Vấn đề y đức ở một tỉnh nghèo

Vấn đề y đức ở một tỉnh nghèo

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:50
0
Trong thời gian gần đây, một số cơ sở y tế trên địa bàn Hà Tĩnh đã tỏ ra tắc trách, thiếu y đức lẫn trách nhiệm, gây ra những kết quả hết sức đau lòng cho bệnh nhân đến điều trị.

Tuy nhiên, với thái độ thiếu cầu thị, lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh cũng như các bệnh viện tại đây, lại tìm cách né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Xem bệnh nhân như cỏ rác

Mới đây nhất, ngày 17/5/2012, cháu Trần Ngọc Thạch (SN 2008) là con của vợ chồng anh Trần Văn Hợi và chị Phạm Thị Ca, trú xóm 14, xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) bị tai nạn gãy cẳng chân phải.

Do anh Trần Văn Hợi (bố cháu Thạch) bị bệnh đang điều trị nên chị Phạm Thị Ca đã nhờ người thân chở cháu Thạch đến Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn điều trị. Sau khi chụp X – Quang và làm các thủ tục gây tê, cháu Thạch được tiến hành bó bột điều trị. Người trực tiếp thực hiện điều trị cho cháu Thạch là bác sỹ Trần Xuân Hạnh, trưởng Khoa ngoại của bệnh viện. Sau khi bó bột xong, cháu Thạch được xuất viện, chuyển về gia đình điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên, khi về đến nhà, cháu Thạch hết thuốc tê nên kêu khóc ầm ĩ. Lúc này, chị Ca mới phát hiện ra việc, bác sỹ đã bó bột và điều trị nhầm chân cho con trai mình. Chân phải của cháu bị gãy nhưng bột lại bó ở chân trái. Lúc này, chị Ca chở con ra bệnh viện gặp lại bác sỹ. Bác sỹ Hạnh giải thích, vì do vội vàng chuẩn bị cho một ca mổ sinh nên dẫn đến sơ suất.

Xã hội - Vấn đề y đức ở một tỉnh nghèo

Cháu Trần Ngọc Thạch

Dư luận tại Hà Tĩnh vẫn còn đang rất phẫn nộ về thái độ vô trách nhiệm của các nhân viên y tế thuộc Phòng khám Thạch Khê (Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà). Tất cả cán bộ ở đây vì việc tư đã bỏ trực, dẫn đến cái chết đau lòng của một bệnh nhân. Theo đó, khoảng 16h20 ngày 28/8/2011, chị Nguyễn Thị Thúy (SN 1982) đưa chồng là anh Nguyễn Công Thành (SN 1979) trú tại xóm 5, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà đến Phòng khám Thạch Khê trong tình trạng khó thở để cấp cứu.

Tại đây, chị Thúy chờ mãi nhưng vẫn không thấy một cán bộ, nhân viên y tế nào trực ở đó. Cùng thời điểm đó còn có một phụ nữ sắp sinh lên cơn đau quằn quại, người nhà nháo nhác đi tìm bác sỹ hộ sinh, nhưng phòng khám không bóng người. Trước tình cảnh này, để cứu chồng, chị Thúy buộc phải gọi taxi đưa anh Thành lên Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà. Tuy nhiên, khi xe chạy đường ít phút thì anh Thành đã chết trên đường đi cấp cứu.

Sau khi sự việc đau lòng trên xảy ra, ông Hoàng Thanh Lực, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thạch Hà cho biết: “Đã có báo cáo cụ thể về danh sách trực cũng như xác nhận của một số bệnh nhân đang điều trị tại phòng khám. Để sáng tỏ việc này, tôi có cử cán bộ tổ chức của bệnh viện đến tận nhà nạn nhân để xác minh vụ việc. Cũng rất khó có cơ sở để xử lý kỷ luật nhân viên”.

Hay gần đây là ngày 11/4/2012, anh Nguyễn Viết Nam (SN 1990) đưa vợ tên là Nguyễn Thị Hà Giang (SN 1990) trú tại thôn Nhân Phong, xã Gia Hạnh, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đến Trung tâm Y tế dự phòng huyện Can Lộc để đặt vòng tránh thai. Sau khi được các nhân viên y tế của trung tâm này đặt vòng xong, anh Nam đưa vợ về nhà thì nghe chị Giang kêu đau mạnh ở vùng bụng và có hiện tượng chảy máu nhiều. Quá hoảng hốt trước sự đau đớn của vợ, anh Nam cùng gia đình đã đưa chị Giang trở lại Trung tâm Y tế dự phòng Can Lộc để kiểm tra. Trung tâm này đã cử người đưa bệnh nhân Giang đi chụp phim và siêu âm, kết quả cho thấy, chị Giang bị thủng tử cung, vòng tránh thai xuyên vào ổ bụng. Phía Trung tâm Y tế Dự phòng Can Lộc định cho chị Giang uốc thuốc giảm đau để lấy vòng ra nhưng gia đình không đồng ý.

Ngày 20/4, gia đình anh Nam chở chị Giang ra Bệnh viện Đa khoa Thái An ở TP Vinh (Nghệ An) làm thủ tục nhập viện phẫu thuật để xử lý trước việc thoái thác trách nhiệm của Trung tâm Y tế dự phòng Can Lộc. Chứng kiến sự vô cảm này, anh Nam bức xúc: “Sự vô trách nhiệm của những cán bộ này là không thể chấp nhận được. Chính từ những sai sót về nghiệp vụ, họ đã khiến cho vợ tôi đau đớn, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vậy mà họ có thể vô tâm bỏ mặc bệnh nhân trong lúc nguy cấp như thế”.

Ngày 23/4, phóng viên Báo ĐS&PL làm việc với Trung tâm Y tế dự phòng Can Lộc nhưng ông Phạm Văn Thành, giám đốc trung tâm này từ trả lời vòng vo: “Đến đây là phải có nguyên lý thuộc phạ (ngôn ngữ chuyên môn của ông Thành chúng thôi không hiểu - PV). Chúng tôi thấy mình làm như vậy là đúng với lương tâm và đúng với trách nhiệm. Các đồng chí đến, chúng tôi không biết là ai cả. Mà các đồng chí chí đến đây tôi hỏi có mở máy ghi âm không? Nếu mở máy ghi âm là không được...”.

Bà Nguyễn Thị Hải, giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Tĩnh cho biết: “Tôi đã nghe thông tin và cũng đã gọi điện cho cấp dưới kiểm tra tình hình. Trước khi tiến hành công việc, bộ phận phụ trách phải nói rõ những rủi ro có thể xay ra (dù nó rất thấp) và hướng khắc phục cho người bệnh. Vấn đề ở đây có thể là khi sự việc xảy ra, giữa đôi bên không có sự hài hòa trong khắc phục hậu quả và gây nên những tranh cãi đáng tiếc”. Tuy nhiên đến nay, ê kíp để xảy ra sự cố trên vẫn chưa ai bị xử lý kỷ luật.

Xã hội - Vấn đề y đức ở một tỉnh nghèo (Hình 2).

Chị Nguyễn Thị Hà Giang tại bệnh viện

Đến bệnh viện để chết là chuyện... thường

Từ giữa tháng 6/2011 đến đầu tháng 8/2011 (chưa đầy 2 tháng), tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên đã có 4 nạn nhân tử vong, trong đó có tới 3 trẻ sơ sinh. Ngày 16/6/2011, gia đình ông Nguyễn Hữu Phương trú xóm Hoàng Quý, xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) đưa con dâu là chị Nguyễn Thị Thuận (SN 1981) đến bệnh viện để sinh. Các y, bác sỹ nhận định, thai nhi nặng khoảng 4kg, sản phụ có thể sinh thường, không có điều gì trở ngại. Tuy nhiên, đến 0 giờ ngày 17/6, thì chị Thuận và cháu bé đã tử vong.

Qua xác minh, Sở Y tế Hà Tĩnh khẳng định: “Do kíp trực không tiên lượng được tình trạng bệnh nhân, mẹ con thai phụ tử vong bởi trình độ bác sĩ hạn chế”. Điều đáng nói là, sau những dòng kết luận nghiêm trọng của đoàn thanh tra sở này, Bác sỹ Nguyễn Đình Dương, trưởng khoa Sản chỉ chịu hình thức kỷ luật cảnh cáo và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Liên bị khiển trách.

Cũng có thể vì sự xử lý nhẹ nhàng như vậy mà các y bác sỹ ở đây đã tiếp tục xem thường mạng sống của người bệnh. Đêm 8/8, chị Phan Thị Thúy Xoan, trú tại xã Cẩm Hưng trở dạ, được chồng đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cẩm Xuyên. Tại đây, cũng chính bác sỹ Dương làm thủ tục đưa chị Xoan lên bàn mổ. Sau gần 4 giờ đồng hồ, một cháu gái nặng 3kg ra đời. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, cháu có biểu hiện khó thở, phải hỗ trợ thở bằng bình ô xy đến 8 giờ sáng ngày 9/8/2011. Mặc dù trong thời gian này cháu có nhiều triệu chứng bất thường như tím tái, nhưng không hiểu vì lý do gì lại được các y tá bế đến cho chị Xoan chăm sóc.

Thấy cháu bất thường, anh Nam (chồng chị Xoan) chạy gọi bác sỹ Dương lên khám. Nhưng khi khám xong, ông Dương không nói gì cả mà im lặng bỏ đi. Đến khoảng 6h sáng ngày 10/8, khi thấy cháu bé lịm đi, các bác sỹ mới chịu đến cấp cứu nhưng bất thành.

Trước đó, tối 4/8, anh Nguyễn Trọng Hưng (SN 1987) trú tại xã Cẩm Hưng đưa vợ là chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1986) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, trở dạ nhưng khó sinh. Tại bệnh viện, các bác sỹ chẩn đoán: Tử cung đang mở bình thường, nên để chị Hà đẻ thường. Đến 3h sáng hôm sau, thấy chị Hà vật vã, anh Hưng đề nghị bệnh viện cho chị Hà đẻ mổ nhưng các bác sỹ bắt phải đẻ thường.

Xã hội - Vấn đề y đức ở một tỉnh nghèo (Hình 3).

Khi màu áo trắng và khăn trắng gặp nhau

Khi thấy chị Hà bất lực hét toáng lên: “Đau quá, tôi không thể cho ra được!”. Lúc này, các bác sỹ mới tiêm thuốc thối thai cho bệnh nhân. Và sau 4 giờ đồng hồ, chuyện đau lòng đã xảy ra. Chị Hà sinh ra một cháu bé trong tình trạng không cử động, người tím đen và tắt thở ngay sau đó.

Ngành y tế Hà Tĩnh đang thật sự có vấn đề từ y đức lẫn chuyên môn. Giải thích về trường hợp bệnh nhân đi mổ xoang dẫn tới tử vong trên bàn mổ, ông Nguyễn Tuấn, phó giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, giám đốc bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh trả lời bâng quơ: “Những cái gọi là bất thường thì báo cáo với sở, sở biết rồi. Thực ra bệnh viện không có lỗi gì cả..”.

Còn bà Phan Thị Ninh, giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh trong một lần hiếm hoi trả lời báo chí lại lập luận khi nói về sai phạm của thuộc cấp: “Không phải trường hợp nào cũng xử lý, nếu ai cũng xử lý, không chóng thì chày, anh em bỏ việc hết”(?!). Dư luận Hà Tĩnh biết rất rõ là bà Ninh đang được bảo vệ bởi một thế lực. Nhưng đau lòng thay, việc bảo vệ nữ cán bộ này nó lại đồng nghĩa với việc, tiếp tay để giết chết bệnh nhân khi đến bệnh viện.

Xuân Hồng