Tục thờ chó đá và lời thề trai gái hai làng không kết duyên

Tục thờ chó đá và lời thề trai gái hai làng không kết duyên

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Trải qua hàng trăm năm, trai gái hai làng Địch Vĩ và Hát Môn không bao giờ được lấy nhau.

Người Việt cổ thường coi chó là con vật có thể đem đến những điều may mắn, thuận lợi và nhiều niềm vui. Chẳng những trước đây mà cả hiện nay vẫn có tín ngưỡng dân gian về chó. Tục thờ chó của người Việt được thể hiện dưới hai hình thức. Một là chôn chó đá trước cổng nhà như một linh vật để canh cổng với ý nghĩ trừ tà, cầu phúc. Hai là đặt chó đá trên bệ thờ như một thần linh để cầu cúng, phụng thờ. Một số nơi gọi chó đá một cách kính cẩn là quan lớn Hoàng Thạch. Hai làng Địch Vĩ và Hát Môn là những nơi thờ vị quan lớn này.

Xã hội - Tục thờ chó đá và lời thề trai gái hai làng không kết duyên

Quần thể Hoàng Thạch được thờ tại làng Địch Vĩ

Từ nỗi oan tình hóa thành chó đá

Để tìm hiểu thực hư về tục thờ chó đá độc đáo này, chúng tôi đã tìm về thôn Địch Vĩ (xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội). Sau một hồi hỏi thăm, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Chí Cương, Trưởng Ban di tích xã Phương Đình. Theo ông Cương, đền thờ quan Hoàng Thạch ở Địch Đình (Địch Vĩ) thì chính giữa bệ thờ là tượng quan Hoàng cao khoảng 1,4m trong tư thế ngồi, tay cụp, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi thè ra che hàm răng dưới. Xung quanh quan Hoàng Thạch là tượng 13 con chó có kích cỡ không đồng đều. Con nhỏ cao khoảng 15cm, con lớn nhỉnh hơn 30cm, tư thế rất linh động. Được biết, đền thờ được tôn tạo từ năm 2000, trước đó, quan Hoàng được đặt sâu trong đất chỉ nhô nửa thân lên. Vị trí 16 con chó hiện nay đều đặt không đúng như trước. Quan Hoàng nhìn về phía Tây Bắc, hướng núi Ba Vì.

Ông Cương kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết về ông Hoàng Thạch ở làng Địch Vĩ. Cách đây hơn 400 năm, có một gia đình có hai anh em ở Hát Môn (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Người anh là một vị quan trong triều đình, ở nhà chỉ còn em trai với chị dâu. Căn buồng của chị dâu và em trai được ngăn với nhau bằng một vách đất và có có một lỗ thủng to bằng nắm tay. Đêm đêm, khi ngủ, người em thường thò tay qua bức vách đặt lên bụng chị dâu vì sợ chị ngoại tình.

Thế nhưng, vài tháng sau khi vị quan kia về thì thấy vợ mình có chửa, nghi em trai gian díu với chị dâu, trong lúc nóng giận, vị quan đã sai người giết chết em trai cho hả giận. Thậm chí, ông còn mắng em là “đồ chó má!”.

Sau khi chết oan, người em về báo mộng cho người làng nỗi khổ của mình và yêu cầu nhân dân dựng cho mình một bức tượng. Bức tượng ấy sau khi hoàn thành thì được thả xuôi theo dòng sông. Khi bức tượng trôi đến địa phận xã Thọ Xuân, nằm đối diện làng Địch Vĩ, ngăn bởi con sông Hồng, dân làng mới đổ ra xem pho tượng lạ. Nghĩ hẳn là pho tượng quý, người dân Thọ Xuân cử hàng trăm thanh niên trai tráng ra khiêng tượng về. Tuy sức vóc thanh niên là vậy nhưng không thể khiêng nổi tượng về. Bấy giờ, bốn người thôn Địch Thượng mới hò nhau ra khiêng thử. Lạ thay, bức tượng bỗng nhiên nhẹ bẫng. Biết là tượng đã chọn làng mình, dân Địch Thượng mới mang tượng chó đá mà sau tôn làm Quan lớn Hoàng Thạch và thờ cúng cho đến nay.

Để khẳng định về sự linh thiêng của Quan lớn, ông Băng kể: Trong lần tu sửa lại đình chùa, chúng tôi có xin chuyển ngài sang bệ thờ mới cách đấy vài mét. Cạnh ngài nằm có một cây đinh lăng già cũng phải chặt bỏ, đào rễ để tiện cho việc xây bệ mới. Mới đầu, có mấy người trong làng cho rằng bỏ đi thì phí nên đã mang rễ đinh lăng về nhà để ngâm thuốc. Vậy mà chỉ trong vòng chưa đến một tuần, tất cả những người ấy đều lăn ra ốm. Người thì nằm liệt giường, người sốt hầm hập ăn nói lảm nhảm. Người nhà bệnh nhân chạy chữa, khám xét mãi cũng không khỏi, chẳng ai hiểu thực chất là mắc bệnh gì.

Sau đó các cụ già trong làng mới hỏi: “Có phạm gì chỗ đền ông Hoàng Thạch không? Nếu có thì phải đem trả mau”. Người nhà nghe vậy mới vội vàng làm lễ dâng ngài xin thứ tội. Điều lạ là sau đó những người bệnh tự nhiên khỏe mạnh, không còn bệnh tật gì nữa. Sau chuyện này, mọi người trong làng ai cũng kính cẩn và nể sợ. Đến giờ, ngay cả những thanh củi mục trong đình, thậm chí chất đống cũng không ai dám đụng đến.

Xã hội - Tục thờ chó đá và lời thề trai gái hai làng không kết duyên (Hình 2).

Ông Nguyễn Hữu Băng, chủ lễ đình Địch Vĩ

Đến lời thề trai gái không lấy nhau

Ngày nay, ngoài những ngày rằm và mùng một, dân trong làng thường đến đây hương khói xin thần phù hộ. Những đôi trai gái yêu nhau bị trắc trở, những người có tranh chấp, xung đột, những cặp vợ chồng có hiểu nhầm, va chạm cũng đến đây xin ngài soi xét, phù hộ. Sau khi khấn vái, người dân thường chém ngang cây chuối hoặc đập tan chồng bát mang theo với ý thề độc. Hàng năm, sau lễ Khai hạ (mùng 7 tháng Giêng âm lịch), dân làng Địch Vĩ mang lễ vật lên đền Hát Môn để hội tế. Như vậy, quan Hoàng Thạch ở Địch Vĩ không chỉ được thờ tại đền riêng mà còn được thờ trong đình như một Thành hoàng làng, người đã có công khai làng, mở xóm.

Thế nhưng, đằng sau câu chuyện cảm động về tình anh em, tình vợ chồng, tình làng nghĩa xóm kia là một lời thề truyền kiếp của hai làng Địch Vị và Hát Môn. Đó là lời thề không kết duyên giữa trai gái hai làng. Theo ông Nguyễn Chí Cương, sau khi người em hóa đá trôi sông đã về ngự tại làng Địch Vĩ nhưng luôn quay đầu hướng về Hát Môn. Lại nói đến người anh, sau khi giết nhầm em thì hối hận không nguôi. Ông đã cho dân làng lập đình thờ chó đá để tưởng nhớ tới em và cũng như để hối lỗi về chuyện đổ oan cho người em. Kể từ đó, hai làng coi nhau như anh em và lập lời thề trai gái hai làng không được lấy nhau để tưởng nhớ hai vị Thành Hoàng.

Theo ông Trần Minh Nhương, phó chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội, nguyên Trưởng Phòng Văn hóa huyện Đan Phương: “Ngài nhìn về đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn vì nơi đây cũng có hai tượng chó đá được thờ và trông về hướng Địch Đình. Bệ thờ hiện nay được xây thành ngai đặt cao trên một gò đất bên cạnh chùa Phúc Khánh và đình làng. Trong đình làng, bên cạnh bài vị của Đức Linh Lang Đại Vương, Mãnh tướng Đại vương thì quan Hoàng Thạch có bài vị riêng là Hạ giới Đại Vương”.

Ông Nhương cho biết, chính vì người vợ sau này đẻ ra quái vật nên đã thức tỉnh người anh, giải oan cho em, rồi hai làng kết nghĩa anh em từ đó. Dân làng Địch Vĩ là em còn dân làng Hát Môn là anh, cũng chính vì thế mà hàng trăm năm nay trai gái hai làng tịnh không hề kết duyên. Hàng năm, cứ vào ngày lễ Khai hạ là dân làng Địch Vĩ phải lên đền Hát Môn rước nước về làng rồi mới được làm lễ. Tuy nhiên đây chỉ là truyền thuyết mà dân gian truyền miệng về tục thờ cúng này.

Xã hội - Tục thờ chó đá và lời thề trai gái hai làng không kết duyên (Hình 3).

Nguyên trưởng phòng Văn hóa huyện Đan Phượng, ông Trần Minh Nhương

Gặp chuyện gì cũng “trình” chó đá

Ông Nguyễn Hữu Băng, chủ lễ đình Địch Vĩ nói với giọng kính cẩn: “Đối với người Địch Vĩ chúng tôi, từ bao đời nay, việc thờ cúng, nhang khói ông Hoàng Thạch là một tục lễ không thể thiếu mỗi ngày rằm, mùng một, hay lễ Tết. Tuy nhiên, theo ông Băng thì không ai biết chính xác bức tượng này có từ khi nào. Chỉ biết rằng, từ khi tôi lớn lên đã thấy ngài ngự ở đình làng.

Dân trong làng, có bất cứ chuyện gì cũng tìm đến ngài để cầu khấn. Chẳng hạn, hai người xảy ra tranh chấp hay mâu thuẫn cũng kéo nhau đến đền thờ Quan lớn Hoàng Thạch để thề bồi. Trước mặt Quan lớn, một người sẽ chặt đứt cây chuối hoặc đập vỡ bát và cất lời thề để ngài chứng giám. Nếu lời người thề bồi mà sai trái ắt sẽ bị thần quở mà gặp tai ương, tính mạng khó giữ. Chính vì thế, nhiều mâu thuẫn của dân làng cũng nhờ ngài mà được hóa giải. Theo lời ông Băng, cũng chính bởi những câu chuyện linh thiêng về Quan lớn Hoàng Thạch mà dân làng tuyệt nhiên không ai dám xâm phạm đến nơi ngài ngự.

Tất cả chỉ là truyền thuyết dân gian

Trao đổi với PV Người đưa tin, ông Nguyễn Xuân Khăng, phó chủ tịch UBND xã Phương Đình cho rằng: Đối với người dân Địch Vĩ thì tục thờ chó đá đã tồn tại từ hàng trăm năm nay. Người làng Địch Vĩ tin rằng Hạ Giới Đại Vương Hoàng Thạch luôn luôn phù hộ cho con cháu trong làng mạnh khỏe, sống hòa thuận và phát đạt. Những câu chuyện kỳ bí của chó đá chỉ là truyền thuyết của các cụ ngày xưa kể lại. Chưa có ai chứng kiến và khẳng định được. Hơn nữa, về câu chuyện hai làng kết nghĩa thì hiện tại nhiều trai gái vẫn kết hôn bình thường.

Anh Tài - Hoàng Nguyễn