Từ quán cơm bụi lên đầu bếp nhà hàng và lời hứa nuôi em ăn học

Từ quán cơm bụi lên đầu bếp nhà hàng và lời hứa nuôi em ăn học

Thứ 3, 10/01/2017 | 10:33
0
Câu chuyện của nữ đầu bếp 22 tuổi ở phố cổ Hội An trong chương trình truyền hình thực tế “Lời xin lỗi” đã khiến không ít khán giả xúc động.

Câu chuyện của nữ đầu bếp 22 tuổi ở phố cổ Hội An trong chương trình truyền hình thực tế “Lời xin lỗi” phát sóng tối qua (9/01), khiến người xem không khỏi thương cảm khi em chịu cảnh mồ côi cha quá sớm và khâm phục hành trình vươn lên trong cuộc sống với lời hứa thay ba lo cho em ăn học.

Nguyễn Thị Hiệu (TP.Hội An, Quảng Nam) sinh ra trong một gia đình thuần nông, có 8 anh chị em tại Quảng Nam. Năm Hiệu lên 13 tuổi, ba bị mất vì căn bệnh ung thư quái ác mà không có khả năng chống đỡ. Trong ký ức của Hiệu là những ngày quấn quýt, nô đùa bên người ba của mình.

Những thước phim dung dị và hạnh phúc về một cuộc sống yên bình, về tình cha con cứ thế hiện ra như hàng triệu cảnh đời khác trên khắp đất nước khiến người xem như tìm thấy mình trong đó.

Tình thương - Từ quán cơm bụi lên đầu bếp nhà hàng và lời hứa nuôi em ăn học

Trong ký ức của Hiệu là những ngày quấn quýt, nô đùa bên người ba của mình. 

Những tiếng nói đầu tiên, những bài học đầu đời, những kỷ niệm tuổi thơ của em đều gắn liền với ba. Hiệu nhớ lại: “Trong mắt em, ba em là một người rất hiền. Em rất hay nói chuyện với ba và hay nhổ tóc bạc cho ba những khi rảnh. Mỗi ngày đi học phải qua đồi dốc rất cao nhưng ba chưa bao giờ để cho đi bộ mà luôn được ngồi trên xe để ba dắt qua dốc”.

Cuộc sống với Hiệu lúc còn nhỏ chỉ đầy ắp tiếng cười hạnh phúc trong tình thương yêu của ba và gia đình. Thế nhưng, niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu thì bi kịch bất ngờ ập đến với gia đình em, 13 tuổi, Hiệu mất ba vì căn bệnh ung thư hiểm ác mà không có khả năng chống đỡ.

Hiệu kể: “Nhà em bán tất cả mọi thứ trong nhà để chạy chữa cho ba em, sau tết khoảng 1 tháng thì ba em mất. Ba em mất khi em còn quá trẻ, em không thể chấp nhận được cú sốc quá đột ngột này. Đêm nào nằm em cũng mơ thấy ba em, những kỷ niệm với ba em”.

Cú sốc quá lớn vì mất ba cùng gia cảnh vốn nghèo khó lại càng thêm chồng chất khó khăn khiến Hiệu sớm rời bỏ con đường học tập, thay ba làm việc kiếm tiền nuôi các em ăn học.

Tình thương - Từ quán cơm bụi lên đầu bếp nhà hàng và lời hứa nuôi em ăn học (Hình 2).

Hiệu đã nhanh chóng rời xa ghế nhà trường khi ba mất vài tháng sau đó. 

Cuộc sống không còn tiếng cười, không còn bàn tay che chở, dìu dắt của cha nữa. 14 tuổi Hiệu đã phải bươn chải, đối mặt với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, về cơm áo gạo tiền cho gia đình. Hiệu đã hứa với mẹ sẽ thay cha lo cho đứa em út được ăn học tới nơi tới chốn.

Tình thương - Từ quán cơm bụi lên đầu bếp nhà hàng và lời hứa nuôi em ăn học (Hình 3).

Hiệu kể về câu chuyện cuộc đời mình và mối duyên đến với nghề đầu bếp. 

Công việc đầu tiên của em là làm tại một quán cơm bình dân tại Tam Kỳ, sau đó nghe được tin có tổ chức từ thiện ở Hội An mở lớp đào tạo nghề cho mọi người, em lại khăn gói một mình ngược về Hội An theo học nghề nấu ăn.

“Nếu em ổn định được cuộc sống, chắc ba em sẽ vui lắm”, hiệu chia sẻ. Hình bóng người cha quá cố luôn hiện diện trong thâm tâm, trong từng nghị lực vươn lên của cô bé 14 tuổi này.

Tình thương - Từ quán cơm bụi lên đầu bếp nhà hàng và lời hứa nuôi em ăn học (Hình 4).

Cô bé tham gia lớp đào tạo nghề của một tổ chức từ thiện ở Hội An. 

Tốt nghiệp khóa học nấu ăn, hiện nay Hiệu đang làm đầu bếp cho một nhà hàng tại Hội An. Tuy nhiên, lời hứa lo cho đứa em út ăn học vẫn chưa thực hiện được vì chưa có điều kiện, đứa em gái út của Hiệu đã phải nghỉ học và đi làm thuê.

Tình thương - Từ quán cơm bụi lên đầu bếp nhà hàng và lời hứa nuôi em ăn học (Hình 5).

Tốt nghiệp khóa học nấu ăn, hiện nay Hiệu đang làm đầu bếp cho một nhà hàng tại Hội An. 

Qua chương trình “Lời xin lỗi”, Hiệu đã trực tiếp gọi điện về cho mẹ và em gái gửi lời xin lỗi vì đã không thực hiện được lời hứa của mình. “Con xin lỗi, con đã hứa con lo cho nó nhưng mà con không lo được. Sang năm con làm mà có điều kiện thì con sẽ lo cho nó. Má đừng lo nữa má nghe”.

Tình thương - Từ quán cơm bụi lên đầu bếp nhà hàng và lời hứa nuôi em ăn học (Hình 6).

Lời xin lỗi đầy xúc động của Hiệu gửi đến cho người mẹ của mình. 

Chương trình “Lời xin lỗi” tin rằng má của em luôn hiểu và thông cảm cho Hiệu, một cô gái can trường và đầy nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Mong rằng tết Đinh Dậu năm nay gia đình em sẽ được đoàn viên đầy đủ và năm mới sẽ có một khởi đầu mới tốt đẹp hơn, công việc thuận lợi hơn để ổn định cuộc sống cho em, cho gia đình và cho em gái tới trường như lời em hứa.

“Lời xin lỗi” là chương trình truyền hình thực tế, phát sóng vào lúc 20h từ thứ Hai đến thứ Năm hàng tuần trên kênh VTV9. Đạo diễn chương trình cho biết: “Sự kiện ông Trần Quí Thanh xin lỗi người tiêu dùng và kêu gọi mọi người tham gia gửi lời xin lỗi tới nhau là cảm hứng thúc đẩy chúng tôi phải làm một điều gì đó để góp phần lan tỏa những tiếng nói chân thành ra rộng khắp cộng đồng, để mọi người có cơ hội xích lại gần nhau, một khởi đầu tốt đẹp hơn”.

Tình thương - Từ quán cơm bụi lên đầu bếp nhà hàng và lời hứa nuôi em ăn học (Hình 7).

Chương trình đang gây ấn tượng mạnh với khán giả cả nước qua câu chuyện của những số phận, những hoàn cảnh khác nhau gửi lời xin lỗi chân thành đến cha mẹ, con cái, người thân vì những thiếu sót mà mình đã gây ra với mong muốn một năm mới tốt đẹp hơn.

Sự kiện ông Trần Quí Thanh xin lỗi người tiêu dùng đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của hàng triệu người trên cộng đồng mạng và hình thành nên một trào lưu mới trong văn hóa xin lỗi của người Việt với hàng ngàn lời xin lỗi được gửi tới gia đình, người thân, bạn bè,.. mỗi ngày.

Nhiều học giả đã bày tỏ sự vui mừng về tín hiệu đầy tích cực này như ông Trần Nhật Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông và Phát triển cho biết: những giá trị truyền thống mang tính dân tộc như yêu thương, đùm bọc, cảm thông và bỏ qua cho nhau gần đây vốn bị lu mờ nhưng đang được đánh thức lại với trào lưu xin lỗi đầy tính nhân văn hiện nay.

Ở một cái nhìn khác, GS.TS Khoa học Trần Ngọc Thêm hy vọng, nét tươi mới và độ lan tỏa mà trào lưu xin lỗi đang tạo ra sẽ trở thành nét văn hóa ứng xử lâu dài của người Việt chúng ta.

Minh Trang