“Uẩn khúc” từ lá đơn mập mờ nguồn gốc

“Uẩn khúc” từ lá đơn mập mờ nguồn gốc

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Doanh nghiệp “kêu trời” vì quản lý thị trường kiểm tra theo đơn mập mờ nguồn gốc, việc làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến uy tín của công ty

Dựa vào đơn mập mờ, hơn chục cán bộ quản lý thị trường (QLTT) dẫn theo nhiều phóng viên và nhân viên của Hội chống gian lận thương mại và hỗ trợ người tiêu dùng TPHCM (gọi tắt là AFCA) đã bất ngờ kéo đến trụ sở Công ty Hóa Mỹ phẩm Xuân Lan 727 (công ty Xuân Lan 727) để kiểm tra ầm ĩ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của doanh nghiệp.

Xã hội - “Uẩn khúc” từ lá đơn mập mờ nguồn gốc

Ông Ngô Quang Định, giám đốc Công ty Xuân Lan

Theo nội dung lá đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng của đại diện Công ty Xuân Lan 727 thì: sáng ngày 20/6/2012 đoàn kiểm tra của đội QLTT 3A (thuộc chi cục QLTT TP. HCM) đã bất ngờ kéo đến trụ sở công ty để kiểm tra. Sau đó, dù có tới 3 quyết định, thay đổi nội dung kiểm tra trong cùng một ngày nhưng vẫn không thấy vi phạm của công ty. Cuối cùng đội QLTT 3A chuyển sang thu giữ 6 hộp kem săn nở ngực hiệu Angilina, loại 50g/hộp, trên nhãn ghi rõ nhà sản xuất là Công ty hóa mỹ phẩm Xuân Lan 727, đ/c: 369 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.24, Q. BT, TPHCM), Giấy phép của Sở Y tế số: 001646/11/CBMP/HCM. Yá kiến của cơ quan này là Công ty Xuân Lan 727 phải đình chỉ việc sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm kem săn nở ngực hiệu Angilina vì trên sản phẩm có in dòng chữ “Product of U.S.A”.

Về vấn đề trên, ông Ngô Quang Định, giám đốc Công ty Xuân Lan 727 cho biết: Sản phẩm ghi dòng chữ Product of U.S.A nghĩa là sử dụng công nghệ Mỹ (nhập máy móc, hương liệu, bí quyết công nghệ...). Trên thực tế sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 25402, ngày 14-8-1996 và có giấy phép của Sở Y tế TPHCM. Tất cả những thông tin như địa chỉ nhà sản xuất, phân phối hay giấy phép của Sở y tế đều được in rõ ràng bằng tiếng Việt trên vỏ sản phẩm.

Qua tìm hiểu được biết trước đó, Đội QLTT 3A từng là đơn vị xử lý công ty TNHH sản xuất thương mại XNK Thành Đạt và Công ty Bảy Hai Bảy, 727 vì sản xuất hàng nhái, giống sản phẩm của Công ty Xuân Lan 727. Thế nhưng, đang giải quyết nửa chừng, thì ông Lý Ngọc Thắng, đội trưởng đội QLTT 3A cho dừng lại với lý do đang có đơn khiếu nại của đơn vị vi phạm tại cục sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên khi đã có kết luận của cơ quan chức năng về việc hai công ty trên vi phạm sở hữu trí tuệ thương hiệu hàng hóa của công ty Xuân Lan 727 , thì ông Thắng lại ký một lúc ba quyết định kiểm tra, khám xét ngược... Cty Xuân Lan 727.

Về nguyên nhân của 3 quyết định trên, ông Thắng cho biết do nhận được đơn của người dân tố cáo Công ty Xuân Lan 727 nên đơn vị phải lập đoàn kiểm tra. Còn theo người đại diện của AFCA thì đơn vị này nhận được đơn tố cáo Công ty Xuân Lan 727 làm hàng nhái, và đã chuyển đơn sang “cầu cứu” QLTT. Thế nhưng, ngay từ nội dung lá đơn tố cáo của khách hàng có tên Lê Cẩm Tú, (đề đơn là ngụ 225 đường Bùi Hữu Nghĩa, P2, Q.Bình Thạnh) từ AFCA chuyển sang cũng có nhiều điều “bất bình thường” như: khách hàng này chẳng những bỏ tiền ra mua cùng lúc rất nhiều sản phẩm của Công ty Xuân Lan 727 mà còn biết chủ công ty có... nhiều nhà ở các nơi. Còn địa chỉ của người tố cáo thì Công an phường 2, quận Bình Thạnh cho biết đó chỉ là “địa chỉ ảo”. Người đứng đơn tố cáo đã bán nhà đi khỏi địa phương cách đây hai năm, hiện không ai biết bà ở đâu.

Đi sâu tìm hiểu thì được biết bà Nguyễn Thị Minh Hương, luật sư đang bảo vệ cho công ty Bảy Hai Bảy, 727 (là công ty sản xuất hàng nhái, giống sản phẩm của Công ty Xuân Lan 727) lại cũng chính là... ủy viên ban chấp hành của AFCA, đơn vị chuyển đơn cho QLTT.

Trao đổi với PV, bà Khưu Thị Lan, phó giám đốc Công ty Xuân Lan 727 bức xúc cho biết: “Đây có thể là sự “đáp trả” của đối thủ đang cạnh tranh không lành mạnh với Công ty chúng tôi”.

P.Khoa