Văn Hiệp - một cuộc đời cô quạnh

Văn Hiệp - một cuộc đời cô quạnh

Thứ 3, 09/04/2013 | 14:35
0
Sống cảnh "gà trống nuôi con" hơn 20 năm, Văn Hiệp lấy niềm vui từ những vai diễn để bù lấp những khoảng trống cô đơn của đời thực.
"Bác trưởng thôn" nghệ sĩ
 
Văn Hiệp khởi nghiệp với ngành sân khấu. Chàng thanh niên Văn Hiệp "đánh liều" thi vào trường Sân Khấu - Điện Ảnh khi đang học lớp 10. Văn Hiệp từng kể trong một bài phỏng vấn: "Lúc đó, nhà tôi đông anh em (9 người) nên tôi thiết nghĩ, học trong trường Sân khấu có học bổng cao sẽ đỡ đần được cho bố mẹ. Thế là tôi đi thi mặc dù tiêu chuẩn chiều cao bị thiếu mất 1cm, mắt thì "híp tịt" nhưng "gỡ" được là nhờ năng khiếu tốt".
 
Văn Hiệp tự nhận ngoại hình không phải là thế mạnh của mình nhưng ông quyết tâm bù lại bằng diễn xuất. Nói vậy nhưng hạn chế của vẻ ngoài cũng khiến nghệ sĩ này gặp không ít thua thiệt. "Đến khi ra trường, về Nhà hát Kịch Trung ương, tôi mới nhận thức ra sự thua thiệt của mình. Những vai như Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thủ Độ không bao giờ đến lượt Văn Hiệp. Nhưng tôi không buồn vì nhận ra hạn chế hình thức đôi khi lại là thuận lợi cho nghề nghiệp, trong khi những người đẹp đẽ lại bị vẻ ngoài đó hạn chế sự phát triển tư duy sáng tạo nghệ thuật" - Văn Hiệp từng trả lời báo chí.
 
Nhân vật - Văn Hiệp - một cuộc đời cô quạnh
 
Những ai sống cùng thời với Văn Hiệp đều biết đến ông với những vai nghiêm túc đã từng để lại dấu ấn một thời trên sân khấu kịch của Nhà hát Kịch Việt Nam, trong đó vai diễn để lại dấu ấn nhiều nhất chính là vai Ốc láu cá, thông minh nhưng cũng vô cùng duyên dáng trong vở "Nghêu, Sò, Ốc, Hến". 
 
Sau đó, Văn Hiệp chuyển sang lãnh địa truyền hình. Nhiều năm hoạt động nghệ thuật, người ta nhớ đến Văn Hiệp chủ yếu bởi những vai phụ, mà nhiều nhất là vai... trưởng thôn.
 
Nhắc đến nghệ sĩ Văn Hiệp là khán giả nhớ ngay đến một "bác trưởng thôn" chân chất, dân dã, với áo dân phòng, đeo băng đỏ và sẵn sàng... tuýt còi những vụ cãi lộn trong khu phố.
 
Văn Hiệp từng tâm sự, những vai diễn "trưởng thôn" gắn liền với ông sâu sắc đến nỗi, khi bắt gặp Văn Hiệp ở ngoài đường hay ở một quán cóc nào đó, nhiều người thốt lên: "Ôi ông trưởng thôn!". Khán giả đôi khi quên hẳn cả tên ông là Văn Hiệp.
 
Nhân vật - Văn Hiệp - một cuộc đời cô quạnh (Hình 2).

Niềm vui của Văn Hiệp chính là mỗi lần đi diễn và gặp gỡ những "fan" như thế, mỗi lần gặp là một lần Văn Hiệp "mang về" những kỷ niệm khó quên: kỷ niệm về một nha sĩ nhổ răng cho ông rồi khi ra về còn tặng ông túi nilong đựng card visit và... chính cái răng ông vừa nhổ; kỷ niệm về những phạm nhân trong trại tù tặng ông chiếc điều cày "đặc chế" cho riêng Văn Hiệp - là vật bất ly thân trong những lần ông đi diễn xa nhà; kỷ niệm về một chàng trai không quen biết ở Hải Phòng khi nhận ra Văn Hiệp ở quán ven đường đã nằng nặc đòi thưởng thức thuốc lào bằng chính cái điếu cày độc đáo của ông "trưởng thôn" nghệ sĩ...
 
Vai diễn trưởng thôn của Văn Hiệp còn bước ra với đời thực đến nỗi trong một lần đi diễn, chứng kiến cảnh một đám thanh niên cãi cọ bên đường, Văn Hiệp chạy tới... tuýt còi thì ngay lập tức đám thanh niên bèn dàn hòa vì sợ "uy" của bác "trưởng thôn".
 
Chuyên trị những vai quê mùa, chân chất trên màn ảnh nhưng "ông trưởng thôn" Văn Hiệp thực chất lại là người Hà Nội gốc. Ông tâm sự: "Mặt tôi nhàu nhĩ, đau khổ nhiều nếp nhăn, theo logic, người ta sẽ phân cho mình những vai nhà quê, nghèo khổ. Thế cũng chẳng sao, phố thị nào chẳng mọc từ nông thôn, anh thành phố nào chẳng có gốc gác nông dân?". Và thế là Văn Hiệp lại tiếp tục vui vầy với những vai diễn trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, cựu chiến binh, góa vợ, về hưu... chẳng mất nhiều công sức hóa trang mà "mình vẫn cứ được là mình".
 
Một cuộc đời cô quạnh
 
Văn Hiệp vui với đời nghệ sĩ, dốc hết tâm sức cho nghiệp diễn, có lẽ một phần cũng để quên đi những cô đơn, tủi cực trong cuộc sống thực tại. "Bác trưởng thôn" Văn Hiệp lúc nào cũng nói cười giả lả là thế, nhưng là đàn ông không vợ trong hơn 20 năm ròng. Cuộc sống khốn khó của những năm tháng cũ đã đưa đẩy cuộc đời vợ chồng nghệ sĩ Văn Hiệp. Vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức rồi không trở về nữa. Nhiều người thương ông sống cuộc đời cô quạnh cũng giới thiệu, mai mối nhưng Văn Hiệp bảo: "Bỏ vợ thì cũng được thôi nhưng bỏ để làm gì?".
 
Thậm chính bố vợ ông cũng có lần khuyên ông đi lấy vợ mới nhưng Văn Hiệp vẫn quyết tâm ở vậy, lấy niềm vui từ những vai diễn để đắp đổi qua ngày. 
 
Nhân vật - Văn Hiệp - một cuộc đời cô quạnh (Hình 3).
 
Bản thân Văn Hiệp vẫn tin rằng vợ mình còn "chưa có ai": "Có những người đi nước ngoài thay đổi tình cảm, bỏ chồng vợ ở nhà nhưng tôi thì chắc chắn bà xã mình không có ai. Nhiều người sau lưng hay cười tôi vì chuyện đó. Mà nếu bà ấy có ai khác thật, tôi cũng không nghĩ đó là sự phản bội. Đàn bà một mình vất vả, nếu có đàn ông giúp đỡ mà nảy sinh tình cảm cũng không phải chuyện đáng chê trách. Mình có giữ cũng vô ích".
 
Cô quạnh trong cuộc sống hôn nhân, đến đường con cái, Văn Hiệp cũng không được đời cho hưởng sự thanh thản. Ông tâm sự, con trai ông "phá phách quá nên tống sang ở với mẹ", còn lại Văn Hiệp thân già ở với con gái gửi rể. "Mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau, hơn hoặc kém. Quan trọng là phải biết chấp nhận. Buồn cũng chẳng được. Vui cũng chẳng hơn. Đến cái tuổi này rồi, còn nghĩ ngợi gì. Có những lúc vui ngoài mặt nhưng héo trong lòng. Đó là sự bình thường" - Văn Hiệp tâm sự.
 
Người ta bảo "trẻ cậy cha già cậy con", nhưng Văn Hiệp lại chia sẻ ông không trông mong gì, cuộc sống của ông cứ "đầy đủ trong... thiếu thốn". 20 năm một mình nuôi con, nhưng với Văn Hiệp, đó là những năm tháng đã qua rồi. Ông không nhận mình là người vị tha, chỉ nhận mình cư xử đàng hoàng, sống đúng, sống thật.
Theo Afamily
 

Đời diễn viên sóng gió của NSƯT Hồ Kiểng

Thứ 5, 04/04/2013 | 15:15
Trong quãng đời đi diễn, ông đã 3 lần suýt tử vì tai nạn nghề nghiệp.

Những vai diễn in đậm dấu ấn NSƯT Hồ Kiểng

Thứ 6, 05/04/2013 | 09:11
Trọn đời đóng vai phụ trên màn ảnh nhưng các nhân vật của lão nghệ sĩ luôn để lại trong lòng người xem ấn tượng khó phai.

'Bóng hồng' trong ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thứ 6, 22/03/2013 | 14:02
Trong số lượng sáng tác khổng lồ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hai ca khúc mà dư luận cho rằng chàng nhạc sĩ họ Trịnh viết để gửi gấm tâm sự mình đến với ca sĩ Thanh Thúy từ năm cô 16 tuổi, lúc mới bắt đầu đi hát. Đó là hai ca khúc đầu tay "Ướt mi" và "Thương một người".