Tử thần rình rập trong bát tiết canh và chuyện “chết vì ăn”

Tử thần rình rập trong bát tiết canh và chuyện “chết vì ăn”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Có mặt tại khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội), chúng tôi không khỏi giật mình bởi số bệnh nhân đến cấp cứu điều trị do liên quan đến việc ăn tiết canh sống.

Mặc dù các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân không bày bán, ăn tiết canh lợn, ngan, vịt… để phòng chống các dịch bệnh nhưng qua khảo sát, tình trạng trên vẫn diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các tuyến phố. Đặc biệt, trong tình hình dịch cúm gia cầm đang lan rộng trên cả nước và sự xuất hiện của chủng virus H5N1 mới cực độc, việc ăn tiết canh và sử dụng các sản phẩm động vật chưa qua nấu chín là vô cùng nguy hiểm.

Xã hội - Tử thần rình rập trong bát tiết canh và chuyện “chết vì ăn”

Tiết canh là món ăn khoái khẩu nhưng chứa rất nhiều mầm bệnh nguy hiểm

"Bệnh vào từ miệng"

Có mặt tại khoa Điều trị tích cực (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội), chúng tôi không khỏi giật mình bởi số bệnh nhân đến cấp cứu điều trị do liên quan đến việc ăn tiết canh sống. Anh Lê Thanh H., người nhà bệnh nhân Lê Văn L. (ở Nghệ An) cho biết: Sau khi anh L. đi ăn tiết canh lợn cùng một vài người bạn về, bỗng thấy hoa mắt chóng mặt. Vào nhà nghỉ ngơi được một lúc, anh L. bắt đầu đi ngoài liên tục, mất nước. Ngay lập tức, người nhà đã đưa anh L. đến bệnh viện cấp cứu với triệu chứng sốt cao, đau đầu, nôn nhiều, nổi các ban xuất huyết trên da. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do nhiễm liên cầu lợn.

Khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân có chăn nuôi lợn, trước khi nhập viện đã ăn tiết canh, uống rượu. Hiện tại, bệnh nhân L. vẫn phải thở máy và thực hiện lọc máu; đồng thời theo dõi chức năng thận. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, vài ngón chân của bệnh nhân đã bị hoại tử nên sẽ phải phẫu thuật cắt chi.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Th. (55 tuổi, trú tại Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị nhiễm khuẩn huyết do ăn tiết canh lợn mắc liên cầu lợn. Khi nhập viện, anh Th. sốt, đi ngoài phân lỏng 10 lần/ngày, xuất huyết ban đỏ trên da, mạch nhanh, có dấu hiệu sốc. Ngay sau đó, bệnh nhân được mở khí quản hỗ trợ hô hấp sử dụng thuốc vận mạch, kháng sinh liều cao và tiến hành lọc máu liên tục. Hiện, các bác sĩ tiên lượng rất xấu về ca bệnh này.

Mặc dù chưa phát thành dịch lớn nhưng số ca nhiễm liên cầu lợn đang có xu hướng gia tăng so với thời gian trước đây. Đặc biệt là những người trẻ tuổi làm nghề giết mổ lợn, buôn bán thịt lợn, chăn nuôi lợn... thường dễ mắc bệnh hơn nhưng hiện tại đã xuất hiện cả trường hợp người già mắc bệnh. Điều này cảnh báo về độ an toàn của thịt lợn lưu hành ở ngoài chợ tại một số vùng, miền.

Cũng theo bác sĩ Cấp, bệnh nhân mắc liên cầu lợn thường tăng nhanh khi có dịch lợn tai xanh, bởi khi mắc bệnh, con lợn mất sức đề kháng, liên cầu lợn bùng phát. Vì thế, người dân không nên giết mổ lợn ốm, chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, phó giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết thêm, từ đầu mùa nóng đến nay, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nhập viện do ăn tiết canh gây nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Ngoài ra, ăn tiết canh lợn còn có thể bị nhiễm giun xoắn. Có những trường hợp chỉ 4 tiếng sau khi ăn tiết canh, bệnh nhân đã sốt cao và 16 tiếng sau đã sốc rất nặng, dễ gây tử vong.

Ngang nhiên bày bán tiết canh

Để phòng chống dịch bệnh, từ năm 2006 - 2007, thành phố Hà Nội đã có văn bản nghiêm cấm buôn bán và ăn tiết canh sống. Thế nhưng, sau thời gian khống chế dịch bệnh đến nay, tình trạng buôn bán tiết canh gia súc, gia cầm vẫn diễn ra phổ biến. Tại khu vực trước cổng chợ Thái Hà (quận Đống Đa), đan xen với các cửa hàng thịt chó là 3, 4 quán bán tiết canh, từ tiết canh lợn cho đến tiết canh ngan, vịt. Những biển hiệu quảng cáo "Tiết canh ngan", "Lòng lợn tiết canh"… được treo nổi bật, gây sự chú ý đối với các "thượng đế".

Điều đáng nói, dù tình trạng bày bán, ăn uống tiết canh diễn ra công khai như vậy nhưng dường như không có cơ quan chức năng nào nhắc nhở, kiểm tra xử lý. Một chủ quán lòng lợn tiết canh nằm đối diện cổng chính chợ Thái Hà thản nhiên cho biết, quán đã bày bán tiết canh lợn hơn chục năm nay đã có thương hiệu, khách đến ăn rất đông mà có thấy ai kêu ca, phàn nàn gì về chất lượng đâu. Hơn nữa, nguồn hàng được nhập từ đầu mối "xịn" nên miễn chê về mặt chất lượng?!

Tương tự, tại các tuyến phố Hai Bà Trưng, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm), Đội Cấn, Giảng Võ (quận Ba Đình), Vũ Hữu, Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân)… đều bày bán tiết canh sống phục vụ khách ăn. Ngay tại một cửa hàng tiết canh ngan, vịt trên địa bàn huyện Từ Liêm sáng 6/9, bày hàng chục bát tiết canh trong một chiếc tủ kính nhỏ. Chị Nguyễn Thị M, nhân viên của quán cho biết, mỗi ngày cửa hàng bán hàng chục bát tiết canh sống. Khách vào ăn đa phần thuộc lớp người lao động và thường họ gọi tiết canh ăn trước như món khai vị.

Đề cập tới vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh, phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các loại thức ăn tươi sống, tiết canh gia súc, gia cầm là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm như bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là dịch tả, nhiễm trùng máu, hoại tử tay, chân… Ngoài dịch tiêu chảy cấp, ăn tiết canh gia súc, gia cầm cũng là nguyên nhân có thể mắc bệnh cúm A/H5N1 ở người, vì qua thống kê, hầu hết người mắc cúm A/H5N1 ở nước ta đều có tiền sử tiếp xúc, ăn thịt gia cầm.

Do vậy, để thực hiện tốt việc chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, không bày bán, ăn uống tiết canh sống nói riêng, ngoài việc tăng cường kiểm tra của cơ quan chức năng còn phải đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức, ý thức phòng bệnh cho mỗi người dân, qua đó mới nâng cao công tác phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Ổ bệnh trong bát tiết canh

Bác sĩ Phạm Văn Đài, nguyên chủ nhiệm khoa Khám bệnh Bệnh viện 108 cho biết, người dân quan niệm về tiết canh mát, bổ nhưng thực chất đó là món ăn cực kỳ mất vệ sinh. Tiết canh với thành phần chủ yếu là máu tươi của gia súc, gia cầm, tuy giàu protein, protit nhưng cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Một bát tiết canh là một ổ bệnh với trên dưới 10 loại vi khuẩn gây hại cho con người có trong máu động vật. Chưa kể, nếu động vật giết thịt bị nhiễm bệnh thì con số này sẽ tăng gấp bội. Mặt khác, khi cắt tiết, những vi khuẩn dính trong lông, da của con vật có thể trôi vào trong máu rồi truyền bệnh cho người ăn.

Văn Hoàng