"Vàng tặc" ngang nhiên tấn công trường học

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
0
Khai thác vàng ngay cạnh trường tiểu học, những cái hố, cái ao thu nhỏ đã trở thành cái bẫy đối với học sinh.

Thời gian gần đây, học sinh và tập thể thầy cô giáo của điểm trường tiểu học thôn Nà Nôm (thuộc trường Tiểu học xã Đường Âm, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang) liên tục giật mình tiếng ồn do "công trường" khai tác "vàng tặc" kế bên. Những cái hố, cái ao thu nhỏ đang trở thành những cái bẫy chết đối với học sinh tiểu học. Nguy hại hơn, cạnh các điểm đào vàng này đang xuất hiện các vết rạn, nứt và có nguy cơ sạt lở đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng học sinh.

Xã hội - 'Vàng tặc' ngang nhiên tấn công trường học

Một nhóm người đang xúc đất đãi vàng phía sau trường học

Những cái bẫy chết người

Có mặt tại khu vực thôn Nà Nôm (thôn nằm xen kẽ giữa những quả đồi) chúng tôi không khỏi giật mình bởi cảnh "khai thác vàng thủ công" diễn ra ồ ạt nơi đây. Từng chiếc hố sâu vài chục mét san sát nhau không được hoàn thổ đã tạo nên mối nguy hiểm cho bất kì ai đi qua. Điều kì lạ ở chỗ, từ những chỗ sát khu vực chân đồi hay cao hơn là lưng chừng đồi, thậm chí là đỉnh đồi cũng đều được những người dân tiến hành khai thác, đãi đất tìm vàng một cách vô tội vạ. Từng mảnh đất đá được người khai thác sàng lọc, vứt bỏ từ trên cao xuống dưới đe dọa bất kì ai đi lại ở khu vực này.

Chị Phạm Thị H (một người dân thôn mà Nôm) cho biết: "Tình trạng khai thác vàng ở đây diễn ra sôi động. Những đội "vàng tặc" ngang nhiên khoanh vùng, dựng lán, đào hang tìm vàng ngay sát điểm trường tiểu học Nà Nôm. Sự xuất hiện của "vàng tặc" khiến tập thể giáo viên và học sinh tại đây luôn ở trong tâm trạng hoang mang, sợ hãi".

Để được mục sở thị cảnh khai thác "vàng tặc" nơi đây, chúng tôi tiến lại gần một lán vàng trước mặt. Mặc dù thấy người lạ nhưng một nhóm người đang tay đào, tay múc đất dường như không quan tâm. Họ không quan tâm, người lạ đến làm gì. Tôi hỏi bâng quơ, chắc khai thác được nhiều vàng lắm? Khai thác như vậy, lẽ chính quyền không biết sao? Thấy vậy, một người trong nhóm bỗng ngẩng đầu lên nhấn mạnh: "Khi nào cán bộ, chính quyền xã xuống thì đi chỗ khác. Lúc họ đi lại làm tiếp. Đây là "làm vàng thủ công", đồ nghề đơn giản nên "dễ chạy" lắm. Mà cả thôn "làm vàng", chính quyềnå cấm làm sao hết?!"

Theo quan sát của chúng tôi, điểm đào vàng đầu tiên của nhóm người này có 2 hầm, mỗi hầm sâu đến 40 - 50 mét. Đất lấy từ dưới hầm lên được tập kết thành từng bao tải ngay trên cửa hầm, sau đó dùng xe rùa chở xuống khe nước ngay dưới chân đồi để đãi lấy vàng. Từ đây đến khu trường tiểu học Nà Nôm chưa đầy 50 mét. Cũng theo những người khai thác vàng trộm cho biết, họ có đào đất tìm vàng ngay cạnh điểm trường tiểu học Nà Nôm. Tuy nhiên, do bị các thầy cô giáo nói nhiều quá nên đành chuyển tới đây khai thác tiếp. Đề cập tới việc các hố đào bới như vậy không được hoàn nguyên sẽ rất nguy hiểm cho học sinh, nhiều người khác thác vàng trộm còn tỏ ra bất cần bằng câu trả lời: "Lo gì, mọi việc đâu lại vào đó. Sau vài trận mưa to, đất đá sạt lở là bồi đắp được hết những cái hố ấy mà?!".

Xã hội - 'Vàng tặc' ngang nhiên tấn công trường học (Hình 2).

Một lớp học của điểm trường tiểu học Nà Nôm

Vừa học vừa... run

Trao đổi với PV Người đưa tin, thầy giáo Nông Văn Mọc, trường Tiểu học Đường Âm, điểm trường thôn Nà Nôm khẳng định: "Mỗi khi xuất hiện các nhóm đào vàng thì cả thầy và trò đều rất sợ, học và dạy đều mất tập trung." Là những giáo viên "cắm bản", hơn ai hết, thầy Mọc và những giáo viên hiểu rõ giá trị của cái chữ nơi vùng đất xa xôi, hẻo lánh này. Điểm trường tiểu học Nà Nôm hiện có 6 lớp, trong đó có cả lớp mầm non.

Vừa nói, cô giáo Hoàng Thị Linh vừa chỉ ra khu đồi phía sau trường học nói: "Từ ngày mấy người đào vàng đến đây, việc dạy và học của trường bị đảo lộn. Họ đào bới khắp nơi, rồi tiếng máy bơm nước, tiếng cãi nhau om sòm làm chúng tôi không thể tập trung được". Cô giáo Bồn Thị Sáu gay gắt: "Chúng tôi đã nhắc bao nhiêu lần nhưng họ vẫn cứ làm. Mà họ cũng là người trong thôn, nên chẳng thể nói nặng được. Chỉ cần đi ra phía sau điểm trường, với khoảng diện tích chưa đầy 500m2 nhưng có gần chục hố đào vàng. Mặc dù đường kính của mỗi hố vàng chỉ bằng chiếc mâm ăn cơm nhưng sâu hun hút. Thậm chí, một số hố vẫn còn cạn nước, chảo đãi vàng bày bừa ngổn ngang. Nhiều cây gỗ lớn cũng bị các vàng tặc đốn xuống để mở đường phục vụ công tác khai thác vàng vương vãi khắp nơi. Các anh thấy đấy, những hố này sâu đến vài chục mét, nếu không may có em học sinh nào ra đây chơi bị rơi xuống hố thì không biết sẽ như thế nào. Nếu học sinh ngã vào những cái hố đó, có kêu cứu cũng chưa chắc có ai nghe thấy. Đó còn chưa kể trường hợp miệng hang bị sụt, sạt lở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác giảng dạy cũng như học tập của các em học sinh. Ấy vậy mà những người khai thác vàng trộm vẫn vô tư nhưng không có gì xảy ra?".

Đứng trước tình trạng trên và để bảo vệ an toàn cho các học sinh của trường, các thầy cô đã phải chặt cây làm hàng rào chắn ngang lối vào bãi vàng. Tuy nhiên, do bãi đào vàng nằm ngay cạnh trường học, chỉ cách chừng mươi bước chân, quanh khu vực có rất nhiều lối vào nên biện pháp này chỉ mang tính tạm thời.

Chúng tôi sẽ kiểm tra để đảm bảo tính mạng cho các em học sinh

Ông Lưu Bá Cường, Chủ tịch UBND xã Đường Âm khẳng định: "Chủ trương của xã là không cho phép khai thác vàng trên địa bàn. Thế nhưng nạn vàng thổ phỉ vẫn tồn tại ở địa phương đã nhiều năm và khu vực ở điểm trường tiểu học thôn Nà Nôm chỉ là một trong số những nơi đang bị "vàng tặc" cày xới. Xã đã nhiều lần cử cán bộ vào kiểm tra, xử lý, thậm chí là thu hồi các phương tiện dùng để khai thác vàng nhưng cũng không giải quyết triệt để được. Sở dĩ như vậy, bởi đa số người khai thác vàng trộm đều là người địa phương nên họ rất thông thuộc địa hình. Hễ thấy cán bộ xã là họ "rút", cán bộ đi, họ lại tiếp tục khai thác trộm. Riêng đối với những cái hố đào vàng xung quanh trường tiểu học Nà Nôm chúng tôi sẽ cho người vào kiểm tra và xử lý nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho các em học sinh".

Hoàng Văn