“Tuyệt chủng” mộ cổ vì trào lưu“mộ tặc”

“Tuyệt chủng” mộ cổ vì trào lưu“mộ tặc”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Đến thời điểm hiện tại, hiện tượng đào trộm mồ mả gần như đã bị "xóa sổ". Bởi, những quan tài bằng gỗ sưa cùng với những tài sản có giá trị khác đã bị bọn "mồ tặc" "khai quật" gần như sạch sẽ. Tuy nhiên, cứ mỗi khi có thông tin về ngôi mộ mới chôn có đồ quý giá thì đám "mộ tặc" lại ùa đến rình mò.

"Tuyệt chủng" mộ cổ

Để tìm hiểu thêm về vấn nạn "mộ tặc" ở Gia Lai, chúng tôi tìm đến một số ngôi làng của xã Kon Lơng Khơng (huyện Kbang) như: Mơ Hven, Bờ... Tại đây, ở bất cứ khu nhà mồ nào có những ngôi mộ cũ được chôn cất từ ngày xưa đều bị kẻ xấu đào bới tan tành.

Ông Đinh Gen 35 tuổi, thôn trưởng làng Bờ dẫn chúng tôi vào khu nhà mồ của làng rồi chỉ tay vào một ngôi mộ vừa bị đào bới, nói: Đây là một ngôi mộ cũ được chôn cất hơn 10 năm về trước vừa bị kẻ trộm đào lên để tìm lấy tài sản và cổ vật. Mục đích chính của bọn đào trộm mộ là đi tìm đồng đen, vàng bạc, gỗ huỳnh và ghè cổ xưa. Người dân trong làng chúng tôi thực sự không ai biết đồng đen là gì cả. Chỉ biết rằng, ngày xưa ông bà có rất nhiều tài sản quý giá chia cho người đã chết.

Để bảo vệ các ngôi mộ, người dân tìm mọi cách để ngăn ngừa kẻ gian. Nhưng bọn "mộ tặc" lại nghĩ ra trăm phương ngàn kế, ngày đêm rình rập người dân để đào mồ trộm. Những chiếc ghè cổ bị đập thủng đáy trong những ngôi mộ mới chôn cất được vài ba năm bỗng nhiên không cánh mà bay. Sự việc càng làm cho dân làng bức xúc, lo lắng và hoang mang hơn.

Ông Đinh Pó, trưởng làng Leng Dôr, xã Đak Pơ, huyện Đak Pơ cho biết: Làng chúng tôi có hơn trăm ngôi mộ cổ thì tất cả đều đã bị kẻ xấu đào bới, lật tung nắp hòm người chết để lấy tài sản cách đây 10 năm về trước. Đối với người đồng bào dân tộc Ba Na ở khu vực các huyện như Kbang, Đak Pơ, thị xã An Khê... thì việc người dân sử dụng gỗ huỳnh đàn khoét giữa thành chiếc quan tài để an táng người thân trước đây là rất bình thường. Khi ấy gỗ huỳnh đàn cũng chỉ giống như những loại gỗ bình thường khác. Chỉ mới đây, giá cả loại gỗ này quá đắt đỏ nên kẻ xấu đã tìm đến đào trộm rồi âm thầm vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Xã hội - “Tuyệt chủng” mộ cổ vì trào lưu“mộ tặc”

Một ngôi mộ vừa bị đào bới tan tành để lấy tài sản.

Khởi tố nhiều đối tượng về hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt

Già làng Đinh HMưng (làng Mơ H'ra, xã Kon Lơng Khơng, huyện Kbang), cho biết: Năm 2011 làng có bắt được 3 người ở xã Đăk Hlơ, huyện Kbang khi các đối tượng này đang thực hiện việc đào mồ của người chết lên để lấy trộm tài sản. Các đối tượng này thực hiện hành vi đào mộ vào buổi trưa. Khi bị phát hiện, bọn chúng vứt bỏ các loại phương tiện dùng để đào bới mộ lại hiện trường như cuốc, xẻng, xà beng và 2 chiếc xe máy.

"Lúc đó chúng tôi đã huy động nhiều thanh niên trong làng đến để vây bắt. Khi bị phát hiện, các đối tượng đã nhanh chóng bỏ chạy cách nhà dân khoảng 100m rồi trốn trong một bụi mía. Sau khi bắt được các đối tượng, dân làng trói lại rồi mang đến nhà rông (nhà sinh hoạt chung của người dân trong làng) rồi gọi công an xã đến giải quyết. Các đối tượng này sau đó đã bị làng phạt một con trâu, một con bò, nhiều heo, gà và rượu", già làng Đinh HMưng kể lại.

Anh Đinh HNí (25 tuổi, công an viên làng Kuk Kôn, xã An Thành, huyện Đak Pơ) bức xúc: Năm 1992, trong một lần cãi nhau với me,å bố mình đã uống thuốc tự tử. Mẹ và gia đình "tức" (người Ba Na dùng từ "tức" để nói lên sự thương xót - PV) quá, bèn chia cho bố 2 nồi đồng, một bộ chiêng, 5 chén sứ quý. Bà nội thương bố nên chia cho bố rất nhiều tài sản khác có giá trị, trong đó có 2 chiếc ghè cổ bằng sứ. Tất cả những tài sản đó năm ngoái đã bị kẻ xấu đào mộ lên lấy sạch.

Trước kia mồ mả trong làng bị kẻ xấu đào liên tục. Mỗi lần bọn chúng đào cả chục ngôi mộ, gần đây nhất là vào giữa tháng 6 năm 2012 làng bị đào 6 ngôi mộ cũ. Sự việc chỉ được phát hiện khi người trong làng có người chết đem đi chôn, khi ra khu mồ mả mới phát hiện nhiều ngôi mộ của làng bị đào phá tan tành. Nhận được tin báo, anh Đinh HNí đã phối hợp với đội công tác 401, phó trưởng thôn là ông Đinh Seng (41 tuổi) và dân quân của làng thành lập đoàn đi kiểm tra hiện trường.

Ông Đinh Seng kể lại: Trong lúc đi kiểm tra, chính bản thân tôi cũng phải sững sờ và bất bình khi phát hiện mộ của bố vợ là ông Đinh Kớt (mất năm 2008) bị lật cả nắp quan tài lên để lấy tài sản.

Sau khi kiểm tra, xác định danh tính những người chết bị đào mồ, già làng Đinh Panh đã đề nghị người dân trong làng cùng nhau góp tiền lại để mua trâu, bò, heo, gà và rượu để cúng mới và chôn lại người chết theo phong tục của người Ba Na. Già làng là người trực tiếp cúng, sau đó đến trưởng thôn và đại diện gia đình người chết và bà con họ hàng trong làng. Những ngôi mộ bị đào đa số là mộ cũ. Tuy nhiên, những ngôi mộ mới, được xây cất khang trang, chôn theo nhiều tài sản có giá trị cũng bị kẻ gian đào bới.

Lật cuốn sổ làm việc của mình, anh Đinh HNí cho chúng tôi xem biên bản được lập ngày 28/8/2011, có tới 12 ngôi mộ trong khu nhà mả của làng bị kẻ xấu lật tung. Điều đáng nói là trong 12 ngôi mộ này có tới 9 ngôi mộ mới xây và chỉ có 3 ngôi mộ cũ. "Những kẻ gian này xấu xa lắm, sau khi nhẫn tâm đào mộ người chết lấy tài sản, các đối tượng còn dùng sơn xanh đánh dấu các ngôi mộ mà bọn chúng đã rà trước đó và biết có tài sản để hôm sau tiếp tục đào. Việc các đối tượng đánh dấu sơn xanh lên tường những ngôi mộ có tài sản nhằm 2 mục đích: Thứ nhất, nếu không bị phát hiện thì sau đó chúng sẽ tiếp tục đào, thứ 2 nếu có bị phát hiện thì sau đó chúng tới đào tiếp khỏi mất công rà lại", anh Đinh HNí bức xúc nói.

"Khi phát hiện có vết sơn xanh mình liền xóa ngay đi và vận động bà con canh giữ mộ để kẻ gian không có cơ hội tới đào phá. Thế nhưng mình vừa xóa và canh giữ được một thời gian, lợi dụng lúc người dân trong làng đi làm hết hoặc vào lúc đêm khuya mọi người ngủ say, bọn chúng lại tiếp tục đào mồ người chết và đánh dấu sơn xanh lên những ngôi mộ khác. Bọn chúng có một cái que sắt để rà dưới mồ. Biết được phong tục của người Ba Na khi chia tài sản cho người chết thường đặt tài sản quý ở hai nơi: Trên đầu và dưới chân người chết. Vậy nên, bọn chúng chỉ cần lấy cái que sắt rà khu vực trên đầu và dưới chân thôi là biết ngay", anh Đinh HNí nói về những chiêu đào mộ trộm của kẻ gian.

Trước kia người dân trong làng lên núi Kbang chặt gỗ huỳnh đàn về để làm cột nhà ở. Những năm gần đây, có nhiều người tìm đến hỏi để mua, cũng có gia đình bán cột nhà bằng gỗ huỳnh đàn được 7 - 10 triệu đồng sau đó thì mua gỗ khác về làm cột nhà. Cách đây 5 năm, có người vào làng Đê Ba, xã Tơ Tung, huyện Kbang mua cột nhà gỗ huỳnh đàn với giá 4 triệu đồng.

"Hiện tượng đào mộ hầu như không còn"

Làm việc với PV chiều ngày 29/11, trung tá Trần Thành Thưởng, phó trưởng công an huyện Đắk Pơ cho biết: Cách đây khoảng 10 năm (khi huyện Đắk Pơ chưa chia tách từ huyện An Khê, ngày 9/12/2003 huyện An Khê được chia thành thị xã An Khê và huyện Đak Pơ - PV), khi tôi còn công tác ở công an huyện An Khê thì có bắt một số đối tượng đào mồ mả của người chết để lấy tài sản và khởi tố về hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Còn việc khẳng định lấy tài sản là đồng đen, gỗ huỳnh đàn hay chiêng cổ thì đơn vị không đủ cơ sở vì khi bị bắt, các đối tượng chỉ mới đang thực hiện hành vi đào mồ mả.

Thời gian vài năm trở lại đây, khi nhận được tin báo, lực lượng công an huyện đã có sự phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền vận động người dân trong các làng xã cảnh giác đối với những đối tượng lạ mặt xuất hiện. Nếu phát hiện kẻ gian thì lập tức báo với xã, huyện để kịp thời xử lý. Các đối tượng mà chúng tôi khoanh vùng chủ yếu là những người đi rà sắt, trên đường rà sắt họ phát hiện nên họ tiến hành đào lên để tìm kiếm tài sản. Hiện tượng đào mộ người chết đến nay trên địa bàn huyện Đak Pơ hầu như không còn nữa. Trong thời gian tới, nếu bắt được đối tượng đào mồ và đủ cơ sở thì chúng tôi vẫn tiến hành khởi tố và xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Tâm