Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi dọc sông Hồng

Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi dọc sông Hồng

Thứ 4, 08/05/2013 | 15:51
0
Ít ai biết rằng, mảnh đất ven sông này còn ẩn chứa rất nhiều cổ vật từ hàng ngàn năm trước.

Những "nhà khảo cổ nông dân"

Nhiều người vui miệng gọi những người sống trên triền sông Hồng ở xóm Chùa, xã Kim Lan là những "nhà khảo cổ nông dân". Ở xóm chài này, những người thợ chài lưới hay những người nông dân họ đều là những nhà khảo cổ tài ba.

Lạ & Cười - Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi dọc sông Hồng

Bảo tàng mini của ông Nguyễn Việt Hồng

Không cần phải lặn xuống đáy dòng sông, không cần đào xới, họ - những nhà khảo cổ nông dân lượm nhặt được những mảnh gốm, đồng tiền, những vật dụng trong sinh hoạt của người đời xưa trong quá trình lao động thường nhật về nghiên cứu. Người già trong xóm kể rằng, từ thời cha ông, các cụ vẫn thường được nghe kể về ngôi làng gốm Kim Lan có tuổi đời hàng nghìn năm. Tuy nhiên, câu chuyện về làng gốm phát triển hưng thịnh đến đâu, có từ bao giờ đến nay  vẫn là một dấu hỏi lớn.

Người dân Kim Lan kể rằng, khoảng chục năm trở lại đây, bãi bồi ven sông sụt lở mạnh, làm phát lộ nhiều di vật cổ. Trẻ con đi chăn bò có khi nhặt được cả hũ tiền cổ, có cả những đồng tiền có niên đại từ năm 118 trước Công nguyên (TCN). Về sau, xã lập ra một đội các cụ đi "tìm lại cội nguồn của làng". Họ tỉ mẩn nhặt nhạnh các di vật, cổ vật và xin lại đám trẻ con những đồng tiền ấy để tìm hiểu.

"Khoảng những năm từ 1945- 1975, mảnh đất xóm Chùa, Kim Lan bị nước sông Hồng liên tục xói mòn. Nước sông Hồng đã xói lở đi khoảng 200 mét đất làng tôi tính từ mép sông bây giờ trở ra. Từ năm 1945 đến 1969 nước sông đã "kéo" tụt mất năm xóm xuống sông. Trong quá trình bào mòn của tự nhiên, vô tình đã lộ ra dưới lớp đất vô số những cổ vật. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học có những mảnh gốm và đồng tiền đã tồn tại hàng nghìn năm trở về trước", ông Nguyễn Việt Hồng, người dân xóm Chùa cho biết cái lý do để ông có hẳn cả một bộ sưu tầm cổ vật đồ sộ.

Lạ & Cười - Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi dọc sông Hồng (Hình 2).

Bộ tiền cổ của nhà khảo cổ nông dân ở Kim Lan

Cơn lũ vào tháng 8 năm 1971 đã làm vỡ đê sông Hồng và đó là cơn lũ lớn nhất trong vòng 250 năm nay ở miền Bắc. Một lần nữa nước sông Hồng lại đẩy lùi làng Kim Lan vào sâu hơn nữa. Sau khi nước rút đi lại lộ ra một loạt cổ vật khác nữa. Năm 1996, đám trẻ con chăn trâu ngoài bãi phát hiện ra một hũ tiền nặng khoảng chục kg đem đi bán sắt vụn.

Những trận lũ lớn qua đi, nước rút, dưới lòng đất Kim Lan tiếp tục lộ ra những mảnh gốm. "Mỗi mảnh một kiểu dáng, một màu men không giống nhau.  Điều khiến tôi kinh ngạc không chỉ vì phát hiện ra ông cha mình làm gốm từ rất lâu rồi, mà còn làm ra những sản phẩm rất tinh xảo"- ông Hồng cho biết thêm.

Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi

"Tham quan" bảo tàng cổ vật của ông Hồng, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều cổ vật có giá trị. Trong mớ tiền xu cũ kỹ được ông gói trong một túi nilon tưởng như vứt đi đó có cả những đồng tiền Trung Quốc từ đời Đường, Tống. Đặc biệt có hai đồng ghi là "Thái bình hưng bảo", "Thiên phúc chấn bảo" được đúc từ năm 179 TCN thời Hán Văn Đế được ông ép platic và ghi chú niên đại cẩn thận. Có cả đồng Tường Phù được đúc năm 1008 thời nhà Tống và vô số đồng tiền Việt từ thời nhà Đinh.

Lạ & Cười - Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi dọc sông Hồng (Hình 3).

Một chiếc chìa vôi chưa xác định được niên đại

Sau hơn vài chục năm âm thầm tìm kiếm, lão nông Nguyễn Việt Hồng hãnh diện khoe với chúng tôi: "Bây giờ tôi đang sở hữu cả vài hũ tiền Khai nguyên thông bảo, Hoàng tống thông bảo, Thiên phúc chân bảo... và hàng nghìn di chỉ gốm, sành thuộc các niên đại thế kỷ XI - thế kỷ XVII. Từ đồ gốm thời Đường thế kỷ VIII - IX, thời Trần thế kỷ XIV cho đến các loại đồ gốm thời Lê, Mạc thế kỷ XVI...".

Với ông Hồng và những người dân xóm Chùa, sưu tầm cổ vật không phải để kiếm tiền mà để lưu giữ và luôn luôn đau đáu đi tìm câu trả lời cho những mảnh gốm, làm sáng tỏ phần lịch sử làng bị thời gian che phủ. Làng Kim Lan có tự bao giờ, tên làng từ đâu mà ra và mang ý nghĩa hay không? Làng Kim Lan có một ngôi đình và bốn miếu, vậy đình và miếu đó thờ những ai và những vị đó có công gì với làng, với nước? Tổ tiên của làng đã tồn tại và phát triển như thế nào trong dòng chảy của lịch sử dân tộc?

Lần tìm về sử làng, theo bản Ngọc phả, làng Kim Lan ít nhất có từ thế kỷ thứ IX. Đình miếu Kim Lan thờ Đại vương Cao Biền, Trạc Linh, Trử Việt và Thành hoàng Thạch Việt cùng phu nhân Trần Khát Hòa Phương Dung. Tổ tiên của người Kim Lan chủ yếu sinh sống bằng nghề sản xuất sành gốm sứ và đất nung.

Còn nhớ, năm 2001, viện Khảo cổ học Việt Nam, sở Văn hóa Thông tin Hà Nội phối hợp với quỹ Bảo vệ Di sản Văn hóa dưới lòng đất của Nhật Bản đã tiến hành khai quật khu di chỉ gốm sứ Kim Lan. Tại khu vực bờ sông đã tiến hành đào ở ba điểm. Điểm 1 đã phát hiện các rãnh lò chứa nhiều đồ gốm, đồ sành trong đó có nhiều mảnh gốm sứ cao cấp có niên đại từ thế kỷ X đến XIV. Tại điểm 2 đã tìm thấy một lò rộng... Tại điểm 3 đã tìm thấy một nền kiến trúc cổ hình chữ nhật, một phần đã lở xuống sông. Kiến trúc nền có diện tích 20x10m, được bồi đắp cát, bề mặt có rải nhiều mảnh vỡ gốm sứ.

Ngôi làng có nhiều di tích cổ

Qua các cuộc khảo sát, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hàng nghìn mảnh gốm sứ. Trong các di vật, đáng chú ý là một âu gốm đường kính 12cm, cao 10,5cm, quanh âu là những cánh sen. Tại đây, lần đầu tiên tìm thấy một mảnh vỡ của đĩa có đường kính 50cm, cao 9cm, quanh lòng trang trí dây leo, hoa cúc, ở giữa có hình phượng. Đĩa phủ men màu búp lá dong. Ngoài ra còn tìm thấy một đĩa méo đường kính 26cm, cao 8cm, men trắng và dụng cụ sản xuất có khuôn cốt bằng gốm đường kính 17cm. Từ cốt này, người thợ mới vẽ họa tiết hoa văn để in vào lòng bát. Với những di vật phong phú thu được trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ khẳng định Kim Lan là một làng cổ có tuổi đời từ 1.000 đến 2.000 năm.

Nhật Tân

Nỗi buồn ở làng cổ vật hiếm có giữa rừng già

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:46
Nhiều năm trở lại đây, người dân làng A Điêu (xã Arooi, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) trở thành một trong số điểm nóng cho giới chuyên săn tìm đồ cổ.

Ký ức ngôi làng cổ từng bị thảm sát đẫm máu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:45
Ngôi làng cổ Hòa Mục (phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) nằm cạnh dòng sông Tô Lịch đã từng hứng chịu những ân oán, bi ai trong lịch sử.

Ngôi làng cổ độc nhất có nguy cơ bị xóa sổ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
Thổ Hà nổi tiếng khắp cả nước là một ngôi làng cổ độc đáo, thế nhưng, những ngôi nhà cổ đã và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn.

Ngôi làng cổ độc đáo giữa lòng Thủ đô

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:44
Làng cổ Đông Ngạc có tên khác là làng Vẽ (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), đang lưu giữ hơn 100 ngôi nhà cổ trên 100 tuổi, cùng nhiều giá trị văn hóa, văn vật khác.