Tuyệt kỹ săn sá sùng trên đảo Vĩnh Thực

Tuyệt kỹ săn sá sùng trên đảo Vĩnh Thực

Thứ 2, 20/05/2013 | 08:58
0
Xinh đẹp như một viên ngọc bích giữa biển khơi nhưng Vĩnh Thực (Quảng Ninh) vẫn còn là hòn đảo hoang sơ, chưa được nhiều người biết đến.

Muốn ăn lộc biển phải am tường con nước

Từ Mũi Ngọc, tôi chen chân trên một chiếc xuồng máy chở khách mà người dân ở đây quen gọi là "tàu bay" để ra Vĩnh Thực. Đúng như tên gọi, chiếc xuồng lướt như bay trên những ngọn sóng xanh biếc nhanh chóng đưa chúng tôi cập bến trong chốc lát. Vừa đặt chân lên đảo, tôi đã bắt gặp cảnh mua bán tấp nập diễn ra dưới những chiếc dù lớn đầy màu sắc đang căng ra giữa trời hè chói chang sắc nắng. Hóa ra tôi đã quá may mắn khi tình cờ ghé thăm hòn đảo xinh đẹp này đúng vào ngày "đại thắng" của những người đi săn sá sùng.

Những giỏ sá sùng đầy ăm ắp liên tục được đưa lên bàn cân rồi trút vào những chiếc thúng lớn của người thu mua. Bà con ai nấy đều phấn khởi nhận những đồng tiền "tươi roi rói" sau một buổi sáng đi săn đầy thắng lợi. Nhìn hàng nghìn, hàng vạn con sá sùng béo núc ních nằm gối lên nhau một cách hiền lành trong thúng, người ta dễ liên tưởng đến một cuộc sống đủ đầy, sung túc. Sá sùng không đủ để làm nên sự giàu có của cả một vùng quê nhưng cũng đủ để giúp nhiều người vượt qua thiếu thốn, trụ lại với cuộc sống khó khăn trên đảo.

Lạ & Cười - Tuyệt kỹ săn sá sùng trên đảo Vĩnh Thực

Cảnh mua bán sá sùng trên đảo Vĩnh Thực 

Công việc mua bán vừa lắng xuống tôi đã thấy một đoàn săn sá sùng khác đang lục tục kéo lên bờ. Trên đảo lại rộn ràng tiếng cười nói của người mua kẻ bán. Những giỏ sá sùng của đoàn này thậm chí còn nhỉnh hơn đoàn trước cả về số lượng lẫn chất lượng. Càng về trưa, các đoàn đi săn sá sùng trở về càng đông cho đến khi vãn hẳn. Ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào những giỏ sá sùng như xuyên qua lớp da căng mọng của chúng khiến con nào con nấy càng thêm mỡ màng.

Sau khi công việc thu mua kết thúc, cô Nguyễn Thị Ly, một người dân trên đảo hồ hởi khoe mình đã mua được hơn 60kg sá sùng trong buổi sáng hôm đó. Mỗi kg mua tại bến với giá dao động từ 150 - 200 nghìn đồng tùy theo chất lượng to hay nhỏ. Trung bình, trong buổi sáng hôm ấy, mỗi người săn được khoảng 4kg. Cô Ly cho biết đây là một trong những ngày hiếm hoi mà người dân săn được nhiều và cô cũng mua được nhiều sá sùng như vậy. Thông thường, người nào nhiều lắm cũng chỉ tìm được 3kg, số còn lại được từ 1 - 2kg hoặc về không.

Theo những người dân chài ở Vĩnh Thực, việc săn sá sùng diễn ra quanh năm nhưng tập trung nhiều nhất vào tháng 3, tháng 4 và phụ thuộc hoàn toàn vào con nước. Sinh ra trên đảo, lớn lên trong tiếng sóng vỗ, ngay từ khi còn là những đứa trẻ, người dân ở đây đã được dạy cách nhìn trời biết nắng mưa, nghe gió biết phương hướng và quan sát con nước biết đường đi của tôm cá để định ngày đi biển.

Việc săn sá sùng cũng vậy. Phải những ngày trời đẹp, nước cạn làm lộ thiên những doi cát vàng trên biển vốn là nơi trú ngụ ưa thích của họ hàng nhà sá sùng, người ta mới có cơ hội tóm gọn những sinh vật bổ béo này như nhận lấy món quà tuyệt vời của biển. Mỗi tháng có 2 con nước. Mỗi con nước có 3 giai đoạn đầu, giữa và cuối.

Nước biển sẽ cạn vào thời điểm giữa các con nước mà theo kinh nghiệm của người dân trên đảo thì giai đoạn này sẽ kéo dài trong khoảng từ 4 - 5 ngày. Đó là khoảng thời gian được trông đợi nhất bởi người dân có thể đi biển săn sá sùng để kiếm thêm thu nhập. Người nào giỏi tính toán, nhiều kinh nghiệm sẽ chọn được những ngày đẹp nhất để đi, những nơi nhiều sá sùng nhất để đến. Bởi vậy, người ta mới nói biển rất hào phóng nhưng muốn ăn lộc biển cần am tường những quy luật của tự nhiên.

Lạ & Cười - Tuyệt kỹ săn sá sùng trên đảo Vĩnh Thực (Hình 2).

Hiếm ở đâu, sá sùng lại ngon như ở nơi nay

Những bí mật của sá sùng

Theo quy luật của biển, mỗi tháng có 2 lần cạn nước. Mùa hè, nước cạn vào buổi sáng. Mùa đông, nước cạn vào buổi chiều. Người dân đảo Vĩnh Thực cứ theo sự lên xuống đều đặn đó của con nước mà rủ nhau ra biển săn sá sùng. Những ngày đẹp trời dự báo chuyến đi biển thắng lợi, gần như cả làng kéo nhau ra biển hết.

Từ sáng sớm, những đoàn người đi săn sá sùng đã lục tục kéo nhau ra bến, tập trung thành đoàn, chuyện trò rôm rả. Mỗi đoàn khoảng hơn chục người, vừa đủ một chuyến "tàu bay" cưỡi sóng ra khơi, nhằm hướng những doi cát màu mỡ, nơi sá sùng sinh sôi nảy nở để khởi đầu một ngày đi biển mới hứa hẹn những thành công. Dưới trời nắng chang chang, những người săn sá sùng với khăn áo kín mít từ đầu đến chân, tay cầm mai (cuốc, xẻng) miệt mài đào bới trên những doi cát như những Ninja đang thi thố võ nghệ giữa biển khơi.

Phàm đã là người sinh sống trên vùng đảo này, hầu hết đều đã từng ít nhất một vài lần đi săn sá sùng. Đối với những người nhiều kinh nghiệm, chỉ cần nhác qua dấu vết trên cát cũng đủ để biết đó là hang của sá sùng to hay nhỏ, ngắn hay dài, nhiều hay ít, sâu nay nông. Từ đó họ sẽ quyết định mình phải đào như thế nào, lựa miếng ra sao để có thể tóm gọn những con sá sùng "láu cá" nhất mà không mảy may làm tổn hại đến chúng. Những người chưa có kinh nghiệm thường chỉ săn được vài con nhỏ hoặc trở về tay không dù đã lao động miệt mài suốt cả buổi sáng.

Là một trong những người săn sá sùng lão luyện trên đảo Vĩnh Thực, cô Nguyễn Thị Ly cho biết nếu cửa hang có hình hoa như bàn tay xòe ra thì đó là hang của những con nhỏ. Còn những con to thường ẩn náu trong những hang cát tròn hơn. Nếu tinh mắt, chỉ cần thoáng quan sát miệng hang cũng đủ biết đó là hang cũ hay mới, có sá sùng ở trong đó hay không. Nhiều chỗ tuy chi chít cửa hang nhưng đào lên lại chả thấy gì bởi chúng đã chạy sang hang khác.

Vốn sinh ra ở Quảng Ngãi trong một gia đình có nhiều khó khăn về kinh tế, cô Ly sớm theo người làng vào miền Nam làm thuê kiếm sống. Duyên may thế nào cô gặp chàng trai rắn rỏi của vùng biển đảo Vĩnh Thực cũng vào đó làm ăn. Tình yêu nảy nở tự nhiên như cây cỏ, họ sớm kết duyên vợ chồng rồi đưa nhau về hòn đảo này sinh sống. Mấy năm trước cô Ly cũng theo dân làng đi săn sá sùng trên biển nhưng do sức khỏe suy giảm, cô chuyển sang thu mua chế biến.

Theo chân cô về nhà cùng mẻ sá sùng vừa mua được, tôi bắt gặp rất nhiều người đã đợi sẵn ngoài sân chuẩn bị cho công việc chế biến. Sá sùng tươi mang về sẽ được lộn từ trong ra ngoài bằng những thanh sắt nhỏ trong những chậu nước lớn để loại bỏ hết cát bẩn, chỉ còn là tấm thân trắng nõn đầy hấp dẫn. Có rất nhiều trẻ em tranh thủ nghỉ học buổi chiều cũng tham gia vào công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn này. Mỗi đứa trẻ khi đến sẽ mang theo một chiếc rổ để nhận về phần sá sùng mà mình đăng ký nhận để lộn thuê. Sau khi lộn xong 1kg sá sùng, chúng sẽ được chủ nhà trả công 3 nghìn đồng. Nhiều phụ nữ trong làng cũng nhiệt tình tham gia công việc lộn sá sùng thuê, vừa để tranh thủ câu chuyện câu trò vừa để kiếm thêm chút tiền lẻ mua quà vặt cho con.

Sá sùng sau khi lộn sạch, ngâm trong nước sẽ được đưa vào lò sấy để làm khô, đóng gói rồi đem đi xuất khẩu, cứ 10kg sá sùng tươi mới được 1kg khô. Cô Ly cho biết sá sùng khô chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, bán cho các nhà hàng để phục vụ những người sành ăn. Giá 1kg sá sùng khô thường dao động trong khoảng từ 3 - 4 triệu đồng, thậm chí thời kỳ đỉnh điểm khan hàng, giá của nó đã được đẩy lên mức 5 - 6 triệu đồng/kg.    

Đắt thế, người mình mấy ai có tiền để ăn!

Khi được hỏi tại sao hầu hết sá sùng đều được xuất sang Trung Quốc, cô Ly chép miệng: "Sá sùng đắt thế, người Việt mình mấy ai có tiền mà ăn. Với lại dân Trung Quốc vốn dĩ rất sành ăn. Sá sùng lại là món ăn đặc sản nhiều chất bổ, cực kỳ tốt cho đường ruột cho nên họ vô cùng thích thú. Chúng tôi làm không kịp để bán. Có bao nhiêu họ mua bấy nhiêu. Giá cao họ cũng chấp nhận". Sá sùng tươi dùng ăn với lẩu rất ngon nhưng ít khi được sử dụng vì giá đắt đỏ. Sá sùng khô chủ yếu dùng nấu canh hoặc rim vừa bổ, vừa mát, vị ngọt thơm có 1 không 2, là món ăn tuyệt vời cho sức khỏe. Đây quả là món quà tặng vô giá mà biển khơi đã hào phóng ban tặng cho cư dân đảo Vĩnh Thực.

Dương Dung                 

Phá rừng săn 'con cường dương'

Thứ 5, 25/04/2013 | 08:29
Con sâm đất giống như giun, có tác dụng làm tơi xốp đất, giúp cây phát triển nhanh. Sâm đất bị khai thác nhiều đồng nghĩa với việc nhiều cánh rừng trồng lâu năm và tái sinh bị tàn phá.

Đặc sản 'hệt của quý' ở Việt Nam

Thứ 4, 16/01/2013 | 15:11
Có lẽ vì hình dáng đặc biệt của mình mà chúng được coi là một thần dược dành cho các quý ông.

Hành trình giáp mặt loài cá tiến vua (2)

Thứ 4, 27/03/2013 | 11:34
Chúng tôi lên kế hoạch cho việc tìm kiếm cá tiến Vua và chú Sửu cũng cử luôn 3 anh con trai tham gia. Họ cũng rất nhiệt tình mời thêm một số ngư dân thường hay chài lưới trong vùng ủng hộ tìm kiếm loài này.

Cuối cùng tôi đã gặp được cá tiến Vua (kỳ cuối)

Thứ 5, 28/03/2013 | 11:33
Cuối cùng thì tôi đã gặp được cá Anh Vũ. Có thể bạn sẽ thất vọng khi xem hình. Cơ duyên gặp cá Anh Vũ là một kỷ niệm khó quên trong quãng đời làm nghiên cứu đa dạng sinh học của tôi.

Ký sự về hành trình đi tìm loài cá tiến vua (1)

Thứ 4, 27/03/2013 | 11:17
Loài cá này rất ngon và ngon nhất là nấu với lá rau sắng có sẵn trong rừng và chúng thường sống ở các vùng có đá ngầm và nước xoáy.