Về nơi miệt vườn,“nhậu nhà lá”... ở đất “Công tử”

Về nơi miệt vườn,“nhậu nhà lá”... ở đất “Công tử”

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
0
Con đường dẫn từ thị trấn Ngan Dừa của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đến xã Ninh Hòa chỉ chừng 5km nhưng có đến hàng chục quán nhậu mọc san sát nhau. Đặc biệt, nơi đây còn có rất nhiều tụ điểm massage mọc lên.

Về miệt vườn, "nhậu nhà lá"

Dân nhậu nơi đây gọi đi “nhậu ôm” là nhậu nhà lá, vì tất cả các quán ấy đều được lợp bằng lá dừa nước. Mang tiếng nhà lá nhưng tên các quán nghe rất sang trọng: A. à, L, D.M., T.Q., H.P., 1.8, T.T., (thuộc ấp Kinh Xáng xã Lộc Ninh); C.M., 7.7, T.T., 4.7, (ấp Ninh Thạnh 2, xã Ninh Hòa); còn tên các đào cũng đẹp, mỹ miều khỏi chê. T., một tay chơi khá sành sỏi cho biết: Phần đông các cô gái phục vụ nơi đây đều từ các tỉnh thành kề cận dạt sang.

Họ hoạt động ở nơi khác nhưng sau một thời gian khách đã quá quen mặt quen mùi họ sẽ luân chuyển. Với khách nơi mới đến, họ được xem là hoa lạ, là hàng mới nhưng thực chất là hàng cũ, có khi quá đát thuộc vào loại “bướm chán ong chê” của nơi khác dạt về.

Chiều nhạt nắng, tôi theo chân T. tạt vào một quán nhậu bình dân có cái tên khá mỹ miều. Quán nằm ngay chân con lộ nhựa chạy dọc theo con sông thơ mộng với rừng dừa nước xanh vời vợi. Một người phụ nữ vừa nằm trên võng đung đưa vừa ngâm nga mấy câu vọng cổ than thân trách phận nghe thật não nề. Nghe tiếng xe chúng tôi tiến vào quán, chị ta ngoái đầu nhìn ra và điệu đà bước xuống.

Bà chị luống tuổi, người phổng phao, giọng ngọt xớt: "Con Hồng, con Thanh đâu có mấy anh ghé thăm nè”. Ý ới xong, bà chị nhìn chúng tôi ra chiều vui vẻ: "Ở đâu mà bảnh trai quá hén”, rồi cười duyên, ánh nhìn đưa đẩy, ngúng nguẩy đi thẳng vào nhà sau. Ngày cuối tuần nhưng quán không có lấy một bóng người. T. giải thích: "Ở đây đa số khách vào quán nhậu là nông dân nên phải đợi đến chiều tối khi họ đi làm đồng (làm ruộng) về mới có độ".

Xã hội - Về nơi miệt vườn,“nhậu nhà lá”... ở đất “Công tử”

Ảnh minh họa.

Từ phía sau nhà, hai em thôn nữ xuất hiện. Gương mặt họ như vừa mới ngủ dậy, đầu tóc còn rối bù, mặt mũi đờ đẫn. Một em nhìn chúng tôi với ánh mắt e thẹn nhưng miệng cứ ngáp dài nhăn nhó. "Hai đứa đi rửa mặt nhanh còn vào tiếp khách. Con gái con đứa gì mà ỉu xìu", bà chị gặp lúc đầu nói to tỏ ra bực bội trước điệu bộ không mấy quyến rũ của hai nữ nhân viên. Bà liền giải thích: "Mấy cưng thông cảm, tụi nó ngủ như vậy mới có sức mà chiều mấy cưng chớ"...

Căn phòng chúng tôi ngồi ở cuối dãy. Nó là một căn chòi được ngăn với các phòng khác bởi những tấm vách lá dừa nước. Dư âm của tiệc rượu đêm trước vẫn còn. Mùi nước mắm, mùi rượu, mùi thức ăn, xen lẫn mùi hôi khó chịu đến sặc mũi. Thực đơn quán có giá khá mềm và hầu hết đều là đặc sản cây nhà lá vườn của miệt thôn quê: Rắn, lươn, ếch, kèo, trạch, lóc,... Chẳng mấy chốc, hai em thôn nữ bước ra trong trang phục đồ bộ vải mềm đầy gợi cảm. Gương mặt hai em đượm chất phù sa và không hề phấn son lòe loẹt như những "đồng nghiệp" trên Sài Gòn vốn đi đường hay gặp.

Ngồi gần các em, chỉ phảng phất hương thơm của dầu gội bồ kết toát lên từ mái tóc. Một đặc sản hương đồng gió nội chính hiệu. Cô gái tên Hồng được phân công "chăm sóc" tôi liến thoắng quảng cáo: "Anh gọi món cá trạch nướng chấm mắm me nhắm với bia đi, trưa nắng ăn thịt cá trạch uống bia mát mình và sung nữa". Nói xong em nhìn chúng tôi, che miệng cười đầy ngụ ý. Lấy cớ khoái khẩu rượu, người đẹp lại giới thiệu thêm một món lẩu lươn nấu mẻ. Cuộc nhậu bắt đầu bằng chai rượu chuối hột và món khai vị là đĩa trái cây thập cẩm: Mận, xoài, cóc, ổi,... Tiệc rượu bắt đầu. 2 ly nhỏ rót đầy uống theo kiểu cặp bồ. Ai ngồi với nàng nào sẽ uống cùng nàng ấy và xoay tua theo kiểu đổi đào, chàng này uống với đào của chàng kia. Hai nàng uống rất ngọt, không hề nhăn nhó.

Thoáng chốc, món trạch nướng và nồi lẩu lươn nghi ngút khói được dọn ra. Rau muống đồng, rau rút, so đũa, bông súng sạch sẽ trông thật ngon lành. Dù mồi ngon đã được dọn ra nhưng điều đặc biệt là các nàng chỉ nhiệt tình uống rượu với trà đá chứ không nhiệt tình ăn. Chúng tôi cứ năn nỉ mãi hoặc cho mồi vào chén thì họ mới chịu ăn nhưng cũng ăn rất ít. Tôi lấy làm lạ thì Thanh giải thích: "Chủ không cho tụi em ăn nhiều khiến khách không ưa. Ăn nhiều, tụi em còn mang tiếng tham ăn, phá mồi nữa”. Phong cách ăn, nói, uống rượu các cô rất vừa phải nhưng tay chân thì luôn biết cách cọ cựa, âu yếm khiêu khích khiến thực khách luôn phải đỏ mặt.

Trong quán có 5 nhân viên nữ phục vụ. Nếu khách đông, không đủ đào, bà chủ sẽ mượn đào của mấy quán khác. Hồng buồn rầu than thở: "Có hai đứa làm ở đây nhưng mới về Vị Thanh (Hậu Giang) làm đám cưới rồi. Nó làm ở đây, có thằng gặt lúa mướn chết mê chết mệt nên hốt về làm vợ luôn". Tôi hỏi: "Vậy anh chàng đó có biết vợ từng làm gái không? "Có chứ. Thằng đó hiền, cù lần lắm. Nhưng con nhỏ khéo nói lắm. Mà ba má nó cả đời cũng đi gặt thuê nên cũng tin theo và làm đám cưới liền", Hồng trả lời. Nói chuyện với chúng tôi, Thanh thoáng buồn: "Không biết con N. về đó có chịu đi gặt mướn không chứ ăn nhậu quen rồi chịu vất vả làm sao cho nổi". Nghe vậy, Hồng lả lơi chen vào: "Nó đi gặt hổng nổi chứ cho "chồng gặt" thì nổi à nghe. Cái đó hơi bị nghiền đó”. Nói xong hai cô nàng cười phá lên.

Lai rai thêm vài xị, Hồng kể, đã đi làm qua nhiều tỉnh, quen biết rất nhiều người có cùng cảnh ngộ nghèo khó, phải đi làm nghề này để kiếm tiền gửi về cho cha mẹ và mấy đứa em ăn học. Nghề của tụi em chỉ mong sau này kiếm được một tấm chồng tốt rồi cùng nhau làm ăn sinh sống là mãn nguyện lắm rồi. Ai sống hết đời với nghề này được hả anh. Hồng ngậm ngùi tâm sự còn Thanh cứ nhìn xa xăm ngoài vườn, nơi đó có rất nhiều hoa dại.

Xã hội - Về nơi miệt vườn,“nhậu nhà lá”... ở đất “Công tử” (Hình 2).

Một quán nhậu bình dân đặc sản ca cổ ở đất Công tử Bạc Liêu.

Gió đưa bụi chuối sau hè...

Đa số những người làm việc như Hồng trong các quán ở đây đều đã làm vài ba nơi khác. Hồng lý giải: "Tụi em phải đổi chỗ liên tục vì khách sẽ quen mặt. Hàng cũ quá họ chán lắm anh ơi. Theo tìm hiểu, hầu hết các cô gái làm ở các quán chỉ được bao ăn bao ở. Thu nhập chỉ trông vào tiền bo của khách. Khách sộp thì cho 100, hiếm lắm 200, nhưng đa số đều bo 50 ngàn đồng cho vài giờ ăn nhậu. Và để có được 50 ngàn các nàng phải uống rất nhiều, có khi cả rượu lẫn bia.Một ngày họ có từ 2 - 4 tăng (lượt tiếp khách - PV) và phải nuốt vào bụng hàng chục chai bia và khoảg 2 lít rượu. Mà quê nghèo, đa số khách là nông dân nên uống rượu quen rồi. Có cô chịu không nổi phải ra móc cổ nôn thốc nôn tháo rồi vào uống tiếp. Không uống thì khách không được vui, các cô không có thu nhập, nhưng quan trọng là càng uống nhiều chủ càng có lợi vì bán được nhiều rượu bia và thức ăn.

Màn đêm buông xuống. Khách ở các phòng bên cạnh đã ngà say. Câu chuyện của họ lúc này trở nên lộn xộn, bỗ bã sặc mùi nhục dục. Thoáng ngoài cửa phòng, một vị khách đứng tuổi được một nàng dìu ra sau hè của quán nhưng sau một hồi lâu vẫn không thấy họ dìu nhau trở vào. Tôi lấy cớ đi vệ sinh và lẻn ra sau quán. Đêm phương Nam hôm ấy đặc quánh sao trời. Gió từ ngoài sông thổi vào miên man, mát rượi. Từ những đám cỏ quanh nhà những tiếng côn trùng cứ vọng lên nghe sầu não nuột. Dưới ánh sáng lờ mờ của ánh đèn dây tóc hắt qua khe cửa, hai cái bóng đen đang quấn mình trong bụi chuối ngả nghiêng.

Từ phía sau, Hồng vỗ nhẹ vai và nói khẽ với tôi: "Tí đi với em nghen, giờ vào uống tiếp đi. Đó là mối quen của nhỏ Nhung. Chắc hôm nay túng nên hai người liều ra đó giải quyết".

Trở vào trong, Hồng không chút nghi ngại: "Thấy mấy anh cũng đàng hoàng nên em lấy 200 cho 2 tiếng, qua đêm 500. Nhà nghỉ gần ngay đây nè, tiền phòng mấy anh lo". Chúng tôi lấy cớ có bạn gọi tăng hai nên xin hẹn lần sau và từ giã ra về.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các chủ quán đều là người từ nơi khác đến. Họ thuê một mảnh đất rồi cất nhà tạm, ngăn phòng để bán đồ nhậu. Một người địa phương là chủ đất của một quán nhậu cho biết: "Ban đầu khi thuê, họ bảo bán quán nhậu chứ đâu biết là “nhậu ôm”. Nhưng hợp đồng đã ký mình lấy lại sao được. Đành chịu mang tiếng cho họ mướn đến hết thời hạn vậy...

Bạt Phong