Về đâu những người tâm thần bị chối bỏ?

Về đâu những người tâm thần bị chối bỏ?

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
0
Xã hội đã thực sự quan tâm đến những góc khuất sau thân phận những người tâm thần, hay người thân của họ? Việc điều trị cho người tâm thần thực hiện ra sao?... Hàng loạt câu hỏi đặt ra và câu trả lời, đáng buồn, vẫn chỉ là những cái lắc đầu ngao ngán...

Giấu bệnh với bác sỹ, chữa bệnh với... thầy bói

Qua tìm hiểu thực tế, nhiều người thân của người bị bệnh, cảm thấy dễ chịu hơn với tên gọi bị suy sụp thần kinh hơn là một người mắc bệnh tâm thần. Chính vì suy nghĩ như vậy, nên nhiều người bị bệnh đã giấu bệnh, hoặc tự đi chữa trị một mình. Thậm chí chỉ chữa bệnh với... thầy bói, khiến bệnh ngày càng trầm trọng. Đây được xem là một phần nguyên nhân của việc người tâm thần gây án vì không được chăm sóc, quản lý.

Xã hội - Về đâu những người tâm thần bị chối bỏ?

Khoa cấp cứu tâm thần

Chị Nguyễn Quỳnh N, ở Nam Định có con mắc bệnh tâm thần đang điều trị tại khoa Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội là một ví dụ. Tôi gặp chị N vào buổi sáng tại khu điều trị trầm cảm, khoa tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, nơi chị N đang điều trị cho cậu con trai cả là Trần Trọng T, 25 tuổi. Qua trò chuyện với phóng viên, chị N thổ lộ: "Cháu T vốn là sinh viên giỏi vừa tốt nghiệp Khoa công nghệ thông tin của một trường cao đẳng tại Hà Nội và đi làm. Làm được 1 năm cháu kêu với cha mẹ là con bị mất ngủ thường xuyên. Thấy vậy tôi đi cắt thuốc nam cho cháu uống, nhưng bệnh của cháu ngày càng trầm trọng. Tôi phải xin phép lãnh đạo công ty cho cháu nghỉ vì lý do sức khỏe.

Nhiều khi thấy cháu có biểu hiện khác thường như: Độc thoại một mình, ngồi một chỗ, không nói chuyện với bất cứ ai trong gia đình. Gia đình tôi bối rối trước bệnh tình của cháu, vợ chồng tôi đưa cháu đi khám bệnh tại tuyến tỉnh trong một thời gian khá dài, nhưng bệnh tình chẳng thuyên giảm chút nào. Từ khi cháu bị bệnh, rất nhiều bà con hàng xóm sang thăm hỏi gia đình tôi, họ tò mò là chính, chia sẻ chỉ có một phần. Tôi thấy buồn và lo lắng về bệnh tình của con, một mặt lo hàng xóm bàn tán xôn xao về tình trạng sức khỏe của con tôi. Có những lời bàn tán thật ác ý, nào là mẹ nó ăn ở chẳng ra sao nên có thằng con trai thông minh tự dưng tâm thần, hay mồ mả có vấn đề, nào là học nhiều quá nên hóa điên... Thật chua xót, nhưng biết làm sao?!".

Theo một số nhà chuyên môn, bệnh tâm thần thường không gây chết đột ngột, nhưng làm giảm sút khả năng lao động, học tập, làm đảo lộn sinh hoạt, gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình, nguy hiểm cho người xung quanh. Trong trường hợp bệnh nhân trong trạng thái cuồng sảng (kích động, la hét) nếu không được chữa trị kịp thời gây tổn hại về kinh tế cho gia đình và gánh nặng của toàn xã hội.

Theo bác sĩ Bùi Quang Trung - giám đốc viện Tâm thần kinh Hưng Yên cho biết: "Bệnh tâm thần thuộc nhóm bệnh xã hội, trước kia Nhà nước bao cấp hoàn toàn. Hiện nay do đời sống phát triển, áp lực công việc, căng thẳng... nên ngày càng nhiều dạng bệnh lý về tâm thần”. Theo các nhà khoa học hiện nay có khoảng hơn 300 mã bệnh về tâm thần như: Mất ngủ, stress, lo âu, trầm uất... Có rất nhiều dạng tâm thần, nhưng có hai loại là tâm thần phân liệt và động kinh. Hai loại bệnh này hiện được Nhà nước bao cấp chữa trị hoàn toàn, còn những dạng tâm thần khác vẫn phải đóng phí chữa trị như các loại bệnh lý khác.

Nếu bệnh nhân có bảo hiểm được thanh toán theo đúng quy định. Để chữa trị kịp thời và giảm thiểu những hệ lụy do bệnh tâm thần gây nên, trước tiên đòi hỏi phải có sự quan tâm về mặt vật chất, tinh thần từ phía gia đình người bệnh.

Một thực tế đáng buồn là khi có biểu hiện về bệnh lý tâm thần, việc làm đầu tiên của các gia đình thường là đưa người bệnh đi... cúng bái trước khi mang tới bệnh viện. Hoặc giấu giếm không muốn ai biết người thân của mình mắc căn bệnh này. Vì thế, khi tới viện điều trị, bệnh nhân đã trong tình trạng rất nặng. Điều đó gây thêm khó khăn cho công tác điều trị đối với bệnh nhân tâm thần.

Xã hội - Về đâu những người tâm thần bị chối bỏ? (Hình 2).

Ông Nguyễn Kim Việt, PGS - TS - viện trưởng Viện Tâm thần

Gia đình khó khăn, người bệnh mất... đường về

Mỗi người bệnh, mỗi hoàn cảnh khác nhau. Qua tìm hiểu của PV, có không ít bệnh nhân một mình đi tới viện khám bệnh, bên cạnh không người thân thích. Tại khoa tâm thần Bệnh viện Bạch Mai tôi gặp Hùng là một bệnh nhân như vậy. Qua tiếp xúc, tìm hiểu tôi biết Hùng trạc 20 - 21 tuổi, khuôn mặt thư sinh trắng trẻo, nét mặt đần dại với đôi mắt lờ đờ khi nhìn những vật thể xung quanh, dáng đi chậm chạp, hai tay cứng đờ, cử động rất khó khăn. Hùng cầm hai tờ giấy, đi như dò từng bước tiến đến hỏi nhân viên phòng khám mua loại thuốc mà Hùng đang điều trị, nhưng vì không cầm hóa đơn lần trước, nên bác sĩ không cấp thuốc cho Hùng.

Quay ra tôi bước theo Hùng trò chuyện, hỏi thăm, Hùng đáp cụt lủn: "Đi khám bệnh mất ngủ, tàu hỏa nó chạy trong đầu, nên đau đầu lắm. Em chỉ bị đau đầu thôi, nhưng người ta cứ bảo em bị điên". Một thực tế cũng không mấy người biết, là người điên không bao giờ cho rằng mình bị điên!.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Long - Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết: "Điều trị bệnh nhân tâm thần phải mất một thời gian dài, có thể hàng tháng, hàng năm, thậm chí nhiều năm hoặc suốt đời. Chính vì lý do đó nên thực tế hiện nay, một số gia đình có người thân bị tâm thần, sau khi đưa đi khắp nơi khám chữa, tiền hết mà bệnh vẫn chưa khỏi nên họ sinh ra chán nản, không quan tâm. Thậm chí rất nhiều gia đình đưa bệnh nhân đến viện rồi... trốn luôn. Người tâm thần theo đó cũng mất... đường về. Trong khi, đa phần những người tâm thần đều rơi vào hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn.

Việc chăm sóc đối với người tâm thần, ngoài tình yêu thương, điều quan trọng là nên trò chuyện cởi mở về bệnh tâm thần, chỉ có như vậy sẽ giảm bớt được sự mặc cảm, giúp cho người bệnh sớm tìm cách chữa trị. Trường hợp những dạng bệnh nhân đi lang thang là những bệnh nhân bị bệnh thời gian dài, trạng thái tâm thần sa sút do không được dùng thuốc đều đặn và không được gia đình quan tâm giúp đỡ. Những bệnh nhân này không chỉ là mối nguy hiểm cho người thân mà cho cả những người xung quanh.

Vậy khi người tâm thần gây án mạng, ai chịu trách nhiệm? Thực tế về lỗ hổng pháp lý liên quan đến vấn đề này, đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý Nhà nước lẫn việc xây dựng, ban hành và thực thi văn bản quy phạm pháp luật. Lạ lùng là, khi tìm hiểu chúng tôi mới biết, trên thực tế, vấn đề này lại còn nhiều bất cập đến thế...

Trao đổi với PGS-TS Nguyễn Kim Việt - viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia Bạch Mai cho biết: "Đối với những trường hợp bắt buộc điều trị rất phức tạp vì liên quan đến tính pháp lý. Buộc một người vào viện tâm thần chữa bệnh phải qua giám định năng lực hành vi tại tuyến tỉnh, hoặc tuyến Trung ương. Những bệnh nhân tâm thần phải có sổ theo dõi, có tên trong danh sách quản lý của địa phương. Những bệnh nhân tâm thần đi lang thang, lỗi trước tiên là phía gia đình, sau đó là chính quyền địa phương. Người bắt đầu bị bệnh bao giờ cũng có trạng thái, hành vi khác những ngày thường mà người nhà nhận biết đầu tiên như: Bỗng dưng ngồi im một chỗ, trầm uất, mất ngủ... ở thể nhẹ, được cấp phát thuốc cho điều trị tại gia đình, thể nặng (cuồng sảng, đập phá la hét) phải bắt buộc điều trị như đã nói ở trên. Bệnh nhân đang bị kích động phải cho dùng thuốc ngay để bệnh nhân không bị kích động nào".

Lương Liễu