đến clip xé đề cương (Hình 2).

Ảnh cắt từ clip "xé đề cương môn sử"

Có rất nhiều cách để các học sinh này thể hiện sự vui mừng hay "giải thoát". Chọn cách xé vụn đề cương môn học, thả ra sân trường, nơi thầy cô có thể chứng kiến, là một cách làm vừa thiếu văn minh, thiếu lịch sự và thiếu giáo dục.

Nó thiếu văn minh vì xả rác chưa bao giờ là hành vi lịch sự. Những học sinh này đã không nghĩ đến người lao công sẽ vất vả thế nào để giải quyết vài giây ăn mừng của họ.

Nó thiếu lịch sự ở chỗ họ thể hiện sự coi thường môn học, kiến thức của thầy cô mình dạy một cách trực tiếp, không tế nhị, và cố tình tạo ấn tượng. Câu chuyện sẽ dễ chấp nhận hơn nhiều nếu các em chọn cách đem bán, khuyên góp sách vở không dùng nữa, (hay thậm chí kín đáo tiêu hủy).

Và cuối cùng, nó rất thiếu giáo dục khi không tôn trọng Lịch sử đúng mức như một ngành khoa học. Các em đã không được giáo dục để nhận thức được rằng ngành khoa học hay nghệ thuật nào cũng quan trọng như nhau.

Thay đổi căn bản nhất

Một xã hội văn minh cần bảo vệ người dân và đảm bảo cho công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, một xã hội văn minh cũng phải biết giáo dục cho thế hệ tương lai biết tôn trọng con người, thế giới xung quanh mình, để tránh đưa ra những phát ngôn có thể bị xã hội lên án.

Phát ngôn của Đỗ Nhật Nam và hành động của các em sinh lớp 12 phần nào phản ánh kết quả của cách thức giáo dục của chúng ta.  Đó là một nền giáo dục trọng thành tích, nhồi nhét kiến thức, mà quên đi sứ mệnh đào tạo Con người theo đầy đủ nghĩa của nó.

Chỉ trích truyện tranh là "con sâu đục khoét tâm hồn" hay xé vụn đề cương Lịch sử nếu so sánh quá lên thì cũng không khác mấy so với hành vi đốt sách.  Có người đã nói, nếu chúng ta làm ngơ cho họ đốt sách ngày hôm nay, ngày mai họ sẽ đốt chính con người.

Dạy cho trẻ biết tôn trọng những điều xung quanh là cách duy nhất để ngăn chặn việc tiếp tục cho ra đời những sản phẩm giàu kiến thức, giỏi kỹ năng, nhưng ngông cuồng, thiếu khiêm tốn và không coi trọng người khác. Thay đổi cách giáo dục, chứ không phải là thay đổi luật pháp, mới là thay đổi căn bản, cấp thiết nhất.

> Giới trẻ nói về chuyện 'yêu' nơi công cộng

> Học sinh lớp 8 viết chung 'nhật ký... sex'

Lê Nguyễn Duy Hậu (từ Đức)

> Muốn nhận máy tính bảng Google Nexus 7 không mất một xu nào, hãy vào đây!

Vụ xé đề cương môn Sử: Thầy và trò lên tiếng

Thứ 3, 09/04/2013 | 11:27
Xung quanh clip “Hàng trăm học sinh xé đề cương thi Lịch sử vì không thi tốt nghiệp” được đăng tải trên mạng và được báo chí phản ảnh, có rất nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều.

'Dư luận đang nhẫn tâm 'ném đá' một đứa trẻ '

Thứ 2, 08/04/2013 | 15:14
Tên của cậu bé Đỗ Nhật Nam gần đây xuất hiện dày đặc trên các trang báo, diễn đàn, mạng xã hội. Nhưng không phải vì những thành tích nổi trội em đạt được, mà là xoay quanh một clip phỏng vấn.

Môn lịch sử và suy nghĩ của một người trẻ

Thứ 3, 09/04/2013 | 09:55
Nhớ hồi học cấp hai mình rất thích môn lịch sử. Số điểm của mình lên đến hơn chín phẩy. Còn cấp ba thì dù có thức từ bốn giờ sáng để học, mình vẫn không thể nào nhét vô đầu chữ nào được.