Về miền Tây, rớt nước mắt với nữ phu bốc vác

Về miền Tây, rớt nước mắt với nữ phu bốc vác

Thứ 6, 31/05/2013 | 10:53
0
Thân hình gầy gò, đôi vai bé nhỏ, các chị, các cô phải vận chuyển hàng tấn lúa gạo từ ruộng đồng vào nhà máy, từ nhà máy lên xe tải và ngược lại. Bốc vác là công việc vất vả, khó khăn, nhưng vì miếng cơm manh áo của gia đình nên họ gắng sức làm bất kể ngày đêm, mặc cho sức khỏe ngày càng giảm sút, bệnh tật hành hạ.

Nữ bốc vác, khoẻ như... nam thanh

Trong một buổi chiều muộn cuối tháng năm, chúng tôi tìm đến khu phố Nhơn Cầu, phường Tân Khánh (TP.Tân An, tỉnh Long An), nơi có hàng chục phụ nữ làm nghề bốc vác. Trong các xưởng xay xát lương thực tại địa phương, tiếng máy chạy ầm ầm xen lẫn bụi cám bay mù mịt, nhưng trên gương mặt các chị, các cô luôn hiện lên niềm vui, họ không quản gian nan, nặng nhọc vác từng bao gạo nặng trĩu trên đôi vai gầy như những nam thanh cường tráng. Tại đây, đội bốc vác nữ đủ mọi lứa tuổi, người nhỏ nhất mới mười tám, đôi mươi, người nhiều cũng ngấp nghé 60. Thậm chí, nhiều gia đình,å cả vợ chồng, con cái đến con dâu đều là công nhân bốc vác. Với người dân xứ sở này, nghề bốc vác là công việc dễ kiếm tiền.

Điển hình như gia đình ông Cao Văn Cẩm (58 tuổi), cả bảy thành viên đều chọn nghề bốc vác thuê để kiếm sống. Nhà nghèo, ông Cẩm học chưa hết lớp năm thì phải bỏ. Lớn lên, ông theo cha mẹ ra đồng cấy mướn. Đến năm 17 tuổi, ông theo đám bạn đi bốc vác lúa thuê cho các chủ điền. Khi lập gia đình, cả hai vợ chồng lại vào các nhà xưởng bốc lúa quanh năm suốt tháng. Ba cậu con trai học hành không thành đạt cũng ở nhà, lại chọn nghề bốc vác. Rồi ngay cả cô con dâu cũng chẳng thể ngồi yên khi thấy mọi người ai cũng nai lưng ra vác từng bao lúa chắt chiu từng đồng, nên đành theo chồng hết leo lên xe lại xuống kho vác từng bao gạo.

Nhờ có thâm niên trong nghề gần 40 năm nên ông Cẩm rất được các chủ xưởng tin cậy và giao cho làm tổ trưởng kiêm quản lí đội bốc vác cả nam và nữ ở khu phố Nhơn Cầu. Mỗi khi có hàng, chính ông là người điều động quân và được cầm lương để chi trả cho người lao động.

Xã hội - Về miền Tây, rớt nước mắt với nữ phu bốc vác

Tuy nhiên, ở khu phố Nhơn Cầu không phải ai cũng may mắn như gia đình ông Cẩm, bởi làm nghề bốc vác nông sản thuê mang tính mùa vụ. Vào độ thu hoạch lúa, ngô..., các chủ xưởng cần rất nhiều nhân công để bốc vác hàng lên xe, vào xưởng và ngược lại, nên các chị em có công ăn việc làm thường xuyên. Đối với họ, như thế là vui nhất, vì có tiền để trang trải cuộc sống gia đình. Do vậy, phụ nữ dù có lao động trong môi trường bụi bặm gấp nhiều lần ở ngoài, nhưng chưa bao giờ các chị biết trang bị đồ bảo hộ lao động và cũng không bao giờ than thở. Cuộc sống khốn khó, một khi xe hàng vừa đến, tổ trưởng chỉ ới một tiếng là các chị chỉ kịp khoác lên mình chiếc áo rộng thùng thình và một chiếc khẩu trang mỏng manh rồi nghiêng vai đỡ từng bao gạo gần như gấp đôi trọng lượng của cơ thể đi phăng phăng vào xưởng, ra xe.

Chị Võ Thị Năm (42 tuổi), vừa lom khom vác bao vừa quệt những giọt mồ hôi nhễ nhại, kể: "Làm nghề này ăn mặc kín quá, ngộp lắm. Bốc vác mệt lử, thở còn không ra hơi, huống chi là bịt kín hết mặt mũi, thôi mặc kệ bụi riết rồi cũng thành quen".

Chị Cao Thị Mừng (43 tuổi) có thâm niên 20 năm làm nghề bốc vác thuê cho biết: "Ai cũng nói phụ nữ thì phải làm việc nhẹ nhàng nhưng vì miếng cơm manh áo nên phụ nữ ở xứ này đành cắn răng chịu đựng thôi. Tôi nói thiệt phụ nữ chúng tôi không thua gì đấng mày râu đâu. Đàn ông vác từng nào tụi tôi cũng vác từng đó. Vì vậy, tiền lương của nữ và nam đều ngang bằng nhau. Tuy nhiên, chị em phụ nữ sức chịu đựng không bằng đàn ông vì căn bệnh thấp khớp, đau mỏi các cơ hành hạ nhất là vào những ngày bị bệnh phụ nữ việc đi lại càng khó khăn hơn. Những lúc như thế về  tới nhà phải nhờ chồng, nhờ con bóp vai, xoa dầu giúp thì ngày mai mới có thể tiếp tục đi làm". 

Xã hội - Về miền Tây, rớt nước mắt với nữ phu bốc vác (Hình 2).

 Chị Cao Thị Mừng về nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi (Ảnh Quyên Triệu)

Vất vả nhưng vẫn lo sợ mất việc

Biết rằng, nghề bốc vác chỉ dành cho phái mạnh, nhưng vì cuộc sống, vì gia đình, con cái nên các chị phải oằn đôi vai gầy để đỡ lấy hàng chục tấn lúa gạo đưa về nhà xưởng rồi lại vác lên xe tải từng hạt cám, hạt gạo đưa đến mọi miền quê. Các chị làm nghề bốc vác khi mái đầu còn xanh đến khi tóc đã điểm bạc. Họ miệt mài lao động không quản ngại ngày đêm, tuổi tác, xuống sắc, bệnh tật hành hạ.

Tại khu phố Nhơn Cầu có ít nhất gần 100 nữ làm nghề bốc vác. Một ca làm việc trọn vẹn của những phụ nữ ở khu phố Nhơn Cầu là 12 tiếng đồng hồ (từ 7h tối đến 7h sáng hôm sau). Mỗi một ca như thế, các nữ bốc vác sẽ được trả 200-250.000 đồng, tùy theo trọng lượng nặng nhẹ của từng loại mặt hàng. Để có thời gian cho các nữ nhân công về nghỉ ngơi, các nhà xưởng sẽ chia thành 2-3 ca để thay phiên nhau.

Chị Cao Thị Mừng tâm sự: "Buổi sáng, đi làm về tới nhà là chân tay rã rời, đôi vai mệt mỏi, tôi chỉ kịp tắm rửa, ăn vội miếng cơm rồi lăn ra ngủ. Sau đó, lại lo ra quán gần nhà mua đồ ăn về làm bữa tối và đồ ăn mang vào xưởng cho ngày làm việc tiếp theo. Cũng chính vì cha mẹ đi làm quần quật suốt ngày, không có thời gian quan tâm đến việc học hành của con, nên đứa con trai lớn năm nay 16 tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường bỏ bê việc học. Chỉ còn vài tháng nữa là học xong cấp hai, nhưng sức học sa sút nên nó xấu hổ với bạn bè đành ở nhà luôn. Nó chưa đủ tuổi để đi làm công ty ở các thành phố lớn, nên lại theo chân cha mẹ làm nghề bốc vác, cứ thế cuộc sống như một vòng luẩn quẩn không có lối thoát".

Có người đã là bà ngoại, bà nội, có tới mấy mặt cháu, nhưng vẫn chưa thể nào bỏ nghề bốc vác. Với họ, một khi đã nghỉ nghề này thì chẳng có công việc gì để làm, điều đó đồng nghĩa với việc không có thu nhập để chi tiêu trong cuộc sống hằng ngày. Không giấu nổi sự vất vả, bà Trần Thu Hoa (56 tuổi) giãi bày: "Chồng mất sớm để lại cho tôi hai ba đứa con. Hơn 10 năm nuôi nấng các con, giờ đây cả ba đứa đều yên bề gia thất, nhưng cuộc sống của chúng còn thiếu thốn. Chúng nó nai lưng ra đi làm suốt ngày còn chưa đủ nuôi con thì làm sao mình dám làm phiền chúng chứ. Tôi còn sức thì cố gắng làm, đến khi nào không có ai thuê bốc vác nữa mới dừng".        

Bị thương vẫn phải đi làm

Ông Phan Văn Chín, trưởng khu phố Nhơn Cầu (phường Tân Khánh, TP.Tân An, Long An) tâm sự: "Nhìn các bà, các chị vác từng bao lúa, bao gạo đi nhanh nhẹn, ai cũng tưởng đơn giản. Thực ra, công việc rất cực nhọc, đòi hỏi người làm phải có sự kiên nhẫn cao. Có nhiều trường hợp chỉ vì một phút bất cẩn là bị cả kho lúa gạo đè lên người, gây thương tích. Song trong nhà không có nổi một kí gạo, cân đường, chai mắm, họ lại phải nai lưng ra bốc vác để kiếm tiền nuôi con".      

Quyên Triệu

Đội dân phòng cơ động toàn các bóng hồng

Thứ 5, 03/01/2013 | 16:19
Từ trước đến nay, nhắc đến đội dân phòng cơ động, người ta thường nghĩ ngay đến công việc dành cho nam giới. Thế nhưng ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) lại có một đội dân phòng cơ động là các cô gái dân tộc thiểu số.

Đời tủi cực của bóng hồng khi ông trùm sa cơ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:56
Nhiều “ông trùm” thoát chết và được đặc xá ra tù trước thời hạn, nhưng có nhiều "ông trùm" giờ đã "yên ổn" dưới ba tấc đất, những bóng hồng của họ vẫn phải tiếp tục sống, tiếp tục mưu sinh. Cuộc sống của họ như thế nào khi không có "ông trùm"?

Góc khuất chưa biết về những bóng hồng "lơ xe" bus

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Mỗi ngày, họ phải thức dậy từ lúc 5h sáng đến nhận xe vào ca sáng, 11h 12h đêm mới từ bến trở về nhà. Điều đó đã trở thành thông lệ với những người phụ nữ làm nghề phụ xe trên xe bus

Những bóng hồng trong làng bói toán Sài Gòn xưa

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Trong làng bói toán xưa, rất nhiều bóng hồng đã trở thành "thầy bói", được tin cẩn và được nhiều chàng trai "trồng cây si".