Về nơi dân cư giao dịch hành chính bằng điểm chỉ

Về nơi dân cư giao dịch hành chính bằng điểm chỉ

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:52
0
Có em 12 tuổi cũng chỉ biết viết tên mình, có em 17 tuổi cũng chỉ biết số đếm khoảng gần 1 năm nay.

Xóm Bà Phó (thôn Phước Hiệp, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) có gần 30 hộ dân nhưng số người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nam nữ trong làng lấy nhau đều điểm chỉ vào giấy kết hôn, trẻ em đến tuổi đi học vẫn không được đến trường.

Dù trời giữa trưa nắng gắt nhưng lũ trẻ trong xóm nhỏ này vẫn kéo nhau ra mương nước đen ngòm, nổi lềnh phềnh rác chảy quanh những ngôi nhà lá tạm bợ để câu cua. Bé Thảo (12 tuổi) móc mồi vào lưỡi câu một cách thành thạo rồi nói về ước mơ của mình: "Con thích đi câu lấy tiền về mua gạo cho mẹ nhất vì cả ông và bố con đều làm nghề này. Con học 5 năm mới lên được 3 lớp, tới lớp 3 thì má cho nghỉ. Giờ con chỉ biết viết tên của mình thôi".

Xã hội - Về nơi dân cư giao dịch hành chính bằng điểm chỉ

Trẻ em xóm Bà Phó lên 10 tuổi đã đi mưu sinh kiếm sống

Chị Nguyễn Thị Phượng (39 tuổi) - mẹ bé Thảo cho biết: "Vợ chồng tôi không ai biết chữ cả. Anh trai bé Thảo dù đã 17 tuổi nhưng cũng chưa được đến trường dù chỉ một ngày. Nó chỉ mới biết số từ hơn một năm nay. Trước đây đi câu về, mang cá ra chợ bán, ai đưa cho bao nhiêu thì nó lấy bấy nhiêu, chẳng biết số tiền lớn nhỏ thế nào". Chị Phượng cũng giống như người dân xóm Bà Phó này, quanh năm chỉ biết bám vào con nước của dòng sông Thị Vải, sông Lớn, sông Cá Cháo, rạch Ngã Ngọn để mưu sinh. Ai dư dả thì sắm được con ghe nhỏ đi đánh bắt cá tôm, những người nghèo khó hơn thì đành đi mò cua, bắt ốc, phu hồ…

Lũ trẻ ở đây cứ độ 10 tuổi đã kiếm ra tiền. Không đi te (đánh bắt ở sông) thì đi cào (đánh bắt ngoài biển) hoặc đi câu, đi đào chem chép, đi đập hàu. Mỗi ngày như thế, nếu may mắn mỗi đứa kiếm được 40-60 ngàn đồng. "Đi làm vừa có tiền, vừa không phải đi học, không phải tốn 750 ngàn đóng tiền trường" - lũ trẻ hồn nhiên nói.

Theo ước lượng của chị Phượng, xóm Bà Phó có gần 20 đứa trẻ trong độ tuổi tới trường nhưng chỉ có 3 đứa là được đi học, còn lại đều không biết chữ, cứ lớn khoảng 10 tuổi là đi te cho người ta. "Bọn tôi đều mù chữ, lại nghèo nên chẳng thiết tha gì việc cho con đi học. Thấy xã thông báo sẽ mở lớp học lớp xóa mù chữ để xin làm xí nghiệp mà tụi tôi chưa được tham gia. Trên xã về đo đạc đất đai, quy hoạch gì gì đó để dân được lên bờ như người Xóm Mới, mà đợi hoài chưa thấy" - chị Phượng trầm ngâm.

Không chỉ chị Phượng mà người dân và lũ trẻ xóm Bà Phó đều chung một khao khát: Được xóa mù chữ, được lên bờ theo diện tái định cư như người dân Xóm Mới. Năm 1998, Nhà nước chủ trương di dời toàn bộ số dân sinh sống bên ngoài đê vào đất liền. Nhưng tới nay sau hơn 10 năm, cuộc sống của người dân nơi đây nghèo vẫn hoàn nghèo. Một người dân Xóm Mới cho biết: "Xóm có hơn 200 hộ nhưng có trên 100 hộ đã bán đất, bán nhà lấy tiền tiêu. Có người phải ở trọ trên chính ngôi nhà của mình. Không ít người có ý định quay trở lại bờ sông".

"Từ khi di cư vào bờ, dân ở đây cũng ráng cho con học hết lớp 3, lớp 4 để biết chữ rồi nghỉ học đi làm mướn. Nhưng học trước quên sau, bố mẹ thì mù chữ sẵn có biết đâu mà dạy cho con, thành ra cả làng thất học. Ra ủy ban xã, làm đơn từ gì cũng phải nhờ người biết chữ viết, rồi điểm chỉ vào"- chị Hồ Thị Bích (46 tuổi) tâm sự.

Chiều vàng vọt. Ghe tụ về đậu kín sau xóm nhỏ. Những người phụ nữ xóm Bà Phó lại bế con ra mé rạch trông ghe. ánh mắt họ thấp thoáng niềm vui khi thấy mớ cá tôm kha khá đưa về. Cạnh đóỏ, lũ trẻ hét toáng lên khi bé Đen câu được con cua lớn…

Người dân chưa nhận ra lợi ích của học chữ

Ông Nguyễn Ngọc Thanh, bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa, cho hay: "Xóm Mới và xóm Bà Phó là hai khu vực có trình độ học vấn thấp nhất xã. Đảng ủy đã dùng nhiều biện pháp như mở lớp phổ cập, lớp xóa mù cho dân nhưng số lượng tham gia rất thấp. Người dân không nhận ra lợi ích lâu dài của việc học, chỉ muốn làm mướn để kiếm ăn qua ngày. Chúng tôi cũng đang hoàn tất thủ tục để di cư người dân xóm Bà Phó vào bờ theo diện tái định cư”.

Ngoài ra, theo ông Trần Tiến Hằng, phó chủ tịch văn hóa xã Tân Hòa cho biết, 3 tháng đầu năm, trên toàn xã riêng học sinh cấp II đã 42 em nghỉ học, chúng tôi đã tổ chức vận động cho trẻ đi học lại nhưng gặp rất nhiều khó khăn do gia đình các em quá nghèo.

Hải Nam