Về thăm làng... rác

Về thăm làng... rác

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:02
0
Về làng Minh Khai (thường gọi là làng Khoai) ở thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên đâu đâu cũng thấy rác. Nơi đây từ lâu đã hình thành một làng nghề chuyên chế biến nhựa từ rác nên làng Khoai đã trở thành “đầu nậu”, “nơi tập kết” cuối cùng các loại phế thải (chủ yếu là nhựa, vỏ chai nhựa, nilon…).

Chính vì lẽ này mà nhiều năm qua người dân nơi đây đã phải sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng bởi khí độc, rác thải từ làng nghề.

Ra ngõ gặp rác

Đặt chân tới Minh Khai, đập vào mắt chúng tôi là những núi rác thải khổng lồ chất đống cao ngất ngưởng được giăng dọc bờ ao, rãnh thoát nước, kênh mương…Thậm chí tại bất kỳ khoảng đất trống nào của làng cũng đều được người dân tận dụng tối đa làm nơi tập kết, sơ chế, phân loại, đóng ép…các loại phế phẩm nhựa từ khắp các tỉnh đổ về. Những đống rác khổng lồ này luôn tỏa ra mùi hôi thối rất khó chịu và là nơi trú ngụ của hàng loạt loại côn trùng gây bệnh như ruồi, muỗi, gián…

Vườn gia đình nào tại làng Khoai cũng đều chứa những loại rác thải này

Bà Nguyễn Thị Lan- một người dân của làng cho biết, làng Minh Khai có 4 đội, khoảng gần 800 hộ dân nhà nào cũng làm nghề đồng nát. Gia đình nào có điều kiện thì nhập khẩu máy móc về mở xưởng chế biến nhựa từ rác, nhà không có thì đi thu gom đồng nát từ các nơi về bán lại. Có đến khoảng 700/800 hộ gia đình tham gia chế biến nhựa từ rác, tái chế đồ nhựa qua sử dụng. “Người dân chúng tôi ở đây giờ ăn trên rác, làm việc trên rác và ngủ cũng trên rác. Rác ở trong nhà, ngoài đường, trường học, cạnh các bờ tường…Chúng tôi chịu đựng được rác bởi lẽ, nói như mấy ông chủ rác, có rác là có tiền”- người phụ nữ này cho biết.

Theo quan sát của phóng viên, phần lớn những người tiếp xúc với rác đều không chú ý đến việc bảo hộ và bảo đảm an toàn lao động, họ trực tiếp dùng tay, chân để làm việc. Trong khi đó các loại rác phế thải luôn ẩn chứa nhiều độc hại, vi khuẩn nhiễm bệnh. Ngay dọc lối dẫn vào làng cũng thành bãi rác, đủ các loại rác thải mặc sức rơi vãi, bốc mùi hôi thối, thu hút từng đàn ruồi đông đặc bu kín.

Lên đời nhờ rác

Nghề “chế biến rác thải” của làng Minh Khai đã làm cho cuộc sống người dân nơi đây thay da đổi thịt. Những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, những chiếc xe hơi du lịch đời mới đỗ chật đường làng . Giờ đây, khi hỏi làng Khoai hay làng Minh Khai thì ít người biết, những hỏi “làng rác” thì không ai là không biết. Khắp các ngõ xóm, đầu làng chỉ toàn rác là rác. Ấy vậy mà rác đã làm cho đời sống kinh tế ở đây phát triển nhanh chóng. Từ sân đến ngõ nhà nào cũng chứa đầy rác và những cỗ máy để tái chế rác thải thành những sản phẩm mới, xuất đi khắp nơi trong và ngoài nước, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Vườn quả của làng cũng chứa đầy rác

Theo ông Hùng, nếu làng Khoai (Minh Khai) không có nghề tái chế rác thải thì có nằm mơ cũng không bao giờ có tiền xây được những ngôi nhà cao tầng, hay sắm những chiếc ô-tô đắt tiền như phóng viên đã nhìn thấy.

Ông Hùng cho biết thêm, trước kia làng Khoai đói khổ, đi thu mua phế thải về rồi lại bán đi, kiếm mỗi chút lời. Mãi đến đầu năm 2000, khi đó làng chỉ có một vài nhà nhập được thiết bị, tái chế nhựa, rồi đến nay đã hơn 90% người dân trong làng đều có máy tái chế nhựa. Từ sơ chế, chẳng mấy chốc máy thổi, máy cắt được nhập về để trực tiếp làm ra bao bì, sản phẩm nhựa đem bán. Lúc đầu cũng gặp nhiều khó khăn vì chưa quen nghề, thị trường tiêu thụ hạn hẹp nên sản phẩm của nhiều hộ bị chất đống trong nhà. Tuy nhiên, nhu cầu về mặt hàng này ngày càng cao, làng nghề dần khởi sắc, các nơi chở phế liệu về bán cho làng. Kể từ đó, làng Khoai đã trở thành "khu liên hợp" tái chế nhựa từ rác vào loại nhất nhì miền Bắc.

Hiểm họa từ rác

Mặc dù đời sống người dân được nâng cao và cải thiện đáng kể nhờ rác nhưng hiểm họa của nó thì không phải ai cũng có thể lường trước được. Do môi trường bị ô nhiễm lâu ngày nên tình trạng sức khỏe của người dân nơi đây rất đáng lo ngại, hầu hết người dân trong làng bị mắt bệnh về hô hấp, da liễu bị giảm thị lực, thính lực…

Con đường vào làng cũng chứa đầy rác

Theo tìm hiểu của PV, 100% dân làng dùng nước giếng khoan, có những gia đình khoan sâu đến 40-50m mà nguồn nước vẫn không dùng được. Một người dân làm nghề cho biết: "Nước ở đây bẩn, nhiều cặn và có mùi tanh nồng".

Bác sĩ Tuyết thuộc bệnh viện lao phổi Trung ương Phúc Yên cho biết: "Độc tố từ chất thải nhựa cực kỳ nguy hiểm. Người dân hàng này phải hít thở loại khói bụi này sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm da, về lâu dài có thể biến chứng thành ung thư".

Có lẽ không ít người đã đánh giá được tác hại của nghề chế biến rác thải. Tuy nhiên vì đó là một nghề cho thu nhập cao, nên để thoát nghèo, người dân làng Khoai vẫn phải tiếp tục làm việc và sống chung với …rác. “Biết là độc hại, ô nhiễm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chúng tôi ở đây đang bất chấp hậu quả lâu dài về môi trường, cứ sống và vật lộn mưu sinh cùng… với rác”- một người dân tại Làng cho biết.

Thế Toàn