“Tượng đài Tây Nguyên” qua những chuyện nhặt

“Tượng đài Tây Nguyên” qua những chuyện nhặt

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Con người Y Moan bình dị và chân thật như chính mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Mảnh đất Tây Nguyên đã trui rèn nên một Y Moan bình dị đến dân dã và chân thật đến đáng yêu.

Chính vì những đức tính ấy mà ông chinh phục được trái tim của cô nghệ sĩ múa quê Thái Bình và trở thành thần tượng trong lòng các con. Hơn thế nữa, ông còn là một tượng đài sống mãi trong lòng công chúng.

Xã hội - “Tượng đài Tây Nguyên” qua những chuyện nhặt

Y Moan chụp cùng con trai cả Y Vol.

“Chuyện tình cục gạch”

Những tháng ngày làm việc tại Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đăk Lăk, Y Moan gặp nghệ sĩ múa Minh Ngẫu. Vẻ đẹp nết na và thuần khiết của người con gái xứ Bắc đã làm trái tim chàng nghệ sĩ Ê đê rung động. Quyết tâm theo đuổi nàng, Y Moan lên kế hoạch rủ cô đi xem phim. Đến trước cửa phòng nàng gõ cửa, Y Moan nhã nhặn ngỏ lời mời, nhưng thấy Y Moan hơi dữ tướng, cô diễn viên múa lấy làm e sợ và từ chối. Bất ngờ, Y Moan giơ cục gạch ra và nói: "Đi xem phim hay ăn gạch. Sợ quá, cô đành đồng ý. Thế là chuyện tình bắt đầu".

Chuyện nghe như đùa nhưng thật 100%. Bà Ngẫu vẫn thường kể cho các con mình câu chuyện đó và gọi vui là chuyện tình cục gạch. Bà là người vợ đầu tiên và cuối cùng của ông. Bà theo ông về vùng Tây Nguyên đầy nắng gió sinh sống và đã sinh cho ông 3 người con khiến ông rất tự hào. Những ngày đầu làm dâu Ê đê, bà Ngẫu hòa nhập rất nhanh và mau chóng thành người dân tộc chính hiệu, thậm chí bà còn đọc được cả tiếng Ê đê. Bà hiểu, theo ông về buôn làng để sinh sống cũng đồng nghĩa với việc sẽ đoạn tuyệt với niềm đam mê múa nhưng bà đã chấp nhận.

Làm dâu Ê đê nhưng bà vẫn giữ được nét chịu thương chịu khó và nhẫn nhịn của người phụ nữ xứ Bắc. Y Vol, con trai cả của ông bà cho biết: "Ba tôi là người nóng tính. Ông giống như con chim đầu đàn, như vị tướng vậy. Chỉ cần ba "ho" một tiếng là cả nhà im phăng phắc. Người dân tộc Ê đê theo chế độ mẫu hệ, nhưng ba tôi vẫn quyết định lấy vợ người Kinh, và gia trưởng như đàn ông người Kinh vậy". Chính vì Y Moan nóng tính nên không ít lần gia đình xảy "bát đũa xô nhau" nhưng chưa bao giờ vợ chồng ông giận nhau quá một ngày, tất cả là nhờ đức tính của bà Ngẫu.

Làm nghệ thuật nhưng gia đình nghệ sĩ Y Moan không sung túc, Y Vol đi hát không màng đến cát sê hay danh vọng. Có lẽ với ông, được hát đã là một khoản cát sê quá lớn rồi. Kinh tế gia đình eo hẹp nhưng ông vẫn quyết tâm truyền lửa đam mê nghệ thuật cho các con. Y Vol vẫn nhớ mãi lần ba anh đi diễn được trả cát sê 2 triệu đồng, ông nhịn ăn nhịn tiêu, giữ nguyên khoản tiền đó rồi vay thêm bạn bè để sắm cho anh bộ lá trống. Khi về đến nhà, vợ ông hỏi tiền đi chợ, Y Moan liền chỉ vào cậu con trai rồi nói: "Đó, thằng Y Vol nó lấy cả rồi". Nhắc đến chuyện này, tôi thấy giọng Y Vol nghèn nghẹn.

Theo mạch kể về chiếc trống, anh vui vẻ nói: "Trong nhà ba rất chiều tôi. Ba ủng hộ sở thích đánh trống của tôi nên khi đi diễn nước ngoài, ba hay nghiên cứu mua băng đĩa về cho tôi nghe luyện tập theo. Tôi nhớ ba vẫn thường bảo, con không được bắt chước mà hãy học hỏi những cái tinh túy nhất của từng người. Tôi thấy ba nói đúng và tôi đã tự học chơi trống từ khi tôi lên 8. Câu chuyện tập trống và quá trình từ cầm dùi trống đến cầm míc của Y Vol là một câu chuyện dài và rất thú vị mà có lẽ chúng tôi phải gác lại để kể vào một dịp khác. Tuy nhiên trong mọi câu chuyện của Y Vol đều có hình bóng của người ba mà anh vô cùng kính mến.

Ngược dòng thời gian, anh nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu: "Hồi nhỏ ba đi diễn triền miên, ít ở nhà, nhưng cứ đi đâu về là ba lại mua quà cho chúng tôi. Tôi nhớ mãi có lần ba đi diễn ở Liên Xô về mua được cái xe đạp. Ba đèo tôi đi chơi trong ánh mắt thèm thuồng và ngưỡng mộ của mọi người. Ba chở tôi đi hết buôn này đến buôn khác, đi hết nhà này đến nhà nọ. Đến tối về nhà, ba đèo tôi xuống một cái dốc lởm chởm đá. Hai ba con bị ngã xe, bánh đi đằng bánh, thân đi đằng thân. Thế là ba tôi một tay ẵm con, tay kia vác xe lên đi bộ cả chục cây số về nhà, trời thì tối mịt. Tội ba lắm".

Xã hội - “Tượng đài Tây Nguyên” qua những chuyện nhặt (Hình 2).

Đại gia đình nghệ sĩ Y Moan.

Vừa đi hát vừa làm rẫy

Y Moan cả đời gắn chặt với mảnh đất Tây Nguyên yêu thương, với ông, không đâu bằng mảnh đất nơi ông sinh ra. Kể cả khi đã nổi tiếng, ông cũng từ chối đến những thành phố lớn để phát triển sự nghiệp. Ở vùng rừng núi này, kiếm được một chiếc đài cũng khó chứ chưa nói đến việc có thể thành danh với nghiệp cầm ca. Ấy vậy mà ông vẫn một mực ở lại. Có lẽ đó lại là điều làm nên một nét riêng của Y Moan, người nghệ sĩ nghèo chỉ hát để cống hiến. Với ông, đích đến cuối cùng là được hát và sống gần gũi với công chúng, đặc biệt là dân nghèo nơi buôn làng lộng gió.

Chính vì yêu đến tận cùng giành cho vùng đất đầy nắng và gió mà Y Moan chấp nhận cuộc sống nghèo nàn vừa đi hát, vừa đi làm rẫy. Y Moan bình dị, gần gũi và thân thiện đến lạ lùng. Có lẽ vì vậy mà ông nghèo. Có lần nghệ sĩ nông dân Y Moan chia sẻ, nếu không làm rẫy thì chẳng đủ sức để nuôi hai con trai là Y Vol và Y Garia theo học tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Yêu Tây Nguyên tha thiết, chỉ lo cống hiến cho sự nghiệp ca hát và không màng danh lợi nên cả đời ông phần lớn sống trong khu tập thể. Mãi đến năm 50 tuổi ông mới có được căn nhà nhỏ cho gia đình mình.

Phong cách và quan niệm sống của NSND Y Moan là luôn hướng về nguồn cội. Cây đàn guitar, prô, kní với chiếc áo thổ cẩm luôn được ông giữ như báu vật vì đó là những phụ kiện mang đậm chất Tây Nguyên. Y Moan đã từng bảo, văn hóa Tây Nguyên không đâu xa lạ mà bắt đầu từ chiếc khố, mỗi dòng sông, con suối, mỗi bóng cây, mái nhà rông, ngọn núi, cái rẫy và bà con thân yêu. Tiếng hát lời ca cũng bắt đầu từ cuộc sống hằng ngày ở đó.

Ông hạnh phúc khi được là mình, sống giữa anh em dân tộc. Chính vì thế mà người dân tộc mỗi lần thấy ông hát là bỏ cả ăn cả uống để đến ngồi chờ từ rất sớm. Họ thích thú với âm nhạc, với giọng hát Y Moan, ông biết rằng họ thèm nghe nhạc hơn là thèm bát cơm. Chỉ cần ông cất tiếng hát là cả buôn làng đồng loạt vỗ tay từ thanh niên cho đến những đứa trẻ hay các ông bà già. Sau những đêm diễn, người nghệ sĩ chạnh lòng khi thấy khán giả không muốn về, có những người còn nằm lại đấy ngủ luôn. Bởi những người đó trước khi đi họ đã mang cả xôi, cả cơm, cả chăn màn gối để đi xem. Rồi ông lại hát, người nghệ sĩ và khán giả cứ say sưa với nhau trong sự đồng cảm đến lạ thường.

Cũng vì ông luôn hết lòng với bà con nên mỗi khi đi vào làng nào, buôn nào ông chỉ cần nói một tiếng là người ta đều nghe, nể và kính trọng. Và Y Moan vẫn thường nhắc nhở các con mình dù thành đạt đến đâu cũng phải luôn hướng về bà con, buôn làng.

Y Moan yêu Tây Nguyên đến nỗi ông biến nhà mình thành một bảo tàng tư nhân. Ca sĩ Y Vol nói về sở thích này của ba mình: "Ba tôi có thú sưu tầm vật dụng cổ của người dân tộc Ê đê từ chiêng, cồng ché đến các vật dụng làm ruộng, làm rẫy hay các vật dụng săn bắn. Sau khi ba mất, tất cả kỷ vật của ba chúng tôi đều giữ lại, từ những đồ vật nhỏ nhất. Gia đình tôi tuy nghèo nhưng nghèo thì đã nghèo rồi, dù có thế nào chúng tôi cũng sẽ để gợi nhớ cho mọi người về ba tôi, một con người sinh ra và chết đi cho nghệ thuật và tình yêu với Tây Nguyên.

"Phù thủy" làm bếp

Bạn bè của Y Moan, ai ai cũng phục lăn tài nấu ăn của ông, mọi người đặt cho ông biệt danh "phù thủy" làm bếp. Nói về tài nghệ này của ông, Y Vol chia sẻ: "Ba nấu ăn cũng rất giỏi, rất ngon. Đặc biệt, không hiểu ba học ở đâu nhưng có thể phân biệt được các loại nấm, rau. Đi diễn ở vùng sâu, vùng xa, chung quanh toàn rừng rú, cỏ dại nhưng rau nào ăn được, rau nào không ăn được ba biết hết. Tính ba lại gần gũi với bà con dân tộc nên đi đâu cũng được cho nếp, cho gà, cho rượu. Có ba thì sẽ không bị đói. Khi tôi còn bé, có lần mẹ mua rau muống, ba kêu ăn rau muống chán òm. Vậy là ba sai tôi lấy cái rổ đi theo ba vào rừng cao su, ca cao để đi hái nấm, bắt dế về ăn. Vậy là bữa đó, cả nhà có một bữa ngon”.

Thanh Xuân