'Đời kẹo kéo hát rong' mưu sinh chốn phồn hoa

'Đời kẹo kéo hát rong' mưu sinh chốn phồn hoa

Thứ 2, 10/06/2013 | 19:42
0
Khoảng 2h sáng, mấy chiếc xe bán kẹo kéo rong lại lục đục tìm về xóm trọ nghèo. Những gương mặt phờ phạc, giọng khàn đặc quây quần bên nhau dưới mái nhà trọ lụp xụp, kể vội cho nhau nghe vài mẩu chuyện vui buồn trên đường mưu sinh.

Kiếp nghèo

Từ chỉ dẫn của anh Ân, "ca sĩ" bán kẹo kéo vừa gặp trên đường Trần Hưng Đạo (quận 5, TP.HCM), chúng tôi tìm đến xóm kẹo kéo trong con hẻm nhỏ gần cầu Rạch Ông (quận 8, TP.HCM). Đó là con hẻm nhỏ, lởm chởm đá, ngoằn ngoèo quanh những ngôi nhà cũng không được chăm chút đẹp đẽ gì hơn, càng vào sâu càng thấy rõ cái nghèo luôn hiện diện ở thành phố sôi động này.

Chúng tôi gọi xóm kẹo kéo cho rôm rả và nghe "sang" một chút. Thực ra, đây chỉ bao gồm một dãy nhà trọ nghèo, tập hợp những người bán kẹo kéo thuê, đa số ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ đến TP.HCM mưu sinh.

> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh

Xã hội - 'Đời kẹo kéo hát rong' mưu sinh chốn phồn hoa

Mọi người cùng nhau kéo kẹo.

Vào xóm trọ lúc 10h30 trưa, những cánh cửa ọp ẹp khép hờ mở vội đón khách lạ. Dường như, từ trước đến nay, họ biết chỉ có những bà chủ nhà trọ nóng tính hay quát tháo đòi tiền, vài người cho vay nặng lãi đến mạt sát, hăm dọa mới quan tâm và bước đến xóm nghèo.

Anh Nguyễn Thanh Nhã (27 tuổi, quận 8, TP.HCM) cho biết: "Không ai trong cái xóm này dám nghĩ đến việc có ai đó đến đây và quan tâm cuộc sống của vài kiếp người lẻ loi đi về trên con đường mưu sinh bên xe kẹo kéo rong. Đời chúng tôi cũng chẳng có gì ngoài sự lam lũ và tủi thẹn".

Khoảng 17h30’, người xóm kẹo lại lần lượt tỏa đi khắp nơi. Chiếc xe máy gắn thêm dàn âm thanh và hai con người chen chúc nhau cùng rong ruổi. Mỗi xe bao gồm một người "cầm tài", một người "ca sĩ". Người "cầm tài" chịu trách nhiệm chở "ca sĩ" đến các tuyến đường có nhiều quán nhậu, các địa điểm vui chơi và phải khôn khéo để tránh nhiều xe gặp nhau một chỗ. Hát, nhảy múa và bán kẹo là nhiệm vụ của "ca sĩ".

Những người này phải dạn dĩ, có năng khiếu, gương mặt ưa nhìn. Cả hai cùng nhau rong ruổi khắp các tuyến đường như: Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Trần Hưng Đạo, Thành Thái, Điện Biên Phủ... Đến khi quay về xóm trọ khoảng 2h sáng, cả người mệt mỏi, đờ đẫn, chỉ kịp ngả ra ngủ, quên cả ăn uống và quần áo vương đầy bụi đường.

Không chỉ mệt mỏi, những "ca sĩ" bán kẹo kéo còn chịu nhiều buồn tủi. Nơi họ đến bán đa phần là quán nhậu, nơi tồn tại đủ mọi hạng người. Nhưng khi say, ai cũng như nhau khi tỏ ra khinh miệt những con người lam lũ. Anh Nhã cười hiền lành, nói: "Trách làm sao được lời nói của người say".

Bản thân Nhã chỉ học hết lớp 2, gia đình khó khăn lại đông anh em. Gia đình từ Đồng Tháp dắt díu nhau lên Đăk Lăk để mong có ngày đổi đời với cà phê và tiêu, điều. Nhưng không phải ai cũng có thể vượt ra được số nghèo. Khô hạn thiếu nước, cái ăn không đủ, anh một mình đến Sài Gòn, làm đủ thứ việc và cuối cùng yêu thích và gắn bó với nghề "ca sĩ" kẹo kéo. Ít chữ, ốm yếu chỉ có tài lẻ là hát và nhảy. Vậy mà anh Nhã cũng sống bằng nghề bán kẹo kéo hơn 3 năm. Anh nhảy đẹp, và được mệnh danh là Micheal Jackson của xóm.

Khi nhìn anh nhảy giữa dòng xe tấp nập, gương mặt anh rạng rỡ, hạnh phúc đến lạ. Người anh nhẹ tênh không vướng bận cơm áo. Nhưng anh chưa phải là người gắn bó lâu nhất. Anh Hồ Thanh Điền đã có hơn 10 năm trong nghề. Anh có giọng hát giống hệt nam ca sĩ nổi tiếng Đàm Vĩnh Hưng. Tôi ấn tượng với gương mặt trải đời và có nhuốm màu phong trần của anh.

Sương và gió cuộc đời cho anh những cảm xúc đặc biệt trong từng lời hát. Ấy thế, anh vẫn không tránh được những lúc thượng đế của mình nổi điên lấy đồ chọi vào loa, giật lấy micro nhúng vào nồi lẩu. Mất cần câu cơm, anh vay mượn tiền đứng, tiền góp để sửa. Vậy là cái nghèo vẫn cứ đuổi riết theo anh.

Xóm cũng có nhiều bạn là sinh viên, một số đang theo học và đến với nghề này để mong có tiền trang trải việc học. Một số bị nợ môn, tốt nghiệp rồi nhưng chưa thể lấy bằng, kiếm tiền để học môn nợ nhưng mãi vẫn chưa thoát ra được kiếp "ca sĩ" hát rong. Cả xóm kẹo mỗi người một hoàn cảnh, không có cái khổ nào giống nhau. Nhưng họ có chung nỗi niềm đem bán vị ngọt mang chua cay về riêng mình.

Xã hội - 'Đời kẹo kéo hát rong' mưu sinh chốn phồn hoa (Hình 2).

Cất cao tiếng hát quên đi nhọc nhằn.

Tủi phận

Ông Trần Vương Long (55 tuổi, quận 8, TP.HCM), người vào nghề bán kẹo kéo lâu và có nhiều kinh nghiệm nhất, cũng chính ông chủ động truyền nghề cho mấy thanh niên nghèo ở xóm trọ. Ông bẻ cho chúng tôi thanh kẹo. Kẹo có vị béo của đậu phộng, hương thơm ngọt của đường và sự giòn tan, cái ngọt đậm của kẹo làm gắt cả cuống họng. Có lẽ, cuộc đời họ cũng như thanh kẹo, đôi lúc quá ngọt cũng làm người khác khó chịu.

Ông tâm sự: "Người ta thường nói một vấn đề thường có hai mặt, tích cực và tiêu cực, nghề bán kẹo kéo của chúng tôi là một nghề lương thiện nhưng... vi phạm pháp luật. Tội thứ nhất là lấn chiếm lòng lề đường, thứ hai là gây ồn ào, mất trật tự". Dứt lời, nụ cười hiền lành của ông lại xuất hiện khiến người đối diện thấy xót xa...

Cũng không ít lần, họ bị công an bắt và phạt. Đôi lúc được thông cảm, gặp người dễ tính thì chỉ bị nhắc nhở rồi thả cho về. Nhưng có hôm, họ bị phạt từ 200 nghìn đến gần một triệu đồng. Vậy là hết vốn liếng, phải vay mượn tiền để đóng tiền phạt. Ông Long nói vui: "Chị Dậu còn có chó để bán còn những người bán kẹo kéo không có gì cả, xe cũng là thuê mướn, chỉ có giọng hát là vốn liếng".

Dẫu biết ca hát vào buổi tối là ồn ào, gây mất trật tự, nhưng đó là cách duy nhất người bán kẹo kéo thu hút khách. Khi thấy khách tỏ ra khó chịu thì họ lập tức vặn nhỏ nhạc hoặc đi chỗ khác. Có nơi, chủ quán không cho bán thế là lủi thủi quay xe chạy đi. Đến nhiều quán, anh Nhã, anh Điền phải cạnh tranh với những nhan sắc độc lạ của mấy ca sĩ kẹo kéo chuyển giới đứng uốn éo theo nhạc xập xình.

Anh Điền chia sẻ: "Đôi lúc, tôi thấy mình may mắn hơn những ca sỹ chuyển giới đi bán kẹo kéo. Nhiều nơi rất rẻ rúng, khinh khi, cười nhạo, những tay bợm nhậu còn làm nhiều trò bẩn thỉu với họ. Thế nhưng, miệng họ vẫn cười, vẫn hát, vẫn mời khách mua kẹo kéo".

Anh Nhã thì lắc đầu nhớ lại: "Có lần, tôi thấy mấy ông khách say mèm, kéo áo, xoa mông mấy đứa chuyển giới mà muốn lao tới đấm vào cái mặt thô bỉ của họ. Mấy ổng cười hả hê, cười ngả nghiêng khi tận mắt thấy bộ ngực của người chuyển giới. Tôi lao vào, mấy người chuyển giới đó ngăn lại, ánh mắt ướt và giọng nghẹn đi "kệ họ đi anh". Kiếp nghèo mưu sinh, xót xa lắm...". 

Ngọc Lài - Hà Nguyễn

Về chợ Bà Rén xem chị em 'bồng heo' mưu sinh

Thứ 4, 05/06/2013 | 19:31
Nằm giữa quốc lộ chằng chịt người xe qua lại, dưới cái nắng như thiêu như đốt của ngày hè, thế nhưng vẫn có không ít chị em phụ nữ không quản nắng mưa, mệt nhọc "chạy" theo cái nghề kỳ lạ có một không hai này.

Cơ cực mưu sinh giữa tiết trời đổ lửa

Thứ 4, 29/05/2013 | 08:22
Giữa cái nắng đến cháy da, cháy thịt, trên nhiều nẻo phố trên Hà Nội không hiếm gặp những người lao động nghèo vẫn miệt mài làm việc.

Người phụ nữ bị ung thư mưu sinh trên bãi rác

Thứ 3, 21/05/2013 | 15:21
Ở bãi rác xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) hễ ai có chuyện oan trái, bức xúc, đau khổ đều tìm đến chị. Gặp người nào chị cũng giúp đỡ một cách chân thành

Lận đận mưu sinh dưới những tán rừng

Thứ 4, 08/05/2013 | 12:48
Cuộc mưu sinh của hàng ngàn hộ dân nghèo dưới những tán rừng phòng hộ ven biển miền Tây cứ ngày nối ngày, lênh đênh theo con nước lên rồi con nước xuống.

Những phận đời mưu sinh trên chợ nổi Cái Bè

Chủ nhật, 24/03/2013 | 12:55
Chợ nổi Cái Bè nổi tiếng với những ghe hàng từ nhiều miệt vườn và cũng là nơi mưu sinh của nhiều mảnh đời bất hạnh...