Văn hóa còi xe ở Sài Gòn

Văn hóa còi xe ở Sài Gòn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Đôi khi đi chậm hơn nhau nửa bánh xe người ta cũng bấm còi inh ỏi.

Sài Gòn là một thành phố năng động, hiện đại, một “vùng đất hứa” của nhiều người. Sài Gòn được miêu tả như thành phố với 9 triệu dân và hơn 5 triệu xe các loại. Nó đã và đang trở nên quá tải. Đất chật, người đông xe lắm, đường xá không kịp mở rộng theo xu hướng phát triển. Cảnh kẹt xe, tắc đường diễn ra như cơm bữa và đã trở thành đặc trưng riêng của Sài Gòn.

Xã hội - Văn hóa còi xe ở Sài Gòn

Nhiều người Sài Gòn bóp còi mọi lúc mọi nơi

Đi kèm với cảnh kẹt xe là những tiếng còi réo inh ỏi. Chẳng hiểu sao một dòng người chen nhau nhích từng tí một, làm cách nào cũng không đi nhanh hơn được, thế mà người đi sau vẫn cứ bấm còi thúc giục người đi trước. Cứ thế, xen lẫn trong tiếng máy nổ là những tiếng còi vang lên ầm ĩ. Thậm chí tiếng còi còn át đi cả tiếng máy. Cảnh tắc đường vì đó càng trở nên gay gắt, bức bối hơn. Người tham gia giao thông vốn đã bực bội bởi cảnh tắc đường, ùn xe nay càng căng thẳng hơn khi bị người đằng sau bấm còi thúc giục. Dẫu rằng vậy… người ta vẫn thích bấm còi.

Không chỉ trên những con phố đông đúc người và phương tiện qua lại, ra tới đoạn đường vắng người ta vẫn giữ thói quen bấm còi. Nhiều thanh niên có tính quậy phá còn lắp cả còi hơi, còi ô tô vào xe mô tô. Họ cứ thế lao đi vun vút vừa rú ga vừa tuýt còi rộ lên làm cho người đi đường bị phen nhức tai. Về khuya, các khu phố Sài Gòn tĩnh lặng trở lại, người ta bắt đầu chợp mắt ngủ sau một ngày lao động mệt mỏi thì chợt những âm thanh nhói tai ấy lại vang lên làm mọi người tỉnh giấc.

Còn nhớ đã không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra chỉ vì người tham gia giao thông bị giật mình vì tiếng còi xe quá lớn. Năm 2010 tại TP. HCM người mẹ trở đang con gái hai tuổi đi trên đường thì bị giật mình bởi tiếng còi xe tải. Bà phanh gấp khiến cháu bé té xuống đất bị xe tải cán qua. Sự việc này đến nay vẫn còn khiến cho nhiều người phải bàng hoàng, xót xa.

Nhớ về Sài Gòn những năm về trước đường không rộng, người không đông, phương tiện giao thông của người Sài Gòn khi ấy chỉ là những chiếc xe ngựa và xích lô. Đi trên đường Sài Gòn người ta chỉ nghe thấy tiếng lộc cộc của bước chân ngựa và tiếng thở đều đều của những anh kéo xích lô qua các ngả đường. Mãi đến những năm sau này, khi Mỹ chiếm Sài Gòn, người Việt Nam mới thi thoảng nghe thấy tiếng còi phát ra từ những chiếc xe mà lính Ngụy dùng để bắt bớ dân chúng biểu tình. Và tiếng còi lúc đó dường như trở thành nỗi ám ánh của nhiều người dân Sài Gòn lúc bấy giờ.

Giờ đây người ta ám ảnh còi xe theo cách khác. Chỉ cần hơn nhau vài vòng bánh xe nhiều người Sài Gòn cũng thấy mãn nguyện lắm rồi. Cứ nhích xe lên được vài bước người ta lại nhấn còi mà không biết có hiệu quả hay không. Bấm còi và nghe tiếng còi dần dần trở thành thói quen của không ít người. Đến mức chẳng cần quan tâm có nên còi ở thời điểm đó hay không? Nhằm giảm tiếng còi Luật giao thông đường bộ đã quy định cấm bóp còi xe từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau nhưng dường như không mấy ai quan tâm. Tiếng còi xe nhặng xị bất cứ giờ nào, bất kể đó là khu vực gần bệnh viện hay trường học… Người lái xe nhấn còi theo phản xạ, theo ý thích của mình. Việc sử dụng còi xe hợp lý cũng là một nét văn hóa, là ý thức của mỗi cá nhân.

Quyên Triệu