Vật lạ bỗng chốc thành “thần”

Vật lạ bỗng chốc thành “thần”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:48
0
Những con vật hễ mang hình thức lạ, không chỉ riêng gì rắn mà cua có mặt người, ba ba có hình cụ già cũng khiến người dân tò mò, tôn thành "thần" để thờ cúng.

Trao đổi với PV Người đưa tin xung quanh những câu chuyện khó tin về loài rắn lạ ở đền Cấm (xã Tràng Đà, TP.Tuyên Quang), GS Lê Quý Đức, viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển nêu quan điểm: "Tỉnh Tuyên Quang là địa phương mà điều kiện kinh tế- xã hội và trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn thấp.

Theo đó, những con vật hễ mang hình thức lạ, không chỉ riêng gì rắn mà con cua có mặt người, ba ba có hình cụ già cũng khiến người dân tò mò. Chẳng ai bảo ai, người dân bỗng chốc tôn những con vật là đó thành thần, thành ông, thậm chí là cụ.

Đây là một tâm thức chung, từ trong truyền thống thờ phật tổ, thờ các linh vật. Ngoài ra, việc thấy con vật lạ là thêu dệt quanh đó những câu chuyện kỳ bí cũng mang đậm tâm thế thời đại của con người trong xã hội. Họ hoang mang, tin vào những điều quái dị, mang hơi hướng của sự duy tâm".

Xã hội - Vật lạ bỗng chốc thành “thần”

Lê Quý Đức, viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển cho rằng cần tỉnh táo trước những lời đồn thổi mê tín

TS Quý Đức cũng cho rằng, nhìn về chiều sâu tâm linh, người miền núi có truyền thống thờ những vật tổ và đề cao những con vật trên núi như rắn, chó sói, chó đá, miền biển người dân có tục thờ cá ông. Điều này cũng một phần do văn hóa vùng, miền. Tâm thức dân gian kết hợp với niềm tin bị hụt hẫng nên người ta hay tin vào những chuyện lạ, vật lạ. Không chỉ riêng gì Tuyên Quang, tại rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước, hễ nơi đâu xuất hiện cây lạ, con vật lạ, chim lạ, hoa, quả lạ... là người ta hay vịn vào yếu tố thần linh. Để hóa giải vấn đề này, khuyên người ta không tin cũng không được. Cái chính là không nên tuyên truyền cho hiện tượng này, tránh những thêu dệt không đúng sự thật.

"Tôi được biết, khu vực núi Cấm ở xã Tràng Đà (TP.Tuyên Quang) là vùng linh thiêng, nhiều người dân lên núi phá để lấy đá trắng có mầu. Tuy nhiên, tất cả những người tham gia phá đá đó đều chết bất đắc kỳ từ ngay sau đó. Có thể do một sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, tuy nhiên, những cái chết này đã bị lợi dụng tuyên truyền những câu chuyện mê tín dị đoan thuộc về tâm thức dân gian. Đã đến lúc, nên giải thích cho người dân hiểu hiện tượng lạ, con vật lạ và những phong tục thờ vật tổ có từ xa xưa, chúng hoàn toàn không phải vật linh thiêng mà tôn thành thần này, thần nọ", TS. Lê Quý Đức nhấn mạnh.

Theo TS. Lê Quý Đức, thật khó tin khi cả làng lại truyền tai nhau những câu chuyện đồn thổi mang màu sắc liêu trai, tất cả đều không hề có căn cứ khoa học. Chính phía lãnh đạo các địa phương phải tuyên truyền cho người dân hiểu rõ vấn đề, tránh những tín ngưỡng mù quáng như vậy.

Xã hội - Vật lạ bỗng chốc thành “thần” (Hình 2).

GS. TS Mai Đình Yên khẳng định những đặc điểm trên là đặc tính của loài rắn đỏ chứ không phải thần linh nào

Đứng ở góc độ khác, GS. TS Mai Đình Yên, chuyên gia đầu nghành về động vật hoc của Việt Nam phân tích, rắn xuất hiện nhiều nhất ở miền núi, đồng bằng thì ít hơn. Người dân chú ý nhiều đến rắn cũng bởi do phong tục, tín ngưỡng xưa. Từng xuất hiện rất nhiều trường hợp những con rắn lạ, độc, rắn thuộc hàng cụ của các loài rắn bất thình lình xuất hiện trong nhà người dân mà lại ngự ngay trên chốn linh thiêng là ban thờ. Có khi, rắn tìm đến án ngữ trong bếp hay trên chính giường ngủ của người dân. Cũng có khi, rắn xuất hiện vào đúng ngày rằm, mùng một hay đám tang của một gia đình nào đó. Đây hoàn toàn là hiện tượng bình thường nhưng do tâm lý của người dân nên họ thường hoang mang, cho là có điềm báo quái gở.

"Chưa nói đến các đặc tính khoa học của các loài rắn, các trường hợp rắn lạ ngự trên ban thờ, vào bếp, lên giường ngủ... chính là bản năng tìm thức ăn của loài rắn. Ngày xưa, ban thờ thường chứa nhiều đồ ăn, được đặt trên một chiếc hòm gỗ, dưới là nơi chứa thóc, gạo. Theo đó, bếp cũng chứa lương thực. Cả hai nơi này đều là nơi chuột hay lui tới. Vì thế, rắn vào nhà để kiếm thức ăn và bắt chuột chứ chẳng phải sự linh hiển của thần linh nào", GS. Mai Đình Yên khẳng định.

Yến Dương