Tung học bổng

Tung học bổng "siêu khủng" để “vợt” thí sinh

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
0
Khó khăn trong tuyển sinh đến mức phải đóng cửa ngành không phải là điều nằm ngoài dự liệu của các trường. Bởi vậy, ngay từ khi mới bắt đầu "cuộc đua" tuyển sinh, nhiều trường đã tung ra các chiêu thu hút thí sinh.

Trong đó, không ít trường bất chấp cả những chiêu thức "phản cảm" để vơ vét thí sinh. Tặng tiền cho thí sinh, hứa hẹn học bổng lên tới 360 triệu đồng, thậm chí trả tiền "môi giới" cho những ai giới thiệu được thí sinh đến trường nhập học... là những chiêu được tung ra với hy vọng "cái khó ló cái khôn".

Nghe/Xem - Tung học bổng 'siêu khủng' để “vợt” thí sinh

Thí sinh có rất nhiều sự lựa chọn mới. Ảnh minh họa

Áp dụng chiêu "khuyến mại" kiểu siêu thị

Cuộc đua tuyển sinh đang bước vào giai đoạn chạy nước rút. Trong khi "ông lớn" công lập thảnh thơi "kê cao gối ngủ" thì những trường dân lập "tốp dưới" vẫn phải "vật vã" tìm chiêu hút thí sinh. Tuy cuộc chiến tuyển sinh giữa hai mô hình giáo dục đại học này là "không cân sức" nhưng không vì thế mà các trường dân lập buông xuôi. Để hút thí sinh, đặt biệt là thí sinh chất lượng cao, nhiều trường đã mạnh dạn tung ra những mức học bổng hấp dẫn, thậm chí lên đến vài trăm triệu đồng, một việc chưa từng diễn ra trong tiền lệ đối với giáo dục Việt Nam trước đây.

Năm nay, trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM đi tiên phong khi quyết định đưa ra gói học bổng "siêu khủng" nhằm nâng cao chất lượng đầu vào. Đáng chú ý, thí sinh có thể nhận được mức học bổng cao nhất lên đến 360 triệu đồng. Để đạt được mức học bổng mơ ước này, thí sinh vừa phải có điểm thi ĐH từ 21 điểm trở lên và mỗi năm học đạt điểm trung bình các môn học từ 7,0 điểm trở lên. Tiếp đến là mức học bổng trị giá 290 triệu đồng, không bao gồm học phí Anh văn dành cho thí sinh đăng ký nguyện vọng 2 vào trường với mức điểm bằng hoặc cao hơn 21 điểm.

Thí sinh được học bổng một lần trị giá 50 triệu đồng nếu đăng ký xét tuyển vào trường, đạt điểm thi đại học cao hơn hoặc bằng 20 điểm. Thấp hơn nữa, thí sinh được học bổng một lần trị giá 40 triệu đồng nếu đăng ký xét tuyển vào trường đạt điểm thi đại học cao hơn hoặc bằng 19 điểm, 30 triệu đồng nếu thí sinh đạt điểm thi đại học cao hơn hoặc bằng 18 điểm.

Gia nhập cuộc đua "săn" thí sinh, ĐH Dân lập Hải Phòng đưa ra mức học bổng dành cho học sinh đạt khá và giỏi ở PTTH có NV1 thi vào trường đạt điểm thi tuyển sinh từ 21 hoặc 24 trở lên sẽ được hưởng học bổng tương đương với 80% hoặc 100% học phí của trường trong suốt 4 năm, nếu thành tích học tập vẫn đạt Khá, Giỏi.

Nhìn vào mức học bổng "trên trời" các trường tung ra, nhiều người liên tưởng đến kiểu "siêu khuyến mãi" của các siêu thị. Tuy nhiên, suy đi tính lại, thí sinh không dễ gì nhận được học bổng "khủng" trên, bởi điều kiện đưa ra khá ngặt nghèo. Năm 2012 - 2013, ĐH Quốc tế Sài Gòn cấp 100 suất học bổng đại học toàn phần (4 năm), trong đó, 80 suất học bổng dành cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt, mỗi suất trị giá khoảng 168,3 triệu - 193,5 triệu đồng. 20 suất học bổng dành cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, mỗi suất trị giá khoảng 437,5 triệu - 479,6 triệu đồng. Học bổng toàn phần này sẽ được xét cấp theo từng năm học.

Để hưởng học bổng toàn phần năm thứ nhất, nhà trường đưa ra yêu cầu rất cao. Sinh viên cần đạt điểm trung bình các năm lớp 10, 11 và 12 từ 9,5 trở lên, có điểm thi đại học ít nhất là 26 (không cộng ưu tiên khu vực hoặc đối tượng) và có chứng chỉ TOEFL 500 PBT (61 iBT) của ETS - Hoa Kỳ không quá 2 năm (đối với sinh viên chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh). Để hưởng học bổng toàn phần các năm tiếp theo, sinh viên phải đạt trung bình chung các môn mỗi năm từ 9,5 trở lên và không có bất cứ môn nào thi lại.

"Mở mắt" đầu vào, "nhắm mắt" đầu ra

Theo các chuyên gia giáo dục, các trường mới chỉ tìm mọi cách hút được thí sinh mà chẳng mấy quan tâm đến chất lượng giáo dục cũng như đầu ra. Lý giải cho thực tế đáng buồn này, PGS Văn Như Cương phân tích: "Nếu là học bổng chính đáng để khuyến khích các em học tập thì tôi hoàn toàn ủng hộ. Các trường thực sự đưa ra những học bổng như vậy là điều vô cùng đáng quý. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, số học bổng đó là do một tổ chức, đơn vị đứng ra bảo lãnh, tài trợ hay chỉ là lời hứa "trên trời" của các trường. Nếu lấy tiền của học sinh này làm học bổng cho học sinh khác là điều phản nhân văn, đáng bị lên án. Hoặc học bổng cao nhưng học sinh phải bù đắp bằng học phí "trên trời" thì cũng chẳng đáng. Thử ví dụ, với học phí của trường ĐH Tân Tạo lên đến 3.000 USD/năm thì học sinh ở vùng nông thôn sao có thể theo kịp".

Cũng theo quan điểm của nhà giáo Văn Như Cương, việc tung ra những chiêu "khuyến mãi khủng" chỉ là trò hút thí sinh, vơ vét người học bằng đủ mọi giá. Tính thực tiễn của ưu đãi kiểu này chắc chỉ có trời mới biết, nhà trường thừa cách để trì hoãn, vòng vo bởi khoản tiền gần 400 triệu đồng hoàn toàn không phải nhỏ. Nhiều khi "của rẻ là của ôi", các trường càng quảng cáo, càng khuyến mãi nhiều thì chất lượng đào tạo càng bị "nghi ngờ", đặt câu hỏi nhiều hơn.

"Các trường dường như mới chỉ "mở mắt" hút cho bằng được thí sinh mà chẳng mấy quan tâm đến đầu ra. Chất lượng đào tạo của trường và uy tín tấm bằng sau khi ra trường mới là động lực khiến các em nộp hồ sơ vào trường đó chứ không phải vì được miễn, giảm hay thưởng gì", PGS Cương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Phạm Thị Ly, Trung tâm Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (ĐHQG TP.HCM) cho biết, những ngành phải đóng cửa không chỉ bao gồm khoa học xã hội và nhân văn, các ngành kỹ thuật như nông nghiệp, chăn nuôi mà cả các ngành từng thu hút nhiều thí sinh như kinh tế, ngoại ngữ... Hậu quả tức thời là tặng điểm, treo thưởng, khuyến mãi cùng nhiều "tiểu xảo" để thu hút thí sinh...

Theo chuyên gia này, những hiện tượng kể trên chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Nó sẽ góp thêm sự bát nháo vào một hệ thống vốn đã nhiều bất cập. Hậu quả lâu dài và nghiêm trọng hơn là lãng phí nguồn lực của giáo dục và nhất là tạo ra tác động tiêu cực cho việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai.

Trò chuyện với PV Người đưa tin, một chuyên gia giáo dục (đề nghị giấu tên) đưa ra một so sánh khá hay: Việc tặng phần thưởng trong tuyển sinh chẳng khác gì mua nhà tặng ô tô hay mua điện thoại tặng sim. Đưa hoạt động kinh doanh kiểu siêu thị vào giáo dục là rất phản cảm. Việc khuyến khích, trao học bổng, tặng quà cho các em học sinh nghèo, học giỏi để động viên là rất nhân văn, tuy nhiên không nên chiêu sinh kiểu "treo đầu dê bán thịt lừa" như vậy.

Trinh Phúc - Anh Văn