Tụ tập thể dục giữa Covid-19: Tìm sức khỏe hay tìm virus?

Tập thể dục để nâng cao sức khỏe giữa những ngày dịch Covid-19 là điều đáng khích lệ, nhưng không phải là “xúm đông xúm đỏ” trong công viên hay nhốn nháo trong hầm đi bộ, sức khỏe chưa thấy đâu mà chỉ thấy nguy cơ lây lan hàng loạt.

Việt Nam vừa trải qua những tuần đầu tiên của giãn cách xã hội, và một số tỉnh, thành hiện vẫn đang trong giai đoạn giãn cách xã hội tiếp theo.

Mặc dù trong suốt mấy ngày qua, số ca nhiễm mới từ rất ít đến bằng “không”, khiến cả nước đều hết sức phấn khởi, vui mừng, nhưng không thể vì lẽ đó mà “căn bệnh chủ quan” của nhiều người được đà lấn tới.

Theo thông báo kết luận tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4 về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với kiến nghị của ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Cụ thể, nhóm địa phương có nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, Tây Ninh, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22 hoặc 30/4/2020 và có thể xem xét kéo dài tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.

Tuy nhiên, những ngày vừa qua, vẫn liên tục xuất hiện dày đặc trong các tin tức trên báo chí là những hình ảnh người dân tại một số địa phương kéo ra đường đông đúc để... tập thể dục một cách nhộn nhịp như thời điểm chưa cách ly xã hội.

Bước vào những ngày đầu tiên của giai đoạn giãn cách xã hội thứ hai, người dân Hà Nội vẫn vô tư tụ tập đông người, nườm nượp tập thể dục tại nơi công cộng.

Không ít người cho rằng, họ đi tập thể dục giữa mùa dịch để nâng cao sức khỏe, giảm nguy cơ nhiễm virus, chính vì thế, khi công viên đóng cửa thì họ tập thể dục dọc bờ sông Tô Lịch, dưới hầm đi bộ, rồi sân sinh hoạt chung của chung cư… mà thậm chí nhiều người còn quên đeo khẩu trang phòng dịch. Chỉ trong vài ngày qua, đã có hàng loạt người dân tại nhiều chung cư bị xử phạt vì không đeo khẩu trang.

Với mật độ tập trung tại cùng một địa điểm khá đông như không gian hầm đi bộ, khoảng cách an toàn tối thiểu 2m cũng không được đảm bảo.

Chưa kể, mới đây, theo một video mô phỏng 3D của Giáo sư Bert Blocken (Bỉ) và Fabio Malizia (Hà Lan) cùng công ty công nghệ mô phỏng Ansys (Mỹ) cho thấy, khi thực hiện giãn cách xã hội, mỗi người cách nhau từ 1,5-2m có thể là chưa đủ để bảo vệ bạn khỏi lây nhiễm virus khi tập chạy thể dục ngoài trời.

Khi tập chạy, các giọt bắn từ quá trình hô hấp của người chạy trước có thể bay ngược và bám vào người chạy sau. Điều này có nghĩa là nếu bạn chạy gần phía sau một người có virus SARS-CoV-2, khả năng bạn bị lây nhiễm là rất lớn. Theo mô hình này, việc chạy song song hoặc chạy so le sẽ an toàn hơn.

Mặc dù mô hình chưa tính tới các điều kiện liên quan tới độ ẩm và hướng gió trong thực tế, song, “cẩn tắc vô áy náy”. Dù sao đi nữa, những hoạt động như vậy vào thời điểm này vẫn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro lây nhiễm.

Vì điều gì khiến bạn phải đánh đổi những phút giây ở trong “lãnh địa an toàn” của mình, để tìm kiếm những nguy cơ lây nhiễm virus bất cứ lúc nào như vậy?

Xin đừng lấy lý do nâng cao sức khỏe ra để biện minh!

Đó chỉ là thói chủ quan, liều lĩnh dư thừa và tự cho rằng virus SARS-CoV-2 sẽ “chừa mình ra” thôi.

Bạn hoàn toàn có thể tự tập những bài tập ngay tại nhà, trong khuôn viên hay ban công của nhà mình để nâng cao sức khỏe. Không nhất thiết phải chạy bộ, đi xe đạp ngoài đường phố mới là tập luyện.

Khi bạn đang hăng hái đua nhau chạy bộ bên bờ sông Tô Lịch, đang say sưa với những động tác hít thở chen chúc dưới hầm đi bộ, hoặc đang tụ tập xoay vai, lắc hông ở sân chung cư… rất có thể, sẽ tiếp xúc với một người đang mang virus mà chưa bị phát hiện. Thời gian vừa rồi, cũng rất nhiều ca dương tính được phát hiện không có những biểu hiện thông thường. Như vậy, sẽ thật khó để “sàng lọc” bằng mắt thường. Và càng không thể chủ quan!

Nói ra điều này có thể sẽ hơi “kịch tính hóa”, nhưng trước đây, mỗi ngày cả nước có 8,9 ca nhiễm mới cũng không đáng sợ bằng 1,2 ca của giai đoạn này vì tuy số người mắc ít nhưng đều là các trường hợp ở trong cộng đồng rất lâu. Thậm chí, 10 ca nhiễm mới được phát hiện ở khu cách ly lại không đáng sợ bằng 1,2 ca ngoài cộng đồng.

Khi bạn khăng khăng phải tập luyện để nâng cao sức khỏe, mà lại bất chấp yêu cầu của Chính phủ, nhởn nhơ ngoài kia, thì có thể chưa kịp tìm thấy sức khỏe, đã bị virus ghé thăm.

Cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” mà cả Chính phủ cũng như toàn dân ta đang đồng lòng quyết chí, chẳng lẽ lại để những lý do liều lĩnh, nâng cao sức khỏe bất đắc dĩ kia “đục khoét” và vô tình làm yếu đi phòng tuyến?

Triết gia người Mỹ Henry David Thoreau đã từng khẳng định: “Một đặc điểm của sự khôn ngoan là không bao giờ hành động liều lĩnh”. Mong rằng mỗi người sẽ tự giữ mình tỉnh táo, sẽ trở thành một công dân “khôn ngoan”, không có những hành động liều lĩnh dư thừa, để tự giữ an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng trong giai đoạn này.

Đừng để thua trong những giây cuối cùng của cuộc chiến!

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Giãn cách xã hội không giãn cách lòng người!

Thứ 7, 18/04/2020 | 15:00
Những tấm lòng thiện nguyện không chỉ cùng chung sức giúp lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch đẩy lùi Covid-19 mà còn hỗ trợ, giúp đỡ những người dân nghèo vượt qua cơn khốn khó.

Chỉ trích chiến dịch gom chữ A vì trẻ tự kỷ: Khi lòng tốt bị nghi ngờ

Thứ 7, 18/04/2020 | 10:00
Những ngày qua, xuất hiện không ít ý nghĩ tiêu cực về trào lưu gom 100.000 chữ A để lan tỏa nhận thức về trẻ tự kỷ, mong muốn tự kỷ được nhận thức sớm, thậm chí, có người cho rằng đó là trò PR trá hình. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xuất hiện những ý nghĩ này là do một số người thiếu lòng tin vào lòng tốt của những người xung quanh.